Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

Cảm nhận quê nhà (Phần 1)

 

Cảm nhận quê nhà (Phần 1)

Nguyễn Thọ

7-1-2023

Trong hai năm vừa qua, tôi về Việt Nam nhiều lần và lần nào cũng ở lại khá lâu. Má tôi già, yếu nên tôi phải thường xuyên về Sài Gòn chăm bà. Có ông bạn già hay cùng tập thể dục buổi sáng, khi gặp lại cứ tưởng là tôi mới vắng mặt mấy tuần vì dính Covid.

Chỉ nhìn xe cộ chạy trên đường, bất kể giờ cao điểm hay không, nhìn cách người ta mua sắm, cường độ ăn uống, người nước ngoài đến Việt Nam luôn bị ấn tượng bởi một xã hội sống động. Ấn tượng này sẽ còn mạnh nhiều, nếu họ biết về vòng quay chóng mặt của đồng tiền. Từ mờ sáng đến nửa đêm, thành phố luôn chìm trong nền tiếng động gồm tiếng còi xe máy, tiếng búa đập của các công trường, giọng loa karaoke, tiếng rao bán hàng…

Cháu gái tôi 7 tuổi từ Đức về thăm quê mẹ, rất thích thú nghe các loại tiếng rao, từ của cô bán rau, đến cái kèn xe kem hay cái loa của ông già mua đồ cũ. Cứ mỗi lần như vậy, nó chạy ra nghe, vẫy chào thân thiện rồi quay vào hỏi mẹ: Họ bán cái gì vậy?

Về Việt Nam tôi thường mất ngủ khá lâu, đôi khi sau 20 ngày mới ngủ lại bình thường. Có thể là nhịp sinh học bị rối loạn do múi giờ, nhưng cũng có thể vì những mối lo mang theo mỗi chuyến về nước. Chưa bao giờ tôi được thảnh thơi về chơi, mỗi chuyến đi đều phải lo một chuyện gì đó, cho mẹ già, cho người thân, cho ngôi nhà. Lúc nào cũng một nỗi bất an nào đó ám ảnh tôi.

Rất thính ngủ nên đã hai lần tôi tỉnh giấc và nhìn thấy kẻ trộm đứng trước mặt. Có lẽ cả hai lần đều cùng một thủ phạm, vì cả hai tên trộm đều nhỏ bé như nhau, đều trùm kín mặt chỉ hở đôi mắt, đều mặc quần áo màu tối bó sát người và đều có dáng chạy rất nhẹ nhàng. Cả hai lần tôi đều la hét, rượt đuổi sát nút nhưng kẻ trộm kia đều nhảy thoát qua cửa sổ. Sau một lúc lâu, cô giúp việc vẫn sợ rằng còn kẻ nào đó nấp trong nhà.

Từ đó mỗi khi về căn nhà ở Quận 7, mặc dù đã đóng mấy lần cửa sổ trước khi đi ngủ, cái cảm giác mở mắt ra thấy một hình nhân mặc bộ quần áo xám đứng trước mặt không thoát khỏi tôi nữa.

Giữa năm 2021, tôi bị mấy thứ bệnh hoành hành, nặng nhất là đau dạ dày. Lúc đó má tôi đã tạm phục hồi, bà khuyên tôi về Đức chữa và sẵn tiêm chủng Covid-19 luôn. Việt Nam cho đến lúc này vẫn chủ yếu dựa vào chiến lược Zero-Covid , “tìm, quây và chặn”. Việc chuẩn bị chống dịch bằng vac-xin chưa đi đến đâu. Đại sứ quán Đức khuyên tôi nên về nước tiêm chủng vì Việt Nam thậm chí chưa có đủ vac-xin cho các đối tượng ưu tiên của họ.

Tôi về đến Đức giữa lúc dịch đang lên cao ở châu Á và được tiêm chủng ngay. Rồi tôi đi soi dạ dày và lấy dịch xét nghiệm. Trả kết quả là một cô bác sỹ trẻ măng, chắc mới ra trường vài năm. Cô hỏi:

– Ông mới ở Đông Nam Á về à?

– Vâng tôi mới ở Việt Nam về, sao cô biết?

– Ông bị viêm dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). Đa số dân ở đó có loại vi khuẩn này trong dạ dày và nó lây lan qua đường nước bọt, do ăn đũa.

– Vậy sao cả nhà chỉ có tôi bị đau?

– Hệ miễn dịch của họ đủ sức khống chế HP. Của ông thì không, nhất là lúc ông yếu vì các vấn đề khác: thiếu ngủ, stress v.v. Giờ uống kháng sinh thì sẽ hết.

À, té ra mình thuộc loại “dại gái” HP.

Chắc là chuyện vi trùng HP và ăn đũa đã có trong giáo trình y học nên cô bác sỹ Đức biết rõ, cả phác đồ điều trị. Sau 2 tuần kháng sinh, hết đau. Sau đó tôi về Sài Gòn đến bệnh viện Hòa Hảo khám lại, thổi hơi vào một cái bao để xét nghiệm: Không còn HP nữa.

