Quy hoạch chỉnh trang khu Hoa Bình, Đà Lạt: “Hãy trả lại cho cộng đồng những gì thuộc về cộng đồng”*
2-4-2019
(Bài viết dưới góc độ pháp luật di sản)
Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương.
Để hình thành một đô thị từ kim chí cổ nhất thiết phải có phần đô và phần thị. Phân đô là nơi tập trung cơ quan điều hành và dân cư sinh sống, phần thị là chợ – chỉ nơi sinh hoạt giao thương của người dân trong đô thị đó. Từ lâu, khi nhắc đến một đô thị nào đó người ta thường quan tâm tới một số công trình tiêu biểu hình thành nên đô thị đó như chiếc cầu, trụ sở hành chính, cung vua phủ chúa và không thể thiếu đó là cái chợ. Những cái chợ đó luôn đóng vai trò tiêu biểu nhận diện đô thị và cuộc sống, trong thơ ca văn học, chợ Đồng Xuân (Hà nội), chợ Đông Ba Huế, chợ bến thành (Sài Gòn), chợ Đà Lạt (Đà Lạt),…
Chợ cũ Đà Lạt là căn chợ đầu tiên của người Việt ở Đà Lạt còn tồn tại cho tới ngày nay. Nó đánh dấu cột mốc phát triển và định vị trí của người Việt tại Đà Lạt. Sau một thời gian dài khai thác chúng ta bỏ công trình kiến trúc xuống cấp một cách nghiêm trọng, thảm bại, nếu không có những tấm hình cũ, không ai biết hình tướng nó thế nào, ngay cả một số kiến trúc sư có thời gian sống hoặc làm việc ở Đà Lạt tưởng cái rạp nó xuống cấp xấu xí như vậy nên đồng tình nên tháo dỡ.
Nhìn hình cũ ta thấy công trình hài hòa với cảnh quan và công trình xung quanh. Nó vừa là cái chợ, vừa đóng vai trò như một điểm nhấn của quảng trường (la Place de marche) bởi các con đường xung quanh đổ dồn vào nó nên nó phải thấp trong tổng thể chung và phải có một điểm nhấn là cái tháp đồng hồ để các ngả đường định hướng tới quãng trường (chúng ta vẫn thường thấy ở các nút giao ở châu Âu).
Những chi tiết của chợ cũ rất hình tượng lấy ý tưởng từ ngọn núi Langbiang nhấp nhô, mặt trước công trình tỷ lệ rất cân xứng theo tỷ lệ vàng. Ngay cả khi người thiết kế chỉnh trang mặt đứng chợ Đà Lạt mới kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cũng lấy lại chi tiết này đưa vào mặt đứng cho có sự giao thoa trong tổng thể chung của khu vực.
Mặt trước công trình hướng ra quảng trường rộng, có cả bậc thềm rộng để làm sân khấu lễ hội ngoài trời. Đó là nét đặt trưng, là dấu hiệu nhận biết sự khác biệt, là ý nghĩa của “hồn nơi chốn” là nơi tụ hội của nhân dân qua các cuộc kháng chiến. Phần nhà lồng chợ thoáng không che khuất tầm nhìn vì chợ nằm giữa các con đường (vòng xoay). Một công trình như thế, một kỷ vật như thế đối với một địa phương sao lại phá bỏ?
Nếu như dinh tỉnh trưởng đóng vai trò như một phần đô thì chợ cũ Đà Lạt là phần thị trong một không gian trung tâm Đà Lạt. Qua bao lần chỉnh trang của người Pháp và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, việc chỉnh trang tôn tạo khu vực rất tốt, không một công trình nào xây chen cũng như bị tháo dỡ vì nó không đẹp. Nó phải xứng đáng là di sản của Đà Lạt đầu tiên mới phải.
Việc công trình xuống cấp không phải là lỗi tại công trình mà lỗi ở người quản lý và khai thác. Chúng ta hoặc bỏ mặt cho nó xuống cấp nghiêm trọng rồi đập bỏ bán đất hoặc không biết phải sử dụng vào mục đích gì sinh lợi. Nhà nước giao thì mình giữ và đó khung như bảo tàng để đó, hoặc khai thác quá mức mà không tái đầu tư trùng tu tôn tạo nó, làm sao di sản không xuống xấp cho được.
