Nợ nần bủa vây Chính phủ khóa mới
Ngày 28.11, Kỳ họp thứ 8 kết thúc sau hơn 30 ngày ròng rã. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên diễn ra việc “thống kê” di sản của Chính phủ khóa 13 để lại cho khóa 14, theo đó, trong âu lo, QH đã “điểm danh” các món nợ bủa vậy Chính phủ khóa mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn
Đó là những món nợ mang đúng nghĩa “nợ” như nợ công, nợ xấu và có những món nợ mang tính “nặng nợ” nhưng về bộ máy, về con người, hậu quả của một nền hành chính công lỏng lẻo kỷ cương và dung túng cho tham nhũng.
“2016 – 2020 lấy gì để phát triển?”
Trong một phiên họp của UBTVQH chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình hình khánh kiệt của ngân sách nhà nước và ngay sau đó, tiếng chuông của người đứng đầu QH đã tạo nên khúc giao hưởng mạnh mẽ tại Nghị trường Kỳ họp thứ 8.
Từng là người đứng đầu bộ Tài chính và nhiều năm giữ cương vị Phó Thủ tướng thường trực quản lý lĩnh vực này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhìn “thấu” ngân sách có lẽ còn hơn cả những người đang cả những người đang trực tiếp cai quản túi tiền quốc gia. Hơn một năm nay, Chủ tịch QH thường nhận xét về tình hình ngân sách là “rất xấu” và đến giờ, ông thấy không chỉ rất xấu mà còn là “sang năm nợ công đã ở mức hơn 64% rồi, trong khi giới hạn không được trên 65%. Thế đến năm 2015 xơi hết rồi thì đến nhiệm kỳ sau 2016-2020 lấy gì mà bội chi, lấy gì mà phát triển nữa?”
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu lên thực tế là cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho năm nay mà còn không bố trí đủ vốn đầu tư để phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo.
Hòa chung những tiếng nói này, đại biểu QH đã tập trung tâm huyết và trí tuệ để “mổ xẻ” thực trạng của ngân sách. Các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8 đã trở lên nóng chưa từng thấy từ trước đến nay vì vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nói nỗi bức bách hàng đầu của nền kinh tế hiện giờ chính là tình hình thu chi của ngân sách nhà nước và đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cỗ xe kinh tế đang dần hết gia tốc đường đua phát triển.
Chia sẻ cùng tâm tư người đứng đầu QH về việc “xơi hết rồi thì nhiệm kỳ sau 2016-2020 lấy gì cho phát triển”. Phó Trưởng đoàn QH TP.HCM Trần Du Lịch than phiền: “Tuy chưa có điều kiện để nghiên cứu nhiều nước nhưng tôi không thấy ở đâu xài tiền ngân sách tùy tiện như ở nước mình. Tôi đi thăm một nước vào cuối tháng 12 năm ngoái, người ta tiết kiệm không dám mời cơm chúng ta và mong được thông cảm vì ngân sách khó khăn”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng nêu lên thực trạng mà ông chứng kiến ở một số huyện, xã nghèo đến mức người dân không có cả đôi dép để đi phải đi chân đất nhưng tiền ngân sách vẫn được chi tiêu hào phóng để xây trụ sở quá đẹp. Đã xuất gia, nhưng đại biểu, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm vẫn phải lên tiếng khi phải nhìn cảnh vung tay quá đà của chi ngân sách và nhà sư dẫn chứng về một số tuyến đường vừa khánh thành đã lún nứt hay trong 19 đường hầm đi bộ ở Hà Nội thì có 4 đường hầm đóng cửa không sử dụng…
“Đường dài nặng gánh gian nan”
Trước sức ép của QH về việc Chính phủ cần công khai minh bạch về nợ công. Kỳ họp thứ 8 đã “thu hoạch” được nhiều nhất từ trước đến nay các báo cáo về nợ công đi cùng với đó là sự đăng đàn giải trình của cả Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Song, nỗi hoài nghi về câu chuyện nợ nần dường như không thể có điểm dừng, ngay cả khi Thủ tướng đọc một báo cáo dài gần một tiếng đồng hồ trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, trong đó dành một thời lượng lớn để trình bày về nợ công, thì vẫn có đại biểu QH vẫn đòi hỏi Chính phủ phải khẳng định thế nào cho QH cũng như người dân có thể yên tâm được về tình hình nợ công?
Nhận định đường dài của Chính phủ nhiệm kỳ khóa mới nặng gánh trong gian nan, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển thấy rằng cái khó khăn nhất của chúng ta không chỉ là tỷ lệ nợ công sắp chạm trần mà là tỷ lệ giữa nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng vượt mức quy định (không quá 25% theo Chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020). Từ năm 2012 đã phải thực hiện vay đảo nợ, dành một phần vay để trả nợ, với số năm sau cao hơn năm trước. Đây là dấu hiệu không lành mạnh, phản ánh tình hình rất khó khăn trong cân đối ngân sách nhà nước. Do đó, nếu chúng ta không tìm biện pháp tích cực để tăng nguồn thu, tiết kiệm chi tiêu, thì sẽ rất khó khăn trong tương lai.
