Sau kết luận vụ Anh Thoa ở báo Tuổi Trẻ
25-9-2018
“Khi mình quyết định nói ra, cái được nhất là mình dám nói lên và mình sẽ không bị dằn vặt suốt cả đời mình. Chỉ là như vậy thôi.
Chứ tới hiện tại mình không được gì cả. Trong tâm thức của mình thì mình không dung thứ cho chuyện đó. Nếu mình tiếp tục và im lặng thì mình sẽ cảm giác mình làm điều gì đó rất tội lỗi, xấu xa khi dung túng cho một người như vậy. Nên mình quyết định nói ra.”
Đó là câu trả lời của cô gái khi cô quyết định tố cáo ông Anh Thoa – trưởng phòng truyền hình báo Tuổi Trẻ – cưỡng hiếp bạn, ngay sau khi nhận quyết định điều tra.
Có vài điều tôi cần nói ở đây:
Cái văn bản quyết định không khởi tố vụ án này có mấy dòng như sau:
Quyết định Không khởi tố vụ án ghi “Không đủ chứng cứ và Không đủ cơ sở xác định…”.
Bạn nào cần đọc rõ nội dung cả văn bản đó thì vô status này đọc toàn bộ văn bản, đây là luật sư Lê Ngọc Luân, người bảo vệ cô gái trong vụ án này.
Từ văn bản đó, báo TT có 1 bản tin mà bạn có thể đọc thấy tại stt này.
Nếu bạn làm tường thuật các vụ án liên quan tới quấy rối, cưỡng hiếp đủ lâu, bạn sẽ biết rằng: Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc nói: 86% nạn nhân biết kẻ gây án là ai, 76% trong số đó không có thương tích nhìn thấy được. Nạn nhân bị cô lập. Hệ thống pháp lý và sự kỳ thị khiến nạn nhân không tìm được công bằng và bị đối xử bất công bởi chính công an và quan chức.
Vì hai cái văn bản của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân Quận Thủ Đức lập lờ ở vùng xám này: Không đủ chứng cứ – và không đủ cơ sở. Hai văn bản này không hề khẳng định rằng cô gái chẳng bị gì hết.
** Về văn hóa dung túng cho quấy rối
Ở Việt Nam, khung pháp lý cho quấy rối tình dục/bạo lực tình dục gần như không có. Nghĩa là nếu vụ việc xảy ra theo hướng này, sẽ chẳng sao cho kẻ gây sự việc. Kết luận điều tra bên trên đã chứng minh điều đó.
Bạn nào đi làm rồi đều rõ, sự gợi ý của sếp, sự ép uổng, sờ soạng, sự chặn bài không cho đăng, hạch sách vì không “hợp tác”… đều có thể được đem ra để ép người yếm thế hơn đổi chác hay chịu đựng. Và chúng không thể lượng hóa thành một sự xét xử hay cái án nào.
Ý thức điều tra về quấy rối tình dục, và thiết lập hành lang điều tra công bằng cho nạn nhân và kẻ gây sự việc hoàn toàn lệ thuộc vào sự tự nguyện của tổ chức, tờ báo.
Sự “tự nguyện” của báo Tuổi Trẻ trong quá khứ gồm có như sau:
Họ từng để cho cựu Trưởng văn phòng Sông Tiền kết nạp đảng và tiếp tục thăng hoa sự nghiệp sau khi quấy rối nhiều cộng tác viên nữ và bị tố cáo (có bằng chứng).
Tờ báo cũng vừa thôi chức trưởng ban chính trị xã hội vì quấy rối nhiều nữ phóng viên, nhưng biện pháp “trừng phạt” là… cho anh làm biên tập viên phòng truyền thông sự kiện.
Và cuối cùng, đó là một đống status mà các phóng viên đi rải với đầy những từ ngữ sỉ vả, hạ nhục, oan ức để “đòi lại” danh dự cho anh trưởng phòng – dù kết luận điều tra không rõ ràng, và luật sư của nạn nhân có thông báo rõ họ sẽ khiếu nại vụ việc. Xin lưu ý, bản tin mà các phóng viên chia sẻ không hề cập nhật phản ứng của phía nạn nhân – một hành vi có thể kết luận là “thiên kiến” trong báo chí, khi chỉ đăng tin một phía.
