Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

BÓNG MA “CHẠY ÁN”

BÓNG MA “CHẠY ÁN”

Nguồn:Việt Nam Thời Báo.
Ls. Trần Hồng Phong

(SGB): Ở Việt Nam, đặc biệt trong các vụ án dân sự, có thể nói thẩm phán nắm quyền “sinh sát” rất lớn và ít bị chú ý hơn so với các vụ án hình sự.

Nếu thẩm phán yếu kém về nghiệp vụ, hay có tiêu cực, đánh mất lương tâm mà nhận tiền chạy án... thì sẽ gây thiệt hại từ nhỏ đến cực lớn cho các đương sự. Tuy nhiên, do không có bằng chứng về việc thẩm phán nhận tiền chạy án (đâu có dễ), nên hầu hết các trường hợp tố cáo đều bị “chìm xuồng” trong nỗi chán nản, thậm chí uất ức mà đành bó tay ngậm chịu của người tố cáo.

Trong khi đó, hầu như chưa có trường hợp nào thẩm phán bị truy tố hay xử lý một cách tương xứng với những sai phạm của mình. Đa phần cùng lắm thì cũng chỉ bị xử lý hành chính, nội bộ. Chính điều này càng làm cho niềm tin của người dân vào công lý, vào sự nghiêm minh của pháp luật giảm sút nghiêm trọng.

Xin giới thiệu ý kiến của Ls. Trần Hồng Phong về “Bóng ma “chạy án” trong chuyện thẩm phán “giúp” bị đơn tẩu tán tài sản”.

Báo Pháp luật TP.HCM ngày 20-1-2015 có đăng bài “Thẩm phán bị tố “giúp” bị đơn tẩu tán tài sản”, nói về trường hợp một thẩm phán tên T. ở TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) bị tố cáo có hành vi “giúp” cho phía bị đơn tẩu tán tài sản qua việc ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, từ đó bị đơn đã bán căn nhà bị ngăn chặn trước đó.

Báo cũng dẫn lời ông Phạm Doãn Hiếu, Chánh án TAND quận Bình Thạnh nói rằng: “Đang yêu cầu thẩm phán T. giải trình bằng văn bản. Do đang chờ giải trình nên tạm thời những nội dung tố cáo chưa thể trả lời ngay được và sẽ trả lời sau. Tuy nhiên, quan điểm của tòa là kiên quyết không né tránh, xử lý nghiêm và không bao che nếu cán bộ làm sai”.

Tuy nhiên, nói thật nói thẳng, là tôi chẳng mấy tin tưởng vào kết quả giải quyết những đơn tố cáo thẩm phán có dấu hiệu tiêu cực. Đơn giản là vì từ lâu, qua thực tế hành nghề luật sư, tôi không còn niềm tin vào sự “nghiêm minh của pháp luật” trong các cơ quan tư pháp nữa.

Quay trở lại nội dung vụ việc, đại ý như sau:

Vừa qua ông Nguyễn Ngọc Tuấn gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo hành vi của thẩm phán Trương Văn T. ở TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM). Theo đơn, tháng 10-2010, ông có cho vợ chồng ông G. (anh rể và chị ruột Tuấn) mượn 800 triệu đồng để mua và sửa chữa căn nhà tại Lê Quang Định, phường 7, quận Bình Thạnh. Sau đó do vợ chồng ông G. không trả nợ nên tháng 5-2014, ông nộp đơn khởi kiện đến TAND quận Bình Thạnh, yêu cầu vợ chồng ông G. trả nợ cho mình.

Ngày 13-6-2014, TAND quận Bình Thạnh thụ lý hồ sơ và phân công một thẩm phán giải quyết vụ án. Đồng thời, phía ông Tuấn cũng có đơn yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với căn nhà để đảm bảo việc thi hành án.

Ngày 1-7-2014 thẩm phán thụ lý vụ kiện đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm vợ chồng ông G. chuyển dịch, mua bán, tặng cho, thế chấp, chuyển quyền dưới bất kỳ hình thức nào đối với căn nhà trên. Quyết định này được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Song song đó, ông Tuấn nộp 100 triệu đồng tiền ký quỹ vào tài khoản đã bị phong tỏa.

Sau đó, thẩm phán này được điều chuyển công tác về nơi khác và thẩm phán Trương Văn T. tiếp tục giải quyết. Ông Tuấn cho biết sau khi được phân công giải quyết vụ án, thẩm phán T. đã nhiều lần gọi điện thoại cho ông nói chuyện về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước đó. Băng ghi âm thể hiện giọng của thẩm phán T. rằng “có muốn duy trì nữa không?”.

