Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Mũi thuyền xé sóng – Mũi Cà Mau


 Xin kính gửi đến quý độc giả bài viết của tác giả Trần Hồng Tâm đăng tải trên trang mạng Đàn Chim Việtvề những thăng trầm trong sự nghiệp của ông Nguyễn Tấn Dũng và nhận địnhcủa tác giả đối với các lãnh đạo trong thời điểm hiện tại và tương lai sắp tới.
ông Nguyễn Tấn Dũng
Để tiện theo dõi câu chuyện, tôi có đôi dòng về cấu trúc thượng tầng quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).

Năm năm Đại hội đại biểu một lần, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương (BCH –TU). Từ đó, BCH –TU bầu Tổng Bí thư, và các Ủy viên Bộ Chính trị (BCT). Nói một cách lý thuyết thì BCH –TU là cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng. Điều 36 mục 3, Điều lệ Đảng viết: “Ban Chấp hành Trung ương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Bộ Chính trị.” 

Bài học Trần Xuân Bách 

Tháng Ba năm 1990, Nguyễn Văn Linh ra tay trừng trị Trần Xuân Bách. Trong BCT lúc đó có đến ba nhân vật cấp tiến: Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch và Võ Văn Kiệt. Cả hai ông Thạch và Kiệt thúc thủ. Ông Bách đơn thương độc mã, chống đỡ trong vô vọng dưới trận đòn của Nguyễn Văn Linh.

Cuối cùng, ông Bách không những bị đuổi ra khỏi BCT mà còn bị trục xuất ra khỏi BCH –TU. Lần đầu tiên trong lịch sử ĐCSVN có một Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật nặng đến như thế.

Cũng trong khoảng thời gian đó, ông Linh còn lạm quyền, vi phạm nguyên tắc, điều lệ đảng, tùy tiện không cho hai Ủy viên Trung ương vào phòng họp. 

Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI

Giữa năm 2012, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng định lặp lại thủ đoạn này với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trọng dùng bài “Phê và tự phê” trong nội bộ BCT. Ông Dũng cùng hàng trợ lý không khoanh tay chịu trận, không để cho Tổng Bí thư lấn sân. BCH – TU là cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng mới đủ thẩm quyền quyết định.

Tháng Mười năm 2012, Hội nghị BCH – TU 6 khai mạc. Ông Trọng tuyên bố: “Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị BCH – TU cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị.”

Cùng lúc, blog Quan Làm Báo ra đời, tung những thông tin cá nhân tấn công Nguyễn Tấn Dũng. Thậm chí, còn tung tin gia đình ông Dũng đã bắt đầu di tản khỏi Việt Nam.

Hội nghị BCH – TU 6 bế mạc. Thế cờ lật ngược. Ông Dũng bình an. Ông Trọng diễn một màn bi hài chưa từng có trong lịch sử: Khóc trên kênh truyền hình quốc gia, xin BCH – TU cho Bộ Chính trị một hình thức kỷ luật nhưng không được.

Từ đó, uy tín cá nhân của ông Trọng lao xuống vực trong khi uy tín của Thủ tướng Dũng bắt đầu có dấu hiệu khôi phục. 

Hội nghị Trung ương 7, Khóa XI 

Tháng Năm năm 2013, Hội nghị BCH – TU 7 khai mạc. Tổng Bí thư đích thân đứng ra giới thiệu hai đồng chí: Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị.

Cuộc bầu bán vô cùng gian nan, kéo dài đến ba giờ sáng vẫn không ngã ngũ. Bầu chính thức, bầu lại, rồi bầu bổ sung. Cả hai ứng cử viên trên vẫn không hội đủ số phiếu quy định, nhưng Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Kim Ngân đắc cử ngoài dự kiến.

Lại một chuyện chưa từng có trong lịch sử của ĐCSVN đã xảy ra ở Hội nghị này. Ý kiến của Tổng Bí thư Trọng không trọng lượng. Hay nói một cách khác, ông không được các Ủy viên Trung ương tôn trọng.

Những ngày cuối tháng Sáu, 2013, Quốc hội Việt Nam họp lấy phiếu tín nhiệm, ông Dũng chỉ đạt 42.14% phiếu tín nhiệm cao. Cuối tháng 11 năm 2014, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần hai: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chiếm tỉ lệ 64,39% tín nhiệm cao.

Ông thở phào nhẹ nhõm. Nếu hai năm liền ông đạt tỷ lệ dưới 50%, các đấu thủ sẽ gây sức ép bắt ông phải từ chức. Giờ đây, cơn giông tố đã qua. Ông lấy lại được sự quân bình. 