Vậy thật sự tờ báo đó có muốn có không gian làm việc sạch sẽ và lành mạnh hơn cho phóng viên nữ hay không, hay chỉ muốn đánh bóng cái danh dự muốn bảo vệ kẻ bị tố cáo quấy rối? Phần này tôi để bạn đọc tự trả lời.
** Về cách lan truyền thông tin
Khi viết bài này, tôi cũng chỉ ở trong vai như những người khác: là người viết. Thứ mà các bạn làm việc ở tờ báo đó tung lên để so sánh là: Danh dự của Anh Thoa bị tổn hại.
Tuy nhiên, với một sinh viên là nữ, sự kỳ thị và coi thường mà em chịu đựng, chắc không thua gì Anh Thoa.
Sự tổn hại việc làm, sự nghiệp của em, lớn hơn Anh Thoa. Bằng chứng ở đây là bạn Anh Thoa vẫn đang làm ở báo TT. Còn em ấy đã ngừng.
Trong vụ việc này, thứ “được” duy nhất lẽ ra là tòa soạn báo Tuổi Trẻ – nếu họ nghiêm túc muốn có một không gian làm việc lành mạnh, sạch sẽ với những người trẻ tài năng hơn. Chứ nạn nhân như cô gái, ai cũng rõ là cô chẳng được gì. Nhưng cô có một điều như ở đầu bài viết tôi hỏi: Cô muốn nói ra một điều thật mà cô không muốn ân hận suốt đời với chính bản thân.
Còn về việc làm truyền thông. Đây là chuyện bên lề cá nhân tôi và các bạn bè trải nghiệm. Khi sự việc xảy ra, nhiều người từ tờ báo đó đi inbox từng đồng nghiệp, nói rằng: Anh Thoa có clip hết, chắc chắn ông bị oan. Giờ thì chúng ta đều rõ như trong bài luật sư Lê Ngọc Luân nói: “Về dữ liệu Camera, tôi và em T đã được điều tra viên thông báo dữ liệu không thể khôi phục được vì thời gian kéo dài. Ngoài ra, thông tin mà tôi biết, camera được lắp ở dưới nhà. Còn vụ việc tố cáo xảy ra ở lầu 1.”
Trong khi đó, cách bản tin báo Tuổi Trẻ đăng là: “Cơ quan điều tra đã làm việc với chị T, ông Tuấn và những người biết sự việc, phối hợp với Viện KSND Quận Thủ Đức khám nghiệm hiện trường nhà ông Tuấn ở phường Bình Chiểu, đồng thời giám định phục hồi và trích xuất dữ liệu camera an ninh trong nhà ông Tuấn. Kết quả điều tra xác định: Ngày 3/12/2017 và 28/12/2017, chị T có đến nhà ông Tuấn ngủ lại nhưng không có cơ sở để xác định ông Tuấn có quan hệ giao cấu với chị T.”
Bản tin này giấu đi thông tin factual là điều tra viên không khôi phục được dữ liệu, nghĩa là họ chẳng biết gì . Từ không khôi phục được dữ liệu, họ kết luận là không điều tra được. Điều này HOÀN TOÀN KHÁC VỚI bản tin mà các bạn ở báo TT đăng trên FB: là không có cơ sở xác định có sự việc hay không.
Ngoài ra, khi sự việc mới xảy ra, chính các bạn từ báo TT cũng là người đi rêu rao cái tin “đồng thuận” bằng cách inbox và gửi tin nhắn riêng cho những người phê bình cách phản ứng của tờ báo – để thuyết phục dư luận tin rằng vụ việc chẳng có gì, chuyện riêng của 2 người đó, kệ nó đi, làm ầm lên làm gì. “Đồng thuận” nghĩa gì nếu người bị tác động không vui vẻ hạnh phúc mà bị kiệt sức, tìm cách tự tổn thương bản thân sau đó và bị hủy hoại danh dự và công việc?
Khi sự việc xảy ra, các bạn đã rất khôn khéo đi làm dư luận chùn chân lại với ý niệm về “bằng chứng” và “đồng thuận”. Giờ thì tôi biết phần đó các bạn nói dối – để bảo vệ một trưởng phòng – hay khác hơn là danh dự tờ báo của các bạn.
