Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Lỗi tại dân!

 

Lỗi tại dân!

Lê Huyền Ái Mỹ

12-1-2023

Ông Nguyễn Tô An, Cục phó Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh: Anh Duy

Trả lời báo chí sáng 12-1, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An nói, “các sai phạm có gốc rễ từ xa xưa, người dân khi đi đăng kiểm muốn phương tiện nhanh chóng đạt tiêu chuẩn để tiếp tục lưu hành, thậm chí có lỗi thì chi tiền bồi dưỡng, làm hư đăng kiểm viên. Một số đăng kiểm viên không có bản lĩnh, không chiến thắng được lòng tham”, (theo VnExpress).

Từ “gốc rễ xa xưa” là từ khâu nào, hành vi và biểu hiện ra sao, đã nhận diện và tìm cách chặn đứng, ngăn ngừa hay chưa. Với tư cách là cục phó, là đảng viên cấp ủy đã có hay chưa một cuộc kiểm tra hoặc một giám sát chuyên đề trong cấp ủy về nguyên nhân và các biện pháp để khắc phục cái “sai phạm có gốc rễ” ấy?

Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Phó cục trưởng, ông Tô An công tác tại Phòng Kiểm định xe cơ giới và Phòng Chất lượng xe cơ giới. Từ năm 2014, ông An giữ chức Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ngày 1-5-2021, ông An giữ chức Cục phó. Tại buổi nhậm chức, tân cục phó đã “hứa sẽ tiếp tục rèn luyện, học hỏi và nỗ lực, đoàn kết chặt chẽ với tập thể lãnh đạo, công chức trong Cục Đăng kiểm Việt Nam để hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, cá nhân”.

Vậy 8 năm qua, ông cục phó đã làm gì để ngày hôm nay đưa ra nhận định “các sai phạm có gốc rễ từ xa xưa”; và ông đứng ngoài những “gốc rễ” ấy?

Hơn nữa, có thực là chỉ “một số đăng kiểm viên không có bản lĩnh, không chiến thắng được lòng tham” mới đẩy đến “cơn sóng thần” như ngày hôm nay, khi mà người đứng đầu – cục trưởng cục đăng kiểm quốc gia đã bị bắt, trong đó có hành vi nhận tiền hối lộ định kỳ mỗi tháng? Và, trong một tập thể lãnh đạo với 4 thành viên (1 cục trưởng và 3 cục phó), cũng có nghĩa là trong cấp ủy, không một ai phát hiện hành vi nhận tiền hối lộ hàng tháng kéo dài kia? Hoặc có, thì cũng không một ai dám lên tiếng, cho nên đâu chỉ một số đăng kiểm viên mà cả lãnh đạo đăng kiểm cũng chả có “bản lĩnh” nốt.

Còn nói về lỗi của người dân, “chi tiền bồi dưỡng, làm hư đăng kiểm viên”, nếu đăng kiểm viên – không cần phải nói đến “bản lĩnh” mà chỉ là làm đúng chức trách công vụ – giữ sự nghiêm minh, liêm chính thì dân nào làm hư nổi đăng kiểm.

Là chủ phương tiện, tôi cũng như bao người coi trọng sự an toàn của bản thân, cộng đồng là trên hết, nên chú trọng đến chất lượng của từng bộ phận phương tiện. Xe mới xuất xưởng lăn bánh ra khỏi hãng, còn phải đi đăng kiểm thì đừng nói là xe sau mỗi đợt bảo hành, chăm sóc đều phải xếp hàng chờ các ông dán cho con tem. Chính ông cục phó và nhiều vị trong ngành cũng thấy đó là bất cập nên một trong những chấn chỉnh sau “cơn sóng thần” là “sẽ khẩn trương miễn kiểm định lần đầu cho phương tiện lắp ráp, nhập khẩu mới”. Tại sao đợi đến bây giờ mới khẩn trương kiến nghị? Nếu không xảy ra “cơn sóng thần” này, liệu có khẩn trương miễn kiểm định hay không?

Cho nên, nghe ông cục phó phát biểu, nào là “chúng tôi cảm ơn công an đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi sai phạm…”, nào là “đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, sản phẩm đầu ra liên quan an toàn, nên những người tham gia lĩnh vực này cần có hiểu biết về lĩnh vực mình làm, tránh tình trạng không biết chữ”… thì mới thấy, có lẽ ông nên/ cần/ phải được đưa đi “đăng kiểm” chức năng, trách nhiệm của mình.

Nghe đồn, dân tình thì hay hóng những cuộc họp báo, nhất là qua nay. Còn quan lại thì ngán báo dự họp. Như nghe quan cục phát biểu mà dân đen kết cỏ ngậm… đắng, lỗi tại dân mọi bề, lỗi tại dân làm hư đăng kiểm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.