Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

Bài học từ tai nạn cháu Hạo Nam

 

Bài học từ tai nạn cháu Hạo Nam

TS Nguyễn Ngọc Chu

Cả nước hướng về cuộc giải cứu cháu Hạo Nam. Nhắc lại quá trình giải cứu cháu Hạo Nam bất thành chỉ thêm đau lòng. Với không ít người còn là sự giận dữ. Với nhiều người là lo lắng. Vì đau lòng, giận dữ và lo lắng nên mới cần rút ra các bài học sau đây.

1. AN TOÀN LAO ĐỘNG

Bài học đầu tiên là về an toàn lao động. 

Việc nhà thầu thi công không che đầu cọc bê tông, không che chắn lỗ khoan cọc bê tông là sai phạm không tha thứ về an toàn lao động. Trong thực tế, những tai nạn tương tự xảy ra đã quá nhiều. Cho nên phải nghiêm trị nhà thầu xây dựng. Phải trị thật nặng để các nhà thầu xây dựng khác không để xảy ra các tai nạn tương tự trong tương lai. Từ đó để thấy trách nhiệm của Bộ Xây dựng là phải đề xuất các biện pháp kịp thời tương ứng.

2. THIẾT BỊ VÀ CÔNG NGHỆ LẠC HẬU

Bài học thứ hai là thiết bị và công nghệ lạc hậu. Cả nước hướng về cuộc giải cứu. Lệnh huy động của Thủ tướng tập trung cho cuộc giải cứu được truyền đi cho mọi bộ, ban, ngành, địa phương (bao gồm cả quân đội và công an), sử dụng mọi phương tiện có thể (https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chi-dao-tap-trung-cuu...).

Thế mà, sau 5 ngày (tính từ trưa 31/12/2022 đến trưa ngày 4/1/2023) vẫn chưa thể nhổ được một cọc bê tông ở độ sâu 35 m. Sự kém cỏi này một phần là do sự lạc hậu của thiết bị và công nghệ. Từ việc không thể nhổ cọc bê tông ở độ sâu 35 m sau 5 ngày mà liên tưởng đến các trường hợp giải cứu khó khăn hơn, như giải thoát người bị kẹt trong tàu chìm dưới nước ở độ sâu 30 - 100 m chẳng hạn, lúc đó thì kết quả sẽ như thế nào?

3. NĂNG LỰC CHỈ HUY VÀ KHẢ NĂNG ĐỀ XUẤT PHƯƠNG ÁN GIẢI CỨU

Bài học thứ ba là năng lực chỉ huy và khả năng đề xuất phương án giải cứu. 

Có phương tiện và công nghệ chỉ là một phía. Hiệu quả của chiến dịch giải cứu phụ thuộc rất lớn vào năng lực của người chỉ huy và khả năng đề xuất các phương án giải cứu phù hợp. Thất bại giải cứu cháu Hạo Nam đã cho thấy sự hạn chế của người chỉ huy chiến dịch giải cứu, cũng như các phương án giải cứu chưa khoa học. Không phải cứ huy động đông người và nhiều thiết bị là giải cứu hiệu quả. Những người tham gia giải cứu, các chuyên gia liên quan chắc chắn sẽ có những kết luận sát thực về ưu và khuyết của các biện pháp giải cứu đã được đưa ra.

4. CẢI THIỆN NĂNG LỰC CỨU NẠN CỦA QUỐC GIA

Bài học thứ tư là phải cải thiện năng lực cứu nạn của quốc gia. 

Hàng năm, nước ta phải đối mặt với nhiều tai hoạ thiên nhiên cùng với các tai hoạ do con người gây ra. Trường hợp cháu Hạo Nam cho thấy năng lực cứu nạn của chúng ta vô cùng yếu kém. Chúng ta cũng đã từng thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu tinh nhuệ trong nhiều cuộc giải cứu trước đây. Chẳng hạn như vụ máy bay Su 30 rơi, ngay cả lực lượng chuyên nghiệp mà cũng còn vấp phải những sai lầm phải trả giá đắt. Bởi vậy, phải gấp rút cải thiện năng lực giải cứu quốc gia qua mua sắm thiết bị công nghệ hiện đại, qua đào tạo, qua luyện tập thực nghiệm, qua lựa chọn đội ngũ nhân sự, qua thành lập các đơn vị giải cứu cơ động, thiện nghệ. Nhất thiết phải có các đơn vị giải cứu chuyên nghiệp, thiện nghệ.

5. GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG

Bài học quan trọng thứ năm là giáo dục kỹ năng sống. 

Ở nhiều nước phát triển, từ khi bắt đầu vào trường mẫu giáo, điều đầu tiên được học chính là các kỹ năng sống: Phải hành xử như thế nào trong các tình huống? Trong khi ở nước ta, thì lăm lăm chú trọng vào kiến thức sách vở. Nếu được dạy các kỹ năng sống, thì cháu Hạo Nam tự mình đã có những hành xử phù hợp, các cháu còn lại cũng biết cách hành động để cứu cháu Hạo Nam, và đáng tiếc hơn cả, là công nhân đến cứu, đã thả dây cho Hạo Nam bám vào để kéo lên, nhưng cháu Hạo Nam đuối sức, người lại bị kẹt chặt trong lỗ bê tông, đã không chịu được lực kéo, phải buông tay, mới rơi sâu xuống lỗ cọc bê tông. Nếu người cứu có kỹ năng… nếu đầu dây được thắt nút trước để cháu Hạo Nam lồng qua nách, nếu 2 dây được thả xuống để mỗi dây lồng vào nách và quấn vào một tay… nếu, nếu… Không thể có nếu. Nhưng rõ ràng những người tham gia giải cứu đã có kết luận riêng cho chính mình, những kết luận hối tiếc có thể ám ảnh dài lâu.

Kỹ năng sống không chỉ được dạy từ những đúc kết khoa học thử thách bởi thời gian, mà còn được tập luyện thành thục, vận dụng nhuần nhuyễn, và tự sáng tạo. Trong mọi tình huống, sự bình tĩnh nhờ kiến thức về kỹ năng sống mới là con đường cứu được tính mạng. Giáo dục Việt Nam, phải có cuộc cách mạng lớn, CHUYỂN TỪ SÙNG BÁI KIẾN THỨC GIÁO ĐIỀU SANG GIÁO DỤC KIẾN THỨC THỰC HÀNH PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG.

6. MIỄN PHÍ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Bài học thứ sáu là miễn phí giáo dục phổ thông. 

Không phụ thuộc vào quốc gia giàu hay nghèo, không phụ thuộc vào mức độ tài chính của gia đình, việc giáo dục cho trẻ biết trân trọng lao động, yêu lao động và có khả năng lao động là điều bắt buộc. Cũng như với người trưởng thành, chẳng hạn như sinh viên, thì vừa học vừa làm là điều bình thường. Tuy nhiên, giáo dục về lao động khác với miễn phí giáo dục. Mọi quốc gia cần phải hướng đến giáo dục miễn phí, nhất là miễn phí ở bậc giáo dục phổ thông.

Ở nhiều nước phát triển, không chỉ miễn phí giáo dục phổ thông, mà các môn học theo thiên hướng và sở thích, như âm nhạc, thể thao… đều được giảng dạy phổ cập và miễn phí. Xa hơn, các môn lựa chọn hướng nghiệp, đều có giáo viên dạy riêng, có phòng thí nghiệm, có xưởng thực hành… tất cả đều miễn phí.

Cháu Hạo Nam đã tiết kiệm được 21 ngàn. Cháu phải đi nhặt sắt vụn để kiếm cho đủ 60 ngàn nộp học phí học võ. Đó là một sự thật buồn đã dẫn đến bi kịch cho cháu, cho gia đình và cho xã hội. Việt Nam có thể còn tụt hậu nhiều mặt so với các nước phát triển. Nhưng chúng ta phải giảm thiểu sự thua thiệt của con em chúng ta. 

