Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

Một điều luật mơ hồ và vô nghĩa

 

Một điều luật mơ hồ và vô nghĩa

Đoàn Bảo Châu

5-1-2023

Các vị lấy ý kiến nhân dân [về dự Luật đất đai sửa đổi], tôi là dân nên có ý kiến sau:

Điều “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu” là một điều luật mơ hồ và vô nghĩa.

Không có một thứ đất đai nào thuộc sở hữu toàn dân. Nói vậy thì tôi, một cá nhân có thể đi vào một mảnh đất nào đấy và nói tôi cũng là chủ sở hữu, như vậy tôi có quyền ngồi ở đấy bao lâu tuỳ ý?

Chính sự mơ hồ này mà bao năm qua, những chính quyền địa phương đã câu kết với doanh nghiệp để lấy đất của dân, đền bù không xứng đáng, nói chính xác là cướp đất của họ, khiến họ thành dân oan, phải đi kêu cứu, ăn ở vạ vật, chịu mưa chịu nắng trên vỉa hè Hà Nội.

Đã có nhiều người phải vào tù vì đấu tranh đòi quyền lợi của mình. Đây là một việc vô cùng đau lòng, vô cùng cay đắng nhưng các vị không thực tâm nhìn ra vấn đề để thay đổi, đa phần đại biểu quốc hội chỉ đấu tranh hời hợt, vào làm đại biểu để chen vai trong đám người có quyền lực, không thực sự đại diện cho dân, lờ đi nỗi khổ của dân.

Chỉ thực sự thương dân thì các vị mới thực sự tìm hiểu, mới lên tiếng, đấu tranh cho quyền lợi của dân, từ đấy mới đưa ra những cải cách cần thiết, góp phần làm tiến bộ xã hội.

Người dân ở bất kì một chế độ nào, dù tồi tệ đến đâu thì cũng có quyền sở hữu mảnh đất của mình, vậy chế độ này được gọi là ưu việt thì tại sao không cho dân sở hữu mảnh đất của mình? Các vị biết rằng tình hình tham nhũng ở Việt Nam rất tồi tệ. Bao cán bộ cấp huyện, tỉnh đã có biệt phủ, ăn trên ngồi trốc trong khi người dân vẫn khổ cực. Nếu không tham nhũng thì các vị ấy lấy ở đâu ra? Tôi không tin các vị ấy giỏi đến mức bán chổi đót, chạy xe ôm hay nuôi lợn để tích luỹ được những tài sản khổng lồ như vậy.

Tham nhũng là có thật và vô cùng tồi tệ, luật đất đai “sở hữu toàn dân” là một lỗ hổng cực lớn để cán bộ thối nát bần cùng hoá người dân. Điều này phải thay đổi. Các vị cán bộ, các vị có thể có tiền, có sự giàu nhưng không sang, bởi sang là đi cùng với nhân phẩm, với cái tâm và tầm thực sự. Nếu các vị tạo ra một xã hội đầy bất công thì con cháu các vị cũng không thể sống hạnh phúc được. Các vị có dám nhìn thẳng vào mắt con cháu mà dạy chúng rằng, chúng hãy sống làm người tử tế và các vị có thể nói rằng các vị đã tự hào là một con người chân chính không?

Và nếu các vị không làm được điều ấy thì con cháu các vị không bao giờ thành người tử tế, và hạnh phúc sẽ không bao giờ đến với chúng. Đây không phải là thuyết nhân quả gì xa xôi, huyền bí, mà đơn giản chỉ là một lô-gic cơ bản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.