Châm biếm là tự do ngôn luận
Châm biếm là tự do ngôn luận
Bùi Văn Phú – Theo BBC – 14 Jan 2015
Trước ngày 7/1 tôi không biết gì về tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ở nước Pháp, vì tôi sống ở Mỹ. Chắc nhiều bạn đọc cũng không biết tờ báo này cho đến khi khủng bố dùng súng tấn công vào tòa soạn, giết chết 12 người, trong đó có tổng biên tập Stephane Charbonnier cùng nhiều họa sĩ nòng cốt của tờ báo.
Charlie Hebdo ra đời hơn 40 năm trước, phát hành 60 nghìn bản mỗi kỳ. Đây là con số tương đối thấp so với những tờ báo lớn ở Pháp, như nhật báo Le Monde in 300 nghìn bản mỗi ngày, tuần báo L’Express trên nửa triệu mỗi kỳ.
Tuy số phát hành không cao, nhưng tờ báo đã sống lâu là nhờ những người Pháp có óc khôi hài.
Mỗi tuần các hoạ sĩ cộng tác đã dùng biếm họa để vẽ lên một ý tưởng nào đó, có thể là một vấn đề liên quan đến chính sách, có thể về một nhân vật chính trị, tôn giáo, nghệ thuật để độc giả cười vui chốc lát, hay khiến họ có chút quan tâm đến chủ đề nhắc đến.
Trào phúng và phản đối
Tại Mỹ, tính hài của người dân cũng có và “sense of humor” là một cá tính được trân quí. Trước đây có National Lampoon được coi là tạp chí trào phúng nhất, nay đã đình bản.
Nhiều nhật báo, tuần báo thường đăng biếm họa. Số báo ra ngày Chủ nhật có cả một khu vườn dành cho những truyện vui, hài bằng tranh.
Giới họa sĩ Mỹ đã vẽ những biếm họa chính trị, chọc quê giới lãnh đạo, đụng chạm đến tôn giáo. Bạn đọc lên mạng, gõ cụm từ “political cartoon in US” để tìm sẽ thấy biếm họa đủ loại vì tính trào phúng cũng là tự do phát biểu, tự do ngôn luận.
Không chỉ văn chương trào phúng, nhiều nhà văn cũng đã viết ra những điều ngược lại với niềm tin tôn giáo. Có những công ty đã dùng hình ảnh tôn giáo để quảng cáo thương mại.
Truyện dài Da Vinci Code trong đó Chúa Giêsu được mô tả đã có vợ. Bộ phim Thorn Bird, dựng lên từ tiểu thuyết của tác giả Úc, về một giám mục công giáo đã có con qua mối tình thầm kín. Đức Phật đã được dùng để trang trí trên giày phụ nữ. Hình và tên Thánh Gandhi được dùng làm thương hiệu cho một loại bia.
Trước những sự kiện đó, các giáo hội lên tiếng phản đối. Sản phẩm có khi được thu hồi, có khi vẫn được phổ biến. Dù phim được chiếu, sách được phát hành hay sản phẩm vẫn được tung ra thị trường thì phản ứng của dân không có hành động bạo lực đối với tác giả hay cấm cản những người khác đọc, xem, hay tiêu dùng.
Nếu không đồng ý có thể phản đối bằng biểu tình, bằng kiện ra tòa hay đơn giản là không để ý, tiêu dùng những sản phẩm đó.
Nét trào phúng trong văn hóa Việt Nam
Dưới chế độ cộng sản, phê bình hay trêu chọc lãnh đạo trong bài viết, qua văn chương hay nét vẽ thì không tránh khỏi bị kiểm duyệt hay sẽ phải đối mặt với án tù
Nhắc đến tinh thần trào phúng trong văn chương báo chí thì Việt Nam cũng đã có những nhân vật Lý Toét và Xã Xệ xuất hiện trên báo Phong Hóa trong thập niên 1930 là những biếm họa phản ảnh thế thái nhân tình thời bấy giờ.
Trước năm 1975 ở miền Nam có những họa sĩ biếm họa Tuýt, Hĩm. Đặc biệt có Choé Nguyễn Hải Chí với những bức tranh châm biếm lãnh đạo từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đến các tướng tá.
