Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Thế lực nào đang tấn công Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc? (Phần 1)

 

Thế lực nào đang tấn công Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc? (Phần 1)

Nông Văn Tiềm 

10-1-2023

Ngày 6-12-2022, báo chí và mạng xã hội phẫn nộ, đồng loạt lên án hành vi côn đồ của ông Nguyễn Viết Dũng, khi ông ta hành hung cô Nguyễn Ánh Lan, sinh năm 2002, nhân viên sân golf tại TP Đà Nẵng. Nguyễn Viết Dũng sinh năm 1978, là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Quảng và là đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam.

Vụ việc kéo dài đến nay chưa kết thúc, dù cô caddie Lan đã có đơn bãi nại, cũng như cho rằng báo chí thông tin chưa chính xác lắm.

Đây không phải là lần đầu đại gia đánh golf, đánh luôn người phục vụ. Xin điểm qua hai vụ caddie bị đánh tại sân golf trước đây, như sau:

– Hơn 10 năm trước, tháng 8-2012, tại sân Đại Lải Star Golf & Country Club, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Trần Hải Lê, sinh năm 1983, trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là chuyên viên Vụ Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội, đã đấm đá liên tục vào nữ caddie Phạm Thị Tuyết, khiến cô văng xuống bờ hồ, bất tỉnh tại chỗ. Cô Tuyết nhập viện với đa chấn thương nặng và có bản tường trình đầy đủ với cơ quan pháp luật. Công an đã vào cuộc, báo chí cũng rộ lên, nhưng nhanh chóng lờ đi và im luôn.

Có thông tin cho hay, kẻ hành hung Trần Hải Lê là cháu của ông Trần Đình Đàn, khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Có lẽ vậy, nên không thấy bất kỳ mức kỷ luật nào dành cho đảng viên Trần Hải Lê.

– Một năm sau vụ đó, tháng 9-2013, một vụ hành hung khác ở sân golf cũng đã xảy ra ở tỉnh Vĩnh Phúc. Nguyễn Đức Sơn đã dùng gậy phang vào đầu caddie Nguyễn Văn Công khiến anh chấn thương đầu, chấn động não, ngất tại chỗ, sau đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sơn sinh năm 1958, trú quận Ba Đình, Hà Nội, là Tổng giám đốc Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội, khi chơi golf tại Sân Golf Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong vụ này nhóm ông Sơn đã đưa caddie Công đi khám, chi trả hoàn toàn tiền viện phí là 13 triệu đồng. Ban lãnh đạo Sân Golf Tam Đảo đã có hình thức kỷ luật, dừng quyền chơi golf của ông Sơn tại sân golf này trong thời gian một năm. Vụ việc cũng được báo chí đăng tải, nhưng chỉ dừng lại đó rồi chìm vào lãng quên.

Nguyễn Đức Sơn, TGĐ công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội. Nguồn ảnh: Báo Dân Sinh

Vụ Nguyễn Viết Dũng đánh cô Nguyễn Ánh Lan mới đây, tương tự như hai vụ vừa kể. Tuy nhiên, khác với những vụ xảy ra trước đây, lần này hầu như tất cả báo chí quốc doanh, kể cả báo Nhân Dân và Cổng thông tin Chính phủ, đều đưa tin dày đặc. Nhiều tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Người Lao Động… đã gọi Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam, Bí thư Chi bộ, Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Quảng là “côn đồ”. Thậm chí, Hội Phụ nữ Việt Nam lâu nay luôn tránh xa các vụ việc tương tự, nay bỗng sốt sắng nhảy ra lên tiếng “bảo vệ phụ nữ”, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm hành vi bạo lực…

Khi Nguyễn Viết Dũng xin ra khỏi Uỷ viên Ban Ngân sách HĐND tỉnh, nhằm làm dịu tình hình, vụ bê bối của ông ta vẫn chưa lắng xuống. Cơ quan Công an quận Ngũ Hành Sơn kết luận không khởi tố vụ án đối với Dũng, công luận và một số quan chức HĐND tỉnh Quảng Nam vẫn chưa… chịu, muốn Dũng phải thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 và ông ta phải bị truy cứu hình sự.

Có vẻ như nội bộ Quảng Nam bắt đầu chia rẽ, một số quan chức Quảng Nam đã “cạn tàu ráo máng” với “đồng chí” của mình, bởi Dũng hiện có hai nhiệm kỳ liên tiếp, là đại biểu HĐND và suýt chút nữa trở thành ứng viên Đại biểu quốc khoá 15. Đặc biệt, Nguyễn Viết Dũng được đích thân Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ Tịch nước hồi tháng 1-2022. Ngoài ra, rất ít người biết chuyện, rằng phía sau Dũng còn có một thế lực kinh người!

