Kinh doanh nhỏ lại bị đóng thuế nhiều
Nguồn:thebusiness.vn
Từ 1-1-2015, hàng trăm ngàn hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn cả nước sẽ thực hiện cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mới: theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Với những người có thu nhập trung bình khá, số thuế phải đóng theo cách này sẽ tăng lên vài chục phần trăm.
Chính sách thuế mới, áp dụng từ ngày 1-1-2015, chưa thể hài hòa lợi ích của các đối tượng chịu thuế. Ảnh: MINH KHUÊ
Đầu tiên là về ngưỡng doanh thu tính thuế. Theo Luật Thuế TNCN, hộ, cá nhân kinh doanh không có hệ thống sổ sách kế toán có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm mới phải đóng thuế TNCN. Tuy nhiên, với cách tính thuế mới, ngưỡng doanh thu tính thuế của người kinh doanh cá thể đã thay đổi rất nhiều so với cách tính cũ (số thuế phải đóng căn cứ vào thu nhập chịu thuế, tỷ lệ phần trăm doanh thu ấn định với các ngành nghề kinh doanh, giảm trừ gia cảnh cho bản thân, người phụ thuộc và biểu thuế lũy tiến từng phần).
Cụ thể, chẳng hạn ở lĩnh vực cho thuê tài sản (nhà, đất, xưởng...), theo quy định mới, người cho thuê đóng thuế TNCN 5% trên doanh thu khi doanh thu cả năm đạt trên 100 triệu đồng, nghĩa là cho thuê nhà từ 8,4 triệu đồng/tháng đã bắt đầu phải đóng thuế TNCN (mức đóng là 420.000 đồng/tháng).
Trong khi đó, theo quy định đang áp dụng, thuế thu nhập cá nhân được tính bằng doanh thu nhân tỷ lệ ngành nghề (30%) trừ các khoản giảm trừ gia cảnh, sau đó nhân với thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
Nếu người cho thuê nhà được giảm trừ gia cảnh cho bản thân (mức 9 triệu đồng/tháng) thì tính ra, số tiền cho thuê nhà phải đạt từ 30 triệu đồng/tháng mới có thu nhập dôi dư để chịu thuế. Trường hợp người cho thuê nhà có thêm người phụ thuộc, chẳng hạn như hai đứa con đang tuổi đi học (mức giảm trừ 3,6 triệu đồng/người) thì ngưỡng doanh thu bắt đầu chịu thuế lên tới trên 55 triệu đồng/tháng.
Với nhóm người kinh doanh có doanh thu trung bình, cách tính thuế mới làm tăng số thuế phải đóng so với cách cũ khoảng 30-50%.
Nếu tính tổng các loại thuế phải đóng gồm thuế môn bài (1 triệu đồng/năm), thuế giá trị gia tăng (5% trên doanh thu) và thuế TNCN cho cùng ngưỡng chịu thuế thấp nhất (8,4 triệu đồng/tháng) thì với cách tính mới, người cho thuê nhà (trong trường hợp được giảm trừ gia cảnh cho bản thân) phải nộp thuế tăng gấp đôi so với cách tính cũ, từ 500.000 đồng/tháng như hiện hành lên hơn 920.000 đồng/tháng.
Với doanh thu từ cho thuê nhà ở các mức như 10 triệu đồng, 20 triệu đồng, 50 triệu đồng và 100 triệu đồng/tháng, tổng số thuế phải đóng theo cách tính mới tăng từ 30-50% so với cách tính cũ.
Tuy nhiên, khi giá cho thuê nhà càng cao, đạt từ 200 triệu đồng/tháng trở lên, tổng số thuế phải đóng theo cách mới lại ít hơn so với cách tính cũ, tức người đóng thuế được lợi hơn.
Tuy nhiên, khi giá cho thuê nhà càng cao, đạt từ 200 triệu đồng/tháng trở lên, tổng số thuế phải đóng theo cách mới lại ít hơn so với cách tính cũ, tức người đóng thuế được lợi hơn.
Tương tự, ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, tình trạng người thu nhập trung bình phải đóng thuế cao hơn trước đây cũng diễn ra.
