Tư pháp Việt Nam nên học hỏi phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc?
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
3 tháng 1 2023
Quyền im lặng là chế định được ban ra để khắc phục tình trạng bức cung nhục hình, vừa giúp bảo hộ nhân phẩm con người vừa thay đổi kiểu kết án dựa vào lời khai nhận dễ gây ra oan sai.
Diễn viên, người mẫu Lee Sung-kyung, người đóng vai Ji-hye trong phim "Điệp vụ Nữ quyền". ẢNH: GETTY IMAGES
Trong dịp nghỉ tết tôi xem được mấy bộ phim điện ảnh Hàn Quốc tình cờ đều thấy nhắc đến một chế định pháp luật hình sự là quyền im lặng.
Trong đó một bộ phim có tiêu đề tiếng Việt là ‘Cuộc đàm phán sinh tử’ nói về một nữ nhân viên cảnh sát có chuyên môn đàm phán với tội phạm bắt cóc để tìm cách giải cứu các nạn nhân.
Một bộ phim khác là ‘Phi vụ nữ quyền’ nói về hai nữ cảnh sát theo đuổi việc bắt giữ những kẻ chuyên quay video cảnh nhạy cảm của các cô gái sau khi đã cho họ sử dụng một loại ma túy.
Bối cảnh thông thường là cảnh sát sau khi tuyên bố lý do bắt giữ nghi phạm về tội danh gì đó thì nói những câu như, anh được quyền giữ im lặng, mọi điều anh nói sẽ trở thành bằng chứng trước tòa, anh được quyền mời luật sư, nếu anh không mời thì chúng tôi sẽ chỉ định một luật sư bào chữa.
Như thế tôi thấy những cảnh phim trước đây chỉ thấy xuất hiện trên phim ảnh Âu Mỹ thì nay đã phổ biến trên phim Hàn, đây hẳn là kết quả của những bước phát triển của nền tư pháp Hàn Quốc.
Quyền im lặng là chế định được ban ra để khắc phục tình trạng bức cung nhục hình, vừa giúp bảo hộ nhân phẩm con người vừa thay đổi kiểu kết án dựa vào lời khai nhận dễ gây ra oan sai.
Bởi vậy tôi thấy cùng với thành tựu phát triển kinh tế thì nền tư pháp Hàn Quốc cũng đạt được những bước phát triển tiến bộ rất đáng để Việt Nam học tập.
Nhìn lại Việt Nam
Ở Việt Nam lâu nay nhà nước cũng đã thực hiện nhiều chính sách về cải cách nền tư pháp. Nhiều người đã quen với khái niệm về cải cách tư pháp, nhưng còn phát triển tư pháp nghĩa là sao?
Là người quan tâm xới xáo chủ đề này nên tôi cho rằng cải cách tư pháp là làm mới, làm khác để đạt mục tiêu tìm ra sự thật khách quan, xử lý đúng người đúng tội, tránh bỏ lọt và làm oan người vô tội.
Còn phát triển tư pháp là hướng các hoạt động tư pháp tới những thang bậc chuẩn mực pháp lý cao hơn để từ đó xác định xem đâu mới là chân lý giá trị đúng đắn.
Lâu nay cải cách tư pháp đã được quan tâm thúc đẩy với kỳ vọng khắc phục tình trạng gây oan sai làm ảnh hưởng tới niềm tin của người dân vào nền công lý, còn để nhận ra sự quan trọng của phát triển tư pháp thì cần tinh tế hơn một chút để nhìn thấy được vấn đề.
Để thấy được vấn đề tôi nêu dẫn chứng từ những vụ trọng án giết người như sau.
Lâu nay những vụ án giết người phân xác hay đốt xác phi tang được báo chí tường thuật đưa tin về cách gây án man rợ, thường tạo ra sự phẫn nộ sợ hãi trong công chúng, rốt cuộc đều có chung một kết quả là bản án tử hình.
Điều đó như một đường lối quan điểm xét xử được lặp lại nhiều lần thành án lệ khó thay đổi, một lối nhận thức chung về công lý khó bỏ.
Từ đó dẫn đến hệ quả mà mọi người có thể hình dung là số lượng án tử hình sẽ tương đối nhiều, hiện nay không rõ số liệu thống kê về số án tử hình hàng năm đối với án giết người là bao nhiêu nhưng có thể phán đoán đâu đó hàng chục.
