Nền kinh tế Trung Quốc dễ vỡ vì quá béo
Theo:motthegioi.vn
Trước chuyến công du Châu Á của tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 1, cả thế giới cũng đang hướng về Châu Á để theo dõi tình hình kịch tính giữa các cường quốc kinh tế ở châu lục phương Đông này, đặc biệt là nền kinh tế Trung Quốc.
Nhật Bản đang nỗ lực tìm ra giải pháp đột phá cho một sự trỗi dậy về kinh tế với cuộc bầu cử sớm của thủ tướng Shinzo Abe; trong khi Trung Quốc vừa chính thức bắt Chu Vĩnh Khang, một việc chưa có tiền lệ ở vị trí cao cấp như của Chu như một động thái cải cách thể chế mạnh tay để cải cách nền kinh tế như Nhật đang làm. Chỉ có điều, sẽ cần khá lâu nữa Trung Quốc mới có thể bắt tay vào cải cách kinh tế giống người Nhật, khi mà nền kinh tế của Trung Quốc vẫn còn quá nhiều Cholesterol.
Trong y học, Cholesterol được hiểu là những vật cản trở quá trình lưu thông máu trong cơ thể, khi lượng Cholesterol trở nên quá cao sẽ gây ra những căn bệnh chết người do mạch máu bị nghẽn. Điều này cũng đang xảy ra đối với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Dễ dàng nhận thấy sự khác biệt lớn giữa cuộc cải cách của Nhật Bản và cải cách của Trung Quốc; trong khi người Nhật chỉ phải dồn toàn tâm toàn sức cho các vấn đề về kinh tế một cách thuần túy, thì người Trung Quốc lại đang phải cải cách từ gốc, nghĩa là từ thể chế trước.
Điều đó có nghĩa là: thể chế hiện tại của Trung Quốc chưa đủ điều kiện để tiến hành cải cách kinh tế. Việc bắt cựu bộ trưởng an ninh Chu Vĩnh Khang không chỉ được xem là một hành động tập trung quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình như tổng thống Obama đã nhận xét, mà còn được giới phân tích cho rằng đó là đòn đánh phủ đầu của một chiến dịch chống nạn tham nhũng vốn đang là lực cản mạnh nhất với sự phát triển kinh tế Trung Quốc trong tương lai.
Không chỉ có các vấn đề về thể chế liên quan đến nạn tham nhũng, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc còn phải giải quyết một vấn đề quan trọng không kém, đó là những hệ quả tích tụ do ba thập kỷ phát triển quá nhanh để lại. Các lý thuyết kinh tế hiện đại đều chỉ ra rằng một quốc gia sau một giai đoạn phát triển nóng sẽ để lại nhiều hậu quả khôn lường tích tụ lại, Mỹ hay Nhật đều là những trường hợp điển hình và giờ đây Trung Quốc cũng đang đối mặt với điều đó. Đây mới được xem là lượng Cholesterol trực tiếp nhất mà Trung Quốc cần giải quyết.
Cụ thể hơn, đó là tình trạng thiếu cân bằng của nền kinh tế liên quan đến tài chính, đầu tư. Một nền kinh tế phát triển quá nóng sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra hiện tượng bong bóng kinh tế có thể dẫn đến sự khủng hoảng và sụp đổ, Nhật Bản thập niên 80 là một ví dụ điển hình. Khi nền kinh tế phát triển quá nóng, lượng tiền được đổ vào thị trường chứng khoán vượt quá những yêu cầu về vốn của nền kinh tế trên thực tế có thể gây ra tình trạng bong bóng ảo.
Các chuyên gia đã bắt đầu cảnh báo Trung Quốc về nguy cơ này khi nước này giảm lãi suất để kích thích kinh tế, tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng giảm trong khi lượng vốn đầu tư đổ vào thị trường chứng khoán vẫn đang có dấu hiệu gia tăng liên tục thực sự là một tín hiệu cảnh báo rõ rệt.
Kinh tế Trung Quốc cũng đang bắt đầu biểu hiện những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc khủng hoảng như đã từng xảy ra với Mỹ trong năm 2008. Nền kinh tế tăng trưởng nóng dẫn đến các nguồn vốn đầu tư cho bất động sản tăng lên, và đóng băng một lượng lớn nguồn vốn của nền kinh tế.
Nếu như cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008 bắt nguồn từ bất động sản, thì Trung Quốc cũng đang lâm vào tình trạng suy thoái về nhà ở. Tình trạng ế ẩm của thị trường nhà đất ở Trung Quốc đang thực sự là một cục Cholesterol lớn mà lãnh đạo nước này cần phải giải quyết.
Song song với đó, là các nhu cầu về cải thiện chất lượng từ phía người dân ngày càng tăng do các vấn đề về môi trường. Ba thập kỷ phát triển nóng với sự thờ ơ về môi trường của chính phủ đang khiến vấn đề môi trường ở Trung Quốc đang ở mức đáng báo động. Nếu như việc giảm thiểu chi phí cho vấn đề môi trường để bơm vào quá trình phát triển được xem là công thức cho thành công của việc phát triển kinh tế trong những năm qua, thì giờ đây nó đã không còn tác dụng nữa.
Vì thế, dù các chuyên gia đang nói nhiều đến việc giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sẽ tiến hành để tìm ra hướng đi mới cho nền kinh tế trong tương lai như thế nào, thì rõ ràng rằng việc trước mắt của nước này là loại trừ những khối Cholesterol khổng lồ đang cản trở và đe dọa nền kinh tế trước đã.
Sẽ mất một khoảng thời gian không nhỏ để Trung Quốc có thể tiến hành cải cách kinh tế giống như Nhật Bản hiện tại, người Nhật không có những khối Cholesterol khổng lồ cản trở quá trình cải cách kinh tế như Trung Quốc.
Hơn nữa, không những Trung Quốc cần phải giải quyết những khối Cholesterol này nếu muốn cải cách kinh tế, mà bản thân việc xử lý những vật cản này hoàn toàn có thể gây ra những hậu quả không nhỏ nếu không được giải quyết khéo léo và hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.