Làm thế nào để tránh một thế chiến khác
Tác giả: Henry Kissinger
Đỗ Kim Thêm dịch
17-12-2023
Lời người dịch: Trong bài viết sau đây, Henry Kissinger cảnh báo về một thế chiến mới có thể xảy ra và phương cách tốt nhất là tìm cách tạo cho Nga một cơ hội đàm phán trong danh dự. Ý kiến của Kissinger còn nhiều điểm chưa thuyết phục, cần được thảo luận sâu xa hơn.
Một là, Kissinger đã đề cao vai trò tích cực của Nga trong việc đóng góp cho hòa bình thế giới mà không đề cập đến các chi tiết về tội ác Liên Xô cũ. Kissinger lập luận: “Nga đã có những đóng góp quyết định cho tình trạng quân bình trên toàn cầu và cán cân quyền lực trong hơn nửa thiên niên kỷ. Vai trò lịch sử của Nga không nên bị hạ thấp”.
Lịch sử của Liên Xô đã chứng minh ngược lại. Từ thế kỷ XV-XVII, các triều đại Iwan VI, Peter I hay Katherina II đã mở rộng lãnh thổ Liên Xô bằng quân sự, tiến chiếm Ba Lan, Baltic, Biển Đen, Biển Đông và nhiều vùng khác.
Ngay đến thời Stalin và Chruschtchow, tham vọng này vẫn còn được tiếp tục nuôi dưỡng. Trong thế kỷ XX, Liên Xô đã can thiệp quân sự trực tiếp ở Đông Đức (1953), Hungaria (1956), Tiệp Khắc (1968) và Afghanistan (1979). Không có viện trợ quân sự hùng hậu của Liên Xô, Bắc Việt không thể đạt được chiến thắng năm 1975.
Các can thiệp của Nga ở Ethiopia, Angola, Syria, Iraq và Iran, gây xáo trộn cho các khu vực, là một bằng chứng khác.
Có lẽ điểm son duy nhất của Liên Xô mà Kissinger đề cập là Breschnew và Gorbatschow tham gia các hội nghị về giới hạn vũ khí chiến lược (SALT I và II). Ngay trong năm 1978, 70% dân chúng Mỹ không tin tưởng thiện chí hoà đàm của Liên Xô và Thượng Viện Mỹ cũng nhiều lần tìm cách trì hoãn việc phê chuẩn.
Phủ nhận các bằng chứng này, Kissinger đã chối bỏ thực tế lịch sử hiếu chiến của Liên Xô để ca ngợi chủ trương xâm lược của Nga ngày nay.
Hai là, chiến trường Ukraine chưa định hình ưu thế chiến thắng cho Nga hay Ukraine. Trước hết là Nga. Dù các nguồn tin không thể kiểm chứng, nhưng số binh sĩ thương vong đáng cho Putin phải lo ngại, trong đó việc tăng cường 300.000 tân binh trừ bị là một bằng chứng.
Gần đây nhất, Putin bổ nhiệm tướng Valeri Guerassimov, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga, làm Tổng Chỉ huy chiến trường Ukraine, thay cho Sergey Surovikin. Quyết định này cho thấy, quân đội Nga không hùng hậu và các tướng lãnh không tài ba như công luận thường đề cập trong các biện pháp cải cách. Dù với 100 ngàn quân và có hơn 4.000 xe tăng hỗ trợ, việc tấn công Ukraine mang vềkết quả thảm hại. Lý do chính là binh pháp của Nga là tạm bợ và công nghệ quân sự còn tụt hậu.
Theo các thăm dò hiện nay, Nga đang chuẩn bị cho một đợt tấn công mới. Với binh pháp mới và việc tuyển dụng thêm 500.000 tân binh, Putin hy vọng sẽ mang lại tin vui trên chiến trường, nhưng không có gì bảo đảm cho sự lạc quan này.
Không vì Nga suy yếu mà Ukraine chiếm được nhiều ưu thế hơn trên chiến trường. Dù tinh thần anh dũng, nhưng Ukraine cần được trang bị nhiều xe tăng, xe thiết giáp bộ binh để tiếp tục chiến đấu. Các nước Pháp, Mỹ, Anh và Đức sẽ cung cấp các loại vũ khí hiện đại cho Ukraine, nhưng tốc độ còn quá chậm so với nhu cầu khẩn cấp của chiến trường. Cho đến nay, NATO vẫn rất thận trọng vì lo ngại Nga xem mọi hình thức gián tiếp can thiệp là hành động leo thang và trực tiếp tham chiến.
