Chủ quyền đẻ ra nhân sự?
Nguồn:ịavn.org
Tường Kế
(VNTB) - Từ đây đến hết nhiệm kỳ của dàn lãnh đạo Việt Nam, mối quan hệ hai nước sẽ không có quá nhiều biến cố lãnh hải xảy ra, vì cả hai “nhận thức” để âm thầm giải quyết với nhau, lặng lẽ và không khoa trương.
Chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo quyền lực số 4 Trung Quốc – Du Chính Thanh gây ra nhiều đồn đoán về mặt nhân sự và quan hệ Việt – Trung.
Không có nhiều thông tin về chuyến đi, dù cuộc gặp mặt các nhân vật cấp cao của Việt Nam liên tục diễn ra. Những bản tin soạn sẵn, với ngôn từ thông báo hữu nghị nhiều hơn bài viết bình luận về chuyến đi.
Ngoại trừ, trên trang GDVN, cho đăng liên tiếp hai bài của tác giả Hồng Thủy, dẫn nguồn Tân Hoa Xã. Bài đầu có tiêu đề “Tân Hoa Xã bình luận gì về chuyến thăm Việt Nam của ông Du Chính Thanh?” - Với ngôn từ mở đầu phê trách nặng nề: “Tân Hoa Xã vẫn mang giọng kẻ cả, trịch thượng và đổ lỗi cho Việt Nam trong những căng thẳng vừa qua.”
Tiếp đó, cũng chính trên báo này, một ngày sau bài phê phán Tân Hoa Xã, tác giả Hồng Thủy lại bồi tiếp theo bài: “Ông Du Chính Thanh kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Tân Hoa Xã nói gì?” – Và cũng trong lời mở đầu, tác giả chỉ trích thẳng về “Cái ông Thanh gọi là “ngoại giao loa phóng thanh” mà ông cho là “chỉ kích hoạt sự bất ổn của công luận mà cả hai bên nên tránh”, theo báo GDVN thì nó, “cần phải được nhận thức rõ.”
Nhìn chung, không có sự “ồn ào” đáng kể, nên gần như chỉ một sự tĩnh lặng, những tiếng ồn ào phát sinh, không đủ để khiến hồ nước lay động.
Giải tỏa mâu thuẫn chủ quyền là trên hết
Chuyến đi của ông Du Chính Thanh không ồn ào về mặt hình thức, nhưng nó cho thấy một cuộc tìm kiếm thực chất trong giải quyết vấn đề lớn nhất của mối quan hệ hai nước – vấn đề lãnh hải.
Hữu hảo, lợi ích chung, láng giềng, anh em, đồng chí tốt… là những ngôn từ hữu nghị để ám chỉ cho mục đích cải thiện mối quan hệ 2 nước. Nhưng lần này, ông Du Chính Thanh nhấn mạnh với báo giới rằng, ông đi theo sự “ủy nhiệm của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, tạo dựng đồng thuận và thúc đẩy sự tiến bộ của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đi đúng hướng”.
Sự “ủy nhiệm của Chủ tịch Tập Cận Bình” cũng là một điều đáng lưu ý, đặt trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng, bóc dở tàn tích của tập đoàn lãnh đạo Giang Trạch Dân vẫn đang trong hồi căng thẳng, và bùng nổ xung đột sắc tộc tại khu tự trị Tân Cương vẫn chưa đến hồi lắng dịu.
Du Chính Thanh tiếp xúc với 4 lãnh đạo Đảng, nhà nước Việt Nam dường như là chuyến đi tiếp xúc toàn diện nhằm “cùng chấp thuận” hướng giải quyết chung nhất về vấn đề lãnh hải. Điều này càng thêm chắc chắn, khi ông sắp xếp thêm cuộc gặp với ông Lê Hồng Anh, ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam, người từng là đặc phái viên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh hồi tháng 8, với phát ngôn: “Hàng xóm thì không thể thay đổi được và thân thiện với nhau là vì lợi ích chung của cả hai bên”.
