Chuyện không biết để nói với chú nhà thơ Phùng Quán (Phần 2)
Dương Tự Lập
14-1-2023
Tiếp theo phần 1
Gắn bó với Hà Nội, vinh hạnh cùng thời chung sống với thế hệ cha, chú, bác, văn nghệ sĩ Thủ đô, với nhiều cuộc tiếp xúc, gặp mặt các bề trên ấy. Quả thực, trường hợp chú nhà thơ Phùng Quán, sinh thời thắc mắc trăn trở nhiều năm trời vì một tác giả Trúc Chi nào đó với bài thơ: “Lời Mẹ Dặn” Có Phải Là Bài Thơ Chân Thật? Bài này đăng trên báo Nhân Dân cuối năm 1958, “đập” lại bài thơ “Lời Mẹ Dặn” của Phùng Quán, đăng trên báo Văn số 21 – ngày 27-9-1957, mà Phùng Quán dằn vặt 30 năm, muốn tìm tác giả của nó là ai nhưng tìm không ra.
Cũng trước đó, tháng 5-1958, tạp chí Văn nghệ Quân đội số 5 có bài: “Vạch thêm những hoạt động đen tối của một số kẻ cầm đầu trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm”, lên án “Lời Mẹ Dặn” của ông Từ Bích Hoàng (Trần Văn Hồng) … “Phùng Quán làm bài thơ ‘Lời Mẹ Dặn’, Trần Dần, Văn Cao kéo Quán đi khao bữa chả cá”… Về sau Hoàng lên lon đại tá, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nghỉ hưu năm 1984. Hoàng sinh năm 1922 mất năm 2010.
Tiếp theo có đồ tể Tố Hữu với bài báo cáo: “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn – Giai phẩm trên mặt trận văn nghệ”, ngày 5-6-1958, tại Hà Nội, lớn giọng: “Tiểu tư sản vốn là giai cấp bấp bênh, sống trong cái bé nhỏ, cận thị của mình, nên thường không thấy, mà cũng không dám thấy sự thật gay gắt. Khi cá nhân bị động chạm, thì ‘hăng lên’ một lúc, có thể rất ‘tả’ nhưng khi được thỏa mãn phần nào, hoặc khi vấp váp ngã đau, thì lại lập tức chùn lại, rất sợ cái gì ‘đổ vỡ’. Cái ‘hăng’ ấy nhiều khi chỉ là biểu hiện của cái ‘sợ’. ‘Miệng hùm gan sứa’ chính là tính chất của loại người tiểu tư sản”.
Năm 1980 lọt vào Ủy viên chính thức Bộ Chính trị, ông nhà thơ cung đình Tố Hữu chuyển về ở 76 Phan Đình Phùng, trở thành xóm giềng với Hoàng Văn Hoan, nếu trước đó Hoan không bỏ đi theo ác quỷ Đặng Tiểu Bình, Trung Nam Hải. Mà nhà cháu Phùng Quán trường Chu Văn An, tới nhà cậu Tố Hữu – Phan Đình Phùng vỏn vẹn mấy chục bước chân. (Phùng Quán với Tố Hữu có họ bên ngoại).
Phải hơn ba mươi năm sau, năm 1986, Tố Hữu thất sủng, lúc đó dân Hà Nội gọi Hữu theo lối chơi bài tổ tôm, đánh chắn là đời “Bạch định”. Tôi không phải dân nghiền chơi cờ bạc nên không biết Bạch định là gì đâu nhé. Chỉ khi ấy Phùng Quán mới tới thăm cậu Tố Hữu rồi khi chia tay, nắm tay cậu lắc lắc an ủi:
– Đừng buồn cậu, chính cậu từng nói câu này “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”.
Tố Hữu ngậm ngùi gật gật đầu:
– Xét lại đời mình thì cậu dại thật, dại thật cháu ạ.
Con người Phùng Quán là thế, phải dùng một từ chính xác Personality – Nhân cách.
Tình cờ cho mãi đến năm 1989-1990, chú Phùng Quán mới rõ được Trúc Chi chính là bút hiệu của Hoàng Văn Hoan. Nếu cha tôi ngày xưa biết được chuyện này, chắc ông bảo tôi mang tập thơ “Một Đôi Vần” của ông Hoàng Văn Hoan tặng cha năm 1976 đến, để chú Phùng Quán đỡ mất thời gian tìm kiếm.