Chừng đó là rất nhiều nếu nhìn theo góc độ bảo hộ quyền sống của con người cũng như khi so sánh với các nước không có án tử hình hoặc các nước còn án tử hình nhưng đã không thi hành trong thực tế.
Ví như nước Hàn Quốc đã bỏ thi hành án tử hình từ năm 1998 tới nay đã 25 năm không thi hành vụ nào, dù nước họ hẳn cũng có những vụ án giết người man rợ hoặc giết người hàng loạt gây ám ảnh sợ hãi trong dư luận.
Là luật sư bào chữa trong nhiều vụ án tôi nhận ra tính chất nghiêm trọng của vấn đề phổ biến của án tử hình, từ đó tôi quan tâm làm sao có thể thay đổi phán quyết ở những vụ án tưởng chừng như không thể thay đổi được.
Nhưng để làm được điều đó thì cần đến sự thay đổi nhận thức về công lý, và đó cũng là vấn đề của sự phát triển của nền tư pháp.
Phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. ẢNH: NGO NGOC TRAI
Phát triển tư pháp
Mới đây báo điện tử VnExpress có bài ‘Tội ác gây sốc của kẻ níu tình bất thành’ viết về một vụ án hình sự bên Thái Lan xảy ra từ năm 1998, một thanh niên đã sát hại và phân xác cô bạn gái phi tang ở nhiều nơi.
Bản án cho thanh niên này là chung thân, sau đó nhiều lần được ân giảm nên thực tế chỉ thụ án tù 13 năm 9 tháng.
Bài báo đó làm tôi nhớ lại vụ án năm 2010 ở Hà Nội, một thanh niên tên là Nguyễn Đức Nghĩa đã giết hại và phân xác bạn gái ở một tòa chung cư gây chấn động dư luận, bản án sau đó là hình phạt tử hình đã được thi hành án.
Khi đặt thông tin hai vụ án đó ở cạnh nhau tôi tự hỏi, nhiều người cho rằng việc tuyên án tử hình như vụ án ở Hà Nội mới là công lý thì thử hỏi ở những nước như Thái Lan hay Hàn Quốc họ không có công lý hay sao?
Từ thông tin hai vụ án đó như vậy tôi thấy rằng việc thực thi công lý phụ thuộc vào mặt bằng tri kiến hiểu biết pháp lý của công chúng xã hội, khi mọi người cho rằng án tử hình cho kẻ giết người phân xác là công lý thì chính mặt bằng nhận thức chung đã quyết định điều đó chứ không phải thần công lý nào cả.
Điều đó cũng có nghĩa là hiện đang có sự chênh lệch về trình độ tri kiến hiểu biết về pháp lý của công chúng các nước cũng như mức độ trân trọng các giá trị về quyền sống của con người.
Không rõ điều kiện kinh tế xã hội của Thái Lan năm 1998 so với Việt Nam ngày nay ra sao, mà cách đây 25 năm họ đã đưa ra được một phán quyết án tù cho hành vi giết người man rợ như vậy.
Trong khi đó ở VN hiện vẫn có những bản án như 06 án tử hình trong vụ nữ sinh giao gà ở Điện Biên với một nạn nhân bị chết, vụ giết chủ nợ ở Hải Dương năm 2021 và vụ giết người đốt xác trên xe ô tô ở Đăk Nông năm 2020, vụ bạo hành cháu bé 8 tuổi dẫn đến tử vong ở Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đều chịu án tử hình.
Để ý lâu nay thì thấy rất ít người nói ra quan điểm rằng thôi đừng tử hình thủ phạm giết người man rợ nữa, cũng ít thấy ai nói rằng tòa án nên đóng vai trò lớn hơn trong thúc đẩy phát triển nền tư pháp bằng cách đưa ra những phán quyết có tính dẫn dắt nâng cấp nhận thức công lý công chúng thay vì bị áp lực chiều theo.
Phải có những quan điểm như vậy để trong tương lai Việt Nam có được những chính sách đường lối tư pháp tiết giảm án tử hình và đến một ngày thì bãi bỏ hẳn, đó cũng là quá trình phát triển của nền tư pháp.
N.N.T
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một luật sư tại Hà Nội.
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.