Mở mặt trận Crimea để giải quyết vấn đề Crimea
13-1-2023
1. THAY ĐỔI BỘ MẶT CHIẾN TRANH
Đại tướng Sergei Shoigu là Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nga. Nhưng ông không phải là nhà quân sự. Bộ mặt quân sự Nga là Tổng tham mưu trưởng đại tướng Valery Gerasimov.
Giai đoạn đầu chiến tranh từ ngày 24/2/2022, chỉ huy quân đội Nga trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine là các tư lệnh quân khu. Nghĩa là để giải quyết Ukraine chỉ cần các quân khu. Nhưng liên tiếp thất bại về mục tiêu xâm chiếm Ukraine, ngày 8/10/2022 ông Putin đã phải bổ nhiệm Tư lệnh lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, đại tướng Sergey Surovikin, làm tổng tư lệnh chiến trường. Nghĩa là phải dùng đến tư lệnh binh chủng, chứ không phải tư lệnh quân khu nữa.
Nhưng tư lệnh binh chủng Surovikin dù có chiến tích ở chiến trường Syria cũng không làm nên trò trống gì ở Ukraine ngoài thất bại rút khỏi Kherson. Ngày 11/1/2023, ông Putin bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga đại tướng Valery Gerasimov làm tổng tư lệnh chiến trường. Trong vòng chưa đầy 11 tháng, Nga đã 3 lần thay tư lệnh chiến trường. Lần thứ 3 là át chủ bài của quân đội Nga.
Trước ngày 11/1/2023, mọi quyết định lớn trên chiến trường đều phải báo cáo cho tướng Gerasimov. Hơn thế nữa, kế hoạch đánh chiếm Ukraine cũng có vai trò to lớn của Gerasimov. Thay đổi mục tiêu đánh chiếm cùng với kế hoạch tác chiến cũng dưới quyền chỉ huy của Gerasimov. Gerasimov cũng đã từng đi thị sát chiến trường Ukraine, bị Ukraine biết nên lên kế hoạch tiêu diệt, nhưng đã may mắn sống sót, phải vội vã rút ngay về Nga. Kể từ ngày 11/1/2023, tướng Gerasimov là người trực tiếp lên kế hoạch và thông qua kế hoạch. Mọi kết quả của Nga ở chiến trường Ukraine là do tướng Gerasimov trực tiếp chịu trách nhiệm.
Với việc bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov làm tổng tư lệnh chiến trường, bộ mặt chiến tranh của Nga trên mặt trận đã thay đổi. Giờ đây, chỉ huy quân Nga trên chiến trường Nga – Ukraine, không phải là tư lệnh quân khu, cũng không phải tư lệnh binh chủng, mà là Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga. Sự tham gia của Nga vào cuộc chiến Nga – Ukraine không phải là các quân khu, cũng không phải là các binh chủng, mà là toàn bộ quân đội Nga. Bộ mặt chiến tranh của Nga ở Ukraine đã thay đổi toàn diện. Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine là cuộc chiến tranh của toàn bộ quân đội Nga.
Bổ nhiệm tướng Gerasimov làm Tổng tư lệnh chiến trường, ông Putin đã đưa bộ 3 hạt nhân Nga: Putin – Soigu – Gerasimov vào cùng một chiến hào.
2. MỞ RỘNG LÃNH THỔ LÀ MỤC TIÊU KHÔNG THAY ĐỔI CỦA ÔNG PUTIN
Ngay từ đầu chiến tranh 24/2/2022, mục đích thực sự của ông Putin đã bị lật tẩy. Chính phủ phát xít, mối đe doạ NATO, Ukraine là do Lenin tạo ra, Nga và Ukraine là một dân tộc… tất cả chỉ là cớ. Mục đích cuối cùng là lãnh thổ. Nhưng vì thất bại trên chiến trường mà ông Putin chia mục đích lãnh thổ ra nhiều mức. Tiểu mục đích là 4 tỉnh của Ukraine bao gồm Luhansk, Donetsk, Zaporizhizhyia, Kherson mà ông Putin đã tuyên bố là lãnh thổ của Nga. Mục đích trung bình là cộng thêm các tỉnh miền Nam Ukraine gồm Mykolayiv, Odessa nối tới Transnistria của Mondova; biến toàn bộ miền Đông và Nam Ukraine thành của Nga. Mục đích lớn là đánh chiếm Kiev, xoá bỏ Ukraine.
