Nỗi sợ nước Nga của phương Tây: Ngày ấy và bây giờ
Nguồn: Alexander Baunov & Thomas De Waal, “Red Scares, Then and Now”, Project Syndicate, 17/11/2017.
Biên dịch: Lê Như Mai | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Mỹ đã chứng kiến “Nỗi sợ cộng sản” (Red Scare) lần đầu tiên ngay sau khi kết thúc Thế chiến I. Trong 3 năm, Nga được cho là đã không ngừng kích động nổi loạn và đình công trong giới công nhân, một phần trong chiến dịch có phối hợp nhằm phá hoại chủ nghĩa tư bản Mỹ. Sau đó, vào ngày 29 tháng 04 năm 1920, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ A. Mitchell Palmer cảnh báo rằng, vào hai ngày tiếp theo, tức ngày Quốc tế Lao động 01/05, công nhân Mỹ sẽ nổi dậy để lật đổ Chính phủ Mỹ bằng vũ lực. Viễn cảnh đó đã không xảy ra, và Nỗi sợ cộng sản cũng đã biến mất rất nhanh như cách mà nó đến.
Nước Mỹ trải qua một Nỗi sợ cộng sản khác sau Thế chiến II. Sự phát triển của Liên Xô khi tự mình sở hữu được một quả bom nguyên tử, cùng với việc “mất” Trung Quốc vào tay Mao Trạch Đông và những người Cộng sản Trung Quốc, đã làm dấy lên nỗi sợ hãi mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ mà, khi hồi tưởng lại, dường như vẫn khó có thể tin nổi. Các công ty Mỹ, cụ thể là các hãng phim Hollywood, đã lập một danh sách đen những người bị nghi ngờ là cánh tả, gây hại cho không biết bao sinh mạng.
Tại Washington D.C., các tiến trình diễn ra trong Quốc hội Mỹ đã gắn mác tay sai cộng sản lên các nhân vật nổi tiếng, từ Đại tướng Geogrge C. Marshall tới Ngoại trưởng Dean Acheson. Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy của bang Wisconsin – mà cánh tay phải của ông ta là Roy Cohn, về sau sẽ là cố vấn của Donald Trump – đã để lại một di sản lâu dài bị coi là cơn ác mộng, trong đó các phương pháp mà ông sử dụng vẫn được mang tên ông: Chủ nghĩa McCarthy. Ngoài ra, các cuộc điều trần của Quốc hội và một phim tài liệu truyền hình đã sớm phơi bày bộ mặt dối trá và mị dân của McCarthy. Giống như năm 1920, Nỗi sợ cộng sản vào những năm đầu của thập niên 1950 đã chìm xuống rất nhanh, đúng như cách mà nó đã bắt đầu.
Sự hoang tưởng của những người Mỹ nghiên cứu về Nga
Khi chúng ta kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng mười Nga, một “Nỗi sợ cộng sản” khác mới dường như đang xuất hiện, do những tiết lộ về việc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Với việc công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller bắt đầu điều tra mối liên hệ quan trọng giữa các thành viên của chiến dịch tranh cử tổng thống của Trump và giới chức Nga, cảm giác hoang tưởng xoay quanh nước Nga lại bắt đầu bén rễ.
Nỗi sợ này lại càng được củng cố nhờ những hé mở mới về hàng trăm tin giả độc hại trên mạng xã hội Nga suốt kỳ bầu cử tại Mỹ cũng như chiến dịch trưng cầu dân ý Brexit. Tuy nhiên, dù mục đích của những tin giả này là để nhạo báng nền dân chủ phương Tây, nhưng chúng ta đang đánh giá chúng cao quá mức nếu cho rằng chúng làm thay đổi căn bản kết quả của hai cuộc bỏ phiếu đó.
Điều nguy hiểm lúc này chính là việc các quan ngại có cơ sở về việc Nga can thiệp vào hệ thống chính trị của Mỹ sẽ nhường bước cho các thuyết âm mưu, giống như thời kỳ Nỗi sợ cộng sản trong quá khứ. Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội vào tháng 9, Hạ nghị sĩ Gwen Moore của bang Wisconsin đã than phiền rằng, trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, bà đã nhận được một cuộc gọi tự động từ một người nói “giọng Slavơ rõ ràng”, kêu gọi bà bỏ phiếu chống lại Hillary Clinton. Các nhà phê bình khác cũng đã chỉ ra các mối liên hệ giữa Hiệp hội Súng trường Quốc gia và Nga, như thể là bằng cách nào đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm cho rất nhiều vụ xả súng tại Mỹ. Và vẫn còn những người khác gợi ý rằng Nga đã tìm cách gây bất ổn cho nước Mỹ thông qua trò chơi điện thoại Pokémon Go.
