Đài Tiếng nói Việt Nam gỡ bỏ bài có ảnh viên chức BNG Việt Nam ngủ giữa hội trường LHQ
Hiếu Bá Linh
30-9-2018
Hôm qua, ngày 29/09/2018 báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam đăng bài viết “Sự thật sau bức ảnh thành viên phái đoàn Việt Nam ngủ say tại phòng họp LHQ”, nhưng chưa đầy một ngày sau đã phải gỡ bỏ bài báo này. Hiện trên Google vẫn còn lưu dấu tích của nó.
Trong vài ngày qua, báo chí khắp thế giới, như báo Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Iran v.v… đã đăng tin và hình ảnh một đại biểu Việt Nam ngủ say sưa trong một tư thế phản cảm tại phiên họp Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc ở New York – Mỹ.
Sau khi bức ảnh “làm nhục quốc thể” này gây một cơn bão lớn chưa từng có trên mạng, một số cơ quan truyền thông trong nước đã vội vã đăng những bài chữa cháy, điển hình là bài viết trên trang báo điện tử của kênh truyền hình VTC News ngày 29/9/2018 và cũng được đăng trên trang báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Bài viết nêu trên cho rằng bức ảnh gốc của Hãng Thông tấn Pháp AFP đã bị cắt xén mất “hình ảnh cô gái bên cạnh thành viên phái đoàn Việt Nam” (trích nguyên văn), và thành viên phái đoàn Việt Nam không ngủ trong phiên họp mà là trong “thời gian nghỉ giải lao giữa giờ thảo luận”.
Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam đã đăng bài viết này vào ngày 29/09/2018, nhưng chưa đầy 1 ngày sau đã cho gỡ bỏ bài báo này. Hiện nay trên Google vẫn còn dấu tích của nó.
Chúng ta hãy thử tìm hiểu nguyên do vì sao Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhanh chóng gỡ bài báo xuống.
1.- Bức ảnh có bị cắt xén hay không?
Sự thật là phóng viên AFP đã chụp 2 bức ảnh khác nhau và cả 2 bức ảnh này đã được tác giả rao bán trên mạng với giá 475 Euro mỗi tấm. Ghi chú bên phải của mỗi bức ảnh ghi rõ:
– Tác giả của cả 2 tấm ảnh là ông Don Emmert, phóng viên của Hãng Thông tấn Pháp AFP.
– Ngày chụp 2 tấm ảnh là 25/09/2018, ngày khai mạc Phiên thảo luận chung Đại hội đồng LHQ Khóa 73.
– Mỗi tấm hình đều có kích thước, độ lớn, độ phân giải khác nhau.
Như vậy là hoàn toàn không có chuyện cắt xén bức ảnh. Tờ báo mạng của Iran (xem ảnh chụp màn hình ở trên) đăng cả 2 tấm ảnh song song với nhau trong bản tin của mình.
2.- Ngủ say trong lúc đang họp hay trong thời gian giải lao?
Tác giả 2 bức ảnh này là Don Emmert,Trưởng phòng phóng viên ảnh của AFP tại Newyork, đã chú thích rõ dưới mỗi bức ảnh là “naps during the General Debate” nghĩa là ngủ trong lúc đang họp chứ không phải “trong thời gian giải lao”.
Kể cả bức ảnh “bên cạnh thành viên phái đoàn Việt Nam đang ngủ có một phụ nữ mang balo, khom lưng ngồi dùng điện thoại” cũng được tác giả ghi chú là “một thành viên Phái đoàn Việt Nam đang ngủ trong lúc họp Phiên thảo luận chung Đại hội đồng LHQ Khóa 73 tại New York ngày 25 tháng 9 năm 2018” (A member of Vietnamese delegation naps during the General Debate of the 73rd session of the General Assembly at the United Nations in New York September 25, 2018).
3.- Có phải là thành viên Phái đoàn Việt Nam mới từ Việt Nam bay sang?
Trong phần sau cùng, bài báo đã “chữa cháy” bằng cách trưng ra nhiều ảnh chụp “nguyên thủ, chính khách nổi tiếng ngủ gật hay tranh thủ ngủ giữa giờ giải lao ở các phiên họp của Đại Hội đồng LHQ”, nguyên do là vì “mệt mỏi” do “múi giờ chênh lệch lớn”.
Trong phần này, bài viết đã ngụ ý nói rằng cán bộ ngoại giao Việt Nam ngủ trong ảnh là thành viên Phái đoàn Việt Nam mới từ Việt Nam bay sang: “di chuyển từ Hà Nội đến New York, múi giờ chênh lệch lên đến 13h đồng hồ”, cho nên “có mệt mỏi và tranh thủ chợp mắt giữa giờ thảo luận cũng là điều bình thường”.
Nhưng sự thật, cán bộ ngoại giao này là thành viên thuộc Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc (New York), nó có trụ sở và giờ làm việc (tiếp khách) hằng ngày không khác gì một Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Một thí dụ là gần đây nhất đã tổ chức trọng thể lễ viếng và mở sổ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang ở trụ sở này.
Vậy là rõ ràng nhân vật ngủ say giữa hội trường LHQ không phải từ trong nước mới sang dự, mà là một cán bộ ngoại giao THƯỜNG TRÚ tại New York thuộc Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc.
Tóm lại, với tất cả những bằng chứng rõ ràng như trên, Đài Tiếng nói Việt Nam không còn cách nào khác hơn là phải nhanh chóng gỡ bỏ bài báo chữa cháy, một bài viết tuy đề tựa “Sự thật sau bức ảnh …” nhưng đã xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn và thô thiển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.