Đó không phải là “trót dại”, đó là cái ác, là áp bức, là ung nhọt xã hội
1-4-2019
Thường thì cuộc đời sẽ thay đổi cuộc sống của một số người theo chiều hướng lạnh lùng hơn, tàn nhẫn hơn, đi xa với thiện chất ban đầu của họ.
Nhưng nếu một đứa trẻ sinh ra vốn đã lạnh lùng, không biết thương đồng loại, rồi lớn lên một chút cái mầm ác đó lại nảy nở, thành những giang hồ choai choai, những vị thành niên bất trị, thì cái ác xem như đã được đóng dấu để lưu hành ngay ngoài xã hội.
Cái này, xã hội nào cũng có. Từ nước nghèo đến nước giàu, từ nước lạc hậu đến nước văn minh, từ nước có văn hiến ngàn năm đến quốc gia có lịch sử non trẻ, đâu đâu cũng sẽ có những nhân tố cá biệt như vậy.
Nhưng ở Việt Nam, trong một thời gian quá ngắn, trong vài tuần, 2 clip là những nữ sinh xúc phạm, hành hạ, làm nhục bạn rồi quay hình tung lên mạng, thì câu chuyện đã không còn đơn giản nữa rồi. Một clip là hành hạ nhiều lần, đánh đập làm nhục rồi tung hê đến mức đứa trẻ bị vào trại tâm thần. Một clip là cả 5 đứa trẻ doạ giết một đứa trẻ sau khi bắt quỳ và đánh cho đã đời, ở Diễn Châu, Nghệ An.
Một câu hỏi đặt ra: Đó là cảnh có clip. Vậy còn những cuộc hành hạ khác không có clip thì sao? Hẳn là nhiều, là rất nhiều, âm ỉ và khủng hoảng đối với những tâm hồn non trẻ. Còn đến mức quay phim, rồi tung lên thì độ lạnh lùng vô cảm và thú tính của những đứa trẻ này đã lên đến đỉnh điểm rồi.
Các bậc cha mẹ ạ, đừng nói là “trẻ con trót dại”. Thời xưa thì có thể là trót dại, chứ thời này, cái đứa dám dùng điện thoại, biết quay phim và tung lên là cái đứa đã biết rằng hành động của những kẻ tương tự chúng trước đây đã gây phẫn nộ đến mức nào, nhưng chúng vẫn làm.
Tôi không biết nếu là con tôi, tôi có bình tĩnh nổi hay không. Chắc chắn là không. Chúng có bản năng của cái ác, tôi có bản năng của yêu thương. Xã hội bên ngoài, môi trường giáo dục không phải lúc nào cũng cho bạn phải bình tĩnh để vận dụng lý trí khi con cái mình bị chà đạp, dù tôi vẫn sẽ nhắc mình và mọi người: phải sử dụng lý trí.
Rõ ràng đây không phải là việc “trẻ con trót dại”, mà là cái ác, mà là sự áp bức. Mạnh áp bức yếu, bầy đàn áp bức đơn lẻ, thậm chí giàu áp bức nghèo. Nhưng đến mức đè một đứa trẻ tội nghiệp đủ đường ra mà áp bức thì không còn gì để nói với nhân phẩm của chúng nữa.
Bạn sẽ kỳ vọng gì ở một xã hội có còn trật tự trong tương lai không nếu như bây giờ, số lượng những đứa trẻ từ trong máu đã gieo mầm ác, và từ trong ý thức đã muốn áp bức kẻ khác một cách khốn nạn đến thế? Và chính chúng, đã góp phần ủ một cái ung nhọt xã hội lớn mà tương lai sẽ phải chịu đựng những đớn đau của những ung nhọt ấy.
Sở dĩ tôi nói là “một phần” vì tôi nghĩ, những yếu tố khách quan khác sẽ cùng góp phần ủ ung mưng mủ những ung nhọt ấy. Một nền giáo dục chạy theo thành tích và điểm số thay vì đào tạo nhân cách cho một con người cũng như tu luyện những kỹ năng thích ứng với cuộc sống của con người. Một nền giáo dục gia đình gần như bị lệch và hụt trước một xã hội đang phát triển.
Tôi vẫn nói với bạn bè, tôi sợ cái xã hội của những kẻ “mới tập giàu” này. Những kẻ đó sẽ được phân theo tầng như sau:
– Tầng thứ nhất: Quan chức và gian thương. Tiền nhiều, nhân cách ít, ăn trên đầu trên cổ người khác và con cái nhìn thấy tiền dễ dàng thì cứ thế mà xài, cứ thế mà tạo thế lực dù trong cộng đồng nhỏ. Đã vậy lại gặp không ít tờ báo lá cải ca ngợi nào thiếu gia nào rick kid. Một mớ ung nhọt mang tên giàu bất chính được hình thành từ bé cho không ít đưa trẻ.
– Tầng thứ 2: Lưu manh và kẻ chợ. Họ sống trong đô thị đông đúc hay bên rìa các đô thị. Ngôn ngữ hàng ngày là văng tục chửi bậy, gia đình không có trên có dưới không có tôn tri trật tự. Những đứa trẻ chưa nứt mắt cũng đã chửi thề văng trục theo trai theo gái tóc xanh tóc vàng. Đã vậy còn được dẫn dụ bởi những “thần tượng ca nhạc” ít tài nhiều chiêu, lợi dụng vào các fan club chỉ để đi chửi thuê đánh hùa. Mớ ung nhọt này mang tên thị dân, nhiều vô kể.
– Tầng thứ 3: Lao động. Họ mải đi làm trong nam ngoài Bắc bôn ba, cứ nghĩ rằng kiếm được tiền cho con ăn học là con sẽ nên người. Ai ngờ, con bị bỏ rơi ngay trong nhà, suốt ngày nhìn thấy những kẻ yếu hèn ngoài xã hội bị áp bức và chà đạp, thì nghĩ cách để chà đạp lại kẻ khác. Những đứa trẻ sẽ túm bạn xum bầy với giới thị dân thành một khối và đi tác oai tác quái. Ung nhọt này mang tên nghèo trả thù đời.
***
Một xã hội “mới tập giàu” hoặc cũng có thể nói “làm mọi cách để không bị nhìn nhận là nghèo” đang nhai gọn nhân cách của không ít trẻ con. Điều này ngành giáo dục có nhìn ra không nhỉ hả Bộ Giáo dục với môn đạo đức đã được dạy từ khi cách mạng mới thành công và bao năm nay gần như không đổi? Điều này các tổ chức bảo vệ trẻ em, các cấp chính quyền có chút nào ghi trong các bản kế hoạch không, chứ chưa nói là hành động, hả các vị?
Đúng, ngành giáo dục không chịu trách nhiệm chính tuy nhiên, những gì ngành giáo dục dạy người gần như đang tụt hậu so với những biến đổi của xã hội.
Còn gia đình, vâng, chính môi trường này, đang là nơi sản sinh ra nhiều anh đại chị đại nhí cho xã hội đấy. Đừng trông chờ là họ sẽ dạy con. Hay đúng hơn, khi con họ chà đạp người khác, họ mới lý nhí vòng vo vài điều, mà điều dễ thấy nhất là “trót dại”
Đã đến lúc ngồi lại, nhìn lại, bàn lại để mà có giải pháp, thay vì đọc các bản báo cáo thành tích rồi chạy theo nó, cùng với việc tạo ra mớ ba mớ bảy giáo sư tiến sĩ mà có thêm họ, chỉ làm chật chội thêm cái đất nước này mà thôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.