Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Căn bệnh Venezuela (Phần 2): Ủy Nội Thụy Lạp nan y


Căn bệnh Venezuela (Phần 2): Ủy Nội Thụy Lạp nan y

23-9-2018
Tiếp theo Phần 1
Con người mắc chứng bệnh hiểm nghèo vẫn có thể tìm ra liệu pháp để hồi phục. Những nước bị chiến tranh hủy diệt như Đức, Nhật hay Nam Triều Tiên, khi có chính sách đúng đã trở thành cường quốc.
Nhưng kẻ cố tình gây bệnh cho mình, bởi nghiện ngập hay lối sống sa đọa thì vô phương cứu chữa. Thậm chí không bác sỹ nào muốn chữa bệnh cho kẻ cố tình hủy diệt đời mình.
Venezuela hiện đang bị hầu hết các nước Nam Mỹ cô lập và ngày 06.06. vừa qua, Tổ chức các nước châu Mỹ OAS đã kêu gọi 34 thành viên hãy khai trừ Venezuela ra khỏi tổ chức này vì các hành động vi hiến của chính quyền Maduro (1).
Thay vì cởi mở hơn để thoát cảnh cô lập, Maduro lại đi tiếp nước cờ nguy hiểm để chọn thầy thuốc cho mình. Trong chuyến thăm Băc Kinh hôm 13.09, Maduro đã được Tập Cận Bình cho vay 5 tỷ USD (2), với điều kiện TQ sẽ nhảy vào ngành dầu khí “tiêu dầu như nước lã“ của Maduro.
Đến đây thì ai cũng hiểu là bi kịch sẽ kết thúc ở đâu.
Có người cho rằng thảm họa kinh tế của Venezuela do giá dầu mỏ tụt. Thực tế là GDP của Venezuela bẳt đầu tụt trong thời gian giá dầu mỏ tăng cao nhất vào những năm 2011-2014, trên 100 USD/Barrel (xem đồ họa). Đỉnh cao của kinh tế Venezuela là từ 2005-2010 khi giá dầu còn ở mức 60-85 USD/Barrel. Ngày đó các công ty dầu lửa bị quốc hữu hóa vẫn còn trong tình trạng tốt, chưa bị rệu rã và xuống cấp như sau này. Mặt khác, mọi hoạt động kinh tế của khu vực tư nhân vẫn chạy trơn tru trong một xã hội đa nguyên. Thảm họa kinh tế chỉ đến khi Chavez lâm bệnh vào năm 2012, bắt đầu hoảng loạn, sử dụng bạo lực , gian lận bầu cử, thay đổi hiến pháp…khiến lòng người ly tán.
Bất luận nền kinh tế nào, nếu chỉ trông vào bóc lột tài nguyên thì hậu quả cũng như nhau. Nước Nga của Putin là như vậy. Nước này sống trên những túi dầu khí khổng lồ, nhưng khi giá dầu lên cao, đã không tận dụng cơ hội để phát triển các ngành kinh tế khác. Khi giá dầu tụt tất nhiên khủng hoảng sẽ đến. Tuy từng là siêu cường quốc, nhưng suốt thời gian dài hậu Xô viết, Nga chỉ dựa vào khai khác tài nguyên nên phải nhập từ cuộn giấy vệ sinh đến bánh xà phòng. Khi giá dầu tụt người dân Nga khốn khó đủ điều. Sau khi thôn tính Crimea năm 2014, bị phương Tây trừng phạt kinh tế, thiếu thốn lại tăng theo cấp số nhân. (Nhưng bao vây kinh tế đã khiến cho Gấu Nga thức tỉnh. Vốn có tiềm lực kỹ thuât mà công nghiệp Nga đang dần trở lại).
Cũng là một nước xuất khẩu dầu mỏ, nhưng Na-Uy chú trọng phát triển kinh tế đa dạng. Khi giá dầu tụt xuống, kinh tế và xã hội của nước này vẫn vững như bàn thạch.
Bài học của Na-Uy cho thấy: phát triển bền vững chỉ tồn tại trong một thể chế lành mạnh. Căn bệnh trầm kha của Venezuela chứng minh mặt đen của chân lý này.
Việt Nam cũng đã đi vào từ vựng quốc tế bởi danh từ “Hội chứng Việt Nam“ (Vietnam syndrome). Nhiều người Mỹ mắc phải hội chứng này khi nghĩ về cuộc chiến đã qua.
Có người lo ngại Việt Nam sẽ bị Trung Quốc “Phần Lan hóa“, tức là trở thành một vệ tinh của họ (3). Tôi thì cho rằng nếu Việt Nam học tập Phần Lan, xây dựng một thể chế dân chủ, một nền kinh tế thị trường, nhưng có những nhường nhịn với Trung Quốc về đối ngoại và tỏ ra trung lập với phương Tây để khỏi làm phiền ông hàng xóm hung hãn, thì quá hay. Đáng tiếc là đu dây thì vẫn cố, nhưng Dân chủ và Kinh tế thị trường thì không.