VIỆT NAM NHẤT THIẾT PHẢI ĐẢM BẢO ĐỦ ĂN CHO MỌI GIA ĐÌNH ĐỂ TRẺ EM KHÔNG THUA THIỆT VỀ THỂ CHẤT. VIỆT NAM NHẤT THIẾT PHẢI MIỄN PHÍ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG ĐỂ HỌC SINH KHÔNG THUA THIỆT VỀ TRÍ TUỆ.

7. CẢI CÁCH CÁCH THỨC GIÚP ĐỠ NGƯỜI NGHÈO

Bài học tiếp theo là về giúp đỡ người nghèo. 

Hàng năm, phong trào quyên góp giúp đỡ người nghèo được triển khai rộng rãi nhiều đợt đến tận cơ quan, phường xã, gia đình. Phong trào quyên góp giúp đỡ người nghèo đã đưa đến những kết quả tích cực. Nhưng còn tồn tại rất nhiều gia đình nghèo khó như gia đình cháu Hạo Nam. Từ đó để thấy phải cải thiện quỹ giúp đỡ người nghèo, trong đó có việc điều chỉnh đối tượng và cách thức phân phát, để làm sao ít thất thoát và không bỏ sót. Rõ ràng, những ‘lỗ hổng’ trong quá trình gây quỹ và phân phát quỹ người nghèo là khó tránh khỏi. Nhưng phải giảm thiểu những ‘lỗ hổng’ đó.

8. Ý THỨC VỀ MẠNG SỐNG

Bài học thứ tám là ý thức về mạng sống. 

Lịch sử đã chứng kiến các ông vua thời trung cổ ném hàng vạn quân vào chiến trận mà ít tiếc thương sinh mạng người lính. Không chỉ chiến tranh, vào thời bình, lịch sử cũng đã chứng kiến những trò đấu kiếm tàn nhẫn đến chết của các nô lệ để vua quan mua vui. Từ thời nô lệ, qua thời phong kiến, cho đến hiện tại, ý thức về mạng sống con người dần thay đổi. Với các ông vua xâm lược, sinh mạng hàng vạn binh sĩ không phải là mối quan tâm hàng đầu, mà lãnh thổ, của cải và quyền lực mới là mục tiêu thống soái. Cùng với tiến bộ nhân loại, mạng sống con người được coi trọng hơn theo thời gian. Hình thức xử phạt cũng thay đổi. Từ phanh thây, chặt đầu… rồi đến bỏ luật tử hình. Đó là bởi do đề cao mạng sống.

Chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt bắt buộc phải hy sinh nhân mạng để bảo vệ tự do, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Trong thời bình, chúng ta cần phải quản trị theo luật pháp, song song với giáo dục ý thức bảo vệ sinh mạng. Hiện nay, hàng năm ở nước ta xảy ra quá nhiều tai nạn giao thông và tai nạn xây dựng. Đó là do luật pháp chưa được tuân thủ nghiêm ngặt, là do ý thức về sinh mạng chưa được đặt đúng chỗ. Trong hai điều - tuân thủ luật pháp và giáo dục ý thức, thì luật pháp phải được đặt lên hàng đầu.

Đã có thời, một bộ phận cầm quyền xem mạng người “như cỏ rác”. Mạng người bị cướp đi theo lệnh một ai đó mà không đếm xỉa đến luật pháp, không qua xét xử tại toà án. Có phải đã quen thấy nhiều người chết, quen với cách đối xử xem nhẹ mạng sống, mà một bộ phận trong xã hội hiện nay dường như vẫn “bất cẩn” với mạng sống con người?

Phê phán không quan trọng bằng đề xuất giải pháp. Đất nước sẽ còn phải đối mặt với nhiều tai nạn phải giải cứu trong tương lai. Năng lực giải cứu của nước ta đang ở trong trạng thái ảm đạm. Hy vọng Chính phủ, các bộ, các địa phương, và từng đơn vị - từ trường hợp bi thương của cháu Hạo Nam mà thức tỉnh với những biện pháp ứng đối thích hợp.

clip_image002

N.N.C.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.