Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

“Hãy tự mà xoay xở đi, chúng ông không biết!”

 

“Hãy tự mà xoay xở đi, chúng ông không biết!”

Thái Hạo

15-3-2023

Khoảng 56% học sinh Hà Nội có suất vào trường THPT công lập năm học 2023-2024“. Nghĩa là gần một nửa học sinh Hà Nội phải học trường tư. Không biết ở những địa phương khác, thành phố khác, thì tỉ lệ này là bao nhiêu?

Bạn tôi sống ở một đô thị miền Trung, có con chuẩn bị vào lớp 10, đã tỏ ra lo lắng rất nhiều, vì chi phí học trường tư là rất cao so với thu nhập của gia đình. Theo lời bạn ấy, nếu phải học tư nội trú thì sẽ không dưới 10 triệu/ tháng. Số tiền ấy là một gánh nặng.

Học hết lớp 9, tức vẫn là trẻ em, thì không luật lao động nào cho phép đi làm. Còn các cơ sở giáo dục hướng nghiệp thì ta biết rồi, chất lượng rất tệ, khó mà đảm bảo cho ai một tay nghề khi tốt nghiệp.

Việc phân luồng – hướng nghiệp cho học sinh sớm là đúng, nhưng sự phân luồng ấy cần dựa trên các tiêu chí khoa học được cân nhắc trên rất nhiều phương diện, chứ không phải chỉ điểm thi đầu vào lớp 10, lại càng không thể chỉ căn cứ vào số tiền mà người học có.

Đó là chưa bàn chuyện đề thi lớp 10 có thật sự đánh giá được năng lực của học sinh hay không.

Có rất nhiều học sinh lúc nhỏ học kém nhưng khi lên cấp 3 thì mới trở nên xuất sắc. Với “học giá” tư thục như hiện nay thì đồng nghĩa với việc lấy đi cơ hội học tập của rất nhiều em, nếu không đẩy gia đình họ vào cảnh khốn đốn.

Dần, trên tất cả các lĩnh vực, trách nhiệm đã dồn vào đúng 1 chỗ: người dân. “Hãy tự mà xoay xở đi, chúng ông không biết!”.

Ở nhiều nước, cả Á lẫn Âu, học phổ thông là miễn phí. Nhà nước phải có trách nhiệm giáo dục công dân tương lai của mình, chỉ khi lên đại học, tức là học một ngành nghề để tự nuôi sống và làm giàu thì anh mới phải tự chi trả. Mà ngay cả việc chi trả này cũng được các chính sách cho vay đỡ đầu.

Tình trạng ở Việt Nam là, nếu đã nghèo thì càng nghèo thêm. Nhà nghèo thì tất nhiên không có điều kiện học hành thuận lợi như nhà giàu, cuộc đua vào lớp 10, như thế, họ đã thua ngay từ vạch xuất phát. Cứ thế, bất công kéo dài, có thể suốt đời.

Bình đẳng trong việc thụ hưởng giáo dục không thể tiếp tục căn cứ trên cái nền là tiền. Một tư duy và cách làm như thế, là vừa bất hợp lý, vừa vô nhân đạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.