** Về khoa Báo Chí trường Nhân Văn
Là cơ quan đưa sinh viên đi thực tập, Khoa Báo Chí có trách nhiệm với sinh viên vì là đối tác của báo Tuổi Trẻ. Hành động của khoa Báo Chí là cần thiết và phá bỏ tiền lệ im lặng để mặc sinh viên (mà các trường đại học ở Việt Nam quen làm mấy chục năm nay).
Khoa Báo Chí đối thoại với báo Tuổi Trẻ – chứ không hề cáo buộc. Cơ quan này đã có họp với báo Tuổi Trẻ để cùng với sinh viên của mình và tờ báo – thiện chí rõ ràng là họ cần bảo vệ sinh viên và muốn tờ báo làm rõ. Ai cần đọc lại công văn này thì đọc ở đây.
Cá nhân một số giảng viên Khoa Báo Chí có hành động rất hiểu biết là hỗ trợ pháp lý bạn sinh viên, mời luật sư, và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần khi bạn đang nằm viện. Về cả hai mặt, chính thức và cá nhân, khoa này đã làm điều cần thiết để phá vỡ định kiến với nạn nhân bị xâm hại và quấy rối – là điều quan trọng có lẽ sẽ cần phải thực hiện sâu hơn ở các trường đại học khác, khi hành vi này được dung túng và không bị trừng phạt – với sinh viên là người yếm thế.
Nếu vì chịu trách nhiệm với sinh viên mà mình đưa đi thực tập bị coi là hành vi hồ đồ, thì ở đây mời chính những bạn sinh viên tự trả lời: Các bạn sẽ tìm sự giúp đỡ ở đâu nếu bạn gặp tình huống tương tự ở cơ quan mình thực tập?
** Về sự lên tiếng
Tôi chọn lên tiếng vụ việc này dù không quen biết gì cả hai nhân vật. Tôi chỉ có phỏng vấn bạn gái qua một đồng nghiệp khác. Nhưng là người từng hướng dẫn một số sinh viên báo chí làm nghề, tôi chứng kiến và biết các em bị “mặc cả” về thể xác ở các tờ báo lớn nhằm có bài đăng, ký hợp đồng hay có trợ cấp ra sao. Ở tờ Tuổi Trẻ, điều đó từng xảy ra với bạn tôi.
Vụ việc là điều cần thiết để những tờ báo lớn điều chỉnh cách tuyển dụng, vận hành và điều tra các vụ việc tương tự.
Nhưng từ đầu vụ đến giờ, tôi đã rõ rằng tờ báo chọn ai, muốn gì, và coi điều gì là quan trọng. Và vì đây là tờ báo lớn hàng đầu trong ngành, nó đã tạo ra một tiền lệ không coi vấn đề này trong cơ quan làm việc là nghiêm túc. Sẽ không có quy trình nào được tiến hành để phóng viên bị quấy rối có thể tìm tới, phàn nàn và điều tra rõ ràng bảo vệ công việc và phẩm giá của họ.
Nên có một điều tôi muốn nói với các bạn sinh viên:
Nếu bạn từng lâm vào tình trạng tương tự, bạn hãy nói ra sự việc. Bạn mới là người có thể kết thúc cái chuỗi bất tận của những kẻ săn mồi đi tìm người yếu thế. Bạn sẽ tiến thêm một bước để đòi hỏi không gian của mình làm việc trong sạch hơn, với tư các là người lao động trong cơ quan báo chí [vốn cho mình cái sứ mệnh đi lên tiếng dùm người dân]. Bạn hãy học cách tự lên tiếng vì bản thân trước đã.
Và cuối cùng, có rất nhiều tờ báo để bạn chọn hành nghề, để có tương lai chuyên môn thực thụ. Bạn không cần phải đánh đổi cơ thể hay cả nể để tìm vị trí ở tờ báo vẫn tự hào là lớn nhất hay nổi tiếng nhất. Có rất nhiều tờ báo lớn khác đang có không gian làm việc sạch sẽ hơn, tác nghiệp chuyên môn không thua kém gì. Đừng để ảo tưởng của cái “nhất” làm bạn hi sinh bản thân.
Và những cơ quan báo chí hào hứng và dung túng cho văn hóa lạm dụng thân thể người viết không xứng đáng là nơi để ta tác nghiệp.
======
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.