Chiến sự đẫm máu khốc liệt ở Soledar và Bakhmut nói lên quyết tâm của ông Putin phải chiếm bằng được toàn bộ tỉnh Donetsk, một trong những tỉnh quan trọng nhất ở miền Đông Ukraine. Quân Wagner của Prigozhin gồm những tội phạm muốn thoát án tử hình nên liều lĩnh, gồm những kẻ chuyên nghiệp đánh thuê kiếm tiền nên thiện nghệ. Đó là đội quân tinh nhuệ hạng nhất của phía Nga, vượt xa cả quân chính quy Nga. Prigozhin muốn chiếm được một thành phố dù nhỏ để chứng tỏ trước Putin. Putin đang muốn có một chiến thắng, một dịch chuyển chiến tuyến lên phía trước dù vài kilomet để lấy tinh thần. Vì thế, phía Nga đang dồn binh khí cho Wagner để quyết chiếm Soledar và Bakhmut. Nhưng phía Ukraine không thể lùi. Bởi thế, chiến trường Soledar và Bakhmut vô cùng đẫm máu.
Ông Putin không có ý định dừng ở Bakhmut. Phía Nga đã mở rộng tuổi tòng quần từ 21- 30 tuổi. Sau đợt động viên 300.000 cuối năm 2022, phía Nga rồi sẽ huy động thêm nhiều đợt tuyển quân mới. Quân đội Nga sẽ tăng lên 1,5 – 2 triệu quân và hơn thế nữa để cho ông Putin giành cho được trọn 4 tỉnh Luhansk, Donetsk, Zaporizhizhyia, Kherson mà ông đã vội vã tuyên bố là lãnh thổ Nga.
Rất tỉnh táo, lãnh đạo Ukraine cũng như nguyên thủ nhiều nước đã xác định rõ ràng, rằng không thể có đàm phán khi phía ông Putin có lợi thế hay cầm cự được trên chiến trường. Đàm phán trong điều kiện Ukraine phải chấp nhận đất bị Nga tạm thời chiếm đóng là lãnh thổ của Nga là điều hoang tưởng. Đề nghị đàm phán của phía ông Putin chỉ để kéo dài thời gian giúp quân đội Nga tập trung lực lượng mới, rồi mở đợt tấn công mới. Ông Putin phải bị đánh bại, hay trên đường đi đến đại bại, thì mới có thể ngồi vào bàn đàm phán.
3. MỞ MẶT TRẬN CRIMEA LÀ CÁCH TỐT NHẤT ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CRIMEA
Crimea mà ông Putin chiếm đoạt của Ukraine từ năm 2014 là vấn đề nan giải nhất cho kết thúc chiến tranh Nga – Ukraine. Không ít các nguyên thủ quốc gia lo sợ khi Ukraine giải phóng Crimea thì ông Putin sẽ sử dụng bom nguyên tử. Nhưng Ukraine kiên quyết không từ bỏ lãnh thổ, không tử bỏ Crimea để đổi lấy hoà bình. Đàm phán hoà bình để quay lại tình trạng biên giới trước ngày 24/2/202 là thất bại đối với Ukraine.
Ông Putin kiên quyết không đưa vấn đề Crimea vào danh mục đàm phán. Vậy cách tốt nhất để đưa Crimea vào đối tượng phải đàm phán là mở mặt trận Crimea ngay khi đang giao tranh trên toàn tuyến. Biến Crimea thành chiến trường như Luhansk, Donetsk, Zaporizhizhyia, Kherson thì mới trở thành đối tượng bắt buộc phải giải quyết trên bàn đàm phán. Giao tranh trên toàn tuyến chưa phân thắng bại không phải là lý do và tình thế để ông Putin liều lĩnh sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông Putin chưa đủ binh lực để thắng tại Soledar và Bakhmut. Tướng Gerasimov rồi cũng không thể xoay chuyển được thế trận. Mở thêm mặt trận Zaporizhizhyia – Kherson – Crimea sẽ làm cho lực lượng của tướng Gerasimov phải phân tán. Lấy lại một phần lãnh thổ Crimea là vấn đề Crimea không thể tách rời trong mọi giải pháp.
