Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Những gì người nước ngoài “ngạc nhiên” khi qua Mỹ?

Những gì người nước ngoài “ngạc nhiên” khi qua Mỹ?

Đây là những gì người nước ngoài “ngạc nhiên” khi qua Mỹ
america
Stacy Johnson – Money Talks – 27 tháng 11 năm 2014
Người dịch: Kevin Bùi
Năm ngoái có một câu hỏi như sau trên Quora.com: “ Những sự thật nào về nước Mỹ mà người nước ngoài không tin cho tới khi họ tới nước Mỹ?”
Những câu trả lời được đưa ra sau đó là một tập hợp những điều khiến nước Mỹ độc đáo, phần lớn từ những người đã trải qua khi họ hoặc người thân của họ tới thăm nước Mỹ lần đầu tiên. Còn gì tốt hơn trong ngày lễ Tạ Ơn cho một lời nhắc nhở rằng chúng ta đã may mắn thế nào để được sống ở nơi mà chúng ta đang sống.
Tôi đã sàng lọc qua một danh sách dài các phản hồi, những lời trích dẫn, đặc biệt là những gì liên quan tới tiền bạc mà tôi thấy thú vị, khiến người ta phải suy nghĩ, quyến rũ hoặc đáng chú ý. Không phải tất cả đều là tâng bốc, nhưng ở đây, theo chính lời của họ, là những gì về nước Mỹ đã khiến người nước ngoài kinh ngạc:
Một đất nước lớn:
“ Người nước ngoài không thể tin được đất nước này lớn đến mức nào. Tôi ở bờ biển phía Tây nước Mỹ, và họ hàng Ý của tôi tới đây nghĩ rằng họ có thể thăm tôi ở Seatle, đồng thời thăm thành phố New York, Miami, Grand Canyon và Hollywood tất cả trong vòng có một tuần – bằng xe hơi”.
“ Ít nhất cho tới những năm 1980, ở Guyana, thức ăn cho chó là thứ chưa từng tồn tại. Chó ăn đồ ăn thừa và phần lớn là ở bên ngoài nhà. Họ đã ngạc nhiên khi thấy rằng ở Mỹ, người ta tránh cho chó ăn thức ăn của người”.
“ Hầu như không có phương tiện công cộng ngoại trừ ở một vài thành phố lớn. Người ta thực sự cần phải có xe hơi để đi đến các nơi. Xe hơi ở đây là cần thiết chứ không phải sang trọng.
“ Những chai nước. Vì lý do gì đó, người ta mang những chai nước lớn khi đi ra ngoài. Và điều buồn cười là, luôn có những vòi nước lạnh công cộng ở hầu hết mỗi hành lang”.
“ Những thiên vị trong truyền thông: Thiên vị chính trị, thiên vị kinh tế, thiên vị địa lý, vv. Sự lạm dụng rõ ràng của quyền tự do ngôn luận. Nếu tôi chỉ được nghe những tin tức không chính xác, thì nhận thức của tôi về thế giới cũng hiển nhiên là không chính xác. Điều này có dễ nhận ra?
“ Người Mỹ bảo tồn thiên nhiên của họ: Tôi đã xúc động khi thấy nước Mỹ đã vượt xa như thế nào trong việc bảo tồn thiên nhiên tuyệt đẹp của họ. Thật tuyệt vời, vinh quang xin dành cho các bạn”
Một số quy tắc kỳ quặc
“ Đến từ Ấn Độ, tôi thấy sửng sốt khi thấy các phương tiện giao thông vận hành mà không hề có sự can thiệp nào của cảnh sát giao thông. Ai cũng tuân thủ các quy tắc”
“Bạn thậm chí không được sang đường ngay cả khi bạn thấy an toàn? Điều này thật điên rồ. Bạn sẽ chẳng đi tới đâu trong những thành phố như London nếu bạn tuân thủ các quy tắc mà bạn theo ở Mỹ. Không ai tin được việc người ta có thể bị cảnh sát bắt chỉ vì bạn sang đường” ( sang đường ở nơi không có đường vượt dành cho người đi bộ – ND).
