Chút tản mạn nhân ngày 30.4: Nghĩ về những bà mẹ trong cuộc chiến
26-4-2019
Sau hơn 20 năm chiến trận giữa hai miền Nam-Bắc, các bà mẹ của bên thắng cuộc được vinh danh ngất trời, có nơi dành vài trăm tỷ xây dựng tượng đài, vừa xây xong vội vàng gửi thư xin Trung ương rót tiền … cứu đói.
Thôi thì, vinh danh các Mẹ cũng là điều hợp với đạo lý, nếu như bên cạnh việc làm này, người ta cũng biết cúi xuống cảm thông nỗi đau của những bà mẹ thua cuộc, ngày ngày quét bụi trên cái bàn thờ của thằng con tử sĩ VNCH, hay tựa cửa mong ngóng ngày trở về của đứa con đi cải tạo nơi rừng xa, núi thẳm.
Sau cái ngày 30 tháng 4 ấy, người ta chứng kiến sự đoàn tụ của nhiều gia đình bị ly tán vì cuộc chiến. Một sự đoàn tụ kéo theo đủ niềm vui, nỗi buồn, có nhiều nụ cười, nhưng không thiếu nước mắt.
Tôi vẫn thường kể lại trường hợp một bà mẹ hạnh phúc nhất trong những bà mẹ thời chiến, đó là bà mẹ người bạn đồng môn của tôi. Dưới chế độ VNCH, bà là mẹ một trung tướng kỳ cựu thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, sau 30.4, được biết bà cũng là mẹ một thiếu tướng của bên thắng cuộc.
Song đó chỉ là ngoại lệ. Bên cạnh bà mẹ hạnh phúc đó, có hàng chục, hàng trăm ngàn bà mẹ ứa nước mắt, ngày ngày thắp hương trên bàn thờ những đứa con không bao giờ trở về, dù của bên này hay phía bên kia.
Nhưng cay đắng và khó xử nhất lại là các bà mẹ có những đứa con trai mà hoàn cảnh xã hội đã đưa đẩy họ đứng ở hai bên chiến tuyến đối nghịch nhau. Cuộc chiến kết thúc, mẹ chứng kiến bao nhiêu cảnh xào xáo gia đình. Người anh đi tập kết trở về hằn học lên lớp thằng em trai theo “ngụy”, “ôm chân đế quốc”, “giết hại đồng bào”… người mẹ không kiên nhẫn được nữa, bà gào lên trong nước mắt: “nó theo ngụy, nhưng nó nuôi tao sống tới bây giờ, mày theo cách mạng, mày có nuôi tao được ngày nào chưa?”. Nhiều tình huống gia đình như thế mà những bà mẹ sau cuộc chiến hẳn sẽ rất đau lòng khi chứng kiến.
Những ngày ở trại cải tạo Xuyên Mộc, một người bạn tù họa sĩ kể cho tôi nghe câu chuyện gia đình của một nữ viên chức cao cấp bên thắng cuộc có gia đình người anh ruột là “ngụy dân” đang sống ở Sài Gòn. Cứ mỗi lần người phụ nữ này đến thăm nhà người anh là những con trai của ông này vừa nhác thấy bóng dáng người cô ruột đã đứng bật dậy, bỏ nhà đi chỗ khác. Hậu quả của sự ly tán lòng người khiến cho người nữ viên chức này ray rứt không yên.
Một người bạn đồng môn của tôi vừa qua đời cách nay hai năm, vào thập niên 1970, từng trải qua những ngày cải tạo ở một trại thuộc vùng núi Châu Đốc. Bữa nọ, ban giám thị trại thông báo anh có một người anh ruột là Thiếu tướng NTB, tư lệnh phó một quân khu đến thăm, yêu cầu anh ra gặp. Anh trả lời thẳng thừng với họ: “tôi không có thằng anh nào tên NTB cả!”. Cuối cùng thì ông thiếu tướng đã thân hành vào tận nơi ở thăm cậu em “ngoan cố”.
Câu chuyện đó nói lên lòng tự trọng của người thua cuộc, dẫu là trong chỗ ruột rà, nhưng quan trọng hơn, nó phản ánh một số thực trạng đáng tiếc của nhiều gia đình sau ngày 30.4, khi con cái họ từng ở hai chiến tuyến đối đầu nhau. Và người đau khổ nhất khi phải chứng kiến những thực trạng đó chính là những người mẹ.
Sáng nay, mình đọc trên trang của bạn Báu Lại Thanh một bài viết ngắn thật ấn tượng. Bài viết trích dẫn truyện “Má Phải Sóc Trăng” của nhà báo Nguyễn Tiến Tường. Đó là câu chuyện về một người mẹ có mấy người con trai, thằng Tư đi lính VNCH, thằng Năm theo quân giải phóng, thằng Sáu đi đâu mất tích. Một đêm nọ, thằng Năm được lệnh công đồn, trong đồn có thằng Tư, sáng ra, thằng Năm ghé lại nhà má: (trích)
“- Anh Tư chết rồi Má, thằng Năm nói xong rồi đi mãi, thằng Sáu sau ngày giải phóng cũng không thấy về. Trên bàn thờ thằng Ngụy chung với hai liệt sĩ Cách mạng, má thắp ba cây nhang cho ba đứa con cùng chui ra từ trong lòng mình. Hòa bình rồi còn mình má chơ vơ trong căn nhà xiêu vẹo.
Đêm công đồn thằng Năm tìm cho được anh mình trong những xác chết la liệt, nó đã hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Trên đường về nó tranh thủ ghé nhà cho Má nó hay.
– Anh Tư chết rồi Má” (hết trích)
Nên chăng trong những ngày 30.4 trên đất nước này, bên cạnh hàng triệu gia đình vui của bên thắng cuộc, hàng triệu gia đình buồn của bên thua cuộc, chúng ta hãy dành những phút lắng lòng tưởng nhớ đến những bà mẹ của thằng Tư, thằng Năm do mẹ rứt ruột sinh ra và đau đớn chứng kiến cảnh chúng chĩa súng vào nhau để hoàn thành những nghĩa vụ ‘thiêng liêng” nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.