Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Quốc hội “Đảng cử” và tính chính danh của một sắc thuế

Quốc hội “Đảng cử” và tính chính danh của một sắc thuế

Trịnh Hữu Long
18-4-2018
Áp phích cổ động bầu cử Quốc hội năm 2016. Ảnh: Nguyen Huy Kham/Reuters
Thuế là thứ chạy từ túi người dân sang túi chính phủ. Cái gì biện minh được cho việc đó nếu không phải là một quốc hội dân cử?
Mũi dùi đang nhằm cả vào Bộ Tài chính, nơi nhiều khả năng chỉ là cái loa thông báo một chủ trương mới của “trên”: đánh thuế hàng năm đối với nhà có giá thành xây dựng trên 700 triệu đồng, ô tô có giá trị trên 1,5 tỷ đồng. Đất nông nghiệp, đất chung cư kinh doanh cũng phải nộp thuế.
Nhưng Bộ Tài chính chỉ là nơi đề xuất. Về mặt hình thức, Quốc hội mới là nơi quyết định luật thuế mới này có được áp dụng hay không.
Có một hiện tượng chung trên thế giới, đó là bao giờ các sắc thuế cũng do quốc hội quyết định. Nghĩa là người dân, thông qua các đại diện của mình ở cơ quan lập pháp, quyết định việc ban hành hay sửa đổi một sắc thuế. Có cả một câu chuyện đằng sau hiện tượng này.
Sưu thuế vốn dĩ có từ khi nhà nước ra đời. Các nhà vua và triều đình đã từng có hàng ngàn năm tuỳ ý đặt ra các sắc thuế áp lên đầu người dân. Sưu cao thuế nặng cũng là một trong những lý do chính khiến dân nổi can qua, triều đình sụp đổ. Ham muốn tiêu tiền của các ông vua bà hoàng bao giờ cũng cao hơn hẳn khả năng đóng thuế của người dân.
Đó là chuyện đã xảy ra vào năm 1215 ở nước Anh.
Khi đó, Hoàng gia Anh mà đứng đầu là vua John đã tiêu tốn rất nhiều tiền cho các cuộc chinh phạt châu Âu kéo dài hàng thập kỷ của mình, và thua trận trước người Pháp.
Chiến phí chủ yếu đến từ một khoản thuế đặc biệt vào thời điểm đó, gọi là scutage, đánh vào giới lãnh chúa (baron) giàu có và quyền lực. Thời đó, vua được coi là chúa đất tối cao, sở hữu toàn bộ đất đai ở vương quốc. Vua ban đất của mình cho các lãnh chúa, đổi lại họ phải thề trung thành với vua và đi nghĩa vụ quân sự để bảo vệ đất đai. Các lãnh chúa sẽ được miễn đi nghĩa vụ quân sự nếu đóng một khoản thuế lớn gọi là scutage.
Ngoài ra, để nuôi sống bộ máy chiến tranh và triều đình xa hoa của mình, vua John cũng liên tục gia tăng các loại thuế vốn có như thuế thừa kế tài sản, thuế đối với động sản, thuế nông nghiệp, và thậm chí cả thuế kết hôn. Chẳng hạn như lãnh chúa Geoffrey de Mandeville đã phải trả đến 20 nghìn mark, tương đương với hàng triệu bảng Anh ngày nay, để cưới bà vợ cũ của vua John.
Một bức họa khắc cảnh vua John đang ký vào bản Đại Hiến Chương Magna Carta. Ảnh: Universal History Archive.
Một cổ bị tròng đủ các loại thuế, cực chẳng đã, các lãnh chúa đánh chiếm thành London và ép vua John phải ngồi xuống bàn đàm phán. Kết quả của cuộc đàm phán đó là một văn kiện tên là Magna Carta (Đại Hiến chương) ra đời, trở thành một phần của hiến pháp Anh sau này và vĩnh viễn thay đổi lịch sử thế giới theo một cách mà chính các tác giả của nó cũng chẳng thể ngờ được.
Magna Carta có đến 63 điều, xác lập mấy thứ đặc biệt quan trọng cho thế giới sau này: các quyền tự do của người dân (liberties), chính quyền đại diện (representative government), và trình tự pháp lý chính đáng (due process).
Thể theo đó, các sắc thuế chỉ có thể được ban hành với sự đồng ý của các lãnh chúa theo một cơ chế mà sau này đã phát triển thành Nghị viện Anh. Nó đặt nền tảng cho một nguyên tắc lập hiến phổ biến ngày nay: chỉ có cơ quan đại diện của người dân mới có quyền thiết lập các sắc thuế.
Đó là vào đầu thế kỷ thứ 13.
Tư tưởng đó theo những đoàn thương thuyền và hải quân Anh đi làm ăn và chinh phạt khắp nơi trên thế giới trong những thế kỷ 17-20. Một trong những thuộc địa của họ chính là nước Mỹ ngày nay. Lý do 13 thuộc địa Bắc Mỹ tách ra khỏi Anh và lập ra nước Mỹ, thú vị thay, cũng chính là vì chống thuế.