Ông cũng đã đem cả Tổng thống Nixon, Ngoại trưởng Henry Kissinger, Cố vấn Lê Đức Thọ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Mao Trạch Đông vào những bức biếm họa.
Ở Việt Nam ngày nay nhiều báo cũng có biếm họa. Ngoài ra còn có Thư Giãn, Tuổi Trẻ Cười là những tờ báo trào phúng, nội dung nêu lên được ít nhiều bức xúc hay những tiêu cực của xã hội, nhưng không thể công khai đem lãnh đạo ra diễu cợt.
Dưới chế độ cộng sản, phê bình hay trêu chọc lãnh đạo trong bài viết, qua văn chương hay nét vẽ thì không tránh khỏi bị kiểm duyệt hay sẽ phải đối mặt với án tù.
Trong văn chương tiếng Việt ở hải ngoại, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn nổi tiếng với những tập truyện mang nét hài dí dỏm về lãnh đạo và đời sống dưới chế độ cộng sản. Nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ cũng đã xuất bản hai tập truyện cười xã hội chủ nghĩa.
Một số họa sĩ người Việt ở nước ngoài cũng có những nét biếm họa rất thời sự như Babui, Mít Đặc, Gúc, Etcetera.
Sức mạnh của biếm họa
Trong nếp sống Mỹ, người dân xem chuyện đem châm chọc lãnh đạo là bình thường. Nhiều khi không cần đọc những bài báo, theo dõi tin tức trên truyền hình mà chỉ xem qua một biếm họa ghi lại hành động hay một phát biểu của người lãnh đạo, bức tranh đã để lại ấn tượng lâu dài trong lòng bạn đọc. Có khi những bức biếm họa cũng là lời nhắc nhở giới cầm quyền quan tâm vì đó có thể là một thành quả hay một sai lầm trong chính sách cần phải sửa đổi.
Lãnh đạo của Hoa Kỳ và của các quốc gia tự do dân chủ luôn được những nhà biếm họa đem ra chọc cười. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bị châm biếm trên báo Charlie Hebdo. Tổng thống Barack Obama thường xuyên được chương trình Saturday Night Live đùa vui.
Vì là sống trong xã hội tự do dân chủ nên những họa sĩ, những diễn viên không ai bị làm khó dễ, bị đe doạ hay bị giam tù.
Tính hài của người Mỹ quả thật rất cao vì mỗi năm tổng thống còn có buổi tiệc với các phóng viên báo chí, truyền hình để chọc cười nhau. Tại liên hoan này, người đứng đầu quốc gia trở thành một diễn viên kể chuyện tếu không thua gì những danh hài thứ thiệt.
Nhiều lãnh đạo quốc gia là đối tượng bị các họa sỹ trào phúng nhắm tới. Trong hình là cựu thủ tướng Anh Tony Blair, với dòng chữ minh họa “Ngập trong hố khủng”
Chính vì tính hài trong quyền tự do phát biểu tư tưởng, tự do ngôn luận mà vụ thảm sát tại tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo đã làm nổi lên làn sóng phản đối những phần tử cực đoan Hồi giáo đã nổ súng giết các nhà báo.
Từ sự kiện đau buồn đó, khẩu hiệu Je suis Charlie – Tôi là Charlie – đã nhanh chóng trở thành tuyên ngôn về tự do ngôn luận, tự do báo chí để nhiều người dùng đó nói lên sự trân quí các quyền tự do căn bản mà kẻ khủng bố đã dùng bạo lực để chà đạp lên.
Hàng triệu người ở Paris và ở nhiều nơi trên thế giới đã đồng thanh lên tiếng “Je suis Charlie” trong cuối tuần vừa qua. Charlie Hebdo số phát hành ngày 14/1, không mang chút buồn nào mà vẫn là những nét tếu táo, với ba triệu bản đã bán hết trong vài giờ. Sau những biểu tình tuần hành, người dân Pháp lại thể hiện sự ủng hộ tự do ngôn luận và không khuất phục bạo lực bằng cách mua báo.
Trước sự kiện các nhà báo Pháp bị khủng bố, nhiều người Việt đã chuyển “Je suis Charlie” – Tôi là Charlie – thành “Tôi là Bọ Lập”, “Tôi là Basam” để phản đối nhà nước Việt Nam bắt giam những blogger chỉ vì họ muốn được quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận.
Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC Tiếng Việt từ California
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.