Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

10 phát ngôn “khó quên” nhất trong năm 2014

10 phát ngôn “khó quên” nhất trong năm 2014 

(Thời sự) - “Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ!”; “Nợ nhiều, ăn hết lấy đâu đầu tư”; “Ăn thua gì, còn nhiều đồng chí chưa bị lộ”… là những phát ngôn ấn tượng năm 2014 do Ban Biên Tập chọn.



Cùng Ban Biên Tập điểm lại các phát ngôn ấn tượng trong năm 2014:
“Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ!”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy khi bàn về an toàn nợ công tại hội nghị ngành kế hoạch và đầu tư tổ chức tại Đà Nẵng hồi tháng 8/2014.
“Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ, phải bố trí đủ để trả nợ, chủ yếu là trả nợ phần đầu tư xây dựng trước. Trái phiếu cũng phải tính 5 năm. Căn cứ vào bảo đảm nợ công rồi mới tính phát hành trái phiếu thế nào để có nguồn vốn bổ sung cho đầu tư phát triển nhưng đồng thời giữ vững an toàn cho nền tài chính quốc gia”, Thủ tướng nói.
Phát ngôn của Thủ tướng được đưa ra trong bối cảnh nhiều cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ công của Việt Nam được đưa ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói “Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ!” khi bàn về an toàn nợ công tại hội nghị ngành kế hoạch và đầu tư tổ chức tại Đà Nẵng hồi tháng 8/2014.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình trạng phải vay để đảo nợ 70.000 tỷ đồng trong năm 2014. Tỉ lệ nợ công/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam cuối năm 2014 sẽ lên mức 60% và sẽ tiệm cận với mức trần giới hạn nợ công 65% vào năm sau.
“Phải làm đến mức không ai còn dám tham nhũng nữa”
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) trước các thắc mắc, kiến nghị liên quan đến vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực hồi tháng 10/2104.
Tham nhũng từng nằm “top 5” vấn đề đáng lo ngại nhất năm 2013. Sang năm 2014, vấn nạn này vẫn tiếp tục được nhân dân cả nước quan tâm.
“Phải làm đến mức không ai còn dám tham nhũng nữa”
Tổng bí thư khi nói về vấn đề này cho rằng: Tham nhũng gây hại ngay cho nền chính trị, kinh tế của đất nước nên Đảng, Nhà nước và người dân rất không đồng tình, không ai bật đèn xanh cho tham nhũng, lãng phí cả. Nhưng nó rất phức tạp nên phải kiên trì, phải làm đến mức không ai còn dám tham nhũng, không ai muốn tham nhũng nữa.
“Chúng ta muốn làm thật nhanh nhưng trên thực tế lại phải trải qua biết bao nhiêu công đoạn, bao mối quan hệ trong một vụ án phức tạp, nếu không làm cẩn thận lại xảy ra oan sai. Chúng ta kiên quyết nhưng phải tỉnh táo, làm lâu dài bằng nhiều biện pháp, làm sao đánh con chuột nhưng đừng để vỡ bình”, Tổng bí thư nói.
“Trung Quốc dứt khoát không thể chiếm được biển Đông”
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói trong chuyến thăm hợp tác xã đóng, sửa chữa tàu Bắc Mỹ An (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) để “mục sở thị” tàu cá ĐNa 90152TS bị Trung Quốc đâm chìm hồi tháng 5/2014.
Chủ tịch nước cho rằng âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc chưa thay đổi thì tính chất phức tạp trên biển chưa giảm. Nhưng Trung Quốc sẽ không độc chiếm được và “dứt khoát không thể chiếm được”.
Người đứng đầu Nhà nước cho biết đây không phải là nói để lên gân, mà là lẽ tự nhiên, bởi thế giới ngày nay toàn cầu hóa, tất cả đều biết được những hành động sai trái, vi phạm đạo lý.
Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, chúng ta phải hết sức kiên quyết, kiên trì nhưng câu chuyện chủ quyền đất nước là không nhân nhượng, bởi bao máu xương của ông cha đổ ra để Việt Nam có được nền độc lập, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hỏi về những thương tích trên tàu ĐNa 90152.
 “Nợ nhiều, ăn hết lấy đâu đầu tư” 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói như vậy sau khi lắng nghe báo cáo của Thường trực Chính phủ về dự toán thu chi Ngân sách Nhà nước năm 2014 và năm 2015 hồi tháng 10/2014.
Theo người đứng đầu Quốc hội, trước đây, chi trả nợ duy trì ở mức 11-12% tổng chi ngân sách nhà nước, song từ năm 2012 đã phải thực hiện vay đảo nợ với tổng số năm sau cao hơn năm trước.
“Nếu cứ áp dụng chi thường xuyên 72% chi NSNN như hiện nay cho nhiệm vụ năm 2015 và năm 2016 thì lấy gì để chi cho đầu tư phát triển, lấy gì để bội chi thấp đây? Cứ “xơi” hết, ăn hết thì lấy đâu ra!?”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Ông Hùng nói: “Các đồng chí phải đặt ra những vấn đề từ khó khăn này để tìm ra cách giải căn bản, lâu dài bài toán cân đối ngân sách. Tôi thấy xấu lắm rồi. Bây giờ thu được đồng nào các đồng chí đem xài hết, thứ hai là đầu tư các đồng chí giảm đi, thứ ba là cứ vay thêm ào ào. Như vậy thì một là không phát triển được đất nước, hai là trả nợ không được”.
“Tôi không thể từ chức”
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nói như vậy khi “hồi âm”câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Lý do không thể từ chức được bà Tiến đưa ra là do đang cùng toàn ngành y tế tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Lý do tiếp theo khiến Bộ trưởng không thể rời vị trí là Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là giảm quá tải bệnh viện, phòng chống dịch bệnh, đổi mới và phát triển ngành y tế… nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Trước đó, phản ánh phẫn nộ của cử tri cả nước trước dịch sởi gây chết nhiều trẻ em, một đại biểu cho rằng Bộ Y tế xử lý quá chậm. “Vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao các vụ việc tiêu cực liên tục xảy ra ở ngành y, giống như “nạn đại dịch”, hết vụ rút ruột vắc-xin ở trung tâm y tế Hà Nội, đến vụ nhân bản phiếu kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện huyện Hoài Đức, thay thiết bị đục thủy tinh thể giả ở Bệnh viện Mắt, tiêm nhầm vắc-xin ở Quảng Trị, thẩm mỹ viện Cát Tường …”.
“Ở các nước khác, nếu để xảy ra tình trạng trên, Bộ trưởng phải từ chức. Đến thời điểm này Bộ trưởng có nghĩ đến điều này không?”, đại biểu chất vấn Bộ trưởng.
“Chúng ta là ngành tiêu nhiều tiền của dân nhất”
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã từng nói như vậy tại cuộc họp về khắc phục tình trạng nhiều dự án mới đưa vào khai thác đã xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa hồi tháng 6/2014.
Bộ trưởng Thăng cho rằng, giải pháp khắc phục hiện tượng này thì “đầy đủ” song quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, nhiều mẫu vật liệu được kiểm định không đạt do lỗi của con người. Do vậy, nếu Ban quản lý làm tốt thì chất lượng công trình sẽ tốt và không có lý gì nếu ban quản lý làm nghiêm thì chất lượng kém.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: “Chúng ta là ngành tiêu nhiều tiền của dân nhất”.
“Chúng ta là ngành tiêu nhiều tiền của dân nhất, đầu tư xây dựng giao thông lớn nhất cho nên trách nhiệm của chúng ta phải sử dụng đồng tiền của nhân dân thật hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân…” – Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
Pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới!
Đó là phát ngôn ấn tượng của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khi nói về hệ thống pháp luật Việt Nam tại phiên chất vấn trước Quốc hội hồi tháng 6/2014.