Tất cả những tuyên bố nói trên đều tập trung sát sao vào chính trị Mỹ hơn là các cân nhắc địa chính trị cao hơn. Tuy nhiên, nếu xét việc chủ nghĩa cộng sản Liên Xô đã sụp đổ hơn một phần tư thế kỷ trước, việc Điện Kremlin sẽ thực sự gây ra mối đe dọa nào cho nước Mỹ là một câu hỏi đáng suy nghĩ. Từ những gì chúng ta biết, mục tiêu chính của Điện Kremlin trong cuộc bầu cử năm 2016 chỉ là làm xấu mặt chính trị gia thù địch – bà Clinton – và nâng đỡ cho ông Trump, người mà Nga hy vọng tạo dựng được mối quan hệ khả dĩ.
Sự thật là nước Nga hiện đại không còn là một mối đe dọa lớn đối với Mỹ, Liên minh Châu Âu hay phương Tây nói chung. Trung Quốc là một cường quốc chuyên chế thịnh vượng hơn nhiều so với Nga. Hiện nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã củng cố được quyền lực và có tầm ảnh hưởng toàn cầu ở một cấp độ mà Putin chỉ có thể nằm mơ mới thấy được.
Ngoài Trung Quốc, Ả-rập Saudi còn tàn bạo và thất thường hơn Nga; và Pakistan còn bất ổn hơn. Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, còn là quốc gia vi phạm nhân quyền thô bạo hơn Nga. Kể từ sau cuộc đảo chính thất bại vào tháng 07/2016, Chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã bỏ tù hàng ngàn nhà báo, công chức dân sự, và các nhân vật đối lập. Hơn thế, Thổ Nhĩ Kỳ còn đặc biệt có khả năng gây bất ổn cho châu Âu nhờ kiến tạo một tuyến đường lớn cho những người di cư không có giấy tờ và người tị nạn từ Syria và những nơi khác trong khu vực tràn vào châu Âu.
Xung đột bản sắc châu Âu
Nhưng Nga đặt ra một kiểu thách thức khác, xuất phát từ các tuyên bố của ông Putin về việc đề ra một tầm nhìn mới thay thế cho phương Tây. Cũng là những người châu Âu, người Nga được cho là phải giống chúng ta nhưng họ xuất phát từ một nguyên bản khác. Giống như những người Bolshevik một thế kỷ trước, Putin đã công khai thách thức các ý niệm của người châu Âu và người Mỹ về viễn cảnh cho tương lai.
Vào năm 1917, người Tây Âu và người Mỹ đã rất sốc trước việc những người Bolshevik xóa bỏ tư hữu và đưa ra tuyên bố về sự bình đẳng phổ quát. Trong suốt thời kỳ Nỗi sợ cộng sản thứ nhất, các nhà lãnh đạo phương Tây lo sợ rằng, các động thái của một Liên Xô mới được thành lập có thể gây ra một phản ứng dây chuyền cho các cuộc nổi dậy của công nhân tại châu Âu và Mỹ. Ít nhất là trong vài năm, Đức dường như có xu hướng chuẩn bị tiếp bước những người Bolshevik, khi Lenin dự báo rằng điều đó sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào.
So với toan tính của Lenin, toan tính của Putin mang tính thụ động và không có sự chắc chắn về mặt lý luận. Thay vì đưa ra một lời hiệu triệu tiến bộ xã hội hướng về phía trước và đề ra một kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu đó, Putin lại kéo châu Âu lùi lại, lâm vào ngõ cụt đạo đức và kinh tế tương tự như ngõ cụt mà Nga đang bị kẹt trong đó. Tại Nga, dưới chế độ của Putin, mục tiêu đặt ra là trở lại thời kỳ thường được cho là Kỷ nguyên vàng dựa trên giá trị “gia đình truyền thống”, Cơ Đốc giáo và công nghiệp nặng.
