Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

Sát thủ thầm lặng của năm 2022: Mạng Xã hội

 

Sát thủ thầm lặng của năm 2022: Mạng Xã hội

Tuấn Khanh 

clip_image002

Tờ Wired để lại một nhận định không thiện cảm của năm 2022 về các trào lưu thông tin và ứng xử, mà con người khi đối diện sẽ ngày càng dễ bị tổn thương hơn: tham gia mạng xã hội không kềm chế, như việc liên tục đăng nội dung của mình lên mạng xã hội có thể làm xói mòn quyền riêng tư của bạn—và ý thức về bản thân.

Năm 2022 đánh dấu số lượng tham gia internet, và chủ yếu là các mạng xã hội, lên đến 5 tỷ người toàn cầu, tổng kết từ Statista cho biết. Xã hội ảo ngày càng lớn, và quyền lực hay thao túng quyền lực cũng ngày càng phức tạp.

Mạng xã hội thay thế các giao tiếp bên ngoài đời thường nhiều hơn cách đây 20 năm. Khi bạn trực tuyến, có nghĩa là phải thường xuyên tiếp xúc với những người không rõ danh tính. Mặc dù điều này có vẻ bình thường, nhưng đó là sự đổi thay bất thường, chưa từng gặp phải với các định danh, tạm gọi là mang tư cách là con người. 

Khi bạn đăng một ý kiến trên Twitter chẳng hạn, những người mà bạn chưa từng gặp bao giờ phản hồi bằng những suy nghĩ trái chiều và lời chỉ trích – thậm chí rất nặng nề vô cớ của họ. Mọi người đang xem bức ảnh selfie mới nhất trên Instagram của bạn, thật ra họ đang bước vào không gian riêng của bạn. Bị quá nhiều người quan sát có các tác động tâm lý đáng kể. Tất nhiên, tạm gác những yếu tố gọi là tích cực lại, chẳng hạn, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch khi đó là cách mà chúng ta cảm giác ở gần những người thân yêu của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho biết có nhiều nhược điểm trong chuyện giới thiệu bản thân trên mạng xã hội, và những nhược điểm này có thể phức tạp và dai dẳng hơn chúng ta tưởng.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mức độ sử dụng mạng xã hội cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các triệu chứng lo âu và trầm cảm. Gần đây đã có những bằng chứng đáng kể về mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và thói quen trực tuyến của các netizen. 

Hơn nữa, nhiều nhà tâm lý học tin rằng mọi người có thể đang phải đối mặt với những tác động tâm lý lan tỏa nhưng không phải lúc nào cũng rõ ràng. Larry Rosen, giáo sư danh dự về Tâm lý học tại Đại học Bang California, Dominguez Hills, cho biết: “Những gì chúng tôi nhận thấy là mọi người đang dành nhiều thời gian hơn cho màn hình, so với trước đây, hoặc so với mức suy nghĩ gọi là tự kiểm soát của họ. Nó đã trở thành như một loại bệnh dịch tinh thần”. 

Rosen đã nghiên cứu các tác động tâm lý của công nghệ từ năm 1984, và ông ghi nhận về mọi thứ bị coi là “mất kiểm soát” của con người. Rosen nhận được hàng tá báo cáo mỗi ngày về các trường hợp tự phát hiện rằng người dùng mạng xã hội cảm thấy không thể thoát khỏi cuộc sống trực tuyến của mình. Rosen nói: “Ngay cả khi bạn không ở trên màn hình, màn hình vẫn lởn vởn ở trong đầu bạn”.

Giá trị của quyền riêng tư cho chúng ta không gian để hoạt động mà không bị phán xét. Nhưng khi chúng ta sử dụng mạng xã hội, thường có rất nhiều người lạ xem nội dung của chúng ta, thích, bình luận và chia sẻ nội dung đó với cộng đồng của họ. Bất cứ khi nào bạn đăng một cái gì đó trực tuyến, từ đó bạn đã tiết lộ một phần con người của bạn, nhưng vào năm 2022, ít ai lường được mình sẽ được tiếp nhận như thế nào trong thế giới ảo. Fallon Goodman, trợ lý giáo sư Tâm lý học tại Đại học George Washington, còn cho biết về một hội chứng của việc lo âu không biết mình đang tạo ấn tượng gì với bài đăng mới nhất trên mạng, có thể gây ra căng thẳng và trầm cảm.

“Khi bạn đăng một bức ảnh, dữ liệu thực sự duy nhất bạn nhận ngược lại là lượt thích và bình luận của mọi người”, Goodman nói, “và bạn phải đối diện những phản xét của người khác về mình theo những cảm quan may rủi. Và điều đó tác động vào tâm lý bình ổn của bạn”.

Anna Lembke, giáo sư Khoa học về Tâm thần và Hành vi tại Đại học Stanford, cho biết chúng ta dần tự xây dựng danh tính của mình, thông qua cách đám đông nhìn nhận. Và chúng ta dần sống giả tạo hoặc đa nhân cách với đời thường và trên mạng xã hội. “Danh tính ảo này là một thành phần của tất cả các tương tác trực tuyến mà chúng tôi có. Đó là một danh tính rất dễ bị tổn thương vì nó chỉ phục vụ việc tồn tại trong không gian mạng. Theo một cách kỳ lạ, bạn không có quyền kiểm soát nó, mà phải chuyển động theo xu hướng ghét hay thích của mạng xã hội” Lembke nói. “buồn thay, bạn cũng sẽ rất dễ bị lộ”.

Vì không có khả năng tìm hiểu xem “phẩm giá trực tuyến” của mình đang lan truyền như thế nào trên thế giới ảo, người dùng mạng xã hội dễ trở nên gay gắt phản ứng hoặc bỏ chạy sau khi trực tuyến nhiều giờ — và thậm chí, sự ám thị tinh thần đó vẫn đeo đuổi sau khi đã đăng xuất. 

“Đó là một dạng siêu cảnh giác cố thích nghi. Ngay khi bạn gửi một thứ gì đó vào thế giới ảo, bạn sẽ như ngồi trên đống lửa để chờ phản hồi”, Lembke nói, “Chỉ riêng điều đó thôi - kiểu kỳ vọng đó - là một trạng thái hưng cảm tột độ. Bạn sẽ luôn lẩn quẩn rằng mọi người sẽ phản ứng thế nào với điều này? Khi nào họ sẽ trả lời? Họ sẽ nói gì?” 

Và bất kỳ một phản ứng hay bình luận nào không mong đợi, sẽ gây ra tình trạng ngày càng trầm trọng thêm cảm giác xấu hổ và ghê tởm bản thân, với nỗ lực xây dựng một thế giới “phẩm giá trực tuyến” trong thế giới hiện đại. Đó là chưa nói, với các quốc gia sử dụng các lực lượng bình luận trên mạng xã hội có mục đích để tuyên truyền, quảng cáo, thao túng thông tin hay bảo vệ các sản phẩm… như Trung Quốc, Nga, Việt Nam… bạn có thể càng bị tác động tổn thương, hoặc biến đổi tâm tính khác thường, khi tham gia vào các luồng truyền thông đó.

Không thoát khỏi nó, như lạnh nhạt hơn với các loại trình bày và phô diễn, bạn sẽ là tù nhân của không gian ảo, và luôn bị các mạng tra tấn tinh thần kể cả khi tắt máy. Năm 2022 đã để lại nhiều vấn đề như vậy - lớn hơn bao giờ hết – với 5 tỷ người. 

T.K.

Nguồn: Fb Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.