Các nhà nhà lãnh đạo Ukraine giàu lòng dũng cảm và thừa đủ sáng suốt biết phải làm gì để đi đến chiến thắng cuối cùng: giải phóng toàn bộ lãnh thổ Ukraine theo đường biên giới năm 1991.
4. CHIẾN THẮNG CỦA UKRAINE CÓ LỢI TRỰC TIẾP CHO CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á
Sự hy sinh của nhân dân Ukraine chống lại sự xâm lược của Putin không những chỉ vì châu Âu, vì công lý, vì bảo vệ Hiến chương Liên Hợp quốc, mà còn góp phần giúp cho Đông Nam Á duy trì hoà bình, củng cố sức mạnh.
Nếu ông Putin thắng, ông Tập Cận Bình sẽ hành động ngang ngược ở Biển Đông. Sự thất bại của ông Putin làm cho ông Tập Cận Bình phải thay đổi chiến lược địa chính trị trên toàn thế giới, phải định hình lại quan hệ với Mỹ, phải chùn tay trong mưu toan dùng vũ lực ở Biển Đông.
Trung Quốc vừa bổ nhiệm Đại sứ tại Mỹ là Tần Cương làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Tần Cương là người chủ trương phát triển quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ. Trang tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho đăng lại bài báo của Tần Cương trên Washington Post ngày 4/1/2023, khẳng định “Tương lai hành tinh phụ thuộc vào sự ổn định của quan hệ Trung – Mỹ” (“The planet’s future depends on a stable China – U.S. relationship”: https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/202301/t20230105_11001104.html). Rằng “thế giới đủ rộng cho Trung Quốc và Mỹ để cả hai cùng phát triển và thịnh vượng”.
Ông Tập Cận Bình cũng bẻ lái trong quan hệ Trung – Nga. Trong cuộc trao đổi điện thoại đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/1/2023, theo lịch hẹn của Bộ trưởng Ngoai giao Nga Sergey Lavrov, ông Tần Cương đã cho thấy sự thay đổi quan điểm của Trung Quốc trong quan hệ với Nga. Thay vì chiến lược “ba không” trước đây là “không điểm dừng, không vùng cấm, không giới hạn” thì ông Tần Cương đã giải thích cho ông Lavrov quan điểm “ba không” mới của Trung Quốc là “không liên kết, không đối đầu, không nhằm vào các bên thứ ba”. Với sự thay đổi quan hệ này, hy vọng của ông Putin vào Trung Quốc xem như kết thúc. Ông Putin có thêm bài học về Trung Quốc, nhưng đã muộn.
Ông Tập Cận Bình đã nhìn thấy những tổn thất to lớn của Trung Quốc trong mấy năm qua khi quan hệ Trung – Mỹ căng thẳng. Ông Tập cận Bình đã nhìn thấy cả thế giới phản ứng với ông Putin như thế nào. Là bậc thầy của chiến lược “toạ sơn quan hổ đấu”, Tập Cận Bình thừa biết không thể vì Putin mà để bị thế giới cô lập. Qua việc bổ nhiệm Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Tần Cương làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Tập Cận Bình gửi đi tín hiệu về sự đổi chiều trong quan hệ quốc tế.
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc dựa trên các vũ khí sao chép của Liên Xô đã được chính Trung Quốc thức tỉnh từ thực tế của chiến tranh Nga – Ukraine. Sự ủng hộ rộng rãi, mạnh mẽ của cả thế giới cho Ukraine, sự cô lập toàn diện đối với Putin là tấm gương cho Tập Cận Bình soi chiếu khi hành động quân sự ở Biển Đông. Ở mặt khác nữa, các nước Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia từ thực tế chiến sự Nga – Ukraine, đã rút ra bài học tức thời để thay đổi chiến lược mua sắm vũ khí và xây dựng lại quân đội.
Châu Âu chịu ơn nhân dân Ukraine. Nhân loại tiến bộ biết ơn nhân dân Ukraine. Các nước Đông Nam Á có biển bị đường lưỡi bò của Trung Quốc xâm phạm, nợ nhân dân Ukraine, không chỉ lời cảm ơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.