Nói chung, cuộc chiến còn kéo dài. Do khả năng cung cấp hạn chế, nên các nước phương Tây cũng sẽ giảm mức yểm trợ. Các nước châu Âu đều muốn cuộc chiến kết thúc nhanh chóng vì tình trạng giá năng lượng tăng cao và lạm phát leo thang làm cho dân chúng bất bình. Dư luận ở Mỹ, những thay đổi gần đây cũng cho thấy ít ủng hộ Ukraine hơn so với ban đầu. Hậu quả chung cho Ukraine là phải chịu nhiều thất thế trong khi cần nhiều viện trợ vũ khí để có thể chiến thắng.
Lo ngại chung trong công luận vẫn là vấn đề,nếu phương Tây tiếp tục cung cấp thì sẽ có nguy cơ leo thang thành xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO. Nhưng điểm chính là tinh thần hiếu chiến của Putin khó thay đổi nhanh chóng, bất cứ thỏa thuận nào, nếu có trong tạm thời, cũng giúp Nga có thêm thời gian chỉnh đốn và chuẩn bị cho các đợt tấn công tiếp theo.
Trong lúc này, các biến chuyển nghịch lý sẽ còn tiếp tục diễn ra và khó phân biệt ai thắng ai bại. Diễn biến chiến trường càng khó lường thì Nga có mất mặt hay thiện chí hoà đàm không, đó không phải là yếu tố liên quan như Kissinger đề cập.
Ba là triển vọng hoà hội. Kissinger có nói đến quyền dân tộc tự quyết của Ukraine, nhưng trên cơ sở nào là vấn đề nan giải. Cụ thể, đó là các chủ đề thương thuyết mà Nga cần phải chấp nhận: trao trả các vùng đã chiếm đóng, rút quân và bồi thường cho việc tái thiết hậu chiến. Liệu Liên Hiệp Quốc có thể triệu tập một hội nghị quốc tế không, là một vấn đề chưa rõ.
Đang hưởng lợi trong việc mua năng lượng với giá rẻ của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không hỗ trợ cho một giải pháp nào bất lợi cho Nga. Nga là một đồng minh cung cấp vũ khí cho Việt Nam, nên Việt Nam không quan tâm đến việc Nga tái lập hoà bình ở Ukraine. Việt Nam đã bốn lần bỏ phiếu trắng và một lần bỏ phiếu chống đối với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về vấn đề Nga xâm lăng Ukraine.
Nhiều giải pháp ngoại giao cực đoan đã được thảo luận, thí dụ như trục xuất Nga ra khỏi Hội đồng Bảo an LHQ hay truất quyền phủ quyết tại Hội đồng. Giới tình báo quân sự cũng nghĩ đến các biện pháp thay thế Putin bằng cách đảo chính hay đưa đi an trú. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, tất cả giải pháp này đều không thể thực hiện được.
Tóm lại, đề xuất của Kissinger trong việc tái lập hoà bình cho Ukraine qua phương thức ngoại giao là thiếu dẫn chứng lịch sử và khôngkhả thi.
Tuy nhiên, cảnh báo của Kissinger có một giá trị thực tế mà chúng ta cần quan tâm. Khi diễn tiến chiến cuộc vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính giới quốc tế, việc định hình cho các chiến lược trong tương lai đều do các máy móc được trang bị bằng công nghệ tiên tiến và thông tin nhân tạo đảm trách, nó có đủ khả năng tự quy định và thực hiện, đó là tình trạng nguy hiểm nhất.
Do đó, Kissinger hợp lý khi cho rằng, để tránh hai phía khỏi phải tiếp tục chịu thương tổn, các loại vũ khí hạt nhân và quy ước hiện đại không thể được phép tiếp tục sử dụng, một tình trạng lý tưởng. Sau đây là bản dịch:
***
Thế chiến thứ nhất là một kiểu tự sát văn hóa, làm hủy hoại thanh danh của châu Âu. Theo như cách nói của nhà sử học Christopher Clark, giới lãnh đạo châu Âu đã mộng du trong một cuộc xung đột, trong số tham chiến không ai có thể tiên đoán được thế giới lúc kết thúc cuộc chiến vào năm 1918. Trong những thập niên trước đó, họ thể hiện sự cạnh tranh bằng cách tạo ra hai tập hợp liên minh mà các chiến lược đã trở nên liên kết nhau bởi lịch trình động viên riêng biệt. Do đó, vụ một người theo chủ nghĩa dân tộc Serb sát hại Hoàng tử Áo ở Sarajevo tại Bosnia năm 1914 đã leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện, nó bắt đầu khi Đức thực hiện kế hoạch cho nhiều mục tiêu của mình để đánh bại Pháp bằng cách tấn công Bỉ, một nước trung lập ở phía bên kia châu Âu.
