Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Loạt Bài Về Uber: Công Nghệ Phản Động

Loạt Bài Về Uber: Công Nghệ Phản Động

Theo:gocnhinalan.com
Bài 1: Uber và nền kinh tế thuê, nhờ, sẻ chia….
uber
Theo Thanh Hương – TBKTSG – 27 Aug 2014
Tính cách của thế hệ Y (hay còn gọi là millennial), những người sinh sau năm 1980 và trước năm 2000, đang tạo ra bước ngoặt trong xu hướng tiêu dùng của thế giới. Nó đang thách thức mô hình chuỗi cung ứng cũ và tạo ra loại hình kinh doanh mới kết hợp giữa kỹ thuật công nghệ và nền kinh tế dựa vào thói quen thuê, nhờ, sẻ chia…
Thế hệ không lệ thuộc vào sở hữu
Theo đánh giá mới đây của tờ Forbes và Business Insider dựa trên các nghiên cứu xã hội và tiêu dùng, thế hệ Y là những người cực kỳ lạc quan, dù đang ở trong khủng hoảng kinh tế vẫn luôn cho rằng mình đủ tiền sống ổn thỏa.
Nếu thế hệ cha chú coi việc phải sở hữu nhà cửa, xe hơi, và những vật dụng nào đó như cách bảo đảm sự thành đạt và một cuộc sống hạnh phúc, thì thế hệ Y này (ít ra là cho đến lúc này), không lệ thuộc vào những quy ước đó. Họ ngày càng ưa thích những phương cách ít tốn kém hơn là sở hữu.
Vì thế, họ có xu hướng thuê, đi nhờ, ở nhờ, chia sẻ, mua-bán lại những đồ đã sử dụng thay vì mua và sở hữu mọi thứ. Và chính điều đó đang làm đảo lộn toàn bộ nền công nghiệp bán lẻ và dịch vụ hiện nay.
Các nhà bán lẻ hoặc dịch vụ đã không chú ý tới hoặc coi trọng đặc điểm hành vi tiêu dùng của nhóm này, đã bỏ lỡ một nhịp cơ hội đón đầu xu hướng đó. Họ đang phải trả giá khi những doanh nghiệp mới khởi nghiệp như Rent The Runway, Spotify, Airbnb, Uber, Lyft… đã chiếm lĩnh thị trường và lớn nhanh như vũ bão chỉ bằng cách thúc đẩy làn sóng thuê, chia sẻ, đi nhờ xe, nhà cửa, vật dụng, trang phục… thành một xu hướng mới của nền kinh tế. Thuật ngữ mới để gọi hiện tượng này là “kinh tế chia sẻ” (sharing economy).
Uber – nhân vật tiêu biểu
Nếu muốn biết về kinh tế chia sẻ, hãy nhìn vào Uber, “nhân vật điển hình” của phương thức kinh doanh này, mà giới truyền thông chú ý và theo dõi ngay từ khi mới đi vào hoạt động vì tính chất mới mẻ, táo bạo, luôn ứng dụng công nghệ mới với những bước phát triển nhanh đến mức không tưởng.
Tháng 7-2010 Uber lần đầu tiên đưa ứng dụng dịch vụ “đi nhờ xe” tại San Francisco, khởi đầu trên iPhone và chỉ 10 tháng sau đó đã có trên Android. Chỉ cần điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng Uber, người dùng có thể gọi đặt xe ở bất cứ nơi nào có dịch vụ Uber phủ sóng. Nhập địa chỉ nơi bạn muốn xe đến đón, ứng dụng Uber sẽ kết nối bạn với những tài xế trong khu vực, đưa ra các lựa chọn về các loại xe từ bình dân đến cao cấp, với những mức giá khác nhau. Bạn cũng có thể theo dõi hành trình của xe, tự ước tính cước phí của chặng đường sắp đi và cũng có thể chia sẻ cước phí với hành khách khác. Tất cả quy trình cung-cầu đều được thao tác trên chiếc điện thoại.
Một năm sau, Uber đã triển khai đến New York, rồi đến các thành phố lớn của Mỹ và tiếp tục ra thị trường quốc tế, sang châu Âu rồi đến tận châu Á-Thái Bình Dương.
Tính đến thời điểm này, Uber đã gây quỹ 1,5 tỉ đô la từ các nhà đầu tư, đã có mặt ở 42 quốc gia và 151 thành phố lớn trên thế giới. Trong đó ở thị trường châu Á, Uber đã tiếp cận 27 thành phố lớn, có cả TPHCM của Việt Nam.
Từ cuối năm 2012, Uber phải đối mặt với nhiều cản trở từ chính quyền các thành phố với nhiều vấn đề đang để ngỏ về thủ tục, quy định pháp lý trong quản lý kinh doanh; cũng như những phản ứng dữ dội của khách hàng về việc tăng giá dịch vụ, đặc biệt vào dịp năm mới.
Thế nhưng Uber vẫn tiếp tục mở rộng địa bàn và sản phẩm, triển khai UberX, có giá cả phải chăng hơn do sử dụng xe “hybrid”, sử dụng nhiều nguồn năng lượng (xăng và năng lượng mặt trời); thử nghiệm Uber dọn nhà, UberRUSH (tận dụng các nhóm đi xe đạp và cả những khách bộ hành để vận chuyển hàng hóa). Tưởng tượng có UberRUSH ở Việt Nam, những tài xế xe ôm, người đi đường hay người bán hàng rong đều có thể trở thành người vận chuyển và phân phối sản phẩm qua “người môi giới” Uber.