Theo Putin và các nhà chính trị hàng đầu của Nga, phương Tây đã quá tập trung vào sự tự chủ của cá nhân, trong đó có các quyền của người đồng tính, và vì thế đã lãng quên các khái niệm ‘cha’ và ‘mẹ’, ‘chồng’ và ‘vợ’. “Chúng ta thấy rất nhiều quốc gia châu Âu dọc Đại Tây Dương về cơ bản là đã bắt đầu con đường phủ nhận cội nguồn của mình, bao gồm các giá trị Cơ Đốc làm nền tảng cho văn minh phương Tây,” Putin nói với các đại biểu phương Tây vào năm 2013 tại Diễn đàn Valdai. “Đó là chính sách mà trong đó một gia đình với rất nhiều đứa trẻ và một gia đình của hai người đồng tính; niềm tin vào Chúa và niềm tin vào Ác Qủy được đặt ở cấp độ ngang nhau.”
Mặc dù cơ sở ý thức hệ của Putin hoàn toàn khác biệt so với của Liên Xô, nó có điểm chung với chủ nghĩa Bolshevik ở khả năng tạo ra sự cải biến mạnh mẽ. Trên thực tế, chỉ vừa tháng trước, Nga đã làm sống lại Lễ hội Thanh niên và Sinh viên Thế giới có từ thời Liên Xô tại Sochi, và mời những người trẻ từ khắp châu Âu tham gia vào “cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc.”
Với những thông điệp như vậy, Nga đang đóng vai trò thách thức bản sắc châu Âu. Đây là một phản ứng quân sự, dân túy, ái quốc, năng động và không đúng đắn về mặt chính trị đối với bản ngã của giới tinh hoa châu Âu. Về mặt tư tưởng, tầm nhìn của Putin là một sự sáng tạo luộm thuộm của những ý tưởng cánh tả già cỗi và giáo điều bảo thủ. Nhưng nó vẫn có tác động phơi bày những nỗi bất an của người châu Âu và người Mỹ về “dự án phương Tây” của họ – và tỏ ra hấp dẫn đối với các nhà dân túy phương Tây thuộc cả hai cánh tả – hữu. Trên thực tế, các quan chức Nga đã bất ngờ và có phần vui mừng trước sự hoảng loạn đạo đức mà họ đã gieo rắc ở phương Tây. Như Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói trên CNN vào tháng 10/2016, “Tất nhiên là chúng tôi cảm thấy phấn khởi khi gây được sự chú ý kiểu như thế này đối với một “cường quốc khu vực” – như cách Tổng thống Barack Obama đã gọi nước Nga vài lần trước đó.”
Nhìn nhận đúng về nước Nga
Vậy phương Tây, cụ thể là Mỹ, nên phản ứng như thế nào? Đầu tiên, chúng ta nên nhớ rằng từ trước đến nay, nước Nga chỉ nguy hiểm khi các xã hội phương Tây để cho Nga gây ra những bối rối trong nội bộ họ. Cả về chính trị và kinh tế, sức mạnh của Nga đều tương đối hạn chế. Ví dụ trong câu chuyện nổi bật hiện tại, sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ năm 2016 là động thái thành công, nhưng khó có thể mang tính chất quyết định. Câu chuyện này tồn tại dai dẳng vì hai lý do. Thứ nhất, các đảng viên Dân chủ dùng nó để giải thích tại sao họ thua trong cuộc bầu cử mà họ đã mong chờ chiến thắng. Và, thứ hai, các báo cáo mới tiếp tục xuất hiện cho thấy các thành viên trong chiến dịch của Trump đã liều lĩnh chấp nhận sự giúp đỡ từ một thế lực bên ngoài.
Tuy vậy, vụ việc cho chúng ta nhiều thông tin về tình trạng đáng buồn của nền chính trị Mỹ hơn là về khả năng của Điện Kremlin. Các nước láng giềng nhỏ hơn của Nga, không chỉ Gruzia hay Ukraine, đều có lý do thực sự để coi Nga là mối đe dọa đối với chủ quyền của họ. Còn đối với Anh, Mỹ và Đức thì không. GDP của Nga chỉ bằng một nửa của California. Ngân sách quốc phòng của Nga chỉ bằng một phần mười của Mỹ. Và các kênh để xuất khẩu tuyên truyền của Nga, như RT và Sputnik, chỉ là những kênh nhỏ bé chẳng mấy người phương Tây xem.
Hơn nữa, nước Nga của Putin, cũng giống như Trung Quốc của Tập Cận Bình, có một số lượng ít ỏi đồng minh chiến lược. Vào tháng 03/2014, tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, chỉ có 11 nước, bao gồm Armenia, Triều Tiên và Zimbabwe, phản đối nghị quyết chỉ trích Nga sáp nhập Crimea. Đây là một khoảng cách xa vời so với những gì mà Liên Xô đã từng có.