Tôi chỉ lo một số người Việt mắc phải “Hội chứng Stockholm“. Sống với thằng cướp lâu ngày, họ gắn số phận của mình vào thằng cướp, đồng cảm với thằng cướp, lo nó chết thì mình chết theo. Cảnh sát muốn vào cứu thì sợ chết vì đạn lạc.
Những người này, tuy thân Trung Quốc, nhưng chưa chắc đã biết rẳng Venezuela trong tiếng Hoa viết là 委內瑞拉, đọc theo âm Hán-Việt là “Ủy-Nội Thụy-Lạp“ (cũng như Rumania = Lỗ Mã Ni hay Czechslovakia = Tiệp Khắc). Và họ cũng lạc quan là Việt Nam sẽ không bao giờ mắc phải chứng “Ủy nội Thụy Lạp nan y“.
Tất nhiên Việt Nam và “Ủy-Nội Thụy-Lạp“ ở vào hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Trong khi kinh tế Venezuela liên tục suy giảm ở mức hai con số/năm thì Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức 6%. Mức sống người Việt được cải thiện trông thấy. Người Việt tiêu thụ bia nhiều nhất châu Á, trong khi dân “Thủy Lạp“ chỉ có xăng để uống. Người “Thụy Lạp“ từ chỗ xem TV và báo chí tư nhân thoải mái, nay đang tập thói quen xem TV của Maduro nhiều hơn, vì các kênh tư nhân đang dần teo lại. Trong khi đó người Việt tuy không có báo tư nhân, nhưng lên mạng chém gió có vẻ thoải mái hơn trước.
Người Việt cũng lo ngại về nạn bỏ nước ra đi của thanh niên, trí thức. Nhưng người Việt dù đi đến đâu thì sau vài thế hệ vẫn là người Việt và tâm trí họ vẫn hướng về quê hương. Dân tộc Việt nam được kết dính bởi một nền văn hóa và lịch sử gần 4000 năm. Ngược lại nhà nước Ủy-Nội Thụy-Lạp mới được Simon Bolivar thành lập đầu thế kỷ 19. Dân chúng quốc gia trẻ tuổi này tuy cùng nói tiếng Tây Ban Nha, nhưng có nguồn gốc từ người da trắng, da đen và da đỏ. Do vậy mối ràng buộc văn hóa giữa với nhau rất lỏng lẻo. Họ có thể sinh sống khắp Nam Mỹ mà vẫn cảm thấy như ở nhà, vì cùng nói tiếng Tây Ban Nha, cùng văn hóa Hispanic và đạo thiên chúa.
Đó là những biểu hiện nói lên sự khác biệt của hai xã hội. Nhưng tiềm ẩn phía sau là sự tương đồng không thể coi thường.
Với 12.000 USD/đầu người, giới trung lưu và trí thức “Ủy-Nội Thủy-Lạp” ra đi không phải vì thiếu đói. Chỉ vì họ bỏ đi mà đất nước giàu có này bổng trở nên tê liệt, thiếu đói, dù thu nhập vẫn cao. Họ bỏ đi vì lo sợ cho tương lai con cái.
Họ đã tận dụng mọi khả năng của hiến pháp dân chủ để giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử cử, các cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp. Họ đã thắng cử và đã giành quyền kiểm soát quốc hội. Một số sỹ quan yêu nước đã mưu toan binh biến.
Nhưng tất cả mọi việc đều vô ích. Bằng súng ống và sự hỗ trợ của đám đông cuồng tín, Maduro đã lập ra quốc hội bù nhìn, giải tán quốc hội dân bầu.
Nhìn vào đám đông cuồng tín đó đang quyết định vận mệnh dân tộc, những người thua cuộc đành phải gạt nước mắt ra đi. Họ ra đi vì mất niềm tin.
Người Việt cũng đang bị khủng hoảng lòng tin, lý do chính không phải vì các bất cập về kinh tế, mà vì các vấn nạn xã hội, từ giáo dục, văn hóa đến y tế, vì sự tan rã của đạo đức, vì sự tha hóa của tôn giáo….và vì cả cọng rau xanh ăn hàng ngày.
Xin đừng bàng quan!
_____

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.