Vậy ai đã “bật đèn xanh” cho báo chí đánh Nguyễn Viết Dũng tới tấp và dồn ông ta đến chân tường? Động cơ đằng sau của phe tấn công Dũng là gì? Xin quý bạn đọc lưu ý đến những vụ bắt bớ sau đây:

– Tối 31-12-2022, Cơ quan an ninh điều tra (V09) Bộ Công an thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Trần Văn Tân – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, với tội danh “Nhận hối lộ” liên quan đến Vụ án chuyến bay giải cứu.

Trần Văn Tân sinh năm 1979; quê xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; trình độ chuyên môn tiến sĩ luật; trình độ lý luận chính trị cao cấp. Hơn 20 năm qua, Trần Văn Tân thăng tiến rất nhanh:

– Từ năm 2001, Tân là nhân viên rót nước pha trà tại Văn phòng HĐND và UBND tỉnh Quảng Nam.

– Năm 2009, Tân nắm chức Phó chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

– Năm 2012, Tân giữ chức Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, sau đó là Bí thư huyện uỷ Quế Sơn.

– Năm 2015, Tân là Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Văn phòng Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam.

– Tháng 4-2018, Tân trúng cử chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 – 2021.

– Tháng 6-2021, Tân tiếp tục tái cử chức danh Phó chủ tịch UBND nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Thật bất ngờ khi Trần Văn Tân bị bắt vào ngày cuối cùng của năm 2022, bởi Tân là gương mặt sáng giá ở Quảng Nam, có học vị tiến sĩ, được quy hoạch chiến lược, dự kiến sẽ luân chuyển ra thay thế Lê Trung Chinh, để nắm chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Chân dung Trần Văn Tân, PCT tỉnh Quảng Nam

– Ngày 4-1-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Nguyễn Thị Thanh Thủy. Thủy sinh năm 1967, trú tại Hà Nội, cựu Chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Cùng bị bắt hôm đó với Thủy là Nguyễn Bạch Thùy Linh, sinh năm 1978, trú tại Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên SNB Holdings. Cả hai bị bắt về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi“.

Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Bạch Thùy Linh có hành vi lợi dụng ảnh hưởng, can thiệp, tác động lãnh đạo một số Bộ, ngành tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á trong quá trình sản xuất, kinh doanh bộ xét nghiệm COVID-19 để trục lợi.

Cơ quan điều tra không công bố bất kỳ chi tiết sai phạm nào về hai bị can Thuỷ và Linh. Dư luận hồ nghi, đặt ra nhiều dấu hỏi, rằng tại sao chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục lại có thể tác động (?) hay một doanh nhân, giám đốc thành đạt, lại can thiệp (?) vào bộ máy của chính phủ để trục lợi.

Cũng như Nguyễn Viết Dũng, Trần Văn Tân nói trên, thân phận “đặc biệt” của Nguyễn Thị Thanh Thuỷ và Nguyễn Bạch Thuỳ Linh được công khai, sẽ khiến dân chúng giật mình, kinh ngạc, lẫn ngỡ ngàng.

Hai bị can Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (trên) và Nguyễn Bạch Thuỳ Linh (dưới)

***

Các vụ việc liên quan đến Nguyễn Viết Dũng, Trần Văn Tân, Nguyễn Thị Thanh Thuỷ và Nguyễn Bạch Thuỳ Linh nêu trên, tuy rời rạc, tưởng như chẳng liên quan gì, nhưng khi xâu chuỗi lại, nó chính là những nước cờ vây của những tay chơi cờ lão luyện trên bàn cờ chính trị Việt Nam. Chiến dịch “đốt lò” của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang là cơ hội “cờ đến tay ai, người đó phất” của các phe nhóm quyết đấu để tranh giành quyền lực trong đảng cộng sản.

Trò chơi “mạnh được, yếu thua” chốn cung đình sắp đến hồi kết. Điều khó tin, kịch bản mà không đạo diễn nào dám nghĩ sẽ có, nhưng dự báo xảy ra. Sau khi loại bỏ được Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam ra khỏi chính trường, nhất là Phạm Bình Minh người muốn tranh chiếc ghế “tứ trụ” khoá 14, phe tấn công muốn nhắm vào một nhân vật quyền lực số 2 hiện nay là đương kim Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.