Xưa nay tôi vẫn sợ ăn đũa chấm, mút chung. Nhưng sau lần này tôi kiên quyết nhờ cô giúp việc cho tôi bát nước mắm và các đĩa thức ăn riêng. Đi ăn ở ngoài không đòi hỏi được điều đó khiến tôi mất hẳn tự do. Trước khi ăn, xin chủ quán một cái thìa rồi vội vã múc nước chấm và các món ăn vào bát của mình, trước khi người khác chấm đũa vào đó. Múc quá nhiều hay quá ít thì ráng chịu. Tuy ngồi ăn vui vẻ, râm ran nói chuyện nhưng trước khi lấy thìa múc canh phải chú ý xem cô gái xinh đẹp, môi đỏ chót ngồi bên đã vục đũa vào bát canh chưa. Vừa ăn vừa đánh cờ nên hơi căng thẳng, rón rén. Nhưng càng rón rén thì thằng “dại gái HP” càng bị thót tim vì lâu lâu cô môi đỏ lấy đũa gắp cho hắn một cái đùi gà hay một miếng giò.

Các cuộc vui ở ta thường quay quanh bữa ăn, song những chuyện vặt như vậy làm cho cuộc vui “hơi căng thẳng”. Đa số người Việt lớn tuổi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái đói của năm xưa, vẫn coi ăn nhiều thịt là diễm phúc, mời nhau ăn nhiều thịt mới là mến khách. “Bữa cơm rau dưa” luôn là những bữa ăn rất nặng calo. Điều này không chỉ xảy ra ở miền Bắc, mà cả ở miền Nam xưa nay vốn “rẽ cá mới thấy nước”, lương thực dồi dào. Vào cái thời buổi mà thừa dinh dưỡng đang gây bệnh béo phì ở trẻ em, gây tiểu đường, mỡ gan, huyết áp ở người già… mà quan niệm về ăn nhậu vẫn không thay đổi ở đại bộ phận dân chúng. Vui đón giấy khen, mừng gặp nhau thì phải chén, bàn bạc về áp-phe thì phải nhậu, tằn tiện mua được cái xe mới cũng phải “rửa” bằng thịt chó…

Chừng nào dân ta chưa thoát khỏi “cơn ghiền nhậu” thì nhu cầu về “thực phẩm fake” càng cao, tác động xấu đến sức khỏe của toàn dân. Tiêu thụ nhiều khiến giá thực phẩm bị đội lên, khiến người nghèo càng khốn khó. Tệ hại nhất là lối sống và quan hệ con người bị méo mó vì bữa ăn.

Tôi thực sự ghen tỵ với sự vô tư của đồng bào mình. Nhìn các loại hoa quả, rau tươi, màu sắc rực rỡ, những con gà vàng ngậy bày bán ở mọi nơi, tôi luôn tỏ ra e ngại. Trong khi tôi chỉ thích ăn cơm nhà thì mọi người quanh tôi rất hay ăn ngoài. Thỉnh thoảng họ xách về mấy túi nylon, nào là bún, canh, thịt quay, rau thơm, nước chấm… Thế là thành bữa liên hoan khỏi mất công nấu. Mọi người đều vui vẻ, riêng thằng “gà công nghiệp” là hoang mang, chỉ nhìn đống túi nylon đã no.

Về Sài Gòn tôi hay đi bộ hoặc xe đạp. Khi đi bộ khổ nhất là không có vỉa hè nên hay phải tạt xuống đường. Để tránh bị xe máy quệt phải từ sau lưng, tôi luôn đi bộ ngược chiều xe chạy. Vậy mà đã hơn một lần, tôi bị xe máy tạt phải từ phía sau. May là dân chạy sai chiều không dám phóng nhanh và sau khi va quệt tôi còn được xin lỗi.

Việc sang đường ở Việt Nam có thể khiến nhiều người nước ngoài thấy hoảng sợ. Ảnh: Hoàng Hà

Tôi mua một chiếc xe đạp có 7 số nên đi lại khá thuận tiện, nhiều khi không kém gì xe máy. Để tránh bị xe máy từ phía sau vọt qua lỡ mắc phải ghi đông hoặc gương chiếu hậu, tôi phải đi sát lề đường. Đối thủ bất ngờ vẫn là các vị xe máy đi ngược chiều hoặc những chiếc nắp cống bê tông nhô lên khỏi mặt đường, trong khi mặt đường thành vỉa hè đi bộ.

Vỉa hè ở Việt Nam có lẽ không còn tồn tại nữa. Từ Hà Nội, Sài Gòn, Tuyên Quang, Đồng Hới, Ba Đồn, Trà Vinh…, những nơi tôi đi qua, đều như vậy. Ở những khu phố cũ xây từ thời Pháp hay trước 1975, vỉa hè được xây dựng có quy hoạch, tương đối rộng và bằng phắng. Nhưng chính vì vậy mà chúng bị “tư nhân hóa” làm chỗ ngồi cho quán ăn, làm nơi để tủ hàng hóa, chỗ rửa xe máy… và phổ biến nhất là chỗ để xe. Tây ba lô thấy fun nhất là khi tắc đường thì xe máy có quyền chạy trên vỉa hè.

Thiên đường này của xe máy chấm dứt ở các khu phố mới được cơi nới ra. Ở đây không có vỉa hè bằng phẳng nữa. Mỗi nhà có quyền xây vỉa hè theo kiểu của mình, với các độ cao, độ dốc khác nhau. Trên đó thường là các thùng styropor đựng rác hay các chậu trồng cây, thậm chí cả bồn trồng cây ăn quả bằng bê-tông, rất ngạo nghễ.

Nếu kể lể mọi nỗi bất an trong ăn uống, về ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn, về giao thông… thì đúng là “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. 40 năm qua, đất nước này vẫn sản sinh thêm 40 triệu dân [1], có sao đâu!

(Còn tiếp)

_____

[1] https://www.populationpyramid.net/viet-nam/1982/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.