Thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang EU giảm sâu vì ‘thẻ vàng’
RFA
2018-09-25
2018-09-25
Xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU sau khi bị thẻ vàng gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết thông tin vừa nêu tại hội nghị Đánh giá một năm triển khai Chương trình “Doanh nghiệp Hải sản cam kết chống Khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không quản lý (IUU)” diễn ra hôm 25 tháng 9 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo VASEP, trong tám tháng đầu năm xuất khẩu hải sản giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017, chỉ đạt 252 triệu USD. Xuất khẩu có chiều hướng giảm sâu trong năm 2018. Trong đó, mực và bạch tuộc xuất khẩu sang EU giảm liên tục từng tháng, có tháng giảm tới 41%.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP giải thích, khi EU cảnh cáo thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của doanh nghiệp qua khu vực này giảm do các khách hàng rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU. Thậm chí họ có thể sẽ ngừng mua hàng. Ngoài ra, 100% hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam, sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác trong thời gian bị thẻ vàng. Điều này sẽ làm tăng chi phí.
Chưa kể là khi bị thẻ vàng, nguy cơ hàng bị trả về rất cao, khi đó một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu thêm chi phí từ 5.000 đến 10.000 euro. Nếu tiếp tục vi phạm và bị thẻ đỏ, coi như hải sản Việt bị cấm xuất khẩu vào EU thì thiệt hại còn nhiều hơn.
Được biết Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sẽ quay lại Việt Nam để xem xét vấn đề “thẻ vàng” hải sản vào tháng 1 năm 2019 sau khi có chuyến làm việc vào trung tuần tháng 5 vừa qua.
Cũng tin liên quan, vào ngày 21 tháng 9, tại buổi gặp gỡ với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam đã và đang nỗ lực để xử lý vấn đề đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không được quản lý, đề nghị EU xem xét sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với hải sản đánh bắt của Việt Nam.
Cũng tại buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ vui mừng trước việc Việt Nam và EU đã kết thúc quá trình rà soát pháp lý tiến tới ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.
Ngoài ra, ông Phạm Bình Minh cũng mong muốn các nước EU ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.