Vụ Trần Bắc Hà và tham nhũng ngành ngân hàng VN 'đã có từ lâu'
Việc ông Trần Bắc Hà bị bắt chỉ thể hiện "sự yếu kém, vấn nạn từ lâu của ngành ngân hàng với khối nợ xấu khổng lồ" ở Việt Nam, một ý kiến từ Hoa Kỳ cho BBC biệt hôm 29/11.
Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí từ Florida, tham gia Chương trình Bàn tròn Thứ Năm trong studio của BBC Tiếng Việt ở London, bình luận:
"Việt Nam sau 40 năm vẫn chưa đạt được thế kinh tế hùng mạnh, độc lập và tự chủ chỉ vì sự yếu kém của những cải cách, thực sự chưa cải cách ra khỏi guồng máy bộ máy xã hội chủ nghĩa."
Sau năm 1986, Việt Nam tuyên bố thoát khỏi nền kinh tế bao cấp; tuy vậy, ông Chí cho rằng "sức sản xuất vẫn rất yếu ớt và chưa nắm được những mối lợi của kinh tế thị trường vì Việt Nam chưa bao giờ chính thức trở thành nền kinh tế thị trường."
Giải thích cho những yếu kém lâu nay của ngành ngân hàng, theo ông là vì "những hành động của giới lãnh đạo ngân hàng" dẫn đến chỉ trong vòng 2-3 năm nay liên tiếp nhiều nhân vật nổi cộm bị bắt.
Và những nhân vật nổi cộm nhất, như trường hợp mới đây nhất là ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng BIDV bị cơ quan cảnh sát điều tra Việt Nam khởi tố hôm 29/11 chỉ là "những câu chuyện rất cũ mà chúng tôi được biết từ lâu", ông Phạm Đỗ Chí, cựu quan chức cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói thêm.
"Ngay từ hồi tôi có thời gian về Việt Nam làm việc từ năm 2003 đến 2014, trong suốt thời gian dài này tôi đã chứng kiến trong ngành ngân hàng rất nhiều chuyện xấu được lấp liếm, cất lại nhờ các thế lực, nhóm lợi ích.
"Bây giờ, từ từ những vụ này bị khui ra thì đây không phải là chuyện gì mới mà là hình phạt tất phải đến."
Do đó, thời điểm này chính là lúc "Việt Nam phải dứt khoát hơn để cải tổ hệ thống ngân hàng", ông Chí nhận xét.
Trước đó trong một cuộc phỏng vấn khác với BBC, Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí nói về hệ lụy tiêu cực thuộc về di sản thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
"Tôi phải thành thật mà nói là nếu người ta có nghe là kinh tế và tài chính Việt Nam bây giờ sắp sụp đổ thì cũng không ngoa vì đó là kết quả của 7 năm thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng.
"Trong những năm gần đây thì họ cố gắng gỡ rối những vấn đề của thời ông Dũng như nợ xấu ngân hàng, nợ công quốc gia. Chuyện mà không ai có thể phủ nhận khiến kinh tế Việt Nam không thể có bước nhảy vọt là vấn đề tham nhũng".
Tiến sỹ Chí nói về những vấn đề rất nghiêm trọng như chuyện thất thoát tài sản quốc gia hay chuyện làm ăn sai trái:
"Các chuyện ngân hàng này thật ra là bắt đầu từ mười mấy năm trước và kéo dài dai dẳng và những lợi dụng quá nhiều."
"Nếu mà ngày nào ra ánh sáng sự thật thì có lẽ còn cả chục nhân vật như ông Trần Bắc Hà sẽ bị khui ra trước ánh sáng và khối tài sản nằm về tay những nhân vật này hay một khối nhân vật đằng sau sẽ là một câu chuyện khổng lồ."
Cùng tham gia chương trình trong studio của BBC ở London hôm 29/11, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng từ Berlin đồng tình với những nhận định của ông Chí.
Tuy nhiên, từ góc độ vĩ mô, ông Hùng cho rằng những vụ việc như trên của ngành ngân hàng là "hậu quả tất yếu của một quá trình phát triển Việt Nam hiện nay".
"Có nghĩa là chính trị phát triển với kinh tế không đồng bộ, cải cách về chính trị không theo kịp cải cách về kinh tế, mở cửa với tốc độ quá nhanh trong khi bộ máy quản lí không theo kịp thì ắt dẫn tới," ông giải thích.
Nhà báo Lê Mạnh Hùng cũng cho rằng: "Còn rất nhiều những vụ việc còn đang trong bóng tối mà tới đây nếu khám phá ra thì mới thấy hậu quả nó lớn như thế nào."
Bộ Công an Việt Nam hôm 29/11 xác nhận đã bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà, 61 tuổi, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đồng thời, ông Trần Lục Lang, cựu phó tổng giám đốc BIDV và Kiều Đình Hòa, cựu giám đốc BIDV Hà Tĩnh, cũng bị bắt.
Con số các sai phạm này được báo chí Việt Nam đưa là lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Xem thêm bài về ngân hàng Việt Nam:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.