Nền giáo dục trục lợi trên tâm hồn và thân xác trẻ em
1-9-2018
Cách đánh vần “lạ” trong sách tiếng Việt lớp 1 “Công nghệ giáo dục” mà tôi gọi là “cách mạng đánh vần” không đơn giản là sự “rửng mỡ” của Bộ Giáo dục. Những thông tin xung quanh nó còn kinh dị hơn nhiều.
“Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục” không chỉ có 1 cuốn, nó là một bộ có tới 18 cuốn. Ngoài 3 cuốn được coi là chính (tập 1 – Âm-Chữ, tập 2 – Vần, tập 3 – Tự học), còn lại 15 cuốn là sách “ăn theo”. Tôi chắc không có bao nhiêu phụ huynh nhớ nổi đó là những cuốn sách gì nếu không ghi lại để mua, còn các em thì tôi không thể tưởng tượng làm thế nào “đánh vật” được với những cuốn sách ấy. Ngoài 18 cuốn sách đó, học sinh còn phải mua thêm bộ sách Giáo dục lối sống lớp 1 Công nghệ giáo dục và cuốn Bài luyện tập và đề kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt lớp 1 nữa. Tất cả sách chỉ dùng 1 lần, anh/chị không để lại cho em được, vì mỗi năm đều có chỉnh sửa, buộc phải mua sách mới.
Sách được áp dụng cho chương trình “thí điểm”, bắt đầu từ trường “thực nghiệm” ra đời từ hơn 40 năm trước. Chỉ mới là “thí điểm” nhưng lạ lùng là đã “thí điểm” suốt 40 năm, lạ lùng hơn là sự “thí điểm” này đã được mở rộng đến 49 tỉnh, riêng học sinh lớp 1 đã lên tới khoảng 800 ngàn em. Theo tính toán của báo điện tử Giáo dục Việt Nam, mỗi năm phụ huynh học sinh phải bỏ ra đến hơn 377 tỷ đồng để mua số sách nói trên cho 800 ngàn học sinh lớp 1. Giá sách, cũng theo tính toán của báo này, cao gấp nhiều lần sách giáo khoa thông thường.
Bạn hãy hình dung, nếu như tất cả các môn học của lớp 1 đều phải dùng sách Công nghệ giáo dục và tất cả học sinh tiểu học cũng sẽ dùng loại sách tương tự với giá cao ngất ngưởng thì số tiền mà phụ huynh phải bỏ ra hàng năm là bao nhiêu? Chắc chắn là con số khổng lồ không tưởng tượng nổi. Và con em của chúng ta khi mới đến trường đã phải bị đè bẹp với một số lượng sách mà một người lớn như tôi đây mới nghĩ đến thôi đã thấy kinh sợ.
Các sách này được phát hành độc quyền tại một nơi duy nhất. Và siêu lợi nhuận từ việc bán sách sẽ thuộc về ai? Từ vài năm trước đây một số cơ quan truyền thông đã lên tiếng, nhưng tất cả đều rơi vào những đôi tai điếc của hệ thống quan liêu. Chỉ xin nêu ở đây một “vết tích” để các nhà báo chưa biết và những người có lương tri trong bộ máy công quyền nếu quan tâm thì có thể lần ra hoạt động trục lợi từ những cuốn sách này. Đó là công văn số 1181/BGDĐT-GDTH ngày 25-2-2013 của Bộ GD và ĐT gửi các Sở GD và ĐT.
Sau khi ỡm ờ đề nghị: “Để chủ động trong công tác chỉ đạo, năm học 2013-2014 Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở Giáo dục và Đào tạo có nhu cầu áp dụng phương án dạy học Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục đăng ký cụ thể tổng số huyện, số trường, số lớp, số giáo viên, số học sinh tham gia”, công văn liền chỉ đạo ngay vấn đề chính: “Để chuẩn bị tốt tài liệu phục vụ năm học 2013-2014, Bộ đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động liên hệ trực tiếp với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Trường Phổ thông công nghệ giáo dục – NXB Giáo dục Việt Nam (ĐT : 043 7925314) để mua tài liệu. Đối với các vùng học sinh được cấp phát tài liệu học tập, kinh phí mua tài liệu được lấy từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia giáo dục đào tạo năm 2013 đã phân bổ cho địa phương”.
Từ đây, ai quan tâm có thể điều tra nhóm lợi ích trong ngành giáo dục đã câu kết như thế nào với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm lũng đoạn hệ thống giáo dục nước nhà.
Xin lưu ý: Tôi không phản đối các chương trình giáo dục thí điểm hoặc thực nghiệm. Đã có nhà khoa học xuất chúng của nước ta từng học tại hệ thống thực nghiệm này. Cũng tương tự như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã từng học chương trình giáo dục của Việt Nam cộng hòa. Vấn đề là việc thí điểm phải có một thời gian nhất định, chứ không thể thí điểm kéo dài suốt 40 năm.
Tôi cũng hoàn toàn ủng hộ một nền giáo dục cạnh tranh, cho phép các trường học tư thục áp dụng các chương trình và sách giáo khoa khoa khác nhau, cơ quan nhà nước và xã hội sẽ đánh giá dựa trên hiệu quả đào tạo.
Vấn đề tôi muốn đề cập ở đây là việc một nhóm lợi ích đã sử dụng hệ thống giáo dục độc quyền của nhà nước để trục lợi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.