Các nước châu Âu chưa quen thuộc với cách thức công nghệ tăng cường lực lượng quân sự của họ, nên họ đã gây ra sự tàn phá lẫn nhau chưa từng có. Vào tháng 8 năm 1916, sau hai năm chiến tranh với hàng triệu người thương vong, các nước tham chiến, chủ yếu phương Tây (Anh, Pháp và Đức) bắt đầu khám phá triển vọng để chấm dứt cảnh chém giết. Ở phía Đông, các đối thủ Áo và Nga đã cũng có những cảm nhận tương tự. Bởi vì không có sự thỏa hiệp nào có thể tưởng tượng ra được để biện minh cho những hy sinh đã gây ra và vì không ai muốn mang đến ấn tượng về sự yếu đuối của mình, các giới lãnh đạo khác nhau đã ngần ngại khởi xướng một tiến trình hòa bình chính thức. Do đó, họ tìm kiếm sự hòa giải của Mỹ.
Đại tá Edward House, sứ giả riêng của Tổng thống Woodrow Wilson, đã thăm dò và tiết lộ rằng, một nền hòa bình dựa trên hiện trạng được tu chỉnh là trong tầm tay. Tuy nhiên, trong khi sẵn sàng và cuối cùng mong muốn tiến hành hòa giải, Wilson đã trì hoãn cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Đến lúc đó, cuộc tấn công tại Somme của Anh và cuộc tấn công tại Verdun của Đức đã gây thêm hai triệu người thương vong.
Theo lời kể trong cuốn sách về chủ đề này của Philip Zelikow, ngoại giao đã trở thành giải pháp mà ít người theo đuổi hơn. Đại chiến tiếp tục trong hai năm nữa và cướp đi hàng triệu nạn nhân khác, gây tổn hại không thể cứu vãn cho trạng thái quân bình của châu Âu đã được thiết lập. Đức và Nga bị cách mạng làm tan nát; nhà nước Áo-Hung biến mất khỏi bản đồ. Nước Pháp đã đổ máu đến khô cạn. Nước Anh đã hy sinh một phần đáng kể của thế hệ trẻ và năng lực kinh tế cho các yêu cầu chiến thắng. Hiệp ước Versailles mang tính trừng phạt đã kết thúc chiến tranh, nó tỏ ra mong manh hơn nhiều khi so với cấu trúc mà nó thay thế.
Liệu thế giới ngày nay có thấy mình đang ở trong một bước ngoặt tương đương như tại Ukraine không, khi mùa đông áp đặt một việc tạm đình hoãn các cuộc hành quân quy mô? Tôi đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với việc nỗ lực quân sự của đồng minh, nhằm ngăn chặn Nga xâm lược ở Ukraine. Nhưng thời điểm đã đến để xây dựng dựa trên những thay đổi chiến lược mà nó đã được thực hiện và kết hợp chúng vào trong một cấu trúc mới, hướng tới việc đạt được một nền hòa bình thông qua phương cách đàm phán.
Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Ukraine đã trở thành một quốc gia quan trọng ở Trung Âu. Được hỗ trợ bởi các đồng minh và được truyền cảm hứng từ Tổng thống Volodymyr Zelensky, Ukraine đã ngăn cản các lực lượng thông thường của Nga tràn ngập châu Âu kể từ thế chiến thứ hai. Và hệ thống quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc, đang phản đối mối đe dọa của Nga hoặc việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tiến trình này đã đưa ra các vấn đề nguồn gốc liên quan đến tư cách thành viên của Ukraine trong khối NATO. Ukraine đã có được một trong những đội quân bộ binh lớn nhất và hiệu năng nhất ở châu Âu, được trang bị bởi Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, một tiến trình hòa bình liên kết Ukraine với khối NATO phải được thể hiện. Một giải pháp thay thế của tính cách trung lập không còn ý nghĩa nữa, đặc biệt là sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối NATO. Đây là lý do tại sao hồi tháng 5 năm ngoái, tôi đã đề nghị thiết lập một đường ngừng bắn dọc theo biên giới hiện có, nơi mà chiến tranh bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 [năm 2022]. Từ đó, Nga sẽ từ bỏ các cuộc chinh phục, nhưng không phải là lãnh thổ mà họ chiếm đóng gần một thập niên trước, bao gồm cả Crimea. Lãnh thổ đó có thể là chủ đề của một cuộc đàm phán sau lệnh ngừng bắn.