Phát triển nhiều sản phẩm và phân khúc đa dạng như vậy, nhưng Uber không “dễ thương” đến mức để bạn dễ dàng chọn lựa giữa Uber và các đối thủ cạnh tranh. Công ty này từng chặn một ứng dụng tên là Corral cho phép người dùng so sánh các phương án vận chuyển khác nhau như Uber, Lyft, Sidecar, đi bộ và các phương tiện công cộng khác.
Tham vọng và rắc rối
Báo chí quốc tế mấy ngày nay lại đua nhau nói về Uber.
Các trang kỹ thuật như TechCrunch nói có nhiều nguồn tin khẳng định là Uber sắp tung ra ứng dụng lập trình giao diện (API) công cộng, có lẽ đã bắt đầu với Google Maps, và đoán già đoán non nào là rất có thể sẽ có nút ứng dụng Uber ngay trên bản đồ sau khi chọn đường đi và địa điểm; nào là ứng dụng bảo hộ trẻ em, như là trẻ chỉ được khởi hành sau khi được cha mẹ duyệt giá cả; hay có thể là kết hợp với các ứng dụng dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhắn tin… Trang Re/Code khẳng định Uber đã thảo luận với Facebook để đưa ứng dụng vào Messenger rồi.
Các tờ The New York Times, Businessweek, The Wall Street Journal… lại bình luận chi tiết vụ tranh chấp giữa hai công ty đối thủ Uber và Lyft. Uber cáo buộc là những tài xế và nhân viên của Lyft đã gọi và hủy 13.000 chuyến vận chuyển của Uber và Lyft cũng cáo buộc phía Uber đã làm tương tự đối với 5.000 chuyến của họ.
Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn và ngày một căng thẳng.
Nhiều tờ báo cũng tường thuật người dùng ở San Francisco rất tức giận vì cuối tuần qua khi đi từ công viên Golden Gate đến festival âm nhạc ở East Coast mà phải trả đến 472 đô la qua dịch vụ của Uber, quá đắt so với quãng đường do đông người cùng có nhu cầu đến một nơi. Tờ MarketWatch, nhân sự việc này, nghi ngờ nhiều xe mà Uber môi giới hoạt động như là taxi trong khi không áp dụng những quy tắc nghề nghiệp của loại hình kinh doanh taxi, và tăng giá vô tội vạ bất cứ khi nào có cơ hội.
Tờ báo đặt vấn đề một cách gay gắt, cho rằng điều này cũng xảy ra tương tự như với Airbnb, VRBO trong hoạt động thuê, chia sẻ nhà ở: chủ những căn nhà, căn hộ cung cấp chỗ ở qua các dịch vụ nói trên đã thực sự cạnh tranh với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này và cả khách sạn, nhưng lại không đóng thuế và mua các loại bảo hiểm liên quan. Dường như không kiềm chế được, tờ này bảo Uber đã biến “kinh tế chia sẻ” thành “kinh tế như ghẻ”!
Tờ Forbes nhẹ nhàng điềm đạm hơn, đặt vấn đề, tại sao những đổi mới lại không hòa hợp được với những quy định?
Cuộc thay thế chuỗi cung ứng già cỗi
Báo chí không phải vô cớ săm soi từng bước đi của Uber, bởi nó mới và những gì xảy ra với Uber chưa có trong sách vở hay luật lệ. Qua những tranh cãi, những lúc mang bộ mặt xấu xí hay tham lam trước truyền thông, và dẫu còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh, Uber vẫn tiếp tục đường đi của nó.
Tuần trước, chính quyền thành phố Berlin, Đức, dọa sẽ phạt Uber 25.000 euro nếu công ty này tiếp tục hoạt động tại đây, nhưng Uber cứ phớt lờ đe dọa này. Nhưng ở Washington D.C và San Francisco, Uber đã thành công, những lệnh cấm và án phạt cứng nhắc đã được thay thế bằng những lời hứa sẽ nới rộng phạm vi hoạt động và không áp đặt những quy định của dịch vụ vận chuyển đã có. Hội đồng thành phố D.C đã dỡ bỏ lệnh cấm, không những thế còn đưa ra loại dịch vụ chuyên chở điều phối điện tử. Còn ở California, Hội đồng dịch vụ công đã cho phép Uber vẫn hoạt động trong lúc chờ điều chỉnh các quy định hiện hành cho phù hợp.
Hội đồng này đang xem xét những thay đổi cho phép Uber và những dịch vụ dựa vào các ứng dụng di động tương tự là Lyft và Sidecar, tiếp tục mở rộng các hoạt động đi nhờ xe hay cho phép người bình thường dùng tài sản cá nhân còn nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập.
Đổi mới và quy định cũ không hòa hợp đơn giản vì hai bên không làm việc với nhau, Forbes kết luận. Những quy định, luật lệ, chuỗi cung ứng sẽ đi ra ngoài quy luật thị trường nếu cấm cản những yếu tố cạnh tranh mới.
Bởi công nghệ và nhu cầu của thế hệ mới sẽ không dừng lại.
Người ta đã quá bám chặt vào những quy định kiểu như “giấy phép hoạt động”, “tổng đài điều phối”, “đồng hồ ki lô mét”… mà không nhận ra rằng, không chỉ trong ngành kinh doanh vận chuyển, mà cả những ngành công nghiệp đã định hình, mô hình chuỗi cung ứng đã tồn tại đủ lâu, đủ già cỗi để đến lúc phải đổi mới và cả thay thế. Và những công ty mới, đại diện của nền kinh tế thuê, nhờ, chia sẻ… cùng với công nghệ mới này, đang thực sự góp phần vào quá trình sụp đổ đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.