Hội nghị Trung ương 10, Khóa XI 

Tháng Giêng 2015, tại Hội nghị 10, Trung ương lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị. Kế quả bị giấu kín, coi đó là bí mật quốc gia. Nhưng có tin đồn: Thủ tướng Dũng đạt số phiếu tín nhiệm cao nhất.

Người ta không phải mất quá nhiều thời gian và công sức để xác minh tính chân thực của thông tin trên. Vài ngày sau blog Chân Dung Quyền Lực công bố kế quả. Lời đồn đoán trên đây là chính xác. Nếu chỉ tính riêng phiếu “tín nhiệm cao” thì ông Dũng đứng đầu. Nếu tính tổng số phiếu “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” thì ông Sang cao hơn, nhưng chỉ hơn đúng một phiếu.

Điều này khẳng định rằng, sự nghiệp chính trị của ông Dũng chưa thể kết thúc ở cuối nhiệm kỳ này. Hoặc ông vẫn giữ chức Thủ tướng, hoặc ông sẽ lên làm Tổng Bí thư khóa XII. Ở lại chức thủ tướng có lẽ không mấy khó khăn, nhưng leo lên tổng bí thư thì vô vàn những gian nan, rủi ro và cạm bẫy đang rình rập ông phía trước. 

Bài học Võ Văn Kiệt 

Năm 1995, uy tín của ông Kiệt trong đảng và trong dân rất cao. Tổng bí thư Đỗ Mười ở tuổi 80. Ông Kiệt trở thành ứng cử viên cho chức tổng bí thư vào Đại hội VIII. Điều này đã làm cho Trung Quốc và đặc biệt là Nguyễn Văn Linh không loại trừ một thủ đoạn nào để loại ông Kiệt ra khỏi sân chơi.

Bắt đầu bằng việc bôi xấu vợ ông Kiệt, bà Phan Lương Cầm. Hình bà Cầm mang gói quà được truyền tay nhau: “Ông xem, nó chỉ đi để lấy quà”, và lời đồn thổi về chuyên cơ chở bà Cầm mang nhiều hàng hóa. Ông Linh công khai: Bà Cầm tham nhũng.

Ông Kiệt lấy vợ, ông Linh cho là “ẩu”, “không thèm hỏi ai”, “không chấp nhận được”. Ông Kiệt chơi tennis, ông Linh cho là “xa rời lối sống và đạo đức cách mạng”, “tốn kém” và “học đòi”. Ông Kiệt có con ngoài giá thú, ông Linh chỉ mặt từng đứa một. Ông Linh công khai: “Tham nhũng đâu cần chống ở đâu, cứ chống ngay trong nhà Thủ tướng”.

Ông Linh dựng một nhân vật cũng gốc miền Tây, Nam Bộ, Nguyễn Hà Phan vào Bộ Chính trị. Từng là đệ tử ruột, nay Nguyễn Hà Phan trở thành người đối đầu trực tiếp với Võ Văn Kiệt. Tháng 1 năm 1994 tại hội nghị giữa nhiệm kỳ, ông Phan đưa ra một bản thống kê mười sáu điểm chệch hướng của ông Kiệt.

Một vây cánh bền vững gồm: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Hà Phan được dựng lên để cô lập và loại Võ Văn Kiệt ra khỏi sân chơi.

Tất cả những hoạt động trên mới làm giảm uy tín, chứ chưa thể kết liễu sự nghiệp chính trị của ông Kiệt. Cho đến khi ông Kiệt công bố “Thư gởi Bộ Chính Trị”. Lá thư này được cho là do Nguyễn Trung, thư ký của ông, chấp bút.

Đối thủ của ông Kiệt đã không bỏ lỡ cơ hội. “Thư gởi Bộ chính trị” bị hình sự hóa. Ông Lê Hồng Hà bị khám nhà, hưởng hai năm tù giam vì tội tàng trữ lá thư. Tiến sỹ Hà Sỹ Phu hưởng một năm tù giam vì tội chuyên chở lá thư. Nguyễn Kiến Giang 15 tháng tù treo vì tội đọc lá thư.

Người chống đối lá thư này mạnh nhất là Nguyễn Hà Phan. Phan kết tội ông Kiệt là “nối giáo cho giặc”, “không vững vàng”, “chệch hướng 100%”. Lê Khả Phiêu người đập lại lá thư này bằng hàng loạt bài đanh thép trên tờ “Quân đội nhân dân” đã trở thành Tổng Bí thư sau đó.