Sáng 9-1-2015, ông đến tòa theo giấy mời để gặp thẩm phán K. (thay thế cho thẩm phán T.). Tại đây, ông nhận được quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do thẩm phán T. đã ký từ ngày 28-11-2014.

“Tôi phản ứng vì với quyết định hủy bỏ này, phía ông G. hoàn toàn có thể tẩu tán tài sản. Tuy nhiên, thẩm phán K. cho biết hiện chưa có ai nhận được quyết định hủy bỏ này, tôi là người đầu tiên nhận.

Do quá lo lắng, tôi chạy ngay đến Phòng Công chứng số 6 thì được biết căn nhà trên đã bị vợ chồng ông G. chuyển nhượng cho người khác và người này cũng đã kịp chuyển nhượng cho người thứ ba” - ông Tuấn nói.

Trên thực tế. bà Huỳnh Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Công chứng số 6 (TP.HCM), cho biết căn nhà nói trên được vợ chồng ông G. ký bán cho bà X. vào ngày 9-12-2014. Đến ngày 25-12-2014, bà X. ký hợp đồng chuyển nhượng cho bà H. Khi thực hiện việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng, công chứng viên đã kiểm tra thông tin về việc ngăn chặn đối với căn nhà này.

Tuy nhiên, trên mạng thông tin nội bộ của Sở Tư pháp TP.HCM, công chứng viên không thấy căn nhà nói trên bị ngăn chặn bởi cơ quan có thẩm quyền nào. Do vậy, việc công chứng viên ký công chứng hai giao dịch trên là đúng pháp luật.

Nói tóm lại, là do có quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của thẩm phán T., nên phía bị đơn đã “tẩu tán được tài sản”. Và do bị đơn đã tẩu tán được tài sản, cho nên cho dù sau này phía nguyên đơn là ông Tuấn có thắng kiện, thì khả năng thi hành án là rất khó. Vì khi đó bị đơn sẽ không còn tài sản để thi hành án nữa. (Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chính là để bảo đảm việc thi hành án sau này). Chưa kể là để được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ông Tuấn đã phải bỏ ra 100 triệu đồng.

Nếu thắng kiện mà bản án không được thi hành, thì nói cho cùng cũng chỉ là thắng trên giấy mà thôi. Khi đó công lý, lẽ công bằng vẫn chưa được thực thi. Thiệt hại bên thắng kiện lãnh đủ.

Điều đáng nói là những sự việc theo kiểu như trên hoàn toàn không phải là cá biệt trong ngành tòa án. Câu hỏi không thể đặt ra là vì lý do nào mà thẩm phán lại có những hành động “giúp” cho một bên như vậy? Mà hậu quả nhãn tiền là một bên thì có lợi, còn một bên thì thiệt hại rất rõ ràng.

Thiết nghĩ chỉ có 3 lý do có thể đưa ra giải thích:

- Một, là hành vi của thẩm phán là cần thiết, đúng pháp luật, góp phần giải quyết vụ án một cách hiệu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

- Hai, là thẩm phán quá yếu kém về chuyên môn, đã ra quyết định sai quy định của pháp luật.

- Ba, là thẩm phán đã bán rẻ lương tâm, “nhúng chàm”, tiêu cực, nhận tiền chạy án.

Có thể thấy lý do đầu tiên rất dễ đánh giá và kết luận. Chỉ cần đối chiếu theo quy định rất rõ ràng trong Bộ luật tố tụng dân sự là xong!

Thế nhưng, hai lý do sau thì có thể nói là “vô hình”, rất khó có chứng cứ để chứng minh, xác định. Đặc biệt là bằng chứng về việc thẩm phán tiêu cực, nhận tiền chạy án.

Thế cho nên dù ai cũng có thể hình dung ra được lý do theo một logic thông thường dễ hiểu, nhưng do không có chứng cứ - nên chuyện chạy án, tiêu cực ở tòa án lâu nay vẫn chỉ là một “bóng ma” mờ ảo, như trêu tức mọi người.

Chừng nào chúng ta (hay nói chính xác hơn là các cơ quan, cá nhân nhà nước có thẩm quyền) chưa có “kính chiếu yêu” đủ độ mạnh mẽ và hiệu quả, để dẹp bỏ những “bóng ma chạy án” đang tồn tại ngang nhiên, nhưng lại mờ mờ ảo ảo trong ngành tòa án như hiện nay, thì chừng đó án oan sai, sự bất công vẫn luôn còn tồn tại.

Và công lý, lẽ công bằng vẫn chỉ là lý thuyết, thật xa vời.

THP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.