Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

Việt Nam, chính trị của lãnh chúa, văn hóa của Típ Phờ Nờ

 

Việt Nam, chính trị của lãnh chúa, văn hóa của Típ Phờ Nờ

Jackhammer Nguyễn

7-1-2023

Các lãnh chúa

Việc hai ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh bị bay chức, về hưu non (may mắn không bị đi tù), khẳng định hai điều về chính trị Việt Nam đương đại.

Thứ nhất là hệ thống lãnh chúa vững như bàn thạch. Đại đa số các ủy viên trung ương đảng Cộng sản Việt Nam là các lãnh chúa nhiều quyền lực, trong đó bao gồm tất cả các quan đầu tỉnh. Họ được đi lên từ các địa phương với hệ thống đàn em (lãnh chúa con) chằng chịt và rất hùng mạnh. Các ủy viên trung ương nắm các bộ cũng cần có một hệ thống lãnh chúa con như thế để duy trì quyền lực. Dĩ nhiên các lãnh chúa to đầu nhất là các ủy viên bộ chính trị.

Hai ông Minh và Đam đều không có các lãnh chúa con như thế hậu thuẫn. Ông Đam đi lên từ tầng lớp “không ưu tú” của hệ thống giai cấp mới (New Class, từ của Milovan Djilas, người từng là nhân vật số hai của đảng Cộng sản Nam Tư). Ông Minh, mặc dù là thái tử đỏ (con trai ông Nguyễn Cơ Thạch), nhưng ông có một mạng lưới quan hệ quốc tế (theo GS Carl Thayer) rất hữu ích cho ngoại giao Việt Nam, chứ không có các lãnh chúa khác giúp đỡ.

Điều thứ hai là, các nhân vật “Tây học” nghiêm chỉnh (tôi viết “nghiêm chỉnh”) vẫn chưa thể có thế đứng ở xã hội lãnh chúa Khổng giáo – Cộng sản như Việt Nam. Họ làm việc rất khó khăn trong hệ thống này, vừa không có quyền lực thật sự, vừa dễ bị thanh trừng vì trách nhiệm quá lớn.

Trong trường hợp ông Minh bị thanh trừng, đồng ý là các nhân vật phạm tội trong vụ án “chuyến bay giải cứu” được ông nâng đỡ trước kia, nhưng âm mưu phạm tội xảy ra khi ông không còn nắm bộ ngoại giao một cách trực tiếp nữa.

Vụ ông Đam thì càng rõ hơn. Ông phụ trách “chiến dịch” chống Covid của quốc gia, nhưng ông làm gì có quyền với các quan đầu tỉnh? Ông lại càng không có quyền với các lãnh chúa quân đội trong vụ Việt Á.

Theo các nguồn tin đáng tin cậy thì ông Lê Hoài Trung, hiện là viên chức đảng phụ trách đối ngoại, sẽ lên làm bộ trưởng ngoại giao. Việc này, nếu đúng, sẽ duy trì được sự tiếp xúc với phương Tây. Ông Trung cũng nằm trong cái gọi là băng Fletcher như ông Minh. Băng Fletcher chỉ các nhân vật Việt Nam tốt nghiệp trường Fletcher lừng danh của đại học Tufts, Hoa Kỳ. Nhưng có vẻ như ông Trung cũng không phải là người thuộc hệ thống lãnh chúa, vì thế khuynh hướng lép vế của cơ quan ngoại giao Việt Nam vẫn tiếp tục.

Hai nhân vật vừa lên thay hai ông Minh và Đam, ngồi vào ghế phó thủ tướng, là ông Trần Lưu Quang và Trần Hồng Hà, là ví dụ rõ ràng nhất của các lãnh chúa Khổng giáo – Cộng sản. Ông Hà xuất thân từ “vương quốc Hà Tĩnh”, còn ông Quang đến từ “vương quốc Tây Ninh”.