Qua đó để thấy, khả năng giải quyết bất đồng ở đây nằm ở vị trí gặp gỡ, mà là dựa trên thái độ sẵn sàng tiếp xúc để tháo gỡ vấn đề.
Rõ ràng, Trung Quốc cần một thời gian tĩnh thích hợp cho nỗ lực dọn dẹp và cải cách xã hội ở trong nước. Trong khi Việt Nam cũng cần một khoảng thời gian tương đối để giải quyết các vấn đề phát sinh ngày một lớn về kinh tế - xã hội, và cuộc chuyển giao quyền lực sắp đến.
Một khi, cả hai vẫn cùng một nhận thức “hàng xóm” không thể tách rời của nhau thì dàn lãnh đạo chủ chốt cả hai còn “tiếp tục chủ động” gỡ bỏ những rắc rối hoặc cố gắng nhấn chìm sự rắc rối cho những mục đích lâu dài khác trong một thời điểm được “thỏa thuận” thích hợp.
Cái cách mà ông Du Chính Thanh trả lời báo giới, về “ngoại giao loa phóng thanh” của Việt Nam, sau đó đã bị GDVN “bắt bẻ”, thực chất ra là một cách ví von đúng theo bản chất vấn đề của chuyến đi lần này của ông. Đó là dẹp bỏ những bất đồng và đi dần đến “thỏa thuận”, tất nhiên, sự thỏa thuận đó (như đã đề cập) đòi hỏi sự nhún nhường ở cả đôi bên.
Vì thế, ở một mức độ chấp nhận được, có thể xem thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ là quan điểm chủ đạo của chuyến đi lần này của quyền lực thứ 4 Trung Quốc, theo đó: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thời gian qua, quan hệ hai nước có khó khăn, nhưng với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hai Đảng, hai nước đang từng bước khôi phục và đi vào ổn định.”
Sự tạm ngưng “phóng thanh” cũng chính là cách mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “nhấn mạnh những vấn đề khác biệt, tranh chấp về biên giới lãnh thổ hai nước, hai bên cần chân thành hợp tác […] lắng nghe ý kiến của nhau.”
Trong chính trị giữa hai nước, chính quyền có thể đặt trong nòng súng, thì chủ quyền có thể là một chất xúc tác thú vị đẻ ra nhân sự!
Gây áp lực nhân sự?
Chuyến thăm lần này của Du Chính Thanh cũng làm nổi lên vấn đề “sắp xếp nhân sự cho kỳ ĐH Đảng XII”. Và theo đó, BBC Vietnamese cho rằng đây là một “chuyến thăm gây áp lực chính trị” nhằm vào “đường lối và nội bộ nhân sự lãnh đạo Việt nam trước thềm hội nghị lần thứ X của Đảng Cộng sản” Việt Nam.
Dù tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, trong một bình luận đăng trên Boxitvn cũng tán đồng về sự hữu nghị khéo léo đấy của Trung Quốc, và cho rằng, đó hẳn là sự “gợi ý khéo để có đường lối và bố trí nhân sự, nhất là người lãnh đạo chủ chốt hợp với TQ, cảnh giác với Mỹ.”
“Thực ra nó chỉ là lời đồn đoán và khó biết là như thế nào?” - như TS Nguyễn Quang A nhận xét.
Rất có thể, những nhận định đồn đoán tại Việt Nam dường như lại khớp theo thông lệ. Vì thế, việc Du Chính Thanh tìm kiếm và tập hợp sự ủng hộ trở lại của nhân sự Việt Nam đối với vấn đề “cốt lõi Trung Quốc” cũng không lấy gì làm bất ngờ. Nó đảm bảo rằng, sự vận động của chính trường Việt Nam trong hiện tại và tương lai gần sắp tới, không tác động xấu hoặc làm ảnh hưởng lớn đến những vấn đề mà Trung Quốc đang tiến hành. Điều đó phần nào thể hiện trong chuyến viếng thăm Việt Nam, ông Du Chính Thanh đã hai lần gặp với cùng một mục đích “tìm kiếm đồng thuận”.