Nếu đường ranh giới phân chia trước chiến tranh giữa Ukraine và Nga không thể đạt được bằng chiến đấu hoặc bằng đàm phán, việc dựa vào nguyên tắc tự quyết có thể được đề ra. Các cuộc trưng cầu dân ý có giám sát quốc tế liên quan đến quyền tự quyết có thể được áp dụng cho các vùng lãnh thổ đặc biệt bị phân chia mà nó đã đổi chủ nhiều lần qua nhiều thế kỷ.
Mục tiêu của một tiến trình hòa bình sẽ có hai mặt: xác nhận quyền tự do của Ukraine và định nghĩa một cấu trúc quốc tế mới, đặc biệt là đối với Trung và Đông Âu. Cuối cùng, Nga nên tìm một vị thế trong một trật tự như vậy.
Kết quả mà một số người ưa chuộng hơn là một nước Nga trở thành bất lực do chiến tranh. Tôi không đồng ý. Với tất cả xu hướng thiên về bạo lực, Nga đã có những đóng góp quyết định cho tình trạng quân bình trên toàn cầu và cán cân quyền lực trong hơn nửa thiên niên kỷ. Vai trò lịch sử của Nga không nên bị hạ thấp. Những thất bại về quân sự của Nga đã không loại bỏ phạm vi hoạt động về hạt nhân trên toàn cầu của Nga, cho phép Nga đe dọa leo thang ở Ukraine. Ngay cả khi khả năng này giảm sút, sự tan rã của Nga hoặc phá hủy khả năng chính sách chiến lược của Nga có thể biến lãnh thổ bao gồm 11 múi giờ thành một khoảng trống gây tranh chấp. Các xã hội đang cạnh tranh nhau của Nga có thể quyết định cách giải quyết tranh chấp bằng bạo lực. Các quốc gia khác có thể tìm cách mở rộng yêu sách bằng vũ lực. Tất cả những nguy hiểm này sẽ trở nên phức tạp hơn bởi sự hiện diện của hàng ngàn vũ khí hạt nhân, làm cho Nga thành một trong hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Khi giới lãnh đạo thế giới cố gắng chấm dứt cuộc chiến mà trong đó hai cường quốc hạt nhân cạnh tranh với một quốc gia được vũ trang thông thường, họ cũng phải suy nghĩ về tác động đối với cuộc xung đột này và về chiến lược trong trường kỳ của công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo. Vũ khí tự động vốn dĩ đã có sẵn, nó có khả năng định nghĩa, đánh giá và nhắm mục tiêu vào các mối đe dọa theo nhận thức của riêng mình và do đó, ở vị trí để bắt đầu cuộc chiến riêng biệt cho mình.
Một khi ranh giới trong lĩnh vực này bị vượt qua và công nghệ cao trở thành vũ khí tiêu chuẩn và máy tính trở thành người thực hiện chủ yếu cho chiến lược, thế giới sẽ thấy tự mình đang ở trong tình trạng mà chưa có khái niệm nào được định hình. Làm thế nào giới lãnh đạo có thể thực hiện việc kiểm soát khi các máy tính quy định các hướng dẫn chiến lược dựa trên quy mô và theo cách vốn đã hạn chế và đe dọa việc can thiệp của con người? Làm thế nào nền văn minh có thể được bảo tồn giữa một mớ hỗn độn thông tin, các nhận thức và các khả năng phá hoại như vậy?
Tuy nhiên, hiện nay không có lý thuyết nào áp dụng cho thế giới đang rộng mở này và các nỗ lực tham khảo ý kiến về chủ đề này cần phải triển khai, có lẽ bởi vì các cuộc đàm phán có ý nghĩa có thể tiết lộ những khám phá mới và tự việc tiết lộ này tạo thành một rủi ro cho tương lai. Vượt qua sự khác biệt giữa công nghệ tiên tiến và khái niệm chiến lược kiểm soát nó, hoặc thậm chí có những am hiểu về ý nghĩa đầy đủ của nó, ngày nay đó là một vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, và nó đòi hỏi giới lãnh đạo có quyền chỉ huy cả công nghệ và lịch sử.
Việc tìm kiếm hòa bình và trật tự có hai thành phần, đôi khi được coi là mâu thuẫn: Theo đuổi các yếu tố an ninh và yêu cầu đối với các hành vi hòa giải. Nếu chúng ta không thể đạt được cả hai, thì chúng ta cũng sẽ không thể đạt được một trong hai mục tiêu này. Con đường ngoại giao có vẻ phức tạp và gây nản lòng. Nhưng tiến bộ để đạt đến trong cuộc hành trình đó đòi hỏi chúng ta cả tầm nhìn và sự can đảm để thực hiện.
Bài liên quan: Chiến tranh hạt nhân không thể tránh khỏi? — Putin đối phó với việc bại trận?— An ninh và trật tự thế giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.