Đóng thuế nuôi nhà nước: Tiền về nơi đâu?
Tô Di
20-4-2018
Mỗi buổi sáng, tôi uống một ly cà phê giá 30.000 đồng, hoá đơn ghi giá đó đã bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng. Tức là mỗi ngày tôi đều nhờ chủ quán nộp vào ngân sách nhà nước 2.727 đồng, một năm tôi trả gần một triệu đồng tiền thuế chỉ cho riêng việc uống cà phê.
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật Thuế tài sản, nếu dự thảo được thông qua thì tôi phải đóng thêm một loại thuế mới. Đã là thuế thì bắt buộc phải đóng, nhưng tôi thật sự lo lắng số tiền mà tôi đóng thuế từ trước đến giờ đã thật sự đi đâu, được sử dụng vào việc gì, đóng thêm một loại thuế mới này thì có được chi tiêu hiệu quả hay không?
Trong bài này, tôi sẽ đi tìm hành trình tiền từ túi tôi đã bay vào ngân sách nhà nước như thế nào.
Thuế – từ đâu, đi đâu và về đâu
Với thu nhập hàng tháng ít hơn 10 triệu đồng thì mỗi năm tôi phải nộp ít nhất hơn một nửa tháng lương vào kho bạc nhà nước cho thuế giá trị gia tăng khi đổ xăng, mua hàng ở siêu thị, đi ăn cùng bạn bè, gia đình và cả kể ly cà phê tôi uống mỗi sáng. Đó là tôi chưa tính việc đóng các loại thuế khác cũng như phí và lệ phí khi sử dụng dịch vụ công.
Theo Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, khoản thu từ thuế và phí và lệ phí chiếm hơn 80% tổng thu ngân sách, trong đó thuế giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 28% tổng thu ngân sách.
Có thu thì phải có chi, vì “ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ” theo Luật Ngân sách, quyết định phân chia tiền bạc như thế nào là do chính quyền trung ương toàn quyền quyết định, chính quyền địa phương chỉ biết vâng lời.
Chính phủ sẽ làm báo cáo dự toán ngân sách để xin Quốc hội phê duyệt hằng năm cho các khoản chi bộ máy ở trung ương và địa phương theo nhiều lĩnh vực khác nhau, tức là tiền thuế của tôi đến lúc này được chia cho nhiều cơ quan khác nhau sử dụng.
Trong biểu đồ dưới đây, chi đầu tư và phát triển là chi cho xây dựng cơ bản như đường xá, trường học, bệnh viện, hệ thống thuỷ lợi, v.v và các công trình xây dựng khác. Chi thường xuyên là chi cho việc vận hành bộ máy, tức là phần lớn là trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức làm cho các uỷ ban nhân dân, hội đồng nhân dân, quốc hội, chính phủ, các tổ chức xã hội – chính trị như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, v.v. cho đến các cơ quan vũ trang như công an, quân đội.
Hai biểu đồ trên dựa trên số liệu của báo cáo Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2018 được đăng công khai trang web của Bộ Tài chính. Điều 15 Luật Ngân sách 2015 quy định báo cáo dự toán ngân sách nhà nước hằng năm phải được công khai chậm nhất là năm ngày sau khi chính phủ đã gửi đại biểu Quốc hội và ủy ban nhân dân gửi đại biểu Hội đồng nhân dân.
Xem lại quá trình phê duyệt Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 thì ngày 26/10/2017, Bộ Tài chính công khai dự toán trên website, sáu ngày sau Quốc hội bắt đầu thảo luận, và 13 ngày sau Quốc hội bấm nút thông qua dự toán ngân sách năm 2018.
Như vậy chỉ có 19 ngày để người dân tham gia đóng góp ý kiến. Tổng chi cho bộ máy trung ương, các cơ quan, bộ ngành chiếm đến 79% tổng chi ngân sách. Và phần lớn cả ngân sách trung ương và địa phương được chi cho mục chi thường xuyên, như đã nói ở trên là chủ yếu dùng để trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra phát biểu “gây bão” năm 2013 khi còn ông là phó thủ tướng: “Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về”.
Từ năm 2015, Bộ Tài chính đã đăng các bản báo cáo gọi là Ngân sách công dân trên website của mình, mô tả các số liệu về ngân sách qua biểu đồ và rút gọn các thông tin để công dân dễ hiểu hơn về ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thông tin trong các báo cáo này là rất vĩ mô, dành cho các nhà kinh tế học là chính, trong khi đó thông tin về ngân sách tại các địa phương rất quan trọng với người dân thì lại không được hình ảnh hoá, văn bản chỉ thuần tuý gồm số liệu.
Một thời “đóng cửa” làm ngân sách
Cùng với Luật Ngân sách năm 2015, Thông tư 343/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết chính quyền trung ương và địa phương về công khai ngân sách.
Tuy chỉ công khai dự toán ngân sách nhà nước trong một thời gian rất ngắn là 19 ngày, sau khi đã gửi cho Hội đồng nhân dân và Quốc hội, nhưng đó là một “nỗ lực cải cách” về công khai ngân sách của Việt Nam. Trước đó, theo Luật Ngân sách 2002 và Thông tư hướng dẫn số 03/2005/TT-BTC thì dự toán ngân sách nhà nước chỉ được công khai sau khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định, phê chuẩn; chưa kể việc công khai dự toán có thể bị chậm đến 60 ngày sau khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định, phê chuẩn.
