Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

30/04: Lời của một người từ miền Bắc về ‘chính nghĩa quốc gia’

30/04: Lời của một người từ miền Bắc về ‘chính nghĩa quốc gia’

Lê Mai Hoa
Gửi bài cho Diễn đàn BBC nhân 30/04
Cao xạ Bắc VNBản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionBắc VN thời chiến: một đơn vị cao xạ phòng không đang nhả đạn bắn máy bay Mỹ
Đối với những thế hệ lớn lên ở miền Bắc sau năm 1975 cho đến nay thì lá cờ vàng hay chính nghĩa quốc gia là những khái niệm đầy xa lạ, thậm chí bị hiểu sai, bôi nhọ rất nhiều.

Tiếp xúc với VNCH là một may mắn

Tôi sinh ra ở miền Bắc sau khi chiến tranh đã kết thúc, người thân trực hệ cũng không có ai đi tù cải tạo nên suốt những năm tháng ấu thơ, Chiến tranh Việt Nam cũng như những người ở bên kia chiến tuyến là khái niệm rất mờ nhạt.
Thời bấy giờ, chỉ được nghe người lớn kể rằng gia đình vẫn còn mấy ông, bà nữa đang định cư ở Mỹ.
Thời tiểu học, khi thấy tôi háo hức vì sắp được nghỉ học dịp 30/4, mẹ nhẹ nhàng nói: "Con không nên ăn mừng ngày 30/4. Có biết bao con người khổ đau, họ phải treo cờ rủ, mặc áo tang trong ngày đó đấy".
Đối với đứa trẻ miền Bắc khi ấy mới 9-10 tuổi, câu nhắc nhở của mẹ để lại trong tôi nỗi nghi vấn trong nhiều năm sau này, vì trót được dạy rằng 30/4 là ngày "thắng Mỹ.
Một cách khách quan, vào thời đi học, tôi không thấy "Mỹ-Ngụy" là xấu, chỉ thấy nó là cái gì đó mơ hồ, xa xôi.
Cho đến khi hiểu được sơ lược về VNCH, tôi mới thấy hóa ra VNCH thực gần gũi, chính là những người máu mủ mà giờ đây bị chia cắt bởi hai bờ đại dương.
Từ sau 1995 tôi đã dần dần được gặp một số người thân từ Mỹ về. Thời gian đầu, giữa tôi và họ cũng không có gì đậm đà vì sự không hiểu nhau, mà chắc nhiều người tị nạn khi về thăm quê hương cũng gặp tình trạng tương tự.
Sau này câu chuyện có nhiều tiến triển đáng kể do kiến thức của tôi về phía ‘quốc gia’.
Nhờ vào quan hệ người thân, tôi đã được tiếp xúc với Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, bà quả phụ của Trung tướng Ngô Quang Trưởng, ca sĩ Minh Phúc (lúc đang viết bài này thì được tin ông vừa qua đời) và một người cháu nội của cụ Trần Văn Hương đang định cư ở châu Âu.
Tôi cũng từng được Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng và Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại tặng sách, đó vừa là vinh dự cho người trí thức trong nước, cũng là may mắn hiếm hoi của một người trẻ lớn lên ở miền Bắc.
SaigonBản quyền hình ảnhMICHAEL OCHS ARCHIVESImage captionĐường phố Sài Gòn trước 1975
Tôi xem đó là cơ duyên may mắn của mình. Vì với một đứa trẻ miền Bắc lớn lên cùng với hằng hà sa số huân, huy chương chống Mỹ của ông nội, ông ngoại, đó là cơ hội quá hiếm hoi để mở mang đầu óc, xua tan áng sương mù đã án ngữ trong não trạng của người miền Bắc (sau 1954).
Tôi vẫn còn nhớ hai đêm thức trắng đọc cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạycủa tác giả Nguyễn Tiến Hưng – cuốn sách mà trang của BBC có giới thiệu.
Đọc xong thì vừa trăn trở, vừa xót thương cho số mệnh của dân tộc.