“ Một thực tập viên ở chỗ làm nói rằng cậu ấy không thể đến quán rượu với chúng tôi. Tôi cho rằng đó là vì cậu ấy bị dị ứng với cái gì đó hoặc theo tín ngưỡng tôn giáo. Hóa ra là vì cậu ấy chưa tới 21 tuổi. Vậy là anh có thể bỏ phiếu, có thể kết hôn và tham gia quân đội nhưng lại không được uống bia? Chuyện đùa phải không?
“ Hệ thống tín dụng ở Mỹ sẽ tạo ra một thang điểm số ( điểm tín dụng) để đánh giá khả năng tài chính của tất cả mọi người. Không ai biết những điểm số này được tính toán như thế nào nhưng anh cần có nó nếu anh cần một khoản vay… hoặc hai khoản vay… hay ba khoản vay hay nhiều hơn nữa. Điều nực cười là: bất kể những công cụ điểm số tín dụng này, khủng hoảng tài chính năm 2008 vẫn xảy ra”
Quá nhiều quảng cáo
“ Trời ạ, làm sao người ta có thể xem truyền hình ở Mỹ mà không phát điên lên? Chúng tôi xem được nửa bộ phim, dài khoảng một giờ, nhưng phải mất gần tới hai giờ  vì quảng cáo xuất hiện mỗi 8 hay 9 phút và kéo dài tới 6-7 phút. Điều đó thì cũng chưa tệ lắm, nhưng khủng khiếp là cùng một quảng cáo lặp đi lặp lại MỖI LẦN.
Thân thiện và tin cậy
Sự tốt bụng của những người lạ. Những người tốt bụng nhất trên thế giới, thậm chí ngay cả ở New York, nơi được cho là một trong những thành phố thô lỗ nhất nước Mỹ”
“ Ở các quán bar, tôi đã trải qua tình huống mà tất cả mọi người đưa thẻ tín dụng cho nhân viên quầy bar, các nhân viên này sẽ lưu sổ mức chi tiêu của mỗi người và đưa hóa đơn thanh toán cho bạn vào cuối đêm. Điều này không xảy ra ở bất cứ nơi nào khác. Ở Anh, bạn không bao giờ nên tin tưởng các nhân viên quầy bar làm điều này – nhân viên có thể sẽ ăn cắp thẻ của bạn”.
“ Nhân viên thu ngân nào cũng chào đón bạn bằng câu hỏi “ Anh/chị có khỏe không? Anh/chị có thấy mọi thứ ổn chứ?”  bằng một nụ cười, và bạn sẽ thật ngạc nhiên trong vài lần đầu”.
“ Không hề có văn hóa từ thiện ở Nga và rất nhiều người nhìn nhận những hoạt động từ thiện của người Mỹ là sự lãng phí tiền bạc hoặc là cách thức phức tạp để đạt được một số lợi ích nào đó”
“ Người Mỹ có thể “kết bạn” – theo cách của họ- trong vòng có vài phút – và quẳng “bạn bè” đi cũng nhanh như vậy
“ Làm thế nào để mọi người biết được tầm quan trọng của việc biết tên riêng của bạn và gọi bạn bằng tên đó”.
“ Hai người bạn của tôi tới thăm từ Moscow và họ nhanh chóng đánh giá cao các khái niệm về dịch vụ đậu xe. Tự nguyện đưa chìa khóa xe của bạn cho một người hoàn toàn xa lạ là một đề nghị nguy hiểm ở rất nhiều các quốc gia khác”.
Một số thì rẻ, một số thì đắt đỏ
“Xăng có giá khoảng 9 USD một gallon ở Anh. Không có ai từ Anh có thể tin được giá xăng lại rẻ tới mức nào ở Mỹ. Đừng có kêu ca nữa, khi ở Mỹ mới chỉ có 3.5 USD một gallon (4 lít).