Như vậy đã có một khoảng thời gian dài chính quyền “đóng cửa” làm ngân sách, người dân không biết tiền thuế mà họ đóng được chính quyền lên kế hoạch sử dụng vào việc gì.
Mặc dù đã sửa đổi luật và các quy định về công khai ngân sách, tuy nhiên, bức tranh công khai ngân sách ở các tỉnh thành vẫn không mấy sáng sủa trong năm 2017 – năm đầu tiên mà chính quyền trung ương và địa phương phải công khai dự toán ngân sách theo Luật Ngân sách 2015 và Thông tư 343.
Nghiên cứu về Chỉ số Công khai ngân sách năm 2017, do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tiến hành, đã chấm điểm website của 63 tỉnh, thành về mức độ công khai ngân sách. Theo đó, có đến 36 tỉnh, thành không công khai Dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2018 trình Hội đồng nhân dân. Trong các tỉnh, thành công khai dự toán thì có có 9 tỉnh, thành công khai đúng thời hạn, và chỉ có hai tỉnh, thành công khai đầy đủ bảng biểu theo Thông tư 343.
Cần Thơ được chấm điểm cao nhất về công khai Dự toán ngân sách 2018 trên website. Tôi đã tải được dự toán ngân sách 2018 của thành phố và quận Ninh Kiều – quận trung tâm của thành phố – với đầy đủ các bảng biểu theo quy định.
Tiếp theo, tôi đi đến trụ sở ủy ban nhân dân của năm phường trung tâm quận Ninh Kiều (An Cư, An Phú, Tân An, An Lạc, và Xuân Khánh) để kiểm tra việc niêm yết công khai ngân sách được thực hiện như thế nào. Kết quả là có 4/5 phường không niêm yết bất kỳ thông tin nào về công khai ngân sách. Duy nhất phường An Phú có niêm yết, tuy nhiên, đó không phải là dự toán ngân sách năm 2018 mà là về công khai thu chi ngân sách sáu tháng đầu năm 2017 (nhưng đã bị rách) tại trụ sở ủy ban nhân dân phường. Còn thông tin được niêm yết tại nhà văn hoá của phường thì được đặt trong tủ kính và khoá lại.
Vì thế mà tôi chỉ có thể biết ngân sách được phân bổ về quận, còn về phường tôi đang sinh sống thì không có thông tin.
Việt Nam nằm trong nhóm nước yếu về công khai ngân sách
Một chỉ số khác đánh giá về tình trạng công khai ngân sách ở các quốc gia là Khảo sát Công khai Ngân sách (Open Budget Survey – OBS) của tổ chức Hiệp hội Ngân sách Quốc tế (International Buget Partnership – IBP). Trong khảo sát này, IBP đánh giá mức độ công khai ngân sách dựa trên ba trụ cột: minh bạch, sự tham gia của người dân, và sự giám sát trong toàn bộ tiến trình ngân sách.
Trong nhiều năm, IBP xếp mức độ công khai ngân sách của Việt Nam luôn ở nhóm đứng “bét” bảng. Mặc dù Việt Nam đã sửa đổi các quy định về công khai ngân sách trong Luật Ngân sách 2015, tuy nhiên, chỉ số công khai ngân sách năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt 15/100 điểm, thấp hơn 3 điểm so với năm 2015.
Trong sáu nước Đông Nam Á, IBP luôn xếp Việt Nam thấp hơn ít nhất là 20 điểm so với các nước khác như Indonesia, Malaysia, và Philippines. Trong khi mức độ công khai ngân sách của các quốc gia này tăng tương đối đáng kể trong khoảng thời gian từ 2015 – 2017 thì điểm của Việt Nam lại đi xuống rõ rệt.
Từ năm 2006, IBP đã cộng điểm vào tiến trình công khai ngân sách của Việt Nam cho đến năm 2012. Trong khoảng thời gian này, Việt Nam đã công khai 5/8 tài liệu về ngân sách, chỉ số công khai của Việt Nam cũng tăng rõ rệt trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, điểm của Việt Nam đã chững lại và bắt đầu đi xuống nhẹ sau đó.
Ông Joel Friedman, chuyên gia kinh tế của IBP nói với báo Tiền Phong năm 2014 khi ông sang Việt Nam giải thích về kết quả của chỉ số: “Họ [phía nhà nước Việt Nam] cho biết đáng ra Việt Nam phải nhận được điểm cao hơn. Song chúng tôi nói rằng, điều quan trọng là Việt Nam không công khai chi tiết dự thảo ngân sách và đó là lý do Việt Nam có điểm thấp”.
Việc đề xuất đóng thuế tài sản được Bộ Tài chính dẫn chiếu một thông lệ quốc tế là có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản. Tuy nhiên, sẽ là thiếu thuyết phục và mờ ám nếu chính phủ Việt Nam muốn học theo các nước khác về cách đánh thuế nhân dân nhưng lại không muốn học theo cách người ta đã công khai ngân sách như thế nào.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Ngân sách 2015
- Luật Ngân sách 2012
- Thông tư 343/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách nhà nước đối với các cấp ngân sách
- Thông tư 03/2005/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước và chế độ báo cáo tình hình thực hiện công khai tài chính
- The Open Budget Survey 2017 – International Budget Parnership
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.