Với những hộ, cá nhân phân phối hàng hóa như chủ tiệm tạp hóa, sạp quần áo, giày dép... áp thuế TNCN theo tỷ lệ 0,5% trên doanh thu theo cách tính mới thì mỗi tháng đạt doanh thu 8,4 triệu đồng đã phải đóng thuế này.
Trong khi đó, với cách tính cũ, ngưỡng doanh thu bắt đầu phải đóng thuế TNCN là trên 100 triệu đồng/tháng, tính với trường hợp tối thiểu là chỉ giảm trừ gia cảnh cho bản thân. Và tính tổng số thuế phải đóng thì những người có doanh thu từ mức 8,4 triệu đồng/tháng đến 200 triệu đồng/tháng bị điều chỉnh tăng từ 30-50% so với cách tính cũ. Còn những người có doanh thu từ khoảng 400 triệu đồng/tháng trở lên sẽ có lợi khi số thuế phải đóng theo cách mới giảm so với cách tính cũ.
Ở nhóm dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, cắt tóc, gội đầu, may đo... (chịu thuế giá trị gia tăng 5% và thuế TNCN 2% trên doanh thu), số thuế phải đóng theo cách tính mới cho khoản doanh thu từ 8,4 triệu đồng/tháng đến dưới 100 triệu đồng/tháng cũng tăng 40-50% so với cách tính cũ. Doanh thu vượt mức 100 triệu đồng/tháng thì bắt đầu có lợi về thuế.
Tương tự, ở nhóm sản xuất, gia công, vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, quán ăn, thầu xây dựng có bao gồm nguyên vật liệu, khai thác, chế biến khoáng sản... chịu thuế giá trị gia tăng 3% và thuế TNCN 1,5% trên doanh thu theo cách tính mới thì số thuế tăng khoảng 50% so với cách tính cũ nếu doanh thu dưới 200 triệu đồng/tháng. Vượt ngưỡng này, người đóng thuế sẽ bắt đầu có lợi.
Dẫn chứng như vậy để thấy, cải cách về thuế mà Quốc hội thông qua hôm 26-11 vừa qua tuy giảm được một phần thủ tục cho người nộp thuế nhưng lại gây sức ép đối với người có thu nhập không cao. Đây chủ yếu là những người buôn bán tạp hóa, quần áo, giày dép tại chợ hay những cơ sở sản xuất nhỏ, đối tượng đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp, các hệ thống siêu thị trong và ngoài nước... Để tồn tại, người kinh doanh phải chấp nhận bán giá rẻ để thu hút khách. Do đó, tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu ngày càng giảm.
Trao đổi với TBKTSG, một cán bộ thuế tại TPHCM cho rằng, với nhóm người kinh doanh có doanh thu trung bình, đúng là cách tính thuế mới làm tăng số thuế phải đóng so với cách cũ. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu, tăng như thế nào cần phải so sánh trên tổng số thuế phải đóng theo cách cũ và mới chứ không chỉ so giữa từng khoản thuế.
Thêm vào đó, cần lấy con số tuyệt đối để so sánh hơn là tính ra tỷ lệ phần trăm. “Ví dụ, số thuế mới phải đóng là 300.000 đồng và số cũ là 150.000 đồng, nếu tính tỷ lệ là tăng gấp đôi nhưng con số tuyệt đối là 150.000 đồng thì người nộp thuế chấp nhận được”, ông nói (!).
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, thực tế tính thuế TNCN hiện nay rất phức tạp với hàng chục trường hợp đặt ra. Ví dụ, người cho thuê nhà có thu nhập chính là từ tiền lương làm bác sĩ, kỹ sư... Vì vậy, việc giảm trừ gia cảnh (cho bản thân và cho người phụ thuộc) đã được tính ở khoản thu nhập này. Số thuế phải đóng theo cách cũ, trong nhiều trường hợp, không hẳn đã thấp. “Chính sách mới, theo tôi là giúp đơn giản thủ tục cho người nộp thuế. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích của tất cả mọi người thì chưa làm được”, vị này nhận xét.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.