10 năm, ba lần thay đổi, bốn mẫu CCCD/CMND và đề xuất có mẫu thứ năm
18-3-2023
Từ năm 2013 đến nay, có ít nhất 4 mẫu Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân được cấp ra cho công dân Việt Nam và một mẫu được đề xuất nhưng bị bãi bỏ trước khi triển khai.
Trước thông tư 57 ban hành vào tháng 11 năm 2013, công dân Việt Nam được cấp chứng minh nhân dân mẫu cũ, bằng giấy, có 9 số.
Sau khi thông tư 57 ban hành, mẫu chứng minh nhân dân đổi từ mẫu 9 số thành 12 số. Lý do mẫu này ra đời là để chuyển từ mẫu giấy dễ hư hỏng sang mẫu nhựa, đồng thời bắt đầu triển khai cấp số CMND 12 số làm cơ sở cho mã định danh công dân về sau. Mém tí nữa thì mẫu này còn ghi cả tên bố, mẹ của công dân vào mặt sau nhưng cũng may nó đã bị bãi bỏ kịp thời. Mẫu 12 số được sử dụng trong khoảng 3 năm, đến khi Luật Căn Cước Công Dân có hiệu lực vào ngày 1/1/2016.
Luật Căn Cước Công Dân 2014 và Thông tư 61 ban hành tháng 11 năm 2015 ra đời, thay đổi mẫu chứng minh nhân dân thành mẫu căn cước công dân, thẻ nhựa, có mã vạch. Lý do mẫu này ra đời là vì mẫu CMND cũ không có thiết bị lưu trữ thông tin là mã vạch, không phục vụ tốt cho công tác chuyển đổi số.
Thông tư cũng cho phép các địa phương chưa đủ điều kiện cấp CCCD được tiếp tục cấp CMND. Trong quá trình thi hành thì có lúc nhiều địa phương lớn như Sài Gòn không đủ nguồn cấp thẻ nhựa, mã vạch nên khiến công dân chờ rất lâu. Tuy nhiên, khi ban hành thì không biết vì lý do gì, CCCD vẫn ghi đúng ngày cấp theo quy định và khiến khá nhiều công dân bị cục thuế phạt vì không đến thay đổi thông tin thuế (cập nhật số CCCD mới) trong thời gian quy định.
Đến tháng 1 năm 2021, 5 năm sau khi mẫu CCCD cũ được ban hành, Bộ Công An tiếp tục ban hành thông tư 06 vào tháng 1 năm 2021 quy định mẫu CCCD mới là mẫu có gắn chip, thay cho mẫu có mã vạch. Lý do là vì mẫu gắn chip sẽ phục vụ tốt hơn, thay thế cho mã vạch, trong việc định danh công dân… Lần này thì việc thi hành thông tư 06 có vẻ quyết liệt hơn khi trong năm cao điểm dịch, các cán bộ công an vẫn tăng ca để đổi CCCD cho người dân, có khi làm đến khuya, làm lưu động. Người dân cũng nô nức đi thay đổi CCCD, bất chấp nỗi lo dịch bệnh.
Sau 7 năm thi hành (từ 2016), Bộ Công An lại tiếp tục đề xuất sửa Luật Căn Cước Công Dân. Theo tờ trình, một trong những mục đích sửa luật là vì có quá nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau, gây khó khăn cho công dân trong việc lưu trữ, sử dụng.
Năm nay, hai năm sau khi mẫu CCCD mới nhất được triển khai, thì Bộ trưởng Bộ Công An lại tiếp tục đề xuất sửa mẫu CCCD mới, trong đó bỏ vân tay, bỏ quê quán để đảm bảo riêng tư cho công dân, và nhiều thay đổi khác với mẫu CCCD. Cũng không rõ vì sao mới 9 năm trước, khi soạn thảo Luật Căn Cước Công Dân năm 2014, hay hai năm trước khi triển khai soạn thảo Thông tư 06, Bộ Công An không nêu lên vấn đề riêng tư cho công dân.
Nếu được chấp thuận thì đây sẽ là mẫu CCCD/CMND thứ 5 mà người dân có thể có trong 10 năm qua. Hy vọng lần này Bộ Công An đã thông suốt, hài lòng với mẫu CCCD của mình sau nhiều lần thể nghiệm để tuổi thọ của các mẫu CCCD được kéo dài. Tuổi thọ trung bình của một mẫu CCCD/CMND được Bộ Công An đề xuất trong 10 năm qua là vào khoảng hơn ba năm ba tháng/mẫu.
Đây không phải là giấy tờ duy nhất mà Bộ Công An từng đề xuất sửa mẫu trong thời gian ngắn. Trước đó, mẫu hộ chiếu đã được sửa trong thời gian ngắn. Luật Căn Cước Công Dân cũng như luật hộ chiếu đều là các luật do Bộ Công An chủ trì soạn thảo, phục vụ các mục tiêu quản lý của Bộ Công An.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.