Nói thêm ở đây, Hoàng Văn Hoan sau bài thơ “đập” lại “Lời Mẹ Dặn” của Phùng Quán, ông Hoan còn cùng với ông Hoài Thanh, có những lời lẽ chì chiết nặng nề nữa, cũng trên báo Nhân Dân, đập “Làm Đĩ” của văn sĩ Vũ Trọng Phụng, nhưng không phải bằng thơ. (Tôi chỉ được nghe lại thôi). Dù Vũ Trọng Phụng chẳng có duyên nợ dây mơ rễ má gì với “Nhân văn – Giai phẩm phản động”. Dù Vũ Trọng Phụng đã bỏ chốn trần ai đi xa lắc xa lơ tự bao giờ. Dù “Làm Đĩ” ra đời sớm hơn nhiều tuổi so với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhỏ bé, hiền dịu, xinh xắn, tươi đẹp, do ông Hồ (Nguyễn Sinh Cung) nặn ra.
Chúng ta hãy dành ít phút đọc lại bài thơ nằm trong tập thơ “Một Đôi Vần” của kẻ sĩ Bắc Hà, quê choa xứ Nghệ, Hoàng Văn Hoan (Trúc Chi) dưới đây:
“Lời Mẹ Dặn” Có Phải Là Bài Thơ Chân Thật?
Có bạn đọc xong thơ “Lời Mẹ Dặn”,
Nghĩ không thông tìm đến hỏi tôi.
Rằng tác giả mượn lời thơ tuyên bố:
Làm nhà văn chân thật trọn đời,
Từ thuở nhỏ từng nghe mẹ dặn,
In tấc son không dám trái lời:
Yêu ai cứ bảo là yêu,
Ghét ai cứ bảo là ghét,
Thấy buồn muốn khóc là khóc
Thấy vui muốn cười cứ cười.
Vậy tác giả phải là người chân thật,
Xin cho nghe, cho biết rõ đầu đuôi?
Lời bạn hỏi không làm tôi đột ngột,
Bài thơ kia tôi đã đọc qua rồi.
Trước hãy nói đến tình yêu ghét,
Ghét với yêu là lẽ sống con người.
Mẹ muốn con thành người chân thật,
Cần khuyên con biết ghét yêu ai:
Phải yêu kẻ lòng ngay dạ thẳng,
Phải ghét quân bán nước buôn nòi.
Lòng yêu ghét phải như gương sáng,
Ví bằng không, bia miệng muôn đời.
Con bất hiếu thường trái lời mẹ dặn,
Rằng ghét yêu là quyền ở lòng tôi.
Nó ghét kẻ thầy hiền bạn tốt,
Nó yêu quân gái điếm cao bồi,
Ghét những người đáng yêu của thiên hạ,
Yêu những người đáng ghét của muôn người.
Quen học thói gà đồng mèo mả,
Hóa ra thân chó mái chim mồi.
Con hư hỏng, khuyên răn chẳng được,
Mẹ ê chề đau khổ khuôn nguôi.
Nên từ lúc con còn bé nhỏ,
Mẹ phải lo dạy dỗ cho rồi.
Dạy cho biết điều hay lẽ phải,
Ngay cả trong tiếng khóc câu cười.
Có lúc con tủi buồn khóc lóc,
Mẹ phải ru rát cổ khàn hơi.
Có lúc con reo cười đùa nghịch,
Bảo không nghe phải mượn đòn roi.
Kẻo rồi nữa tre già măng mọc,
Mẹ hiền đâu dám để buông trôi.
Trên thực tế người trong cuộc sống,
Nào mấy ai tùy tiện khóc cười:
Biết bao kẻ khi vui muốn khóc,
Lúc buồn tanh thì lại muốn cười.
Ngẫm mình thấy khóc cười vô lý,
Muốn reo như thông đứng giữa giời.
Biết bao kẻ cười ra nước mắt,
Buồn lại e rằng khóc hổ ngươi.
Cười khóc một khi không thực tế,
Thà cắn răng, mím miệng, dằn hơi.