Người ta phải dàn xếp để Nguyễn Văn Linh không “đao to búa lớn” với ông Kiệt như từng làm với Trần Xuân Bách. Nhưng sự nghiệp chính trị của ông Kiệt coi như đã cáo chung. 

Bài học Trường Chinh 

Tháng Bảy năm 1986, Lê Duẩn trước khi chết, chỉ định Trường Chinh thay ông làm Tổng Bí thư. Khác với những người đồng chí chỉ đổi mới bằng đầu môi chóp lưỡi, Trường Chinh thay đổi từ trong nhận thức. Ông công khai tuyên bố đoạn tuyệt với “Quan liêu bao cấp”, xóa bỏ lệnh “Ngăn sông cấm chợ”. Ông mời gọi những chuyên gia giỏi, có tấm lòng về giúp việc, viết lại toàn bộ văn kiện Đại hội VI.

Uy tín của ông lên cao, đặc biệt những đảng viên gốc miền Nam, sau cuộc “Hội đàm Đà Lạt”. Ông nắm chắc ghế Tổng Bí thư ở Đại hội VI tháng 12 năm 1986.

Lê Đức Thọ thèm muốn ghế tổng bí thư từ Đại hội III, năm 1960. Đi đến đâu ông cũng bảo lũ đàn em: “Giờ đến lượt tao”. Nhưng bóng của Lê Duẩn quá lớn, ông không thể vượt qua. Giờ đây Lê Duẩn chết, cơ hội để ông thực hiện giấc mơ. Bất hạnh thay, uy tín cá nhân của ông không cao. Hơn nữa, trong hơn một phần tư thế kỷ làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, vô tình hay cố ý, ông đã sản sinh ra bao kẻ thù chính trị.

Lê Đức Thọ nhìn chiếc ghế tổng bí thư đang từ từ tuột khỏi tầm tay, vô phương cứu vãn. Bất ngờ, hai giờ đêm trước ngày khai mạc Đại hội VI, ông cùng Phạm Văn Đồng đến nhà riêng Trường Chinh và bảo: “Anh mà không rút lui thì Đảng ta tan nát mất”. Trường Chinh lặng lẽ rút lui, rồi qua đời do bị té cầu thang hai năm sau đó. 

Những liệt sỹ của Đổi Mới 

Từ Đại hội VI đến nay, ĐCSVN đã thay đổi nhiều theo chiều hướng phức tạp. Càng về sau, càng phức tạp, không thể chọn ra được những người tài đức. Nguyễn Văn Linh thủ đoạn và thành kiến. Đỗ Mười bảo thủ và gia trưởng. Lê Khả Phiêu thủ cựu và bè phái. Nông Đức Mạnh non kém toàn diện. Nguyễn Phú Trọng giáo điều và lạc hậu. Ngược lại, những nhân vật có uy tín, có tấm lòng và có tài năng, thường chết ngay ở loạt đạn đầu.

Trường Chinh kiến trúc sư của Đổi Mới chết tươi trong trong tay Lê Đức Thọ và Phạm Văn Đồng. Trần Xuân Bách kêu gọi đổi mới kinh tế phải song song với đổi mới chính trị, chết thê thảm duới tay đao phủ Nguyễn Văn Linh. Võ Văn Kiệt người dấn thân cho Đổi Mới chết dần chết mòn trong bàn tay lông lá của một bầy đoàn bảo thủ giáo điều đứng đầu là Nguyễn Văn Linh.

Nhìn lại ba “liệt sỹ của phong trào Đổi Mới”, người quan sát nhận ra cả ba nạn nhân đều có điểm chung: Ba ông cùng chọn trợ lý là những chuyên gia giỏi chuyên môn, có tâm huyết, nhưng lại vắng bóng những nhà mưu lược.

Nếu Trường Chinh và ban tham mưu đánh giá đúng, và hiểu rõ ý đồ Lê Đức Thọ, hẳn ông không bị động mà chấp nhận rút lui một cách dễ dàng như vậy. Nếu Trường Chinh quyết mang vấn đề ra trước Đại hội, để đại biểu quyết định. Có lẽ sự nghiệp chính trị của ông kết thức ở một ngả khác và ĐCSVN không thể nằm gọn trong tay của nhóm vừa bảo thủ vừa thủ đoạn.

