Bí ẩn Trần Đại Quang
Lê Hồng Hà
26-9-2018
Ngày mai 27/9/2018, nắp quan tài sẽ chính thức đóng lại, Trần Đại Quang mãi mãi trở về cát bụi. Một cuộc đời gian hùng, gây giông bão với nhân dân và cũng gây những tác động không nhỏ trên chính trường Việt Nam sẽ chỉ còn là quá khứ.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không “mổ xẻ” những sai phạm, những góc khuất và cả những nghi án của nhiều vấn đề, đang còn dai dẳng cho đến hôm nay. Chúng tôi cũng không đề cập đến những gì ông Quang đã làm, đã gây ra cho đồng bào thiểu số Tây Nguyên, với những người hoạt động dân chủ, hay với giới bất đồng chính kiến.
Bởi vì, nói cho cùng, với chế độ Cộng sản thì bất kỳ ai làm Bộ trưởng BCA cũng sẽ hành động như vậy thôi. Một nhà nước mà tất tật mọi thứ, từ chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, các vấn đề xã hội… đều một tay Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì thử hỏi có ai dám làm trái văn bản, nghị quyết?
Ở trong guồng máy đó, một Uỷ viên Trung ương, thậm chí Uỷ viên BCT, nếu cố “thoát” ra, cũng sẽ thành tội đồ và lên đoạn đầu đài.
Trở lại câu chuyện ông Trần Đại Quang. Tháng 12/2015, tại Hội nghị Trung ương 13, mặc dù đã chốt xong danh sách Trung ương uỷ viên và Bộ Chính trị, nhưng vẫn không thể chốt được “tứ trụ”. Có quá nhiều đề cử, và cũng có quá nhiều tranh cãi. Các phe không ai “chịu” ai. Hội nghị diễn ra 8 ngày, nhưng bế mạc mà chưa giải quyết xong vấn đề.
Có đề nghị tất cả các “ông già” (tức tứ trụ cũ) nên rút lui, và đề cử Trần Đại Quang vào ghế Tổng Bí thư. Có rất nhiều ý kiến phản bác, không tán thành ông Quang vào vị trí cao nhất. Có lẽ lời khai cùa Dương Chí Dũng và cái chết “đáng ngờ” của Phạm Quý Ngọ, làm cho lá phiếu dành cho ông Quang giảm đi. Cuối cùng, phải triệu tập Hội nghị 15, ngày 11/1/2016, chỉ cách ĐH chính thức có 2 ngày.
Tại hội nghị này, các phe đồng ý cơ cấu “tứ trụ” có trẻ có già, thống nhất ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm tổng bí thư 2/3 nhiệm kỳ, sau đó “chuyển tiếp” cho ông Quang.
Người tính không bằng Trời. Từ giữa năm 2017, hàng loạt đơn thư tố cáo Nguyễn Xuân Anh, Vũ Nhôm ở Đà Nẵng; Nguyễn Hữu Tín, Út Trọc, Khoa Khàn ở miền Nam; các tướng lĩnh cao cấp ở Bộ Công an… bay tới tấp về Trung ương. Các “hacker mũ trắng” còn đưa lên mạng xã hội những “vật chứng” là các văn bản tuyệt mật của BCA giúp cho Vũ Nhôm cướp công khai công sản hàng chục ngàn tỷ ở Đà Nẵng và TP HCM. Các đơn tố cáo đều có chung kết luận, các quan chức đã giúp đỡ các “đệ tử” ông Quang dọc ngang tung hoành, xem thường kỷ cương phép nước.
Tháng 7/2017, ông Quang đổ bệnh. Ông được các giáo sư đầu ngành chẩn đoán ung thư máu ác tính. Hành trình chữa bệnh của ông Quang bắt đầu.
Đúng lúc này, các cơ quan quyền lực ở Trung ương, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của ông Trọng và ông Trần Quốc Vượng, quyết tâm triệt phá “thành trì” của Vũ Nhôm, Út Trọc.
Tháng 9/2017, Bí thư Đà nẵng Nguyễn Xuân Anh bị đề nghị kỷ luật. Ngày 6/10/2017 Xuân Anh bị cách tất cả các chức vụ và thôi Ủy viên Trung ương.
Ngày 8/12/2017, một đàn em thân cận với ông Quang là Đinh La Thăng đã bị bắt giam.
Cuối tháng 12/2017, có lệnh bắt Út Trọc và truy nã Vũ Nhôm. Sau khi dẫn độ Vũ Nhôm về nước ngày 4/1/2018, hàng loạt tướng tá Bộ Công an bị kỷ luật, khởi tố và bắt giam, gây rúng động trong dân chúng và cả trên chính trường Việt Nam. Từ đây, ông Quang gần như suy sụp. Bệnh tật, sự chỉ trích trong các cuộc họp BCT, dư luận dậy sóng trong xã hội, các “tay chân” ở BCA bị chặt đứt… đã gần như đánh gục ông Quang.
Chiều 18/9/2018, một thân tín nữa của ông Quang, cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND TP HCM bị khởi tố, khám xét nhà riêng. Có lẽ sức chịu đựng con người có giới hạn.
Ông Quang lên cơn nhồi máu não vào sáng ngày 20/9/2018. Ông rơi vào hôn mê sâu và qua đời vào trưa ngày 21/9.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.