Thế lực nào đang tấn công Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc? (Phần 2)
Nông Văn Tiềm
14-1-2023
Tiếp theo phần 1
Vòng vây đang siết chặt…
Báo chí quốc doanh là công cụ của đảng, nên hoặc không dám điều tra, hoặc không dám đăng những tư liệu thâm cung. Vì vậy, dân chúng cũng không nắm thông tin đã, đang và sắp xảy ra trong chốn cung đình.
Nói thêm về Nguyễn Viết Dũng, chủ tịch Tập đoàn Đất Quảng. Dũng sinh năm 1978, quê xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nghèo. Dũng là con trai áp út trong danh sách anh chị em có những cái tên rất ấn tượng với chế độ: Điện – Ngọc – Giương – Súng – Đánh – Mỹ – Dũng – Sĩ. Sau này ông Giương đổi tên thành Dương và bà Đánh đổi tên thành Ánh.
Bố mất, chỉ còn mẹ, gia cảnh khó khăn, Dũng bỏ học theo hai anh trai ra Bắc làm nghề tô trát đá Granito. Những năm sau 2002, Dũng được ông T, con trai một vị “tứ trụ” triều đình, nhận làm em kết nghĩa.
Các quan chức cấp cao dễ làm giàu vì biết trước mọi quy hoạch, chính sách tầm quốc gia. Dũng giúp ông T “đánh quả”, thu gom đất Hà Tây trước ngày tỉnh này bị xoá sổ để nhập vào Hà Nội. Hàng chục hecta đất nông nghiệp, được Dũng đứng tên mua của dân sở tại với giá rẻ mạt, đã đem lại lợi nhuận cho ông T hàng trăm tỷ, sau khi đất Hà Tây thuộc về đất thủ đô sau ngày 1-8-2008. Được tưởng thưởng cả chục tỷ đồng, Dũng thành lập ngay công ty Đất Quảng, kinh doanh bất động sản và xây dựng dân dụng. Qua ông T, Dũng quen biết và tạo mối quan hệ với nhiều chính trị gia, cho nên từ công ty khởi đầu vài tỷ, nay Dũng có trong tay hơn ngàn tỷ.
Nguyễn Viết Dũng trở thành doanh nhân xứ Quảng thành đạt trên đất Bắc, làm Phó chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam ở Hà Nội. Thông tin đáng tin cậy cho hay, Dũng là đệ tử ruột của ông Nguyễn Xuân Phúc từ hồi ông Phúc làm Phó thủ tướng. Nhờ vậy, Tập đoàn Đất Quảng ẵm được nhiều dự án bất động sản và các công trình thi công, lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
***
Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, sinh năm 1967, quê Quảng Nam, sống ở Hà Nội. Thuỷ là con gái ông Nguyễn Thung, lão thành cách mạng. Ông Nguyễn Thung sinh năm 1926. Ông Thung là em ruột ông Nguyễn Văn Hiền, sinh năm 1917. Cả hai anh em ông Nguyễn Văn Hiền – Nguyễn Thung từng nhận huy hiệu 75 năm tuổi đảng hồi giữa tháng 11-2021. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là con trai ông Nguyễn Văn Hiền, như vậy ông Phúc và bà Thuỷ là hai anh em chú bác ruột.
Nguyễn Thị Thanh Thuỷ không phải “chuyên viên NXB Giáo dục” mà là giáo viên Trường cao đẳng Y tế, đã nghỉ hưu. Việc bà Thuỷ bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại Khoản 3, Điều 366, Bộ luật Hình sự, đã nói lên nhiều điều. Không vướng tội “nhận hối lộ”, đồng nghĩa Thuỷ hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp, có cổ phần tại công ty Việt Á của Phan Quốc Việt.
***
Nguyễn Bạch Thuỳ Linh, sinh năm 1979, sống tại Hà Nội. Linh không có quan hệ bà con gì với ông Nguyễn Xuân Phúc, lẫn phu nhân của ông Phúc là bà Trần Nguyệt Thu. Linh quê Hà Nội, chồng của Linh là ông Ngô Mê Giang, con trai út của cố đại sứ Ngô Điền (1920-2004). Đại sứ Ngô Điền là nhân vật có tiếng tăm trong chính giới, quê ông Điền ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là đồng hương với bà Trần Nguyệt Thu. Từ lâu, quan hệ giữa gia đình cụ Ngô Điền và gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc rất thân tình.
Nguyễn Bạch Thuỳ Linh là nữ doanh nhân thành đạt, chủ nhân của hàng loạt công ty lớn như: Công ty Cổ phần Thế giới tuổi thơ Soc and Brother (tức SNB), Công ty Cổ phần Phân phối SNB (SNB Distribution), Công ty CP Việt Nam Cuisine Alternative, Công ty TNHH Global Kids Việt Nam…
Điều đáng chú ý là, tại Công ty SNB Distribution, thành lập 2017, kinh doanh những sản phẩm chất lượng trong lĩnh vực chăm sóc mẹ và bé của các thương hiệu hàng đầu thế giới ở Việt Nam. SNB cũng chuyên phân phối cho những nhãn hàng tiêu dùng, sản phẩm gia dụng cho hàng loạt tên tuổi lớn khác đến từ Nhật Bản. Tại đây, Nguyễn Bạch Thuỳ Linh nắm giữ 50% cổ phần, Phạm Tấn Đạt 2% và Nguyễn Thị Xuân Trang, (vợ của ông Vũ Chí Hùng, Tổng Cục phó Tổng cục Thuế), con gái cưng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, sở hữu đến 48% cổ phần.
