Công an, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, bộ nào ‘sạch’ hơn bộ nào?
Đọc tường thuật về “Hội nghị Tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023” trên hệ thống truyền thông chính thức (1), người ta có cảm giác Ngoại trưởng Việt Nam – ông Bùi Thanh Sơn là người thừa… lạc quan và dư… dũng cảm!
Bởi thừa… lạc quan và dư… dũng cảm nên Ngoại trưởng Việt Nam mới khẳng định chắc nịch: Toàn ngành đã đoàn kết, đồng lòng với quyết tâm và nỗ lực vượt bậc, phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam”, phối hợp chặt chẽ với đối ngoại đảng, đối ngoại nhân dân và các cấp, các ngành, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành các nhiệm vụ, cho dù… trong ngành nảy sinh vụ việc chưa từng có tiền lệ, tác động đến tâm tư, tình cảm của các thế hệ cán bộ ngoại giao.
Không thừa… lạc quan và dư… dũng cảm, ông Sơn sẽ không dám tự cho ký ức của chính ông cũng như của đồng chí, đồng bào tạm… vắng để chẳng có ai trong số cả trăm triệu người nhớ gì về chuyện các viên chức ngoại giao lũ lượt dắt nhau vào tù vì lợi dụng thảm họa để tổ chức… “giải cứu” rồi bóp cổ đồng bào!
Nên cười hay khóc khi trước các diễn biến thực tế mà ai cũng thấy, Ngoại trưởng Việt Nam vẫn khẳng định… Xây dựng và phát triển ngành ngoại giao đã đạt nhiều tiến bộ. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh quyết liệt và… Ngành ngoại giao luôn đặc biệt coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trong ngành; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm tra, giám sát?.
***
Sau chuỗi thông tin được đính kèm hàng loạt vụ án “môi giới hối lộ”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “giả mạo trong công tác” liên quan đến hoạt động đăng kiểm, giới hữu trách ở Việt Nam vừa biện bạch: Hoạt động đăng kiểm tồi tệ như thế là vì có… quá nhiều trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ dẫn tới… “cạnh tranh không hay (2)!
Tuần trước, ông Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng kiêm Phát ngôn viên Bộ Công an Việt Nam – hào hứng kể với báo giới việc công an phát giác giám đốc một Trung tâm Đăng kiểm (TTĐK) ở TP.HCM mù chữ (3)… Khoan bàn đến chuyện không thể đọc, viết mà làm giám đốc trung tâm đăng kiểm là đúng hay sai, chỉ nêu một thắc mắc: Nhũng nhiễu trong hoạt động đăng kiểm đã xuất hiện cách nay khoảng hai thập niên và dân chúng chưa bao giờ ngưng than thở nhưng vì sao gần đây công an Việt Nam mới thấy?
Nếu đặt chuyện giám đốc một TTĐK mù chữ bên cạnh chuyện lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật trên toàn quốc vừa khiếm thính, vừa khiếm thị trong hơn 20 năm để tệ nạn nhũng nhiễu trong hoạt động đăng kiểm càng ngày càng nghiêm trọng thì chuyện nào đáng ngại hơn? Chưa kể chuyện công an – lực lượng bảo vệ và thực thi pháp luật tại Việt Nam đột nhiên thấy… rõ, nghe… rõ và muốn… làm rõ các vấn nạn trong hoạt động đăng kiểm có liên quan gì đến sáng kiến chẻ Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) làm đôi?
Cuối thập niên 2010, Bộ Công an soạn Dự luật sửa luật GTĐB nhằm tách Luật GTĐB hiện hữu thành… Luật GTĐB mới (bao gồm các quy tắc về GTĐB) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB (bao gồm các qui định liên quan đến quản lý tài xế, xe cộ). Tháng 11 năm 2020, Quốc hội khóa trước (khóa 14) đã bác bỏ… “sáng kiến” này (4).
Lúc đó, trước tham vọng của Bộ Công an (giành việc quản lý cả đào tạo – sát hạch – cấp giấy phép lái xe lẫn hoạt động đăng kiểm từ tay Bộ GTVT), có đại biểu quốc hội (ĐBQH) huỵch toẹt: Công an không nên nhận thêm nhiệm vụ khác, chỉ cần giải quyết tốt những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình để quốc thái, dân an là nhân dân cảm kích lắm rồi (5). Thậm chí có ĐBQH còn đề nghị xem xét trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật do đã tiếp tay cho Bộ Công an “tham mưu tách luật” (6).
Tuy nhiên Bộ Công an Việt Nam vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Sau khi các ĐBQH khóa 14 mãn nhiệm, cho dù tất cả các giới từng khẳng định, giao việc kiểm soát hoạt động cấp GPLX và đăng kiểm cho công an là vô lý và… “không giống ai” nhưng chính phủ nhiệm kỳ mới vẫn hỗ trợ Bộ Công an đem Dự luật sửa luật GTĐBra trình các ĐBQH khóa 15 thêm một lần nữa. Lần này cũng thế, ngay cả các cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) cũng bất đồng…
Trong khi Ban Nội chính của BCH TƯ đảng nhất trí với Bộ Công an rằng nên “tách các nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB ra khỏi Luật GTĐB” thì Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng cho rằng “không nên làmnhư thế vì không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bao trùm mục tiêu và phạm vi của luật” (7)…
Tuy cuộc tấn công của Bộ Công an vào hệ thống đăng kiểm phơi bày Bộ GTVT mục ruỗng như thế nào nhưng có bộ nào, ngành nào trong sạch và vững mạnh hơn? Vào thời điểm Chánh Văn phòng kiêm Phát ngôn viên Bộ Công an Việt Nam khoe với công chúng rằng công an vừa phát giác giám đốc một TTĐK mù chữ, Kugan Pillai – công dân Singapore công bố một số bằng chứng để tố cáo chuyện bị một sĩ quan thuộc Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (XNC) của Bộ Công an dùng… chữ để tống tiền khi rời Việt Nam.
Nhũng nhiễu trong kiểm soát xuất nhập cảnh là tệ nạn còn… lâu đời hơn… đăng kiểm và giống như Bộ GTVT, Bộ Công an Việt Nam chưa bao giờ làm gì cả. Liệu Bộ Công an sẽ tổ chức tấn công nhũng nhiễu tại các trạm kiểm soát hoạt động xuất – nhập cảnh thuộc quyền quản lý của chính mình? Đừng mơ giữa… ban ngày!
Chẳng biết có phải vì Kugan Pillai đã phàn nàn với Bộ Ngoại giao Singapore và Singapore đã yêu cầu Việt Nam kiểm tra, trả lời hay không mà Cục Quản lý XNC đột nhiên thỏ thẻ đã… “tạm đình chỉ công tác một cán bộ XNC để phục vụ xác minh” (8). Giống như những scandal trước đó, tuy đã hơn một tuần nhưng chẳng thấy Chánh Văn phòng kiêm Phát ngôn viên Bộ Công an Việt Nam khoe gì về kết quả… “xác minh” vụ tống tiến Kugan Pillai. Giống như Ngoại trưởng Việt Nam, khi cần, Bộ trưởng Công an sẽ chẳng ngại gì mà không khẳng định CAND trong sạch, vững mạnh giống hệt… đảng CSVN bất kể có ai cần… vững và… mạnh kiểu đó hay không!
Chú thích
(2) https://www.vietnamplus.vn/toan-canh-nganh-dang-kiem-viet-nam-sau-hang-loat-vu-dieu-tra/840236.vnp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.