Việc di dời một di tích vào một góc vào đó để khai thác quỹ đất vốn có của công trình di tích là việc làm quá tàn bạo. Di tích luôn luôn gắn với thực thể xung quanh mà nó tồn tại. Người xưa quy hoạch công trình bảo giờ cũng có cảnh quan đi liền, nhất là ở Đà Lạt.
Những công trình công cộng hay những căn biệt thự đều có khoảng sân vườn của nó, ở Đà Lạt một công trình như thế thường bị ảnh hưởng địa hình mà công trình đó. Từ mặt bằng đến mặt đứng đều dựa theo địa hình, những căn cửa sổ duyên dáng, lạ lẫm đẹp mắt khác với các vùng miền khác. Nếu ta dời sang vị trí khác hoặc xoay nó threo hướng khác thì “ hồn nơi chốn” nó còn đâu? Chỉ còn lại là một khối vật liệu không hơn không kém. Nếu vậy, chi phí để di dời rất tốn kém nhưng không thể khai thác được, lãng phí càng tăng cấp bội.
Chiếu theo sắc lệnh của cụ Hồ số 65/SL những ngày tháng năm 1945: Sắc lệnh đã đánh giá cao vai trò của di sản văn hoá coi “Việc bảo tồn cổ tích là việc cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước nhà”. Sắc lệnh nêu rõ: “Nghiêm cấm việc phá hủy những đình chùa, đền miếu hoặc nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, có ích cho lịch sử, nhưng chưa được bảo tồn”.
Gần đây ngày 27/7/2018 nhân lần dự hội thảo về công tác bảo tồn di sản thủ tướngViệt Nam Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ rõ di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”.
Vì vậy, “tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”. Nói những điều này để thấy chúng ta rất tự hào và vinh dự được thừa hưởng những giá trị di sản của tổ tiên để lại, các ngành và toàn xã hội phải có trách nhiệm rất lớn giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững các di sản đó.
Thủ tướng nhấn mạnh, di sản về bản chất thuộc quá khứ và dễ bị ngủ yên. Vì vậy, phải luôn “sáng tạo, năng động” để di sản có giá trị trong cuộc sống của thế hệ hiện tại hoặc phải giáo dục về di sản để tạo nguồn cảm hứng nuôi dưỡng lòng tự hào và tự tôn dân tộc hoặc phải tìm các biện pháp phù hợp như cập nhật chính sách, luật pháp, phân cấp quản lý, đào tạo cán bộ, coi trọng chuyên gia để phát huy giá trị di sản tạo thương hiệu du lịch quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo.
“Di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Như vậy, chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể, cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch”, Thủ tướng nói.
Nhiệm vụ của tất cả chúng ta, trước hết là ngành văn hóa, là phải làm cho các di sản hồi sinh, sống động, thu hút, đặc biệt là phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ yêu cầu này.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số nguyên tắc và phương hướng cơ bản bảo tồn di sản và phát triển bền vững. Đó là bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng. Nhà nước chỉ tạo khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách để nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản.
Xã hội hóa, cộng đồng hóa trong lĩnh vực này là xu hướng tất yếu và cần thiết. Hãy trả lại cho cộng đồng cái gì thuộc về cộng đồng. Di sản cần được bảo tồn phát huy từ gia đình, bản làng, trường học và xã hội. Xây dựng văn hóa coi trọng di sản cho các em học sinh ngay từ lúc ấu thơ để mỗi người chúng ta chủ động đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhà nước hỗ trợ nhưng không bao cấp hay làm thay.
Điều 9 luật di sản văn hóa: Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.
* Trích phát biểu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chỉ đạo và phát huy giá trị di sản ngày 27/7/2018 tại bộ văn hóa thể thao và du lịch.
____
Một số hình ảnh Đà Lạt xưa từ KTS Cao Thành Nghiệp:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.