Tồn kho bất động sản giảm 40%: Bóc mẽ thống kê
Theo:gocnhinalan.com
Các quan chức yêu cầu doanh nghiệp mỗi tháng kê khai bán được bao nhiêu căn rồi lẳng lặng cộng dồn, không ai xuống coi dự án thế nào.
Thanh Luân – Đất Việt – Vietnamnet – 25 Jan 2015
Ông Nguyễn Văn Đực Phó Tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM trao đổi với Đất Việt về tồn kho bất động sản 2014.
PV: - Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến giữa tháng 12/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 73.889 tỷ đồng, giảm 54.659 tỷ (tương đương giảm gần 43%). Trong khi đó giá bất động sản sau khi giảm sâu trên 30% trong giai đoạn 2011-2013 thì năm 2014 đã ổn định và không giảm tiếp.
Đây có phải là lý do để giảm tồn kho bất động sản hay không thưa ông và vì sao?
Ông Nguyễn Văn Đực: - Ở đây có hai phần giảm: giảm về số lượng và giảm về giá trị. Về số lượng, khoảng 10% dự án đã bắt đầu bán được hàng nhưng hàng tồn kho phải được hiểu như thế nào? Một công trình mới xây móng xong, chưa xây được căn hộ nào mà bán được thì không phải là giảm hàng tồn kho. Hoặc một chung cư xây dựng dở dang tới tầng 5, tầng 7 đã bán thì khi ấy mới chỉ là bán nửa thành phẩm chứ chưa gọi là thành phẩm.
Một ví dụ khác, do đầu tư hoặc mua đi bán lại dự án mà người ta bán được 100 sản phẩm thì 100 sản phẩm ấy không giải quyết được hàng tồn kho. Trong nhiều báo cáo nói rằng quý vừa rồi bán được 3.000 sản phẩm chẳng hạn, hàng tồn kho giảm. Thế nhưng, trong 3.000 sản phẩm đó có khi chỉ có 300 sản phẩm là tồn kho thật, còn 2.500 sản phẩm ở dạng bán thành phẩm hoặc chưa có thành phẩm. Cứ máy móc trừ đi là sai.
Bởi vậy, đề cập đến hàng tồn kho là phải xem sau khi xây xong có căn hoàn chỉnh, bán được mới trừ đi, còn đang xây dở dang thì là bán thành phẩm chứ không thể nói giảm hàng tồn kho.
Về giá trị hàng tồn kho, ở TP.HCM chỉ có khoảng 40-50 dự án hoạt động sôi nổi, còn lại 700 dự án vẫn chìm trong khó khăn. Như vậy, chưa đến 10% dự án hoạt động, hơn 90% còn lại không bán được vẫn tiếp tục nằm chết thì tiền lãi vay ngân hàng trong 1 năm thử tính xem lên tới bao nhiêu? Thường những dự án nằm chết lại có vốn đầu tư lớn hơn nhiều so với dự án hồi sinh. Theo đó, dự án hồi sinh thường là dự án nhỏ có giá trị đầu tư khoảng 100 tỷ đổ lại, còn giá trị của dự án chết lên tới cả ngàn tỷ. Thành ra số vốn nằm chết trong bất động sản đắp mền nhiều gấp hơn 10 lần dự án hồi sinh về số lượng, chất lượng gấp 3-4 lần, tổng số tiền gấp 40-50 lần. Dù dự án hồi sinh có bán cũng chẳng được bao nhiêu, trong khi dự án chết hàng năm vẫn phải trả lãi tối thiểu 10%.
Như vậy, giá trị tồn kho bất động sản phải tăng lên chứ không phải giảm đi vì lượng tồn kho đó phải đổ tiền vào mới bán được, còn đằng này không thể bỏ tiền vào được nữa cũng không bán được nhưng vẫn phải trả lãi. Các doanh nghiệp không thể lấy số lãi đó kê khai vào lỗ mà phải đưa vào vốn.