Cụm từ “đồng thuận” lại nhắc nhở về cuộc viếng thăm của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến Bắc Kinh vào tháng 2 vừa rồi, lúc đó, ông Du Chính Thanh cho biết, cách đó không lâu, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đi đến nhận thức chung về phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Trung-Việt trong giai đoạn tới, và định hướng cho sự phát triển của quan hệ hai Đảng và hai nước.
“Định hướng cho sự phát triển” phần nào thể hiện rõ ràng qua cách thức mà những cuộc trao đổi cấp cao của lãnh đạo hai đảng, hai nhà nước chính đã làm, đó là “tăng cường hướng dẫn dư luận, xử lý đúng đắn các vấn đề hang hải. Tham vấn và đối thoại về sự khác biệt dựa trên kiểm soát mâu thuẫn.”
Một khi vấn đề chủ quyền được “tăng cường xử lý”, thì đó là bước đi đầu tiên cho sự tác động đến dàn lãnh đạo về sau này của Việt Nam. Và điều này sẽ tạo tính chênh lệch về mặt thực quyền lãnh đạo cấp cao đối với các vấn đề thuộc về quốc gia, dân tộc…
Đồng thuận đến từ sự định hướng trong bộ mặt nhân sự, phần nào biểu hiện sự cẩn trọng hơn đối với một mối quan hệ với ngòi nổ biển Đông. Bởi đó là đặc tính của thời kỳ hậu “Hồ Cẩm Đào”, với “tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và đường lối đối ngoại nước lớn” - tiếp tục chính sách cường quốc biển qua cải tổ “Cục Hải Dương nhà nước” trong kỳ họp Quốc hội nước này ngày 10/03/2013. Và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã đưa ra những ý tưởng lớn về “Giấc mộng Trung Hoa” và “Một vành đai, một con đường”.
Bản thân Du Chính Thanh - người luôn nhấn mạnh khẩu hiệu: “Làm nhiều việc thực chất, giải quyết được nhiều vấn đề, tuyệt đối không phô trương hình thức” đã có những kết quả đáng kể trong chuyến thăm mở màn lần này. Trong đó, dọn đường cho một thỏa thuận đúng và “đi đúng hướng” cho mối quan hệ hai nước, từng bước tháo ngòi nổ Biển Đông về thực chất. Tìm kiếm và thúc đẩy một lợi ích lâu dài, thay vì phương cách “tiếng bấc ném sang, tiếng chì ném lại” chỉ mang nặng tính hình thức. Điều này hoàn toàn hợp tâm ý Tập Cận Bình bởi nó phục vụ đắc lực cho một lần 2 nhiệm vụ (chủ quyền, con đường).
Thế nên, từ đây đến hết nhiệm kỳ của dàn lãnh đạo Việt Nam, mối quan hệ hai nước sẽ không có quá nhiều biến cố lãnh hải xảy ra, vì cả hai “nhận thức” để âm thầm giải quyết với nhau, lặng lẽ và không khoa trương. Trọng tâm là tiếp xúc, chia sẻ và giải quyết bất đồng, dùng chung một tiếng nói và tất nhiên là cam kết để cải thiện. Sự cải thiện nhân sự Việt Nam theo hướng trung dung, đảm bảo đẩy-đưa vừa-đủ trong chủ đề tranh chấp lãnh hải, không cho nó đi quá xa để ảnh hưởng đến “tư tưởng chung” (nước đôi) của lãnh đạo hai Đảng, hai nhà nước, nhưng đồng thời cũng cho thấy rằng, không quá nhu nhược, trong tình hình sự phản kháng trong dân đang ngày một cao sẽ là một phần trong chương trình chung đó.
Không ngoa khi nhận định rằng, định hướng, thỏa thuận để đi đến “một vành đai, một con đường”, đó hẳn là tư tưởng chỉ đạo cốt lõi hai nước trong thời gian sắp tới.