Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Bản tin ngày 27-9-2018

Bản tin ngày 27-9-2018

Quốc tang Trần Đại Quang
Việt Nam chính thức bắt đầu lễ quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong hai ngày, 26 và 27/9/2018, tại Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội. Lễ an táng được tổ chức vào 15 giờ 30 phút, ngày 27/9 tại Nghĩa trang huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Trong hai ngày này, các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí. An ninh thắt chặt trong hai ngày lễ này.
Báo chí trong nước đưa tin, có 1.500 đoàn trong nước, quốc tế viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ông Đỗ Thành Nhân có bài: Nên tin hay không? Ông Nhân xem ti vi rồi tính, tối đa một ngày nhà tang lễ chỉ có thể đón được 150 đoàn tới viếng. Ông Nhân kết luận: “Biết đâu, đám tang Chủ tịch nước lại có thêm một kỷ lục thế giới mới!”
Cũng chuyện tang lễ, một bức ảnh chụp người thân trong gia đình ông Trần Đại Quang đã được chia sẻ rất nhiều trên mạng, trong đó cô gái đeo khăn tang được cho là con gái của ông Quang, có ánh mắt mang hình viên đạn. Tác giả Trần Thảo có bài: Ánh mắt oán thù của người nhà ông Trần Đại Quang tại tang lễ. Ông Thảo viết: “Dù không biết rõ quan hệ giữa cô thế nào với ông Quang, nhưng tôi cảm thấy rợn tóc gáy khi có cảm giác ánh mắt ấy có thể cô đọng thành một viên đạn hận thù!
Ánh mắt của những người thân của ông Trần Đại Quang tại tang lễ. Ảnh trên mạng
Nhân quyền ở Việt Nam
Quốc tang không được vui chơi nhưng được xử án. Sáng qua, TAND huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 15 người dân thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”. Các bị cáo ra tòa nhưng không có luật sư. Trong phiên xử chớp nhoáng, 15 thanh niên tuổi từ 18-33, đã lãnh án tổng cộng 52 năm tù.
Đây là 15 người đã tham gia biểu tìnhsáng 11/6/2018 tại xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình. Trước đó, hôm 24/7, tòa án huyện Tuy Phong cũng đã kết án 10 người biểu tình, tổng cộng 27 năm tù. Mời xem clip phiên tòa sáng qua từ báo Thanh Niên:
Video Player
00:00
02:03
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh viết: “Cũng chỉ vì muốn phản đối cái luật đặc khu dẫn đến nguy cơ mất nước, có chút không kiềm chế được cơn nóng giận mà những thanh niên ấy mắc vào vòng lao lý, để gia đình đã nghèo khổ lại càng thêm khó khăn“.
Báo Một Thế Giới đưa tin: Trung Quốc: Sinh viên bị đuổi học vì dám viết ‘không yêu nước’ trên mạng xã hội. Việt Nam thì ngược lại, yêu nước, chống Trung Quốc xâm lược không chỉ bị đuổi học, mà còn có thể bị bắt, bị án tù nhiều năm. Ai không tin thì thử cho con cái của mình, rủ thêm đông đảo bạn bè, mang khẩu hiệu “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” vào trường học thì sẽ biết ngay. Có ngay đây: Yêu nước, biểu tình chống Luật Đặc Khu, bị Hà Nội xử tù.
Cũng tin nhân quyền, phiên tòa xét xử các thành viên nhóm Liên minh Dân tộc Việt Nam tự quyết sẽ diễn ra ngày 5/10/2018. Năm thành viên nhóm này là ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, Phan Trung, Từ Công Nghĩa, Nguyễn Quốc Hoàn bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
LS Đặng Minh Mạnh là người bào chữa cho 5 người này nói với RFA: “Cả nhóm đều bị xét xử về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’. Tội của họ bị ghi vào khoản 1, là tội có hình phạt cao nhất. Theo dõi khoảng thời gian vừa rồi thì thấy chính quyền có xu hướng phạt tội thuộc về an ninh quốc gia rất nặng. Giả sử như vụ ông Lê Đình Lượng, chỉ có một mình ông thôi mà bị tuyên tới 20 năm. Bởi vậy đối với vụ xử anh Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ chúng tôi rất e ngại hình phạt cũng sẽ nặng”.
Bà Lê Thị Thập, vợ của ông Lưu Văn Vịnh, nói: “Gia đình em nhận được thông tin từ luật sư Nguyễn văn Miếng và Đặng Đình Mạnh. Luật sư cho biết sáng ngày 5/10 sẽ xử. Họ chỉ thông báo cho anh Vịnh và cho luật sư biết thôi chứ gia đình họ không thông báo”.
Báo QĐND chống “diễn biến hòa bình”, TBT Trọng chống “thế lực thù địch”
Mục chống “diễn biến hòa bình” của báo Quân đội ND có bài: Không thể xuyên tạc bản chất chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Bài báo lo ngại những nhà hoạt động xuyên tạc chế độ, “lật đổ chính quyền”, như ông Lê Đình Lượng,  Đào Quang Thực, bà Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Tác giả viết: “Các thế lực thù địch trong và ngoài nước gần đây đã tăng cường hoạt động nhằm từng bước chuyển hóa chế độ xã hội ở Việt Nam sang con đường tư bản chủ nghĩa“.
Còn TBT Nguyễn Phú Trọng thì lo “thế lực thù địch”. Tại Đại Hội Công Đoàn Việt Nam lần thứ 12, ông Trọng cảnh báo, không để thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước của công nhân. Ông Trọng nói: “Tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động để kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”.