Cũng một quan điểm như vậy, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, mức 65% thì không phải giới hạn an toàn mà là giới hạn luật định thôi. Có nhiều quốc gia nợ công khoảng 40-50% đã vỡ nợ, trong khi có quốc gia như Nhật Bản, nợ công trên 200% GDP, hay Hoa Kỳ trên 100% GDP mà không vỡ nợ. “Ngay trong phạm vi một gia đình, nếu vẫn phải đi vay hàng năm để đảm bảo các khoản chi thường xuyên, mà lại sử dụng không hiệu quả thì ai không xót? Vì vậy, cần làm rõ nếu những cơ quan quản lý nguồn tiền không sử dụng hiệu quả thì sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào trước dân”, ông Ngân nói.
Thủ tướng cũng thừa nhận, “nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng. Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn; tỷ trọng chi đầu tư giảm; bội chi còn cao. Thực trạng này gây lo lắng, bức xúc trong xã hội; nếu chủ quan, buông lỏng, không tiếp tục chủ động kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô”.
Lê Châu (Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Chính phủ đã chi tiêu và vay nợ thế nào?
Đánh giá tình hình cân đối ngân sách nhà nước 4 năm qua (2011-2014), Ủy ban Kinh tế cho biết khó khăn do nguồn thu tăng chậm, trong khi nhu cầu chi tăng rất lớn, nguồn thu tăng 10,3%; chi ngân sách tăng nhanh và rất lớn, lên tới 12,8%, chỉ trả nợ ngày càng tăng lên. Vì vậy tỷ lệ bội chi ngân sách đã được điều chỉnh tăng cao trong các năm 2013-2014, năm 2011, bội chi ngân sách là 4,9% GDP và năm 2012 là 4,8% GDP và năm 2013 là 5,3% GDP, đưa tỷ lệ bội chi ngân sách bình quân từ năm 2011-2014 khoảng 5%GDP, cao hơn so với mục tiêu 5 năm 2011-2015 là giảm tỷ lệ này xuống dưới 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu chính phủ).
Còn theo báo cáo giải trình của Thủ tướng Chính phủ trước QH ngày 19.11, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng từ 55% lên 64,8%, trong đó chi cho con người trong chi thường xuyên tăng từ 62,2% lên 68,2%. Trong khi đó, chi cho đầu tư phát triển giảm mạnh, từ 25% trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2006-2010 xuống còn khoảng 18% giai đoạn 2011-2015. Về chuyện đi vay, như trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, giai đoạn 2011-2015, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ là 335 nghìn tỉ đồng, gấp hơn 2,5 lần giai đoạn 2006-2010 (đã phát hành 250 nghìn tỉ đồng và năm 2015 sẽ phát hành thêm 85 nghìn tỉ đồng). Về diễn biến của nợ công, tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015.
“Nặng nợ” bộ máy
Không phải “ngẫu nhiên” mà Kỳ họp thứ 8 đã chọn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn. Bởi, những tiếng ca thán về sự cồng kềnh, kém hiệu quả, kém trong sạch của bộ máy công quyền cũng đã được đẩy lên cao trào và đại biểu QH đòi hỏi vấn đề này cần được nhìn thẳng hơn bao giờ hết để giảm bớt nặng nợ cho Chính phủ khóa mới.
Qua những thông tin của người đứng đầu ngành Nội vụ của Chính phủ không khó để dự cảm về sự quá trắc trở của Chính phủ nếu muốn thực sự làm trong sạch lại bộ máy. Chẳng hạn, về việc lạm phát cấp phó, Bộ Nội vụ đã từng trình lên Ban cán sự Đảng của Chính phủ kiến nghị cần quy định “cứng” về số lượng thứ trưởng của từng Bộ nhưng khi bỏ phiếu cho kiến nghị này, thì không lần nào quá bán.
Hay về các nguyên nhân khiến việc đánh giá chất lượng công chức thiếu thực chất, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, là do người đứng đầu không dám quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm. Người tự nhận xét thì không trung thực, không dám tự nhận mình yếu kém, chưa hoàn thành nhiệm vụ. Có những nơi phải làm lại 5 lần đánh giá mới chỉ ra được người chưa hoàn thành nhiệm vụ…
Một nền hành chính, nói như đại biểu Đỗ Văn Đương, “số công chức tận tâm với công việc, sáng tạo trong công tác ngày càng ít, số công chức lười nhác chỉ “một dạ, hai vâng” nhưng lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều”, sẽ khó mà thay đổi được căn bản bởi như đánh giá của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, “cứ ngồi ỳ ra mà không có cách nào đuổi được”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.