Thứ Tư, 4 tháng 1, 2023

Một số câu hỏi khi theo dõi vụ giải cứu cháu bé 10 tuổi gặp nạn

 

Một số câu hỏi khi theo dõi vụ giải cứu cháu bé 10 tuổi gặp nạn

Kim Văn Chính

4-1-2023

Dư luận đang quan tâm đến vụ cháu bé ở Đồng Tháp bị tai nạn lọt lỗ ống cọc móng bê tông. Có rất nhiều câu hỏi cần giải đáp mà báo chí, các nhà chức trách cần làm rõ:

1. NHÓM CÂU HỎI TRỰC TIẾP TỪ HIỆN TRƯỜNG GIẢI CỨU

– Tại sao không xác định được vị trí cháu bé mắc kẹt bên trong? Với điều kiện các phương tiện hiện nay, một việc đơn giản là xác định chính xác vị trí cháu bé bị mắc kẹt bên trong không quá khó khăn (dùng dây thăm dò, dùng đầu thăm có camera dạng “nội soi”…).

Ảnh chụp màn hình

– Tại sao không thể xác định được cháu bé còn sống hay đã chết? Như báo chí công bố, hiện trường được mô tả là ống cọc móng thăm sâu đến 8m thì đầy bùn và nước, cháu bé không có ở đoạn có không khí. Vậy nếu thực sự cháu bị lọt xuống lỗ đó thì chắc chắn cháu bị chìm sâu vào tầng bùn nước; tín hiệu sự sống không có; trong hơn 3 ngày rồi; chắc chắn là cháu đã chết. Vậy mà không ai dám công bố là cháu bé đã chết. Nếu cháu được kết luận chính xác là đã chết, phương án tác nghiệp không còn là “cứu hộ” nữa, mà là đưa xác cháu bé lên, các giải pháp kỹ thuật và chi phí sẽ đi theo một hướng khác đơn giản hơn rất nhiều so với cách hiện nay đang làm…

– Tại sao không cho phép các phóng viên lập cầu truyền hình trực tiếp từ hiện trường? Các vụ giải cứu mà người dân quan tâm nhiều trên thế giới người ta đều có cầu truyền hình hoặc ít nhất là các phóng sự truyền hình tại hiện trường để người dân biết được diễn biến công việc. Nhưng ở đây, chỉ có một kịch bản tin tức và hình ảnh mà báo nào cũng phải đưa y như nhau.

– Tại sao không công bố hết các tình tiết kỹ thuật của quá trình giải cứu? Sự thực trong 3 ngày qua đã thực hiện khá nhiều phương án kỹ thuật để nhổ cọc lên với hy vọng sẽ cứu hoặc lấy được xác cháu bé. Trong đó có biện pháp đầu tiên rất “thô sơ”, phản khoa học, thực hiện bất thành, gây nguy cơ rạn nứt cọc và 2 mối nối, do chính đơn vị thi công làm là đào vét sơ sơ miệng cọc rồi dùng cẩu lôi ống lên. Chính vì đã thực hiện biện pháp như vậy nên đến nay phải tiến hành biện pháp rất tốn kém là đóng ống thép lồng phi 1,5m bao xung quanh, vét đất lên, với mục đích phải nhổ được đoạn 2, có thể cả đoạn 3 của ống cọc. Bởi nếu để chỉ nhổ được đoạn 1 (khoảng 10m) mà không thấy xác cháu bé, để các đoạn bên dưới lún sâu vào lòng đất nhão thì rất khó để nhổ tiếp các đoạn phía dưới… Bao nhiêu công sức “giải cứu” coi như tay trắng…

– Tại sao sự vụ giải cứu không để các đơn vị trực tiếp giải cứu và phụ trách kỹ thuật họ trả lời và thông tin cho công luận, mà phải để tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp làm việc này?…

2. CÁC CÂU HỎI MỞ RỘNG

– Tại sao không thấy báo nào tiếp cận và phỏng vấn các nhân chứng trực tiếp chứng kiến thời điểm em bé lọt lỗ ống? Theo các tin tức, em bé đi nhặt sắt vụn cùng 3 em bé khác. Lời kể của các em sẽ cho mọi người biết thêm nhiều điều.

– Trong video lan truyền, nói là trích xuất camera an ninh, ta thấy toàn cảnh thời điểm em bé bị sa xuống hố cọc. Tại sao không công khai video này trên báo và công bố rõ video có thật không? Camera của ai hoặc đơn vị nào?

– Tại sao không cho các đơn vị chuyên môn họ thực hành “diễn” lại việc hy hữu là một bé trai 10 tuổi, lại lọt xuống dễ dàng và nhanh chóng xuống một cái lỗ ống xi măng đúc phi 25cm mà không bị mắc kẹt mông, vai, cánh tay ở miệng ống? Hiện trường ống cọc móng lúc bị tai nạn có đặc điểm gì thì cháu bé mới có thể lọt tụt nhanh và dễ dàng như vậy?

– Tại sao vụ việc một cháu bé bị tai nạn trong dịp nghỉ Tết dương lịch ai được đích thân Thủ tướng ra lệnh phải giải cứu, các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Đồng Tháp lần lượt đến hiện trường và các lực lượng rầm rộ của uỷ ban cứu nạn, Quân đội vào cuộc đều tham gia? Trong khi cũng trong 3 ngày tết tai nạn giao thông cả nước làm 50 người chết, 50 người bị thương (con số chưa thống kê hết) thì không thấy cán bộ hoặc cơ quan có trách nhiệm nào lên tiếng?

Ảnh chụp màn hình

– Tại sao cháu bé 10 tuổi gầy còm như vậy phải đi nhặt sắt vụn kiếm tiền trong ngày nghỉ tết, trong khi con cháu các lãnh đạo quân đội, công an, đảng, chính quyền từ cấp xã lên đến trung ương có nhà ai phải khổ như vậy không? Nếu trả lời và giải quyết được câu hỏi này thì tai nạn thương tâm đã không xảy ra rồi.

– Tại sao công cuộc xóa đói giảm nghèo được báo cáo tiến triển rất tốt mà gia đình cháu bé vẫn còn đủ cả bố, mẹ khỏe mạnh vẫn nghè khổ đến như vậy?

Căn nhà của gia đình cháu Hào Nam. Ảnh chụp màn hình

– Tại sao lúc thường địa phương và Quân khu 9 không hề biết có gia đình nghèo như vậy để hỗ trợ tiền, xây nhà tình nghĩa… mà để đến lúc tai nạn xảy ra, bí thư tỉnh ủy và thiếu tướng Quân khu 9 do đến thăm vụ việc giải cứu mới biết gia đình nạn nhân nghèo đến vậy và ra quyết định cho tiền, xây nhà ngay tắp lự? Vậy ở Đồng Tháp và cả nước nói chung còn bao nhiêu gia đình như vậy nữa để mưa phải mưa cho khắp chứ nếu chỉ xây nhà cho nhà cháu bé, các cháu khác sau này sẽ vẫn tiếp tục phải đi kiếm sắt vụ, vần có thể bị tai nạn tương tự…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.