Thủ Thiêm đã nổi tiếng, không cần thêm nhà hát
Báo Một Thế Giới đưa tin: TP.HCM muốn xây nhà hát hơn 1.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm. Dự án xây nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch “đạt tiêu chuẩn quốc tế” bằng ngân sách thành phố, lên tới 1.508 tỉ đồng, đã được UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM. UBND TP.HCM cho rằng, nhà hát này là công trình văn hóa mang tính biểu tượng và thật sự “cần thiết và cấp bách”.
Thủ Thiêm đã quá nổi tiếng, không cần thêm nhà hát mang tính biểu tượng. Nói tới Thủ Thiêm, người ta nghĩ tới những người dân oan bị cướp đất, mất nhà, đã phải vượt hàng ngàn cây số, ra Hà Nội khiếu kiện, sống lang thang, vật vã, suốt 20 năm trời qua. Nói tới Thủ Thiêm, người ta nghĩ ngay tới những nạn nhân oan ức, như anh Nguyễn Hùng Thái, đã tự tử chết, bỏ lại vợ con.
Cũng liên quan tới dân oan Thủ Thiêm, nhà báo Bùi Hoàng Tám có bài trên báo Dân Trí: Xin đừng để niềm tin cạn kiệt! Tác giả viết: “Hành động nhận lỗi, xin lỗi đã phần nào giải tỏa bức xúc, lấy lại niềm tin của người dân. Song, nhận lỗi đã khó, việc sửa lỗi còn khó khăn hơn. Với hàng chục năm chờ đợi, người dân nơi đây không thể chờ đợi thêm được nữa. Hãy sửa lỗi ngay và ngay lập tức. Chút ít niềm tin vừa lấy lại được qua lời xin lỗi, đừng để sự chậm trễ làm cho cạn kiệt“.
Ngân sách cạn kiệt nhưng vẫn chơi ngông
VTC đưa tin: Đầu tư hơn 27 tỷ đồng thắp sáng Hoàng Thành Huế. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phê duyệt dự án “Chiếu sáng mỹ thuật xung quanh Hoàng Thành” với tổng chi phí 27 tỷ đồng. Dự án sẽ làm trong 3 năm, với hơn 100 cột đèn gang thép sẽ được thay mới bằng các cột đèn bê tông hoa văn cổ, sử dụng đèn LED.
Theo giải thích của lãnh đạo tỉnh này:Mục tiêu đầu tư là thay thế, bổ sung hệ thống chiếu sáng khu vực xung quanh Đại Nội nhằm đảm bảo an toàn, an ninh, tạo cảnh quan, thẩm mỹ, tôn vinh hình ảnh Hoàng Thành, tạo điểm nhấn thu hút du khách, phát triển du lịch”.
Giáo dục Việt Nam
Báo Dân Trí đưa tin: Mức chi chiết khấu phát hành sách giáo khoa khoảng 250 tỷ đồng/năm. Trong khi nhà xuất bản giáo dục nói rằng, in SGK mỗi năm lỗ 40 tỉ đồng nhưng mức chiết khấu cho phát hành SGK lên tới 250 tỷ đồng, tương ứng 25% của doanh thu 1.000 tỷ hàng năm.
Ông  Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên đặt câu hỏi: Tỷ lệ chiết khấu 25%  đối với SGK tương đương số tiền  250 tỷ đồng hàng năm nhưng NXBGDVN công bố lỗ 40 tỷ  đồng, tại sao có chuyện này?”. Tuy nhiên, thông tin về tỷ lệ chiết khấu “khủng” trong khi báo lỗ cao không nhận được câu trả lời từ Bộ GD&ĐT.
Cũng tin giáo dục, về công văn của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, yêu cầu không để học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa, báo Pháp Luật TPHCM có bài: Không cho viết vào SGK: Chỉ thị trật chìa! Em Hồ Vương Huy, HS lớp 11A11 Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 phản bác yêu cầu của ông Nhạ: “SGK em đã mua là tài sản của em. Vì thế, em có ghi vào sách hay không là quyền của em, sao người khác có thể can thiệp. Hơn nữa, do trong SGK có những khoảng trống nhỏ yêu cầu HS làm trực tiếp vào chứ chúng em cũng không muốn”.
Bà Kim Anh, phụ huynh HS Trường THCS Lữ Gia, quận 11, nói: “Khi con tôi đã mua SGK đó là tài sản cá nhân và con tôi được toàn quyền sử dụng. Chỉ khi nào con tôi viết bậy vào sách sẽ bị phạt. Đằng này con tôi viết để phục vụ việc học của mình thì không ai có quyền can thiệp”.
Mời đọc thêm: Lợi nhuận khủng từ sách VNEN (PLTP). – Khảo sát sách giáo khoa: Những con số bất ngờ(VNN). – Sách giáo khoa lỗ nặng, 250 tỷ đồng chiết khấu hàng năm đi đâu? – Bộ GD&ĐT yêu cầu không để học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa (Zing). – Yêu cầu học sinh không viết, vẽ vào SGK: “Đánh đố” giáo viên? (DT). – “Tôi không hiểu Bộ Nội vụ đánh giá quốc sách là như thế nào?”  —  Cử tri Đà Nẵng than phiền với nhiều chính sách của ngành giáo dục — Giáo viên Mỹ thuật có hành vi “không đúng chuẩn mực” với nữ sinh — Hà Nội nên thận trọng, tránh làm biến tướng chương trình sữa học đường(GDVN).
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.