Hành vi khó đoán và khiêu khích của chính phủ Putin có vẻ mang tính đe dọa, nhưng hành vi đó chung quy là để bù đắp cho những bất lực của Điện Kremlin trong việc thực thi quyền lực thực sự. Sự thật là, bất kỳ thành tựu địa chính trị nào của Nga trong các năm vừa qua phần lớn đều có được nhờ sự yếu kém của các kẻ thù. Một khoảng trống quyền lực tại Ukraine cho phép Nga sáp nhập Crimea bằng quân đội vốn đã được Nga triển khai tại Sebastopol. Và một Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Mỹ mù mờ về mạng internet đã giúp các hacker Nga dễ dàng truy cập vào máy chủ email của đảng này.
Trong cả hai trường hợp, Nga đã chú trọng vào thành công chiến thuật mà bỏ qua thất bại chiến lược. Nga đang kiểm soát Crimea, nhưng Nga đã vĩnh viễn mất Ukraine với tư cách là một láng giềng thân thiện. Tương tự, việc can thiệp vào bầu cử Mỹ đã giúp thống nhất hai chính đảng chủ đạo của Mỹ trong việc chống lại Nga, và điều này có thể kéo dài cả một thế hệ. Các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ có thể bất hòa về đủ thứ nhưng họ đã cùng nhau áp đặt các lệnh trừng phạt lớn hơn nhằm vào Nga, đi ngược lại mong muốn của chính quyền Trump.
Con đường phía trước
Tình hình hiện nay cho thấy lựa chọn tốt nhất cho các nước phương Tây nhằm phản ứng lại thế trận của Nga chính là tăng cường sự dẻo dai của chính mình – một cách có đạo đức và thực tế. Đầu tiên, các nước phương Tây cần khắc phục các lỗ hổng dễ bị khai thác trong các hệ thống chính trị của mình. Một ví dụ quan trọng chính là cơ chế Đại cử tri đoàn tại Mỹ vốn được thành lập từ năm 1787. Trong năm 2016, cơ chế này đã mang lại một dạng kết quả éo le mà chính nó được thiết kế để ngăn chặn.
Xa hơn nữa, các nước phương Tây phải có nhiều hành động hơn chứ không chỉ áp đặt sự cao đạo của mình nhằm phản ứng lại những hành vi dối trá và hung hăng của Nga tại Syria, Ukraine, vùng Capcadơ và những nơi khác. Các tuyên bố của Mỹ và phương Tây về việc đại diện cho một “hệ thống dựa trên các giá trị và luật lệ” đối với Điện Kremlin là trống rỗng. Điều này không phải là không có lý do. Cần nhớ rằng chính Mỹ đã đơn phương xâm lược Iraq vào năm 2003, không tham gia vào các thể chế quốc tế dựa trên luật lệ như Tòa án Tội phạm Quốc tế (ICC), và Mỹ hiện cũng đang là nước duy nhất không tham gia vào Thỏa thuận Biến đổi khí hậu Paris.
Liên minh châu Âu (EU) thậm chí còn cam kết mạnh mẽ hơn đối với chủ nghĩa đa phương và trật tự dựa trên luật lệ hơn Mỹ, nhưng tương tự, EU cũng hành xử theo cách mâu thuẫn với những giá trị mà EU tuyên bố. Năm 2013, sau khi cùng Nga tham gia vào một cuộc tranh giành địa chính trị tại Ukraine, EU đã đề nghị ký một Hiệp định Liên kết với Tổng thống Ukraine lúc bấy giờ là ông Viktor Yanukovych, một người giờ đang bị chỉ trích là một kẻ bạo chúa tham nhũng. Các nhà lãnh đạo của Nga sẽ hoan hỉ quay một tâm gương chiếu vào mặt phương Tây và nói: “Hãy nhìn kỹ đi. Các anh cũng chẳng khác gì chúng tôi.”
Người phương Tây nên thừa nhận các thất bại về mặt đạo đức, và cảm thấy xấu hổ khi lên án những hành động xâm lược của Nga. Chỉ với tinh thần đó, họ mới được quyền cho rằng Nga còn tệ hại hơn nhiều so với họ khi áp dụng tiêu chuẩn kép. Sau tất cả, Nga đã sát hại hàng chục nghìn công dân của chính mình ở Chechnya, tất cả dưới danh nghĩa bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ”, và rồi sau đó làm thay đổi các đường biên giới quốc tế bằng vũ lực ở cả Gruzia lẫn Ukraine.