Ông Típ Phờ Nờ (Typn)

Đây là một nhân vật trong tiểu thuyết Số Đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng viết năm 1936. Típ Phờ Nờ là chữ viết tắt Typn, có nghĩa là Tôi Yêu Phụ Nữ. Nhân vật này được nhà văn đưa ra để đại diện cho lối rởm đời, học đòi, tha hóa… của xã hội Việt Nam thời thuộc địa, khi mà ảnh hưởng mạnh mẽ của phương Tây xung đột với xã hội Khổng Mạnh đang suy tàn. Nhân vật này tự xưng mình là người “cách tân”, “Âu hóa”, và “nữ quyền” (Tôi Yêu Phụ Nữ)…

Tôi nghĩ tới ông Typn, khi thấy hình ảnh buổi “đăng quang nhà thơ thế giới” của bà Tống Thu Ngân, một người nghe đâu có đến cả ngàn bài thơ và chưa ai biết đến trước khi sự kiện “nhà thơ thế giới” nổ ra.

Bà Tống Thu Ngân được một người đàn ông lịch lãm dẫn ra sân khấu. Ông mặc một bộ côm lê trắng muốt, để ria mép cắt tỉa gọn gàng, giày đen mõm nhọn, vai đeo tua vàng lộng lẫy.

Khi chợt thấy hình ảnh ấy tôi nghĩ đến các anh dạy nhảy đầm dạo ở công viên Tao Đàn ngày trước, giờ không biết có còn không. Nhưng sau đó tôi thấy ông giống với nhân vật Typn của Vũ Trọng Phụng hơn. Tôi còn nghĩ tới hình ảnh nhân vật Bà Phó Đoan (người tình của Xuân Tóc Đỏ trong Số Đỏ), nhưng nghĩ thế thì ác quá nên thôi.

Sau khi dư luận bắt đầu ầm ỹ, tôi lại thấy xuất hiện tên của công ty bảo trợ cho buổi “đăng quang”, là Hằng Holy. Thấy tên này làm tôi sực nhớ mấy câu nói tục vui vẻ của bọn trẻ con ở Mỹ, nào là Holy C., rồi Holy Sh., cả Holy … Cow. Nó thể hiện một phong trào “Âu hóa” mới, gần một thế kỷ sau khi Số Đỏ ra đời.

Hình ảnh người đàn ông ria mép côm lê trắng, cái tên … thần thánh (holy), cái vương miện nhà thơ Thu Ngân… không hề xa lạ trong các buổi tiệc tại Việt Nam hiện nay, nơi mà các em xi (MC – người điều khiển chương trình) rất chải chuốt và đỏm dáng, và lịch lãm trong lời ăn tiếng nói nửa Anh, nửa Việt.

Mà nói cho công bằng, trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng có những… sự kiện giống như thế. Ai muốn biết thì đến tham dự các buổi ra mắt sách của các bậc trưởng thượng hải ngoại thì sẽ rõ, nơi đó người ta thường áo thụng vái nhau, và em xi nửa Mỹ nửa Việt. Dĩ nhiên là có những ngoại lệ, những buổi ra mắt sách đàng hoàng, những quyển sách đàng hoàng.

Như vậy, nếu ta đặt các lãnh chúa bên cạnh ông Typn, ta sẽ thấy hình ảnh xã hội Việt Nam đương đại (phần nào cả ở hải ngoại) rất thú vị. Hệ thống lãnh chúa từng giúp cho đảng Cộng sản Việt Nam thắng các cuộc chiến tranh, nay tiếp tục chuyển biến thành hệ thống Khổng giáo – (hậu) Cộng sản để nắm quyền trong hoàn cảnh mới. Hệ thống này tiếp tục cưỡng lại ảnh hưởng của phương Tây. Nhưng mặt khác nó cũng thèm khát phương Tây ở những nơi như công ty Hằng Holy, các kỳ thi hoa hậu, các gala dạ vũ, và dĩ nhiên… ông Typn. Các lãnh chúa và các ông Typn, về bản chất, là một.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.