Hiệu quả gác cổng khoa học ở VN
Nguồn:FB Que Diêm
Hai năm trước, báo Tiền Phong có bài "Chi 15000 tỉ cho nghiên cứu khoa học: hiệu quả đến đâu" (1). Câu trả lời là không có hiệu quả cao. Con số 15 ngàn tỉ đồng là tương đương với ~750 triệu USD. Nhưng trong thực tế, chỉ có 10% con số này (tức 75 triệu) là dành cho nghiên cứu khoa học, còn 90% là chi cho đầu tư và "chi thường xuyên", tức nuôi bộ máy hiện hành. Do đó, tôi nghĩ không ngạc nhiên khi thấy lượng đầu ra của khoa học và công nghệ không cao.
Không cao như thế nào? Theo ước tính của tôi, năm 2014, VN công bố được khoảng 2800 bài báo khoa học trên các tập san ISI (2). Nhưng nên nhớ rằng gần 80% con số này là do hợp tác với nước ngoài, chứ "nội lực" chỉ chiếm khoảng 20% mà thôi. Tính ra, mỗi bài báo khoa học của VN tốn khoảng 134 ngàn USD! Cho dù con số nội lực là 50% thì mỗi bài báo khoa học vẫn tốn khoảng 54 ngàn USD. Tôi tính riêng cho nhóm của tôi ở VN, mỗi bài báo chỉ tốn khoảng 3300-5000 USD. Như vậy có thể nói rằng tính chung, hiệu quả chi tiêu cho khoa học không được cao.
Nhưng tại sao hiệu quả không cao? Tôi nghĩ lí do chính là do cơ chế "gác cổng" khoa học ở VN còn quá kém. Cơ chế gác cổng ở đây là hệ thống bình duyệt, tuyển chọn đề tài để cung cấp tài trợ. Trong khoa học, các hội đồng xét tuyển đề tài để tài trợ nghiên cứu rất quan trọng, vì họ chính là nhóm gác cổng, và nghiên cứu có hiệu quả hay không là tuỳ thuộc vào họ phần lớn. Nếu họ chọn đề tài tốt và nhóm có năng lực nghiên cứu thì hiệu quả sẽ cao, nếu họ chọn sai đối tượng (như đề tài quá kém chất lượng và nhóm nghiên cứu thiếu kinh nghiệm) thì hiệu quả sẽ thấp. Chính vì thế mà ở nước Úc hay Mĩ, người được mời phục vụ trong hội đồng xét duyệt phải là những người có kinh nghiệm cao trong nghiên cứu khoa học, hiểu theo nghĩa có công bố quốc tế với chất lượng cao, có "tên tuổi" trên trường quốc tế. Họ không chọn những người có chức danh mà không từng làm nghiên cứu ở đẳng cấp quốc tế. Chỉ có một hội đồng như thế thì hiệu quả gác cổng khoa học mới cao được.
Nhưng ở VN, theo tôi hiểu ở cấp tỉnh, thành, và ngay cả một số lớn cấp bộ, các hội đồng xét duyệt đề cương nghiên cứu là bí mật, không công bố ra ngoài (dĩ nhiên ngoại trừ Nafosted). Làm khoa học mà dấu giếm như thế thì đủ biết vấn đề hiện diện ngay từ khâu đầu tiên! Tại sao thiếu tự tin đến độ phải dấu? Trong vài trường hợp, người ta biết các thành viên trong hội đồng xét duyệt đề cương, và hởi ôi, họ là những "cây đa cây đề" nhưng bản thân họ chưa bao giờ làm nghiên cứu khoa học đúng nghĩa, chưa bao giờ có công bố quốc tế và do đó họ chẳng có tên tuổi gì trong khoa học. Có người ngồi trong hội đồng mà bản thân họ chưa bao giờ đích thân chủ trì một nghiên cứu mà họ xét duyệt người khác! Điều này thể hiện qua những bảng nhận xét của họ rất … buồn cười. Có lần một đồng nghiệp trong nước cho tôi xem một nhận xét của một giáo sư tiến sĩ về khả năng phân tích gen mà nó sai đến độ không tưởng tượng được (có chỗ ông này còn phịa ra một con số hoàn toàn từ trên trời rơi xuống và tôi có thể khẳng định điều này một cách chắc chắn). Kết cục là vì lí do này mà đề tài bị bác bỏ. Còn những nhận xét về thiết kế nghiên cứu thì có khi người ta chỉ quan tâm đến danh từ, thuật ngữ chứ không am hiểu thực chất.
Do đó, không ngạc nhiên khi họ chọn sai đề cương, tài trợ cho nhóm nghiên cứu thiếu kinh nghiệm. Chúng ta đã nghe quá nhiều câu chuyện về đề tài có chất lượng cao thì bị loại, còn đề tài "chẳng ra gì" thì được tài trợ. Có một vị giáo sư vật lí ở Hà Nội có công bố quốc tế rất tốt thốt lên rằng ông sẽ không bao giờ đi xin tài trợ nữa vì ông không thể hạ mình để đối thoại với hội đồng bất tài đến độ họ chẳng hiểu họ nhận xét cái gì.
Nói chung, có thể nói rằng trình độ thẩm định khoa học của họ còn quá kém cỏi. Nhưng vì họ có chức danh nên họ ngồi trong hội đồng, và sự có mặt của họ làm cản trở sự phát triển của khoa học VN. Do đó, tôi có giả thuyết rằng chính cơ chế gác cổng khoa học của VN còn quá kém, và tình trạng này dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong nghiên cứu khoa học của VN. Chi rất nhiều tiền, nhưng công bố thành tựu nghiên cứu thì chẳng bao nhiêu. Để nâng cao hiệu quả, cần phải thẳng tay loại bỏ tất cả những thành viên "gác cổng" khoa học không xứng đáng, phải minh bạch thành viên trong hội đồng xét duyệt như NAFOSTED đã làm. Chỉ có minh bạch và công bằng trong xét duyệt thì hiệu quả khoa học mới có cơ hội được nâng cao.
====
(1) http://www.tienphong.vn/cong-nghe/chi-15000-ti-cho-nghien-cuu-khoa-hoc-hieu-qua-den-dau-601686.tpo
(2)http://tuanvannguyen.blogspot.com.au/2014/12/cong-bo-quoc-te-cua-vn-nam-2014-va.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.