PV: - Theo nhận định của một số chuyên gia, những chuyển động của thị trường bất động sản trong năm qua là mua bán, sáp nhập (tức số lượng sản phẩm vẫn giữ nguyên) hoặc được chuyển đổi công năng sang việc khác. Như vậy, có thể hiểu tồn kho bất động sản đã tăng chứ không phải giảm không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đực: - Số lượng sản phẩm không giảm nhiều lắm nhưng vốn phát sinh từ tiền lãi tăng rất nhiều. Bởi vậy, như tôi phân tích ở trên, nếu thống kê kỹ càng thì giá trị tồn kho bất động sản chắc chắn sẽ tăng.
Thống kê của Việt Nam tương đối hời hợt, các quan chức ngồi trên cao yêu cầu doanh nghiệp mỗi tháng kê khai bán được bao nhiêu căn rồi lẳng lặng cộng dồn, không ai xuống coi dự án tròn, vuông hay méo thế nào. Thứ nhất là không có người, thứ hai là cách lấy thống kê rất quan liêu, trong các doanh nghiệp kê khai có bao nhiêu doanh nghiệp khai thật, bao nhiêu doanh nghiệp khai sai? Điều đó lý giải vì sao con số thống kê của Việt Nam từ trước tới nay sai rất nhiều.
Ví dụ, diện tích bình quân nhà ở của người dân được thống kê hơn 20m2/người nhưng tôi cho rằng con số đó sai vì còn rất nhiều công nhân ở trọ bình quân chỉ có 2-3m2/người. Khi kê khai họ không tính con số này vào.
Trong năm 2013- 2014, những chính sách của Việt Nam không có tác dụng đáng kể, ngay cả chính sách 30.000 tỷ có thể nói đã thất bại. Vậy mà giờ bây giờ thị trường sôi động trở lại thì người ta cho rằng đó là nhờ bám sát theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Còn khi thị trường đóng băng lại đổ thừa do các doanh nhân tham lam, đầu tư dàn trải.
Thị trường bất động sản TP.HCM sôi động trở lại là do các doanh nhân mua bán dự án với nhau, họ có hệ thống tiếp thị, bung vốn ra để mua lại dự án chết rồi xây dựng lên, chứ chẳng ai neo vào chiến lược cả.
PV: - Là chuyên gia trong ngành, ông nhận định như thế nào về tình hình bất động sản năm 2015? Liệu có thể giải quyết được điểm nghẽn là hàng tồn kho, khơi thông thị trường bất động sản?
Ông Nguyễn Văn Đực: - Theo tôi, thị trường bất động sản năm 2015 sẽ không biến động nhiều, mà chỉ xoay quanh một số diễn biến sau: Thứ nhất, căn hộ nhỏ sẽ tiếp tục lên ngôi để đón đầu gói 30.000 tỷ.
Thứ hai, mua bán dự án sẽ sôi động hơn. Sau thời gian thử nghiệm năm 2014 quá thành công, sẽ có nhiều doanh nghiệp đi lùng mua dự án. Trước đây, người ta đã hớt trên mặt những dự án tốt, khả thi thì bước sang năm 2015, những dự án khó hơn nhưng có tính khả thi cao, có thể kinh doanh được sẽ được giải quyết rốt ráo. Trái lại, những dự án không có tính khả thi, chìm ngập trong khó khăn, đắp mền lâu hoặc đã thu tiền của khách hàng quá lớn và lâu mà không thể triển khai được thì sẽ phải chết. Không ai cứu được những dự án này bởi người dân không thể đổ tiền vào, ngân hàng không thể cho vay còn doanh nghiệp thì hết vốn.
Thứ ba, các luật xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản ngày càng siết chặt lại. Nhà nước tăng cường quản lý bằng cách dùng bàn tay sắt, như lời Bộ trưởng Xây dựng từng nói, nhưng làm như vậy phỏng có ích gì? Càng làm thủ tục rườm rà, khó khăn thêm, phải ký quỹ và bảo lãnh khiến doanh nghiệp không muốn mở dự án mới mà mua đi bán lại dự án cũ.
Giá bất động sản cũng sẽ không thay đổi nhiều trong năm 2015, có thể tăng hoặc giảm trên dưới 5% vì không có cơ sở gì để giảm giá sâu hay tăng giá cao. Thị trường sẽ ổn dịnh dần, người bán muốn bán sản phẩm, còn người mua thì khôn ngoan hơn.
Thành Luân (Vietnamnet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.