Có những kẻ âu sầu khóc tủi,
Lệ chưa khô bỗng đã cười vui.
Khóc tủi những mong người tội nghiệp.
Cười vui cho được khách mê tơi.
Mục đích cốt tiền nhiều nặng túi,
Phương châm theo mật ngọt chết ruồi.
Ngoài miệng vẫn nói cười thơn thớt,
Mà không dao, nham hiểm giết người.
Ấy là bọn quen nghề bịp bợm,
Kiếm ăn trên tiếng khóc nụ cười.
Đoàn vệ quốc phất cao cờ quyết chiến,
Liều tử sinh nơi khói lửa tơi bời.
Họ chặt tay để xông lên mặt trận,
Họ đem mình ra lấp lỗ châu mai.
Khi chôn cất những người đồng đội,
Trong phút giây họ cũng ngậm ngùi.
Nhưng quyết không dừng chân sùi sụt.
Tiến lên theo nhịp hát vang trời.
Ai dám bảo họ thiếu chân thật?
Họ là người chân thật nhất đời!
Ai dám bảo họ là đất sét?
Họ là ”người” hơn cả mọi người!
Họ đáp lời kêu gọi của Tổ quốc,
Vì nhân dân đổi khóc ra cười.
Cười với khóc muôn màu muôn vẻ,
Ghét hay yêu tùy việc tùy người.
Đâu có phải
Yêu ai cứ bảo là yêu,
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Thấy buồn muốn khóc là khóc,
Thấy vui muốn cười cứ cười.
Lời mẹ dặn chắc không ngớ ngẩn,
Từ nghìn xưa ai cũng thế thôi.
Nhưng có lẽ dặn khi còn nhỏ,
Nên nhà văn nay đã quên rồi,
Cũng có lẽ nhà văn xiên xỏ,
Viết văn ra cốt để bịp đời!
Nói đã hết, bạn tôi chưa thỏa mãn,
Còn mấy câu xin hỏi nốt mới thôi:
Câu:
Sét đánh trên đầu không ngã,
Đường mật công danh không làm ngọt lưỡi tôi,
Bút giấy tôi đã bị người cướp giật,
Tôi dùng dao mài đá viết văn chơi.
Câu nói ấy có phải là chân thật,
Xin cho nghe cho biết rõ đầu đuôi?
Mấy câu nầy có phần lắt léo,
Chữ trong văn mà nghĩa xa xôi.
Nghĩa xa quá thành văn khó hiểu,
Nhưng ích chi mà nặn óc tìm tòi.
Theo lẽ thường: thì sét đánh không ngã,
Chắc trên đầu có cắm thu lôi,
Nếm đường mật lưỡi không biết ngọt,
Chắc ăn tham vị giác hỏng rồi.
Nghề bút giấy đã làm không trọn vẹn,
Thì dùng dao khắc đá cũng xoàng thôi!
Ý kiến tôi thế thì nói thế,
Đúng hay không xin bạn tự trả lời.
Trúc Chi
Thói đời khi giậu đã đổ thì bìm leo tới. Tội trạng của Hoàng Văn Hoan phản bội đất nước Đại Ngu của Hồ Quý Ly, chạy theo bọn tộc Đại Hán của Tần Thủy Hoàng gian manh, mãi mãi dân tôi không tha thứ. Mãi mãi không có chuyện “Thiên Thu Định Luận” ở đây. Thật buồn sau sự thể này nhiều kẻ xưng danh nhà văn, nhà thơ, đổ xô vào viết thêm thắt, bịa đặt, vu khống, cố gào to mồm, chửi bới lăng loàn, thóa mạ Hoan thậm tệ, mà kỳ thực chẳng biết mô tê gì về Hoàng Văn Hoan. Vô hình trung tự mình hạ nhục mình mà không biết đấy thôi. Từng nghe: (Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, vậy mới thật là biết). Khổng Tử dạy ta thế kia mà, nhớ lấy.
Dương Tự Lập — Tưởng nhớ chú nhà thơ Phùng Quán, nhân lễ giỗ lần thứ 28 của chú.
Ảnh chụp bài thơ của Trúc Chi – Hoàng Văn Hoan: “Lời Mẹ Dặn” Có Phải Là Bài Thơ Chân Thật?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.