Hơn nữa, khi các nhà lãnh đạo phương Tây xây dựng một chiến lược đối với nước Nga, họ nên để tâm đến các động lực nội bộ của đất nước này. Ở Nga không còn tình trạng chia cắt rõ ràng giữa các tầng lớp công nhân, nông dân và quý tộc như năm 1917. Từ khi Putin lên nắm quyền vào năm 2000, một tầng lớp trung lưu đô thị đã nổi lên, và các giá trị của tầng lớp này ngày càng mang màu sắc truyền thống châu Âu hơn so với các giá trị của bất kỳ nhóm xã hội nào khác trong lịch sử của nước này.
Các trung tâm đô thị của Nga như Moskva hay St. Petersburg bây giờ có các làn đường dành cho xe đạp, các lớp học yoga và các quán phục vụ trà latte. Các tiện nghi này cho thấy nhiều điều hơn là chỉ phản ánh những lựa chọn về phong cách sống. Khi người Nga có tiền, họ sẽ đi du lịch đến châu Âu hoặc Mỹ, học các thứ tiếng của châu Âu, và thích nghi với văn hóa phương Tây. Thi thoảng, họ thậm chí sẽ đưa ra những đòi hỏi chính trị, như đã làm thông qua các cuộc biểu tình đường phố trong giai đoạn 2011-2012, và tại các cuộc bầu cử địa phương tại Moskva gần đây. Không giống những người Bolshevik, chế độ của Putin đã không đàn áp được tầng lớp này của Nga, mà thay vào đó, coi họ là “những kẻ lưu đày nội địa”, những người không nên được cho tham gia vào đời sống chính trị.
Phá vỡ bức tường ngăn cách
Nếu các Chính phủ Mỹ và phương Tây thực sự muốn chứng tỏ rằng phiên bản văn hóa châu Âu của họ là ưu việt hơn, họ cần thiết kế các chính sách nhằm tiếp cận tầng lớp trung lưu đô thị ở Nga. Họ nên đưa ra thông điệp rằng vấn đề của phương Tây trong quan hệ với Nga là vấn đề với chế độ của Putin, chứ không phải với chính bản thân nước Nga.
Người Nga chưa hiểu được thông điệp đó. Chúng ta cần nhớ lại rằng, trong 8 năm cầm quyền đầu tiên của Putin, ông đã đưa ra lời hứa hẹn về việc du lịch từ Nga đến EU mà không cần visa. Nhưng hiện tại, Điện Kremlin đang mong muốn điều ngược lại: hạn chế các tương tác với phương Tây của công dân Nga. Nếu EU đưa ra những cố gắng để đáp ứng các nguyện vọng của Điện Kremlin trong thời kỳ đó, thì bức tường ngoại giao giữa Nga và Tây Âu sẽ khó có thể bị đẩy lên cao như hiện nay.
Tương tự, Mỹ đã cho đóng cửa các cơ quan lãnh sự và bỏ các dịch vụ visa bên ngoài lãnh thổ Moskva, buộc người Nga ở Siberia và các vùng hẻo lánh xa xôi khác phải đi hàng ngàn dặm chỉ để được cấp giấy phép đi du lịch đến Mỹ. Kết quả là các chương trình trao đổi và các thỏa thuận hợp tác giữa Nga và các trường đại học Mỹ đã phải ngừng lại.
Thất bại của phương Tây trong việc kết nối với người dân Nga đã là một điều may mắn bất ngờ cho Putin và chế độ của ông, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang rơi vào tình trạng tồi tệ. Miễn là người đàn ông “ma quái” theo chủ nghĩa Tân Bolshevik tại Điện Kremlin này có thể tuyên bố mình đại diện cho “một châu Âu khác”, Putin vẫn nhiều khả năng sẽ giữ được quyền lực của mình, và những Nỗi sợ cộng sản dù không có màu đỏ sẽ tiếp tục hiện diện ở phương Tây.
Alexander Baunov là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Carnegie Moskva và là Tổng biên tập của trang carnegie.ru
Thomas de Waal là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Carnegie Europe.
Copyright: Project Syndicate 2017 – Red Scares, Then and Now
393
0 1 431
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.