Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Nâng tuổi về hưu: Tuổi trẻ không việc làm, dân chịu thêm thuế, Chính phủ thêm lún sâu vào nợ nần


Nâng tuổi về hưu: Tuổi trẻ không việc làm, dân chịu thêm thuế, Chính phủ thêm lún sâu vào nợ nần

23-4-2018


Ông Đào Ngọc Dung. Ảnh: internet

Theo truyền thông, tại phiên họp hôm nay (23/4/2018) của Ủy ban về các vấn đề xã hội thẩm tra báo cáo của Chính Phủ, ông Bộ trưởng Bộ LĐ&TBXH đã báo cáo đề án cải cách bảo hiểm xã hội, nâng tuổi về hưu, trình hội nghị TƯ 7 sắp tới (Hội nghị TƯ 7 sẽ họp vào đầu tháng 5, trước khi Quốc hội họp vào ngày 21/5/2018). Do không đủ tự tin nên ông Đào Ngọc Dung phải đưa ra hai phương án, thử phản ứng và chuyền sự lưỡng lự sang sân hội nghị TƯ 7:
Phương án I: Nam – 62, Nữ – 60. Mỗi năm tăng 3 tháng.
Phương án II: Nam – 65, Nữ – 60. Mỗi năm tăng 4 tháng.
Nhưng lại “khảng khái” rằng: “Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi đề xuất lộ trình thực hiện để không gây sốc đối với người lao động” (Tuổi trẻ online, 23/4/2018).
DÂN THÊM THUẾ VÀ CHÍNH PHỦ THÊM NỢ
Ngân sách đang phải gồng mình nuôi 12 triệu cán bộ. Chính phủ muốn giảm biên chế để giảm chi tiêu mà chưa thực hiện được. Nay lại kéo dài thời hạn nuôi 12 triệu cán bộ thêm 5 năm nữa thì lấy đâu nguồn thu bù vào? Như vậy, chắc chắn sẽ tăng thuế đánh vào dân, và Chính phủ phải vay thêm để chi trả ngân sách. Chính phủ đã lún vào nợ nần, nay sẽ lún sâu hơn. Nhân dân đã chịu thuế nặng nề nay sẽ phải chịu thuế nặng nề hơn.
TUỔI TRẺ THÊM THẤT NGHIỆP
Theo bản tin Thị trường lao động của Bộ LĐ&TB XH thì quý 1 năm 2017, Việt Nam có 54,71 triệu người lao động với số người thất nghiệp là 1,1 triệu người. Như vậy 1 năm trung bình cũng có khoảng 1 triệu người hết tuổi lao động, về hưu.
Dân số Việt Nam theo thống kê ngày 23/4/2018 của Liên hợp quốc là 95 600 354 người. Mỗi năm dân số Việt Nam tăng trung bình 1 triệu người. Như vậy mỗi năm sẽ cần thêm 1 triệu việc làm.
Từ các dữ liệu ước lượng thô trên, có thể thấy việc kéo dài thêm 5 năm tuổi về hưu sẽ lấy mất đi cơ hội việc làm của hàng triệu thanh niên. Đưa tỷ thất nghiệp hàng năm tăng gấp đôi.
AI ĐƯỢC LỢI KHI TĂNG TUỔI VỀ HƯU?
Chỉ những người ăn lương ngân sách nhà nước là hưởng lợi nhiều . Họ không cần phải lo lắng mà vẫn nhận được lương từ ngân sách thêm 5 năm nữa. Trong số đó, lợi nhất là những người có chức có quyền. Vì không chỉ lương mà còn kéo dài bổng lộc.
Khi còn là Phó thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã từng đề cập “ 30 % cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”(Vnexpress, 26/1/2013). Sau 60 tuổi thì tỷ lệ cắp ô sáng đi tối về còn cao hơn nữa.
AI CHỦ TRƯƠNG TĂNG TUỔI VỀ HƯU ?
Đó là “sáng kiến” của một số người có chức có quyền, ăn lương nhà nước, sắp đến tuổi về hưu.
Những người trẻ tuổi sắp đi làm việc sẽ buồn phiền vì sẽ bớt đi cơ hội có việc làm.
Lớp người cán bộ trung gian thì chán nản vì không có cơ hội thăng chức.
ĐỪNG NÓI LÀ HỌC THEO QUỐC TẾ
Đừng viện rằng ở các nước tuổi về hưu là 65. Đơn giản là ở các nước đó không nuôi 12 triệu cán bộ.
Tuổi về hưu có thể tăng. Nhưng không phải là lúc này. Và càng không bao giờ trong lúc còn tồn tại cơ chế bao cấp.
TỰ TIN ĐÚNG THÌ TRƯNG CẦU DÂN Ý
Nếu những người đưa ra chủ trương tăng tuổi về hưu tự tin là mình đúng, thì hãy tự tin trưng cầu dân ý.
Thụy Sĩ trưng cầu dân ý cả đến việc thu phí truyền hình. Một việc hệ trọng như tăng tuổi về hưu, liên quan đến lợi ích hơn 54 triệu người từ các góc độ khác nhau, tại sao lại không trưng cầu dân ý?
Một số cán bộ lãnh đạo cấp Bộ – những “cánh tay” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đôi khi viện dẫn quốc tế để bao biện cho các đề xuất của mình. Tiếc thay, họ học tập quốc tế không đúng chỗ, không đúng lúc, nên trở thành què quặt. Thay vì giúp ích thì họ lại mang phiền toái và bất lợi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Muốn học theo quốc tế thì hãy học trưng cầu dân ý trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.