Trần Xuân Bách cũng mắc sai lầm tương tự. Ông cùng ban tham mưu không đấu tranh đến cùng để đưa sự việc ra trước Ban Chấp hành Trung ương, không thể để một mình Nguyễn Văn Linh thao túng, lạm quyền, vi phạm vào điều lệ Đảng một cách trắng trợn. Nếu Ban Chấp hành Trung ương giải quyết vụ Trần Xuân Bách, có lẽ kết quả hoàn toàn khác. Tại sao ông Bách và nhiều Ủy viên Trung ương lại không nắm lấy vũ khí “Điều lệ Đảng” đứng lên bảo vệ quyền lợi sinh mạng chính trị cho mình mà chỉ biết nghiến răng chịu đựng.

Trường hợp Võ Văn Kiệt có hơi khác. Ban tham mưu của ông không đánh giá đúng tình hình. Công bố lá thư vào một tình huống mà ông Kiệt đang bị bao vây bởi cánh bảo thủ, và ở vào một thời điểm trước đại hội, khi mà các phe nhóm đang tính sổ với nhau, là một sai lầm chiến lược. 

Bó đũa chọn lấy cột cờ 

Trình độ nhận thức của các Ủy viên Bộ Chính trị hiện tại rất yếu, không theo kịp bánh xe lịch sử, cứ loay hoay bám víu lấy một mớ lý thuyết bảo thủ đã cũ nát. Hình như một mình Nguyễn Tấn Dũng có những thay đổi từ nhận thức trong thời gian gần đây, nhất là từ vụ Giàn khoan HD 981. Thảng hoặc, ông có những phát biểu khá táo bạo, hợp với lòng dân hơn.

Khi nói về mối quan hệ Việt – Trung, ông bảo: “Không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy tình hữu nghị viển vông”, hay “không có chuyện nhà anh cũng là nhà tôi.” Hai câu nói này không thể nằm ngoài tai của Trung Nam Hải.

Cho đến giờ, chưa một ai đụng đến, chỉ ông Dũng dám nói “Người dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm”. Ông công khai đề nghị phải có luật biểu tình, được đưa thông tin lên mạng, tôn trọng quyền được biết của dân. Ông ủng hộ gia đình Đoàn Văn Vươn v.v.

Trong BCT, ông là người có học vấn thấp nhất, trưởng thành từ chiến tranh. Nhưng những bài phát biểu của ông đỡ mùi bảo thủ, mùi giáo điều, mùi dậy dỗ, mùi trịch thượng, mùi rao giảng. Nó mang chút hơi hướng của nhân văn, của khai phá, vượt xa những ủy viên mang học hàm học vị đầy mình.
Tuy vậy, những lời phát biểu có thể thành mục tiêu để đối phương khai thác. Bài học của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chứng minh. Ông Thăng chỉ phê bình nhà thầu Trung Quốc vô trách nhiệm gây ra tai nạn chết người tại công trường xây dựng ở Hà Nội, nhưng bị quy chụp kích động tư tưởng bài Hoa.

Nếu cần, cánh bảo thủ có thể chụp mũ ông những tội không thua kém gì Trần Xuân Bách hay Võ Văn Kiệt.

Lí lịch của ông rõ ràng, không mù mờ ám muội như Lê Đức Anh. Đời tư của ông cũng trong sạch, không ngoại tình, tai tiếng như Lê Khả Phiêu, hay Nông Đức Mạnh.

Ngôi nhà thờ họ của ông ở Rạch Giá bị dư luận rùm beng một thời. Thực ra, nó cũng chỉ bằng cái gác xép của những quan chức khác. Con cái ông học hành thành đạt, còn tốt hơn nhiều lần những kẻ mượn quyền lực danh vọng của cha anh để ăn chơi quậy phá.

Ông Trọng ngậm ngùi khóc lóc xin kỷ luật mà BCH không cho. Ông Sang bóng gió “đồng chí X”, “bầy sâu”, “cay đắng lắm”. Nguyễn Sinh Hùng dí dỏm, hài hước. Phùng Quang Thanh ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời, và nhu nhược với Trung Quốc. Phạm Quang Nghị mang thành tích dọn vệ sinh thủ đô đi ngoại giao.

Ông Dũng vượt lên như một người thuyền trưởng. Liệu ông có thể đưa con thuyền vượt qua sóng gió. Liệu ông có thể trở thành mũi thuyền rẽ sóng ra khơi như một câu thơ mà tôi thuộc từ hồi còn bé, hình như của Xuân Diệu, viết về Việt Nam, về đất mũi Cà Mau quê hương ông:

Tổ quốc tôi như một con thuyền

Mũi thuyền xé sóng – mũi Cà Mau

Tháng Giêng 2015

Trần Hồng Tâm

Nguồn: Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.