Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/9 nói rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran có thể buộc Tehran đàm phán nhưng chỉ với điều kiện các cường quốc châu Âu có thể đảm bảo rằng nước này vẫn tuân theo thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015 vốn để ngăn chặn thành phần cứng rắn lên nắm quyền.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tận dụng một phiên họp của Hội đồng Bảo an về không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt để bảo vệ cho quyết định hồi tháng 5 của ông là rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà theo đó nước này sẽ hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc Mỹ, châu Âu và quốc tế nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Cốt lõi của lệnh trừng phạt của Mỹ là bóp nghẹt xuất khẩu dầu của Iran vốn sẽ bắt đầu vào đầu tháng 11. Trong khi đó, ông Trump đã đe dọa rằng ‘sau đó Hoa Kỳ sẽ theo đuổi thêm các biện pháp trừng phạt khác, cứng rắn hơn bất cứ lúc nào trước đây, để chống lại toàn bộ các hành vi hung ác của Iran’.
Ngược lại, các đồng minh châu Âu của Hoa Kỳ, bao gồm Anh, Pháp và Đức, cùng với Nga và Trung Quốc, đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận bằng cách nghiên cứu các phương cách qua mặt các lệnh trừng phạt của Mỹ để giúp Iran có thể có được thu nhập từ dầu mỏ để nước này có động lực ở lại trong thỏa thuận.
“Có lẽ chúng tôi có thể duy trì được cơ chế đa phương này (thỏa thuận hạt nhân), tránh điều xấu nhất và làm nhà trung gian trong khi các lệnh chế tài của Mỹ có thể tạo ra sức ép và giảm số tiền mà Iran có được để thực hiện bành trướng – điều đó có thể đẩy nhanh tiến trình mà chúng tôi mong muốn,” ông Macron nói với các phóng viên.
“Miễn là thỏa thuận này phục vụ lợi ích của chúng tôi thì chúng tôi vẫn ở lại thỏa thuận,” Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói với các phóng viên ở New York. “Các đối tác còn lại trong thỏa thuận đã có bước đi rất tốt để tiến về phía trước, nhưng Iran có kỳ vọng cao hơn.”
Các cường quốc Âu châu và Mỹ đồng ý rằng họ cần đạt được một thỏa thuận rộng lớn hơn với Iran để giải quyết các hoạt động hạt nhân dài hạn của nước này, chương trình tên lửa đạn đạo và kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Họ cáo buộc Iran ủng hộ các lực lượng gây bất ổn ở Lebanon, Syria, Yemen và Iraq.
Tuy nhiên, ông Macron cảnh báo rằng không giống với Bắc Triều Tiên, Iran không nằm dưới sự cai trị của một nhà độc tài và các thành phần cứng rắn bảo thủ của Iran đang quyết tâm vứt bỏ thỏa thuận hạt nhân.
“Nguy cơ chính của chiến lược gây sức ép là nó sẽ đẩy Iran đến chỗ khởi động lại chương trình hạt nhân của họ… cho nên nếu chúng ta muốn áp lực lên Iran có cơ hội thành công, chúng ta cần bảo đảm rằng họ không đi đến lựa chọn xấu nhất,” ông Macron nói.
Đại diện ngoại giao của EU, bà Federica Mogherini, cho biết một cơ chế gọi là ‘Phương tiện cho Mục đích Đặc biệt’ (SPV) đang được EU xem xét để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương với Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bà nói rằng cơ chế này sẽ đi vào hoạt động trước tháng 11.
Cơ chế SPV này, vốn bị Mỹ chỉ trích, sẽ tạo ra một phương cách trao đổi hàng hóa mà không cần dính đến tiền bạc hay giao dịch ngân hàng. Theo đó, các nước châu Âu sẽ đổi hàng hóa của họ lấy dầu của Iran.
Nhưng liệu cơ chế này có đủ để giữ Iran ở lại thỏa thuận hạt nhân Iran hay không thì cần phải chờ xem. Đối diện với nguy cơ nền kinh tế sụp đổ, ông Rouhani đang chịu áp lực của các thành phần cứng rắn phải từ bỏ thỏa thuận vì những lợi ích kinh tế của thỏa thuận đang tan biến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.