Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Nhất thể hóa


Nhất thể hóa

30-9-2018
Tôi không bình luận nhân sự cụ thể. Nhưng nếu quyết định để Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước lần này trở thành tiền lệ thì cũng rất có ý nghĩa. Ít nhất “biên chế” sẽ chỉ còn là Bộ Tam thay vì Bộ Tứ.
Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam. Từ thay đổi tưởng chỉ “cấu thành hình thức” này, trong quá trình vận hành, chắc chắn sẽ làm xuất hiện nhiều tình huống, gợi ý cho Việt Nam cải cách. Cho dù vẫn một đảng, về mặt lý thuyết, VN sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hoà bán tổng thống. 
Chủ tịch – nên là chức danh duy nhất được coi là nguyên thủ – thống lĩnh lực lượng vũ trang và đại diện Nhà nước trong các hoạt động đối ngoại. Đây là cái ghế mà chỉ ai thực sự là một chính trị gia hàng đầu mới nên ngồi vào.
Trong khi đó, Thủ tướng chỉ nên là một nhà kỹ trị. Vai trò của Thủ tướng là thiết lập được một nền hành chính công chuyên nghiệp và đưa ra được các công cụ hành pháp kịp thời để phát triển kinh tế – xã hội. Không nên làm Thủ tướng mất thời gian vào các cuộc họp bàn chuyện bắt bớ hay các buổi tiếp tân hình thức.
Tuy nhiên, nếu các chính sách của ông và nội các kinh tế có dấu hiệu phục vụ cho lợi ích nhóm thì ông và các thành viên mà ông chọn có thể phải đối diện với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay thậm chí bị bắt bớ. Vì, cơ quan điều tra có một vị trí độc lập hơn với “nội các”.
Tháng 9-1997, khi chuẩn bị rời nhiệm sở, ông Võ Văn Kiệt nói về người kế nhiệm, “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”. Trong khi ông Phan Văn Khải thừa nhận, “Về bản lĩnh chính trị tôi không thể nào so sách với đồng chí Võ Văn Kiệt”.
Cho dù bị trì hãm trong cái kiềng “Tam Nhân”, ông Kiệt đã hành động như một nguyên thủ và ông Khải thực sự là người đứng đầu “nội các kinh tế”. Ông Khải là một nhà kỹ trị. Chính phủ của ông rất khác với Chính phủ Võ Văn Kiệt và càng rất khác với Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Và, cho dù dưới thời một Tổng bí thư như Tướng Lê Khả Phiêu hay như Nông Đức Mạnh, ông Khải vẫn điều hành “nội các kinh tế” (phần mà ông có thực quyền) một cách mực thước và để lại các di sản rất là quan trọng.
Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người. Nếu tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến pháp thì không ai có thể lạm quyền dù họ là nguyên thủ. Nước cũng chỉ nên có một “vua”. Ai cũng muốn đứng đầu. Ai cũng làm chính trị mà thiếu một người kỹ trị thì chính trường rất dễ thành đất “quần ngư tranh thực”; thị trường chỉ là chợ đen; hành chính rối ren và xã hội không thể nào ổn định.
Con đường để một quốc gia đi đến thịnh vượng còn rất dài. Nhưng với những gì vừa diễn ra chiều nay, nếu không phải để tập trung quyền lực mà nhằm mở ra một hướng đi thì thời gian không lúc nào là quá trễ để bàn một lộ trình đáng hy vọng hơn cho đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.