Cũng như Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Nguyễn Bạch Thuỳ Linh cũng bị bắt với tội danh “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, trong vụ án Việt Á. Là đại gia quyền lực ngàn tỷ, giám đốc điều hành của “hệ sinh thái” SNB, chắc chắn Linh không bao giờ là kẻ môi giới, làm thuê cho Việt Á của Phan Quốc Việt. Nhưng vì sao Linh bị bắt? Có lẽ độc giả đã có câu trả lời.
Cho đến nay Bộ Công an không công bố cá nhân hay doanh nghiệp nào nắm giữ 80% cổ phần Công ty CP Công nghệ Việt Á, tuy nhiên có vẻ như mọi ngã đường đều dẫn về nhà những người thân, những người có mối quan hệ với vợ chồng với đương kim Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Nếu không phải là em họ ông Nguyễn Xuân Phúc, thì Nguyễn Thị Thanh Thủy không thể tiếp cận được lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, tạo điều kiện cho Việt Á “làm mưa làm gió” trong mùa dịch Covid-19 để kiếm lợi cả ngàn tỷ đồng.
Như đã đề cập ở trên, Nguyễn Thị Xuân Trang và Nguyễn Bạch Thuỳ Linh từ chỗ bạn bè thân thiết, đã hợp tác làm ăn chung trong nhiều công ty, dự án. Nếu không là chị em “đồng mộng đồng sàng” với Nguyễn Thị Xuân Trang, Linh sẽ chẳng bao giờ tác động, sai khiến được các Bộ trưởng, Uỷ viên Trung ương như Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng… mở đường cho test kit Việt Á được cấp phép, lưu hành và buộc ngành y tế cả nước phải sử dụng với giá trên trời. Qua đó cho thấy, Thuỷ, Linh và Trang đều có cổ phần trong công ty Việt Á.
Chủ tịch nước bị buộc phải rút lui?
Tháng 1-2016, trước thềm đại hội XII, uy tín giảm sút, lại bị phe ông Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang đánh rát quá, ông Nguyễn Tấn Dũng đành thoả hiệp, rút lui, đổi lấy sự an toàn và quyền lợi của gia đình. Trên bàn cờ hiện nay, phe ông Nguyễn Xuân Phúc đang thất thế, các chiến hữu cận kề bên ông ta đều bị thất sũng. Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam bị bị ép buộc phải làm đơn xin thôi chức để tránh bị lượng hình. Mai Tiến Dũng, “quản gia” một thời của ông Phúc thì nhận án kỷ luật “cảnh cáo”, xem như cá đang nằm trên thớt, rất có thể sẽ bị khởi tố, bắt giam.
Vòng vây đang hẹp dần, phe tấn công đang ra đòn khốc liệt. Nếu như không đáp ứng nhượng bộ, rất có thể còn nhiều vụ bắt bớ nhắm vào thuộc hạ, các công ty sân sau của gia đình ông chủ tịch nước sẽ bị điều tra, xới tung lên.
Đến nay em họ bị khởi tố, bắt giam, con gái và cả phu nhân của ông Phúc đang phải đối mặt với các cáo buộc là “trùm cuối” trong đại án Việt Á. Khi mọi mối quan hệ đều rơi vào tầm ngắm của cơ quan điều tra, ông Nguyễn Xuân Phúc bị đưa vào thế khó.
“Cống hiến hết mình cho đảng và nhân dân” như vậy là quá đủ, rút lui khỏi chính trường vào lúc này đối với ông Phúc là thượng sách. Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ nhẹ nhàng về quê, “vui thú điền viên” ở tuổi tròn 70 (tuổi mụ). Đảng sẽ công bố với dân chúng rằng, “xét nguyện vọng cá nhân, tình hình sức khoẻ và hoàn cảnh gia đình” nên đồng ý cho ông thôi nhiệm vụ…
Và đương nhiên, đại án Việt Á sẽ nhanh chóng được xử án mà không cần điều tra mở rộng nữa.
Ai sẽ thay, nếu ông Nguyễn Xuân Phúc về vườn?
Thông tin rò rỉ cho hay, có hai phương án đang được tính tới. Lần thứ hai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước cho đến hết khoá XIII, hoặc bầu bổ sung nhân sự mới.
Căn cứ theo Quy định 214-QĐ/TW năm 2020, quy định về tiêu chuẩn với chức danh Chủ tịch nước phải “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”, hay phải “có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp” thì ứng cứ viên duy nhất bảo đảm yêu cầu là bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Lẽ ra mọi chuyện sẽ được giải quyết tại hội nghị trung ương 7, khoá XIII. Tuy nhiên, thông tin mà chúng tôi có được là ông Nguyễn Xuân Phúc đã có đơn xin thôi tất cả mọi chức vụ trong đảng. Như vậy, trong vài ngày tới, sẽ diễn ra một Hội nghị Trung ương bất thường để thông qua, sau đó sẽ có phiên họp Quốc hội bất thường để phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước của ông Phúc và bầu tân Chủ tịch nước.
Thêm một chấn động nữa đang xảy ra trong chốn cung đình, ngay trước Tết Quý Mão 2023.
Khẩu hiệu “Tất cả là vì dân, lấy dân làm gốc. Mọi sự việc được dân biết, dân bàn, dân bầu, dân kiểm tra và giám sát”, chỉ là lý thuyết ma mị. Trong thể chế cộng sản, nhà nước “độc tài đảng trị”, mọi vấn đề nhân sự chóp bu, những cuộc tranh chấp kinh thiên động địa, chỉ cần một nhóm người đang thâu tóm quyền lực quốc gia định đoạt. Dù kịch bản ra sao, đều dẫn đến hồi kết thoả hiệp sau tấm màn nhung ở chốn thâm cung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.