“Việc có quá nhiều văn bản pháp luật khác nhau, nhiều chủ thể khác nhau nên pháp luật của chúng ta rất khó tuân thủ. Hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới”, người đứng đầu ngành Tư pháp nhìn nhận.
Bộ trưởng dẫn chứng, theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2004 thì có rất nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí là cấp chủ tịch xã. Một chủ thể cũng có thể ban hành nhiều loại văn bản khác nhau dẫn đến rất khó tuân thủ pháp luật…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới!”.
“Ăn thua gì, còn nhiều đồng chí chưa bị lộ”
Đó là lời nhận xét thẳng thắn của  Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài Việt Nam (VAFIE), nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mại, về vụ JTC tố cán bộ Việt Nam nhận hối lộ 16 tỷ đồng từng gây xôn xao trong dư luận hồi tháng 3/2014.
Ông Mại cho rằng: “Tôi nói thật là nó cũng chẳng làm mình xấu đi hơn nhiều đâu! Vì bây giờ nói về tham nhũng thì nước mình có tên tuổi thứ hạng lắm rồi, có xấu nữa cũng chả xấu hơn mấy”. Riêng tham nhũng ODA ở các nước châu Á, theo ông Mại “trừ Singapore ra thì nước nào cũng mắc phải, nhưng bệnh của mình có lẽ là nặng nhất”…
Theo ông Mại,vụ JTC tố ăn hối lộ 16 tỷ đã ăn thua gì. Nó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, chứ còn nói thật ra, thì đúng là phải nói “kính thưa các đồng chí đã bị lộ và các đồng chí chưa bị lộ”.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài Việt Nam.
“Nhiều anh em còn phải dùng miệng thử phân bón”
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nói trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, hồi tháng 11/2014.
Phát ngôn được đưa ta trước thắc mắc của đại biểu Nguyễn Thị Khá trước tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng tràn lan làm ảnh hưởng rất lớn đến người dân, doanh nghiệp…Đại biểu mong Bộ trưởng trả lời rõ ràng, cuối năm 2015 sẽ truy quét giảm được bao nhiêu phần trăm so với năm 2014 để người dân yên tâm sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.
Bộ trường Hoàng thừa nhận công tác đấu tranh của Bộ Công thương còn yếu. Đặc biệt, về phương tiện công vụ vừa yếu lại thiếu, trang thiết bị chưa đầy đủ cho nên đấu tranh hiệu quả chưa cao.
“Đi kiểm tra mà thiếu thiết bị kiểm nghiệm, để có thể xác định phân bón trên thị trường, nhiều anh em cục quản lý thị trường phải dùng miệng để kiểm tra thật giả. Đây là hiện tượng có thật”, Bộ trưởng Công thương kêu khó.
 “Nóng đầu là sa bẫy của Trung Quốc”
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đã nói như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri tại TP.HCM hồi tháng 6/2014, khi nhân dân cả nước đang vô cùng phẫn nộ trước hành động hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam của Trung Quốc.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.
Theo ông Trần Du Lịch, Trung Quốc dùng sức mạnh đè người và luôn luôn cài bẫy để Việt Nam sa vào. “Chúng ta sôi sục trong tim nhưng cần một cái đầu lạnh để nghĩ giải pháp một cách chắc chắn, chứ không nôn nóng. Nếu nóng lên sẽ sa vào bẫy của Trung Quốc” – ông Lịch nói.
Thời điểm đó, đại biểu Lịch cho rằng đấu tranh là phải kiên trì, tàu ta bị Trung Quốc đâm va hư hỏng và được đưa về sửa chữa, lại tiếp tục quay ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Lực lượng thực thi pháp luật của ta ở Hoàng Sa thật sự đang chiến đấu mặc dù không có tiếng súng và đấy là một cuộc chiến đấu cực kỳ dũng cảm…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.