Ngoại lệ hiếm hoi

Nhưng tôi có thể xem là một ngoại lệ hiếm hoi của thế hệ sống tại miền Bắc ngày nay.
Tôi đã tiếp xúc với nhiều người, ngay cả với nhiều tầng lớp người ta vẫn gọi là trí thức. Với những người tử tế, hầu hết trong số họ có mục tiêu lớn nhất là nuôi sống gia đình, còn lớn hơn nữa là nuôi hoài mộng trở thành đại gia, nhưng số người giàu có ý thức làm từ thiện, tác động tích cực ngược trở lại với xã hội không nhiều, chứ chưa nói đến việc xoay chuyển giang sơn.
Cũng không nên nhầm lẫn những người đấu tranh hiện nay là người quốc gia. Tôi còn nhớ có một vị tù nhân lương tâm khi mới sang Mỹ, ngồi họp báo với đồng bào ở Cali nhưng vẫn gọi VNCH là tội đồ của dân tộc vì chống lại sự thống nhất đất nước.
Chuyện đó không quá lạ lẫm với những người lớn lên ở miền Bắc, vì từ khi mở mắt chào đời họ (thậm chí bậc phụ huynh của họ) đã chỉ biết có lá cờ đỏ sao vàng là lá cờ duy nhất.
Di sản lớn nhất của VNCH là tri thức, hãy gắng truyền đạt nó về nước.
Tùy vào góc độ nhìn nhận của mỗi người, VNCH có những ảnh hưởng riêng với đời sống trong nước như âm nhạc, văn hóa hay… dollar. Tôi biết nhiều người ở Việt Nam sáng đi họp chi bộ, chiều vẫn ký giấy nhận dollar người nhà bên Mỹ gửi về.
Ken Burns và Lynn NovickBản quyền hình ảnhDAVID HUME KENNERLY/GETTY IMAGESImage captionNhóm làm phim The Vietnam War và các chính khách Hoa Kỳ từng tham chiến ở VN, cựu TNS Chuck Hagel và cố TBS John McCain. Người Mỹ vẫn có cái nhìn về cuộc chiến VN khác với người Việt từ hai miền Nam và Bắc
Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, có người chọn cách không bao giờ bắt tay với Hà Nội, thậm chí không về thăm quê hương, để bảo vệ lý tưởng, có người chủ động về Việt Nam hợp tác với nhà nước, mong muốn đem kiến thức của mình về xây dựng đất nước tuy chưa biết hiệu quả của nó đến đâu.
Nhưng dù chọn cách nào, tấm lòng ái quốc của những người Quốc Gia chân chính thực đáng trân trọng.
Sự thực, trong nước bây giờ không còn quá thiếu thốn về vật chất như thời thập niên 1980.
Cái thiếu của phần đông thế hệ trẻ trong nước hiện nay là lý tưởng phục vụ tổ quốc hoặc phục vụ nhân loại và tri thức.
Đó là thứ tôi lại cảm nhận thấy rất rõ ràng từ những người Quốc Gia đã lớn lên, đi học dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
Từ những người trí thức đã thoát ra hải ngoại, nay trở về thăm quê hương cho đến những ông cụ thương phế binh Nhảy dù, Thủy quân lục chiến mà tôi từng tiếp xúc trên mảnh đất miền Nam.
Khi kênh SBTN bằng tiếng Việt ở Hoa Kỳ làm cuốn phim tài liệu về trận chiến Quảng Trị vào năm 2007, tôi còn nhớ một người lính VNCH năm xưa đã trả lời trước câu hỏi về mong ước cho tương lai:
"Tôi mong con tôi sẽ biết làm người."
Người cựu quân nhân nêu trên chỉ hành nghề bán vé số ở thời điểm đó, nhưng nói được câu mà bộ phận không nhỏ người lớn lên phía Bắc vĩ tuyến 17 không bao giờ nghĩ đến.
Vì thế người Việt tị nạn cũng nên hạn chế gửi xa xỉ phẩm về nước cho người nhà.
Thay vì dầu thơm hay chocolate đắt tiền, hãy gắng đem sách vở, tri thức, truyền đạt lý tưởng về chính nghĩa quốc gia cho thế hệ trẻ trong nước.
Họ mới là những người cần biết về ý nghĩa của lá cờ vàng. Họ nên được thấy lá cờ vàng trong những sự kiện tích cực nêu tỏ chính nghĩa quốc gia, chứ không phải làm nền cho những màn chửi bới cộng sản và đả kích lẫn nhau trong cộng đồng.
Họ cũng cần hiểu rằng nhờ có lá cờ vàng, nay mới có cả mấy thế hệ giỏi giang mang dòng máu Việt ở hải ngoại.

Lời kết, mong ước văn minh cho dân tộc

Giới trẻ Cali thi gói bánh chưng tại Little Sài GònBản quyền hình ảnhPHỤNG LINHImage captionVăn hóa VN tại Hoa Kỳ: gói bánh chưng tại Little Sài Gòn, California
Mỗi người Việt Nam có những cảm xúc, có những số phận khác nhau xung quanh biến cố 30/4.
Nhưng sau bốn thập kỷ, tôi nghĩ chúng ta nên đánh giá sự kiện này theo hướng tích cực.
Nhờ có biến cố ấy mà người Việt Nam có mặt khắp năm châu, nước Việt Nam tồn tại hai thực thể (trong nước và hải ngoại), từ đó tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Xin được kết bài này nhỏ này bằng câu của thi sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn:
"Tôi cố đợi ngày Việt Nam tái sinh, trong sông biển yêu thương."
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Mai Hoa, hiện đang tu nghiệp ở Texas, Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.