Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Vài dòng đưa tiễn ông Trần Đại Quang

Vài dòng đưa tiễn ông Trần Đại Quang

Đỗ Thành Nhân
22-9-2018
Viết mấy dòng để đưa tiễn ông về nơi vĩnh hằng, mong ông thanh thản ra đi.
I. Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang
Năm 2013, ông Trần Đại Quang là Bộ trưởng Công an. Cũng năm đó Quốc hội kêu gọi nhân dân tích cực góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tôi cũng tham gia viết một bài. 
Thực tế lúc đó là “Công an nhân dân còn Đảng còn mình”; “Quân đội ta trung với Đảng …”, cùng với những câu khẩu hiệu công khai; nên trong bản Góp ý của tôi có “Chương IV: Bảo vệ tổ quốc” đề nghị đổi danh xưng “Công an nhân dân Việt Nam cách mạng” thành “Công an Đảng” (xem ảnh). Bài viết được gởi theo các địa chỉ email thu thập góp ý Hiến pháp của Quốc hội, của tỉnh và báo chí lúc đó.
Trích góp ý Hiến pháp 1992 của tác giả Đỗ Thành Nhân
Cũng năm đó, tôi bị phải làm việc với cơ quan an ninh suốt 4 tháng 1 ngày; bị thu giữ máy tính và tài sản trí tuệ của cá nhân tích lũy cả cuộc đời tính ra lên đến hàng tỷ đồng; bị buộc tham dự “đấu tố” bởi các cơ quan nội chính, văn hóa thông tin trong tỉnh.
Cho đến nay, cơ quan công an cũng không công bố chính thức và tôi cũng không biết mình bị tội gì?!
Sau đó, tôi yêu cầu thì cơ quan an ninh chỉ giao trả lại một cái xác laptop, nhưng giữ lại những tài sản khác, giá trị không hề nhỏ, đặc biệt về giá trị tinh thần là vô cùng lớn. Từ nhiều năm nay tôi đã viết đơn đề nghị các cơ quan chức năng liên quan xem xét “giao trả tài sản cho công dân” nhưng không được trả lời.
(Ghi chú: trong những người tôi gởi đơn có ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2014; nếu ông Thưởng đồng ý “đối thoại”, thì tôi sẽ xin được đối thoại với ông ấy về vấn đề này).
Ít nhiều, ông Trần Đại Quang cũng phải chịu trách nhiệm, vì trong giai đoạn ông làm Bộ trưởng; cơ quan Công an đã tước đi “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (theo Tuyên ngôn độc lập) của bản thân tôi và nhiều người khác nữa.
II. Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Năm 2016, ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước; không liên quan gì cá nhân, đánh giá ông sẽ có những cơ quan chuyên môn và những người phân tích chuyên nghiệp.
Tôi chỉ nói về “Thư chúc Tết Trung thu”
Tôi hay đọc “Thư chúc Tết Trung thu” của các ông Chủ tịch nước, mặc dù các cháu còn nhỏ chưa chắc đã quan tâm và hiểu các ông lớn nói gì (các cháu chỉ thích phá cỗ và chơi vui vẻ thôi). Ông Trần Đại Quang có 3 cái “Thư chúc Tết Trung thu” vào các năm 2016, 2017, 2018 (xem ảnh). So sánh 3 cái thư, có mấy nhận xét nhỏ:
“Thư chúc Tết Trung thu” ghi ngày 5 tháng 9 năm 2016 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh trên mạng
“Thư chúc Tết Trung thu” ghi ngày 28 tháng 9 năm 2017 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Internet
“Thư chúc Tết Trung thu” ghi ngày 20 tháng 9 năm 2018 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Internet
Dặn dò về Năm điều Bác Hồ dạy
– Năm 2016: học tập, rèn luyện theo Năm điều Bác Hồ dạy;
– Năm 2017: tu dưỡng, rèn luyện theo Năm điều Bác Hồ dạy;
– Năm 2018: thực hiện thật tốt Năm điều Bác Hồ dạy.
Nếu theo khẩu hiệu dành cho người lớn đến năm 2018: “học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, thì các cháu càng ngày càng nhẹ nhàng hơn!
Ngày ký “Thư chúc Tết Trung thu”:
– Năm 2016: ký vào thứ hai, ngày 05 tháng 9, trước Tết Trung thu 10 ngày;
– Năm 2017: ký vào thứ năm, ngày 28 tháng 9, trước Tết Trung thu 6 ngày;
– Năm 2018: ký vào thứ năm, ngày 11 tháng 8, trước Tết Trung thu 4 ngày; trước khi chết 1 ngày là công việc cuối cùng ông thực hiện.
Càng về sau, “Thư chúc Tết Trung thu” càng gần ngày trung thu hơn.
Chữ ký của “Thư chúc Tết Trung thu” năm 2018 có vẻ nặng nề, không liên tục, như là sự cố gắng cuối cùng để dặn dò các cháu “thực hiện thật tốt Năm điều Bác Hồ dạy”.
Lời kết
Rồi nhà nước sẽ tổ chức lễ Quốc tang cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang, những người cộng sản sẽ đọc điếu văn ca ngợi công lao của ông, nhưng lịch sử vẫn sẽ tiếp tục đánh giá về ông và di sản ông để lại vẫn còn tác động đến đất nước lâu dài.
Còn tôi, người dân, mặc dù là nạn nhân của chính sách do ông thiết lập, cố gắng tin rằng hình ảnh ông đang khẩn cầu rất thành kính tại chùa Mahabodhi, khu di tích Bodhgaya bang Bihar là chân thành và ông cũng đã “ngộ” ra được điều gì đó vào cuối cuộc đời tranh đấu.
Chỉ tiếc là ông không chờ được đến ngày thực thi Luật An ninh mạng mà ông vừa ký ban hành, để ông chứng kiến thành quả mà ông đã cố gắng xây dựng ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội và quyền con người như thế nào?
Dù gì thì “nghĩa tử là nghĩa tận”, tôi viết mấy dòng để đưa tiễn ông về nơi vĩnh hằng, hy vọng ông ra đi thanh thản. Còn nếu ông có linh thiêng, xin phù hộ cho tôi nhận lại được tài sản mà cơ quan công an đang thu giữ; trong đó có những “kỷ vật – hình ảnh vô cùng thiêng liêng” của bản thân, gia đình. Suy cho cùng, trên cõi đời này ông và tôi cũng đều là những con người như nhau.
PS. Nhận xét về ông Trần Đại Quang xin dành cho các cơ quan thông tin đại chúng:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.