“ Chi phí chăm sóc sức khỏe ở đất nước này là điên rồ. Dường như tất cả các khía cạnh của việc chăm sóc sức khỏe được thiết kế với giả định “bệnh nhân phải được bảo hiểm” – nên hiểu là: thu phí càng nhiều càng tốt. Bất kỳ chữa trị y tế nào mà không có bảo hiểm đều để lại một số nợ ấn tượng cho sức khỏe tài chính của bạn trong rất nhiều năm sau này”
Cuộc sống gia đình khác biệt
“Rất nhiều người Mỹ muốn ở trong khách sạn, ít nhất là với những người Mỹ mà chúng tôi biết. Người Guyan ( hoặc ít nhất là gia đình tôi) nghĩ rằng thật lạ lùng khi anh lại muốn mất tiền trong khi anh có thể đến ở cùng người thân, kể cả khi anh có đủ khả năng tài chính đi nữa”
“ Nhiều trẻ em, kể cả trong những gia đình giàu có, cũng làm việc ở cửa hàng ăn nhanh, rửa xe và làm nhiều thứ khác nữa để có tiền và điều này không bị coi là đáng xấu hổ”.
“Anh không nói chuyện với gia đình trong hơn một tháng?”
“ Trẻ em ở đây được phép làm mọi thứ mà chúng muốn, mà không bị trừng phạt, và phần lớn là bất kính với người lớn tuổi. Ở Philippines, bốn thế hệ của gia đình sống dưới cùng một mái nhà – đôi khi là chung một giường. Ở đây, trẻ em rời khỏi nhà và đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão”
Khá tốt
“ Tôi nhận thấy rằng phần lớn người Mỹ có tiêu chuẩn sống xấp xỉ nhau. Ai cũng có thể mua thức ăn thừa thãi, ai cũng mua sắm ở cùng siêu thị, cùng trung tâm mua sắm, cùng cửa hàng, vvv. Tôi đã thấy những người thợ sửa ống nước, công nhân xây dựng và người lao công lái những chiếc xe sedan của chính họ, một điều khá khó tiêu hóa đối với tôi lúc đầu vì tôi đến từ một đất nước nơi mà công nhân xây dựng và thợ sửa ống nước chỉ đủ giật gấu vá vai.
“Tôi không nghĩ rằng có thứ gì gọi là ghế ngồi cho trẻ em trong xe hơi ở Ấn Độ. Và cha mẹ phần lớn bồng bế con cái, hầu hết không có đủ tiền để mua xe đẩy”.
“ Sự sung túc của những người già, kể cả những người sống bằng SSI và Medicard. Có rất nhiều dịch vụ dành cho họ”
“ Gia đình đằng vợ tôi đã bị sốc khi họ thấy rằng chúng tôi nhận các gói hàng được đặt ngay ở ngay ngoài cửa nhà và không có ai ăn trộm chúng. Họ cũng bị sốc với những bữa ăn buffet. Bố vợ tôi kể với mọi người ở Moscow, “ Không, thật đấy, anh chỉ phải trả tiền lúc vào thôi!”.
“Siêu thị thường có ít nhất hàng trăm loại bánh pizza đông lạnh, 50 nhãn hiệu snack, vvv. Tôi cũng đã kinh ngạc trước số lượng các loại sản phẩm khác nhau sẵn có ở một cửa hàng tiện ích của một trạm xăng nhỏ”
“Nhân viên thu ngân đưa cho tôi một chiếc ly rỗng khi tôi mua soda. Khái niệm bạn có thể rót đi rót lại hầu như không giới hạn là xa lạ với tôi, và tôi tưởng rằng có bẫy gì đó, nhưng rõ ràng là không”.
“Tại sao nhà riêng lại lớn đến vậy? Chúng tôi luôn tham gia các tranh luận rằng nhà không chỉ là chốn trú ngụ, mà còn là một biểu hiện của thành tựu tài chính của mỗi người”.
“Thùng rác của các bạn có nhiều thức ăn hơn phần lớn trẻ em trên thế giới này”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.