Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Thể chế độc tài tạo ra nhiều “căn bệnh” xã hội

 

Thể chế độc tài tạo ra nhiều “căn bệnh” xã hội

Song Chi

11-1-2023

Mô hình thể chế độc tài tạo ra rất nhiều “căn bệnh” xã hội, khiến cho cái xã hội ấy, quốc gia ấy khó mà phát triển lành mạnh được. Những “căn bệnh” thường gặp trong mọi xã hội có một thể chế độc tài là bệnh tham nhũng, dối trá, hèn nhát, mất lòng tin vào chính phủ-vào luật pháp-vào con người, là cái Thiện, cái Đẹp, sự tử tế thì ngày càng trở nên hiếm hoi trong khi cái Ác, cái Xấu, sự không tử tế thì tràn lan như cỏ dại và ngày càng trở thành bình thường…

Trong một xã hội như vậy, hầu hết con người sẽ trở nên thờ ơ vô cảm, không quan tâm gì đến cái chung, không quan tâm đến vận mệnh của đất nước, dân tộc, không quan tâm đến chính trị – vì nếu quan tâm, bất bình, lên tiếng thì sẽ gặp rắc rối với chính quyền ngay lập tức và phải trả giá đắt! Người dân, do đó, hầu hết chỉ còn quan tâm tới việc làm thế nào để tồn tại và được yên thân; còn quan chức, chính quyền thì chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ, của chế độ, bất chấp quyền lợi, lợi ích đó có mâu thuẫn, có làm hại cho lợi ích của đất nước, dân tộc hay không.

Nhưng với Việt Nam, còn có những “căn bệnh” nặng khác của một nước “nhỏ” về mặt kinh tế, vị thế trên thế giới (mặc dù không “nhỏ” về dân số, diện tích). Đó là bệnh “tự sướng”, “nổ” – Từ quan chức, báo chí truyền thông cho tới doanh nhân, làm thì ít mà “nổ” thì kinh. Thứ hai là chạy theo những giá trị ảo hoặc vật chất bề ngoài mà không chú ý đến những giá trị thực chất–từ danh hiệu, học hàm, dù là Phó Tiến Sĩ, Tiến Sĩ hay Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân Dân, Hoa hậu, Hoa khôi, nhà này nhà kia… cho tới cái xe đẹp, cái nhà to, có con cái đi du học ở nước ngoài, làm ở Bộ kia Viện nọ…

Cuộc đời của đa số người Việt phải bỏ ra không ít thời gian để “chạy” trường, “chạy” lớp, “chạy” điểm, “chạy” bằng, chạy tìm chỗ đứng trong xã hội… Mất bao nhiêu năng lượng, thời gian sống, nhưng vẫn không hạnh phúc. Khổ vì không có tự do, dân chủ, vì nhân quyền bị chà đạp đã đành, nhưng còn bao nhiêu cái khổ là do cái xã hội chung quanh và do chính mình tạo ra.

Còn đối với một chính quyền, bệnh “tự sướng”, “nổ”, khiến họ không nhìn thấy những khiếm khuyết nghiêm trọng của chế độ, bệnh chạy theo những thành tích tăng trưởng, kế hoạch, mục tiêu “ảo” mà không xây dựng những nền móng, cơ sở căn bản cho một sự phát triển lành mạnh, lâu dài thì cũng chỉ là “xây nhà từ nóc” mà thôi.

Nhìn nước Nga “nổ” cho lắm, bao nhiêu năm qua thế giới cứ tưởng quân sự, quốc phòng, vũ khí Nga kinh lắm, đến khi xảy ra cuộc chiến Ukraine mới thấy thực lực của Nga thế nào. Trung Quốc cũng thế, mấy chục năm qua thế giới liên tục nói đến sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc, chả mấy chốc mà vượt qua Mỹ… nhưng chỉ cần một đại dịch COVID-19 là lộ ra hết từ hệ thống y tế, khả năng chế tạo vaccine, khả năng đối phó, điều trị… còn kém như thế nào; hay khủng hoảng bất động sản, ngân hàng đã bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc ra sao.

Việt Nam, sau khi chiến thắng cuộc nội chiến 30 năm nhờ vũ khí, tài lực, vật lực của nước ngoài và cả “ngoại nhân”, đã ngây ngất “tự sướng” đến mức gây ra bao nhiêu chính sách sai lầm về kinh tế, đối nội, sử dụng con người cho đến ngoại giao. Hậu quả là kinh tế tụt dốc, cả nước suýt rớt xuống bờ vực chết đói, phải “đổi… cũ”, và sa vào 2 cuộc chiến biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam làm đất nước suy yếu thêm.

Cứ tưởng bài học đó đã đủ. Nhưng không, gần nửa thế kỷ qua rồi, đảng và nhà nước cộng sản VN vẫn tiếp tục “ngây ngất”, “tự sướng”, tiếp tục “nổ”…, báo chí truyền thông cũng đua nhau “nổ”, đọc những “thành tích tự xưng” về mọi mặt ấy mà cứ tưởng như đang nói về nước nào chứ không phải là Việt Nam!

Những “căn bệnh” ấy sẽ khó mà thay đổi được khi nào còn một mô hình thể chế độc tài kìm hãm sự phát triển của xã hội, đồng thời hủy hoại nhân tính, những điều thiện lương, tốt đẹp trong mỗi con người. Và chỉ khi đó Việt Nam mới có hy vọng phát triển trở thành một quốc gia có thực lực về kinh tế, độc lập tự chủ trong ngoại giao, quốc phòng, đời sống người VN thực sự được tự do, bình an, hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.