Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Bị cáo Huyền Như mắc tội “lừa đảo” hay “tham ô”?

Bị cáo Huyền Như mắc tội “lừa đảo” hay “tham ô”? 25/12/2014

(Pháp luật) - Cho rằng Như không phải là người có chức vụ quyền hạn và việc bị cáo chiếm đoạt tiền là do sơ hở của 5 công ty nên luật sư của Huyền Như khẳng định bị cáo đã phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.


Ngày 25/12 phiên tòa phúc thẩm bị cáo Huyền Như và đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận của luật sư trước những cáo buộc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKS).
Trước đó, ngày 24/12, VKS đã đề nghị hủy một phần án sơ thẩm để tiến hành điều tra lại theo hướng bị cáo Như phạm tội “tham ô tài sản”.
infonet_huyen_nhu
Huyền Như sau phiên xử buổi sáng ngày 25/12.
Trong phần bào chữa sáng nay vị luật sư của bị cáo Như đã phản bác quan điểm của VKS. Theo luật sư, bản thân Như đã ý thức được hành vi phạm tội nên không kháng cáo. Trong khi đó VKS cũng không có quyết định kháng nghị nên bản án sơ thẩm là bản án đã có hiệu lực.
Vị luật sư cũng cho rằng sở dĩ Như chiếm đoạt được số tiền hơn 1.000 tỷ của 5 công ty (Chứng khoán Phương Đông, An Lộc, Hưng Yên, Saigon bank Berjaya, Bảo hiểm toàn cầu) là do sơ hở trong việc quản lý tài khoản của những đơn vị này.
Theo luật sư, Như không phải là người có nghĩa vụ, quyền hạn nên bị cáo không quản lý tài sản. Do số tiền mà Như chiếm đoạt không thuộc trách nhiệm quản lý nên không thể cho rằng bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
“Tại sao trong số rất nhiều khách hàng Như lại chỉ chọn những đơn vị trên để lừa đảo?”. Luật sư đặt câu hỏi rồi phân tích: “Vì đây là những đơn vị có quan hệ với Như”. Từ những lập luận trên ông cho rằng án sơ thẩm tuyên Như phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng, và lập luận của vị đại diện VKS đề nghị điều tra lại theo hướng Như phạm tội “tham ô tài sản” là không có cơ sở.
Trong phần trả lời HĐXX sau đó Như “xin xem xét lại hành vi trong toàn bộ vụ án”. Như cho rằng ngay từ đầu đã thực hiện ý định lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của khách hàng và Như “không phải là người có chức vụ để chiếm đoạt”.
Nguyên Giám đốc chi nhánh Vietinbank Nhà Bè xin giảm nhẹ hình phạt
Cũng trong buổi sáng ngày 25/12, ông Phan Trung Hoài – luật sư của bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Giám đốc chi nhánh Vietinbank Nhà Bè) đã bước vào phần bào chữa xin giảm án cho bị cáo này.
Theo luật sư Hoài thì dù bị quy kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng tất cả giấy tờ, hồ sơ, chữ ký (của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Võ Anh Tuấn) đều bị Như làm giả. Ông cũng cho rằng hồ sơ vụ án thể hiện không có sự đồng thuận về ý thức, hay sự bàn bạc với Như.
Đối với cáo trạng quy kết Tuấn cùng Như lừa đảo hơn 1.500 tỷ đồng của 3 công ty (Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên), luật sư cũng cho rằng Tuấn không đồng phạm, bởi bị cáo không trao đổi và cũng không biết Như đang thực hiện hành vi lừa đảo với 3 công ty này.
Tại phần trình bày của mình sau đó bị cáo Tuấn đã thừa nhận mình làm sai nhưng cho rằng án sơ thẩm xử mình 20 năm tù là quá nặng. Theo bị cáo, trong một lần ra Hà Nội để thăm bà bị tai biến đã được Như mời tới để gặp mặt “đại diện” 3 công ty trên.
“Tuy nhiên khi biết 3 công ty này có mối quan hệ với Ngân hàng Hàng hải thì bị cáo đã chủ động không làm việc mà chỉ chào xã giao” – Tuấn nói.
Sáng nay, các luật sư của Navibank đã đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng Huyền Như đã phạm tội “tham ô tài sản”. Luật sư và đại diện của 4 nhân viên (những người đã nhận ủy thác để gửi tiền vào Vietinbank) vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng tiền gửi của họ tại Vietinbank là hợp pháp và ngân hàng này phải có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền 200 tỷ.
(Theo Infonet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.