Cuộc cách mạng giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ được nhen nhóm từ những sắc thuế mà Nghị viện Anh áp đặt lên các thuộc địa vào giữa thế kỷ 18. Lý do, thật trớ trêu, cũng vì Anh đang đánh nhau với Pháp, khiến ngân khố kiệt quệ, gần đến mức phá sản, và buộc phải tăng thu thuế. Khởi đầu là thuế đường năm 1764, thuế giấy năm 1765, rồi hàng loạt thuế khác năm 1767. Một đạo luật trà ra đời năm 1773 lại giảm thuế nhập khẩu trà vào thuộc địa và cho công ty Đông Ấn độc quyền buôn bán trà, khiến cho họ lũng đoạn thị trường trà Bắc Mỹ.
Chính tới thời điểm này, dân thuộc địa quyết định đuổi các tàu chở trà tới Bắc Mỹ, rồi ném trà xuống biển trong sự kiện Tiệc Trà Boston (Boston Tea Party) năm 1773. Nghị viện Anh tức giận, ra luật trừng phạt và cấm vận cục bộ ở Bắc Mỹ. Hai năm sau thì Cách mạng Mỹ nổ ra, để năm 1776 thì Mỹ chính thức tuyên bố độc lập khỏi vương quốc Anh, lập ra Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, bằng một văn kiện có lẽ còn nổi tiếng hơn cả Magna Carta.
Tô thuế nặng nề đã đẩy 13 thuộc địa Bắc Mỹ tới chỗ đấu tranh giành độc lập. Tranh minh hoạ cảnh soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776. Nguồn: aoc.gov.
Trong những năm tháng đấu tranh loạn lạc đó, một nguyên tắc xuyên suốt mà các nhà cách mạng Mỹ luôn “quán triệt” là “no taxation without representation”, dịch nôm na là các sắc thuế chỉ có thể được đặt ra nếu người dân thuộc địa có đại diện ở Nghị viện. Do Nghị viện Anh khi đó hoàn toàn vắng bóng đại diện của 13 thuộc địa Bắc Mỹ nên các sắc thuế, theo cách nhà cách mạng lập luận, đều không có giá trị.
Câu chuyện Magna Carta và Cách mạng Mỹ dĩ nhiên là phức tạp hơn thế rất nhiều, nhưng tóm lại, chỉ có một cơ quan đại diện đích thực cho ý chí của người dân, được bầu ra một cách dân chủ, mới được quyền ban ra hay sửa đổi một loại thuế nào đó, để tránh các chính quyền độc tài bóp hầu bóp họng nhân dân.
Quay trở lại với Việt Nam chúng ta. Nếu dự luật thuế tài sản đánh vào nhà trên 700 triệu, ô-tô trên 1,5 tỷ và nhiều khoản khác như đã kể ở trên được Quốc hội thông qua thì liệu sắc thuế đó có giá trị hay không?
Ta hãy tạm bỏ qua cuộc tranh luận về tính hợp lý của loại thuế này, mà hãy bàn về việc ai là người có quyền ban ra nó. Liệu Quốc hội hiện nay có thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí của người dân như nguyên tắc lập hiến mà Magna Carta và Cách mạng Mỹ đã xác lập không? Hay nói cách khác, Quốc hội có tư cách đặt ra một loại thuế mới áp vào người dân không?
Để trả lời cho câu hỏi đó, ta hãy điểm qua một vài thực tế hiển nhiên:
Trước khi bầu cử diễn ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua “cơ cấu dự kiến” cho Quốc hội khoá sau, trong đó nói rõ tỉ lệ đại biểu ngoài Đảng là 5-10%. Các tỉ lệ khác cũng được chia theo cơ quan, giới tính, vùng miền, sắc tộc, tôn giáo, trình độ, v.v.
Trước khi bầu cử diễn ra, Mặt trận Tổ quốc tổ chức ba vòng hiệp thương, loại bỏ các ứng cử viên độc lập ra khỏi danh sách tranh cử, không cho cử tri tự quyết định xem có bầu cho người đó hay không. Cơ chế này gọi là “Đảng cử, dân bầu”, nghĩa là người dân chỉ được bầu trong số các ứng viên do Đảng giới thiệu.
Việc kiểm phiếu, giám sát kiểm phiếu hoàn toàn do Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức của Đảng kiểm soát, không có các tổ chức giám sát độc lập.
Và kết quả là, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang nắm hơn 95% số ghế trong Quốc hội, dù đảng viên chỉ chiếm chưa đến 5% dân số.
Liệu một Quốc hội như vậy có đủ tư cách đại diện cho người dân để quyết định một sắc thuế mới đánh trực tiếp vào túi tiền của người dân hay không?
Người viết không có câu trả lời nào khác: Không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.