Mỹ phê phán TQ, Nga, Iran, Triều Tiên trong báo cáo nhân quyền 2017
21/04/2018
Mỹ hôm thứ Sáu gọi Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên là những chính phủ "đáng phê phán về mặt đạo đức" vì Mỹ nói họ vi phạm nhân quyền trong nước của họ mỗi ngày, khiến các nước này trở thành "những thế lực gây bất ổn."
Công bố báo cáo nhân quyền toàn cầu của Bộ Ngoại giao năm 2017, quyền Ngoại trưởng John Sullivan cũng nêu đích danh Syria, Myanmar, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela là các nước có thành tích nhân quyền kém cỏi. Nhân quyền được cải thiện ở Uzbekistan, Liberia và Mexico là những "điểm sáng" toàn cầu, ông Sullivan nói thêm.
Michael Kozak, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao giúp giám sát báo cáo này, nói ông không nghĩ các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump về quyền tự do báo chí, người tị nạn, người đồng tính nữ, người đồng tính nam, người song tính và người chuyển giới tính và các vấn đề khác làm suy yếu bản báo cáo hoặc khiến Mỹ dễ bị cáo buộc là đạo đức giả.
Chính phủ các nước Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên "vi phạm nhân quyền của những người bên trong biên giới của họ mỗi ngày và do đó là những thế lực gây bất ổn," ông Sullivan nói trong lời nói đầu cho bản báo cáo được Quốc hội quy định phải thực hiện. Bản báo cáo ghi nhận tình hình nhân quyền ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các nước như những nước này hạn chế quyền tự do ngôn luận và tụ tập ôn hòa, cho phép và gây nên bạo lực nhắm vào các nhóm tôn giáo, sắc tộc và các nhóm thiểu số khác, hoặc làm suy yếu phẩm giá cơ bản của con người, là "đáng phê phán về mặt đạo đức và làm suy yếu các lợi ích của chúng ta," ông Sullivan nói.
Những người chỉ trích ở Mỹ và khắp toàn cầu đã cáo buộc ông Trump đã lơ là nhân quyền như một vấn đề chính sách đối ngoại, và cáo buộc ông làm thân với các nhà lãnh đạo độc tài ở Nga, Philippines và Trung Đông. Ông Trump cũng thường xuyên công kích truyền thông Mỹ.
"Tôi nghĩ chúng tôi phân biệt rạch ròi giữa việc các nhà lãnh đạo chính trị có thể lên tiếng và nói, 'Câu chuyện đó không chính xác,' hoặc đôi khi sử dụng từ ngữ thậm chí mạnh hơn, và việc sử dụng quyền lực của nhà nước để ngăn các nhà báo tiếp tục làm công việc của họ," ông Kozak nói với các phóng viên.
Ông Kozak cho biết các tiêu chuẩn được sử dụng trong báo cáo, là một trong những tài liệu của chính phủ Mỹ được đọc nhiều nhất, thường bắt nguồn từ các điều ước quốc tế hoặc luật pháp của Mỹ.
“Tôi nghĩ bản báo cáo rất rõ ràng về những thứ mà chúng tôi cho là những hạn chế không thỏa đáng đối với quyền tự do của giới truyền thông… sử dụng hệ thống pháp lý để nhắm vào các ký giả, sử dụng vũ lực và vân vân. Nó không phải là bản chất của diễn ngôn ở một đất nước,” ông Kozak nói.
Bản báo cáo được công bố giữa lúc căng thẳng gia tăng với Trung Quốc về thương mại và các vấn đề khác.
Nó cũng được công bố trong bối cảnh quan hệ của Mỹ với Moscow đang xấu đi vì sự ủng hộ của Nga dành cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người mà Washington cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào chính người dân của mình, và các cáo buộc của Mỹ nói rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.P
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.